Nguồn: Is the Caspian a sea or a lake?, The Economist
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Caspi là gì? Trong 20 năm, Azerbaijan, Iran, Kazakhstan, Nga và Turkmenistan, những quốc gia bao quanh nó, đã không thống nhất được về việc nó là hồ hay biển. Giống như nhiều hồ, nó không đổ vào đại dương, nhưng có kích thước và độ sâu tương tự biển. Sự khác biệt không chỉ đơn thuần về mặt từ ngữ, mà còn có ý nghĩa kinh tế, quân sự và chính trị. Bề mặt và đáy hồ được chia đều cho các quốc gia tiếp giáp hồ. Trong khi biển được điều chỉnh bởi Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Khu vực bề mặt và đáy biển gần bờ được phân chia căn cứ theo chiều dài bờ biển của quốc gia ven biển. Khi Iran và Liên Xô là hai quốc gia duy nhất tiếp giáp Caspi, một loạt các hiệp ước song phương đã xác định đây là một hồ nước được phân chia bằng nhau giữa hai bên. Iran, quốc gia có bờ tiếp giáp Caspi ngắn, vẫn thích ý tưởng cũ. Kazakhstan, nước có bờ dài nhất dọc Caspi, là một trong những quốc gia thích gọi nó là biển.
Lưu vực Caspi và khu vực xung quanh rất giàu hydrocarbon, với trữ lượng 48 tỷ thùng dầu và hơn 8 nghìn tỷ mét khối khí đốt, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ. Các quốc gia xung quanh đã khai thác nguồn dự trữ gần bờ của họ, nơi quyền tài phán là như nhau bất kể Caspi là hồ hay biển. Nhưng nhiều mỏ hydrocarbon ở phía nam Caspi đang bị tranh chấp bởi Azerbaijan, Iran và Turkmenistan. Ngoài ra, Turkmenistan, với trữ lượng khí đốt lớn thứ tư thế giới, đang hy vọng sẽ xây dựng một hệ thống Đường ống xuyên Caspi để xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Nga từ lâu đã phản đối đường ống này. Nga đưa ra các quan ngại về môi trường, nhưng có thể quốc gia này bị thúc đẩy nhiều hơn bởi mong muốn duy trì vị thế thống trị thị trường của mình.
Vào ngày 12 tháng 08 năm 2018, các nhà lãnh đạo của năm quốc gia ven bờ Caspi đã gặp nhau tại thành phố Aqtau của Kazakhstan để xác định tình trạng pháp lý của vùng nước này. Công ước về Tình trạng Pháp lý của Biển Caspi được đưa ra như một thỏa hiệp. Bất chấp tên gọi, công ước này xác định rằng Caspi không phải là hồ hay biển. Bề mặt Caspi phải được đối xử như mặt biển, với việc các quốc gia có quyền tài phán trong phạm vi 15 hải lý trên bề mặt tính từ đường bờ biển của họ và quyền đánh cá kéo dài thêm mười hải lý. Nhưng đáy biển và các mỏ khoáng sản nhiều lợi nhuận của nó chưa được phân bổ một cách chính xác. Sự phân chia các lợi ích này được để cho các quốc gia tự thỏa thuận trên cơ sở song phương. Công ước cũng cho phép xây dựng các đường ống, chỉ cần sự chấp thuận của các quốc gia có khu vực đáy biển mà đường ống đó đi qua, tuân theo các quy định về môi trường, và nghiêm cấm các quốc gia không tiếp giáp Caspi được triển khai các tàu quân sự trên bề mặt khu vực này.
Công ước rõ ràng có lợi nhất cho Nga trong ngắn hạn. Nga đảm bảo sự thống trị của Hạm đội Biển Caspi, khu vực từ đó họ đã phóng tên lửa vào các mục tiêu ở Syria. Công ước cũng đóng vai trò thể hiện sự hợp tác giữa Nga và Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và cho phép Nga tái khẳng định mối quan hệ với các quốc gia Caspi trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Các lợi ích của công ước đối với các quốc gia tiếp giáp Caspi khác mơ hồ hơn. Kazakhstan sẽ được hưởng lợi từ một khuôn khổ vững chắc hơn cho quyền tài phán của họ đối với mỏ dầu ngoài khơi Kashagan, nhưng điều này đã có hiệu lực từ trước. Tính khả thi của các đường ống xuyên Caspi, lấy dầu từ Kazakhstan và khí đốt từ Turkmenistan chuyển đến Azerbaijan, đã được tái khẳng định, mặc dù những điều này về mặt kỹ thuật đã được cho phép theo luật pháp quốc tế. Không rõ liệu các quốc gia Caspi khác có thể ngăn chặn việc xây dựng các đường ống này bằng cách đưa ra các quan ngại về môi trường hay không.
Nhưng một giải pháp cho khu vực bị tranh chấp ở phía nam Caspi vẫn đang rất mơ hồ. Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rõ rằng cần có nhiều thỏa thuận hơn để chia đáy biển thành các vùng lãnh thổ. Bề mặt Caspi có thể có tình trạng pháp lý giống biển hơn, nhưng số phận của đáy biển bên dưới vẫn còn là một chủ đề đang trong quá trình đàm phán.