Nguồn: Tran Le Thuy, “Vietnam and the Dilemma of New Wealth”, Project Syndicate, 28/02/2019.
Biên dịch: Phan Nguyên
Năm ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Hà Nội tại hội nghị thượng đỉnh song phương lần hai, hai cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông Việt Nam đã bị bắt giữ và bị buộc tội vi phạm các quy định quản lý và sử dụng vốn nhà nước. Hai vị này đã chấp thuận cho một công ty viễn thông nhà nước mua lại một nhà cung cấp dịch vụ truyền hình tư nhân với mức giá gấp hơn bốn lần giá trị ước tính của công ty đó, gây thiệt hại khoảng 307 triệu đô la Mỹ cho nhà nước.
Tương tự, vài tháng trước, hai thứ trưởng công an, một bộ trưởng giao thông vận tải, và một cựu giám đốc của tập đoàn dầu khí quốc gia đã bị đưa ra tòa với cáo buộc bán rẻ tài sản nhà nước cho các công ty tư nhân. Những trường hợp này chỉ ra mức độ thao túng nhà nước, rút ruột tài sản công ở mức độ cao – một hình thức tham nhũng đầy rẫy ở các nước thuộc khối Xô viết cũ, trong đó các ông chủ tư nhân nhiều quyền lực sử dụng các quan chức tay trong để giành quyền kiểm soát các thiết chế và tài sản công.
Giống như Triều Tiên, Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế trong khi cho phép sở hữu tư nhân hạn chế. Tuy nhiên, sau ba thập niên, Việt Nam – giống như nhiều nước đang phát triển – không tránh khỏi những tác động bất lợi của giới tinh hoa chuyên bòn rút. Có bằng chứng cho thấy các công ty tư nhân hùng mạnh gây ảnh hưởng không chính đáng lên các chính sách trong nước. Theo một bài bình luận trên tờ Nhân dân của cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, “chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay”. Ông viết: “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm…, gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế.”
Tuy nhiên, mô hình lai của Việt Nam kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường đã được quảng bá rộng rãi như một mô hình cho Kim noi theo. Từ năm 2007 đến 2017, GDP của Việt Nam đã tăng 210% và theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, hơn 200 người Việt Nam có tài sản có thể đầu tư ở mức ít nhất 30 triệu đô la. Đã gia tăng 320% trong giai đoạn 2000-2016, tầng lớp siêu giàu Việt Nam đang phát triển nhanh hơn so với ở Ấn Độ (290%) và Trung Quốc (281%). Và nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, con số này sẽ tăng thêm 170% – từ 14.300 lên 38.600 triệu phú – vào năm 2026.
Một phần đáng kể trong tầng lớp người giàu mới nổi này đã thu được tài sản bằng cách tận dụng những sơ hở trong hệ thống quản trị. Chủ nghĩa thân hữu đã phát triển mạnh khi thiếu vắng các quy định rõ ràng về quyền sở hữu tài sản và xung đột lợi ích từ phía các quan chức nhà nước. Một lý do rõ ràng là nhân viên chính phủ thường được trả mức lương cực thấp; thậm chí mức lương thủ tướng chỉ khoảng 750 đô la mỗi tháng.
Trong bối cảnh đó, Đảng CSVN đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có tiền lệ, đồng thời công khai những nỗ lực nhằm chống lại các nhóm lợi ích và ngăn chặn việc bòn rút tài sản nhà nước. Cho đến nay, việc truy tố một số cựu quan chức cấp cao đã làm giảm bớt sự bất bình của công chúng. Và hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, cùng với cuộc chiến thương mại của Trump chống lại Trung Quốc, dường như đã giúp thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn, qua đó giảm bớt một số áp lực cho nền kinh tế cũng như chính phủ. Nhưng về lâu dài, Đảng không thể dựa vào những vận may như vậy.
Hơn nữa, tăng trưởng trước đây của Việt Nam dựa nhiều vào đầu cơ bất động sản và chứng khoán, thay vì sản xuất, công nghệ và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao khác. Nhưng nếu đất nước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và đạt được sự tăng trưởng bền vững hơn, cần có những cải cách chính trị sâu sắc.
Trong ba năm qua, các nhà tư tưởng hàng đầu của Đảng CSVN đã tổ chức một số thảo luận công khai về việc đưa vào hệ thống thêm nhiều cơ chế giám sát quyền lực. Ngoài các vụ xét xử tham nhũng, còn có các kế hoạch để giảm số người trong biên chế nhà nước và tăng lương cho những người còn lại.
Khi xây dựng kế hoạch phát triển mới, Đảng dường như lấy cảm hứng từ Singapore và các nước Bắc Âu. Mục tiêu là chuyển từ mô hình dựa trên lao động giá rẻ và đầu tư dựa vào công nghiệp, ô nhiễm cao, thâm dụng vốn sang mô hình dựa vào các công nghệ và dịch vụ tiên tiến, đảm bảo tăng trưởng bền vững và công bằng hơn.
Nếu nhìn từ các tuyên bố công khai, các nhà lãnh đạo Đảng dường như đã nhận ra rằng tham nhũng trắng trợn và bất bình đẳng gia tăng nhanh là mối đe dọa đối với tính chính danh của Đảng. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những nỗ lực thực thi hiện tại sẽ có thực sự dẫn đến những cải cách chính trị có ý nghĩa, chống tham nhũng hiệu quả và các quy định rõ ràng hơn về quyền sở hữu tài sản hay không, để giới nhà giàu không còn có thể dựa vào những quan chức trong bộ máy để tích lũy và bảo vệ tài sản của họ.
Phần lớn luận điệu của Đảng đã tập trung vào sự cần thiết phải nâng cao “đạo đức” của các quan chức chính phủ. Nhưng sẽ tốt hơn nếu Đảng chấp nhận rằng theo đuổi lợi ích cá nhân là một bản năng mạnh mẽ không thể chối cãi của con người. Nếu chỉ khuyến khích các quan chức chính phủ hành xử trung thực nhằm phụng sự công chúng, Đảng có nguy cơ bỏ lỡ một cơ hội thiết lập các cơ chế giám sát tham nhũng mạnh mẽ và lý tính hơn.
Còn đối với những nỗ lực của Đảng nhằm chuyển đổi nền kinh tế, điều đáng chú ý là trong thời gian chuẩn bị diễn ra hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nỗ lực nâng cao hình ảnh đất nước bằng cách đích thân chọn một số món ăn Việt Nam cho các nhà báo nước ngoài. Trước đây, Đảng luôn coi báo chí nước ngoài như là mối đe dọa cần tránh, do những chỉ trích trong quá khứ của giới truyền thông nước ngoài về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam. Nhưng bây giờ, mục tiêu là thúc đẩy ngành du lịch bằng cách quảng bá Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hàng đầu.
Khi chiếc xe chở ông Kim đi xuyên qua Hà Nội trong tuần này, nhiều người Việt Nam đã chào đón ông, không phải vì họ nhớ tới các chính sách kinh tế khép kín của những năm 1980, mà bởi vì cảnh tượng này gợi họ nhớ đến các cuộc đàm phán của chính Việt Nam nhằm bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ giai đoạn 1993-1994. Thành công ngoại giao đó đã giúp một phần đáng kể dân số Việt Nam thoát được cảnh đói nghèo.
Nhưng dù hầu hết người Việt Nam đã được gia tăng mức sống thời gian qua, mô hình kinh tế sau ba thập niên phải được chuyển đổi. Việt Nam lại một lần nữa ở ngã ba đường. Mặc dù Kim và Trump không thể đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt các lệnh trừng phạt của Mỹ trong tuần này, Kim dường như vẫn đang đi theo hướng con đường Việt Nam đã chọn. Nếu Kim nghiêm túc trong việc mô phỏng mô hình lai kết hợp chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường của Việt Nam, ông ta sẽ phải lưu tâm đến những rủi ro của mô hình này.
Tran Le Thuy là một phóng viên và nhà nghiên cứu tại Hà Nội.