Đàm phán thương mại Trung – Mỹ sẽ gặp khó khăn?

Print Friendly, PDF & Email

Tổng hợp: Nguyễn Hải Hoành

Cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung bắt đầu tiến hành tại Bắc Kinh trong hai ngày 14 và 15/2. Đây là cuộc hội đàm cuối cùng trước thời hạn chót chấm dứt cuộc chiến thương mại song phương (ngày 1/3, do Mỹ ấn định), vì thế dư luận rất quan tâm. Gọi là cấp cao vì nó có sự góp mặt của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

Nếu không đạt được một thỏa thuận trước ngày 1/3 thì chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục và Mỹ sẽ nâng thuế đánh vào 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 10% lên 25%. Cuộc đàm phán gần đây nhất kết thúc cuối tháng 1 tại Washington đã không đạt thỏa thuận nào. Phía Mỹ chỉ nói còn rất nhiều việc phải làm. Xem ra họ quyết đi đến thỏa thuận.

Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc chiều 13/2 ra xã luận dưới tiêu đề “Tiếp tục dùng tâm thái bình thường đón tiếp cuộc đàm phán cấp cao Trung-Mỹ”.

Bài xã luận viết:

Thái độ lạc quan của phía Mỹ “vượt quá dự kiến của phía Trung Quốc”, “ý muốn đạt thỏa thuận của phía Mỹ không ngừng tăng lên”…Thái độ của phía Trung Quốc ổn định, quyết không có nhượng bộ nào tổn hại lợi ích căn bản của Trung Quốc, vì thế phía Mỹ đã có thay đổi thái độ cơ bản. Tổng thống Trump hôm 12/2 nói có thể kéo dài thời hạn đàm phán. Đây là động thái mới nhất của Mỹ cho thấy họ muốn đàm phán đạt được thỏa thuận.

Giới tinh hoa Mỹ muốn mạnh tay hơn với Trung Quốc, cố giành phần thắng cho Mỹ, nhưng chúng ta (Trung Quốc) tin rằng Trump thông minh hơn họ nhiều, vị tổng thống xuất thân nhà buôn này hiểu rằng lẽ phải trong buôn bán là hai bên cùng thắng. Ông phân biệt rõ thủ đoạn đàm phán thì khác với thỏa thuận cuối cùng. Chiến tranh thương mại không phải là chiến tranh thật sự, logic của hai bên là nói một đằng làm một nẻo.

Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ không thể xấu đi lâu dài hoặc vô thời hạn, nhưng khả năng đạt một thỏa thuận toàn diện xóa bỏ căn bản mọi tranh chấp thì cũng rất nhỏ. Nếu không đạt được thỏa thuận thì tiến trình đàm phán cũng sẽ không gián đoạn, sẽ có các cơ duyên khác thúc đẩy khôi phục đàm phán.

“Người Trung Quốc cần tôn trọng phía Mỹ, đồng thời mãi mãi cần kiên định tôn trọng hơn nữa chính mình… Đây là thái độ và nguyên tắc bất biến của chúng ta,”  bài báo kết luận.

Hầu hết các comment về bài này của dân mạng Trung Quốc đều tán thành kết luận trên, đáng chú ý một nhận xét ỡm ờ: “Nói chính xác tâm trạng lo sợ”. Phải chăng là nỗi lo sợ của Trung Quốc?

Hồi giữa năm ngoái, khi bắt đầu chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, chính tờ Thời báo Hoàn cầu từng đăng một số bài giọng điệu cực kỳ lạc quan, tư thế lấn lướt, tỏ vẻ Trung Quốc chắc chắn thắng, Mỹ chắc chắn thua, cổ súy người Trung Quốc nên nhân dịp này nện cho người Mỹ một trận nhớ đời. Nếu so sánh với giọng điệu bài xã luận nói trên, có thể thấy thái độ của phía Trung Quốc đối với cuộc chiến thương mại này đã có thay đổi đáng kể.

Trong khi đó, tờ New York Times ngày 12/2 đăng bài “Đàm phán Trung-Mỹ gặp trở ngại lớn: Liệu Bắc Kinh có thể thực hiện các cam kết hay không?” Tác giả Keith Bradsher dự kiến phái đoàn Mỹ sẽ bị Bắc Kinh tiếp đón lạnh nhạt và cuộc đàm phán này khó có khả năng đạt được một hiệp định, “nguyên nhân là sự bất mãn bên trong Chính phủ Trung Quốc”.

Bradsher viết:

17 năm sau ngày Trung Quốc gia nhập WTO (2001), nước này chưa hề thực hiện các cam kết họ hứa hồi ấy, chẳng hạn mở cửa cho nước ngoài tham gia các ngành kinh doanh béo bở như ngân hàng, bưu điện và thanh toán điện tử… Vì thế tác giả không tin rằng lần này Trung Quốc có thể thực hiện các cam kết sẽ hứa trong đàm phán với Mỹ.

Một nguồn thạo tin giấu tên nói phía Mỹ hy vọng sẽ lập một cơ chế bảo đảm nếu xuất khẩu từ Trung Quốc tiếp tục tăng thì (phía Mỹ) sẽ tự động nâng cao mức thuế đánh vào hàng Trung Quốc.

Năm 2001 khi Trung Quốc gia nhập WTO, Tổ chức quốc tế này có thông qua một quy tắc: Nếu xuất khẩu từ Trung Quốc tăng lên làm rối loạn thị trường nội địa quốc gia thành viên WTO thì cho phép quốc gia đó nâng mức thuế đánh vào hàng Trung Quốc. Nhiều nước đã không muốn áp dụng quy tắc này, qua đó tạo khả năng để kinh tế Trung Quốc tăng trưởng.

Tổng thống George W. Bush từng 4 lần từ chối áp dụng quy tắc trên, vì các cố vấn của ông lo ngại hành động đó sẽ gây ra chiến tranh thương mại toàn diện.

Năm 2009, Tổng thống Obama từng một lần áp dụng quy tắc đó, đánh thuế lên lốp xe Trung Quốc chế tạo. Trung Quốc đáp trả bằng cách thu thuế với xe hơi Mỹ, tới năm 2013 mới hủy bỏ. Bắc Kinh còn đánh thuế vào gia cầm Mỹ, nhưng chỉ thực hiện trong một năm. WTO đứng về phía Mỹ, cho dù chính phủ Obama bị dân Mỹ phê phán vì làm người tiêu dùng tăng chi tiêu.

Quy tắc kể trên của WTO bị bãi bỏ vào năm 2013, về lý thuyết nó làm cho bất kỳ hành động trả đũa nào từ phía Trung Quốc ngày nay càng trở nên có lý do trên vũ đài thế giới.

Cho dù như vậy, phía Mỹ vẫn muốn áp dụng quy tắc trên. Theo điều 421 Luật Thương mại 1974, trước tiên chính phủ phải chứng minh được rằng xuất khẩu của nước khác đang gây thiệt cho nước Mỹ, sau đó tổng thống mới có thể đánh thuế hàng của nước đó.

Việc Mỹ muốn thi hành quy tắc đánh thuế của WTO không phải là trở ngại duy nhất cho đàm phán với Trung Quốc. Mỹ còn muốn chính phủ Trung Quốc ngừng trợ cấp cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc và nới lỏng sự quản lý nền kinh tế Trung Quốc.

Bất đồng giữa Trung Quốc với Mỹ còn rất lớn. Michael Wessel thành viên Ủy ban Thẩm tra an ninh kinh tế Mỹ-Trung nói: “Đây rất có thể là thời cơ tốt nhất để chống lại chính sách kiểu cướp đoạt và có tính bảo hộ của Trung Quốc”.

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp theo Hoàn cầu thời báoThe New York Times.