Nguồn: Ankit Panda, “Exclusive: Revealing Kangson, North Korea’s First Covert Uranium Enrichment Site”, The Diplomat, 13/07/2018.
Lược dịch: Nguyễn Hải Hoành
Từ đầu những năm 2000, Triều Tiên bắt đầu xây dựng một cụm công trình kín đáo ở một nơi cách thủ đô Pyongyang (Bình Nhưỡng) vài km về phía đông nam, không xa bờ sông Taedong. Công trình này nằm ở phía đông thị trấn Chollima, nơi năm xưa người Nhật từng xây dựng nhà máy sản xuất thép cỡ lớn sau khi chiếm bán đảo Triều Tiên.
Đây là cơ sở làm giàu uranium bí mật đầu tiên của Triều Tiên, tình báo Mỹ gọi là cơ sở làm giàu Kangson (Kangson enrichment site). Tại đây, trong khoảng 15 năm qua Triều Tiên đã thực hiện việc làm giàu uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân. Sau đó họ còn xây dựng một cơ sở làm giàu không giữ bí mật có tên Yongbyon, được vận hành từ năm 2010.
Tạp chí The Diplomat (Nhà ngoại giao) cùng với một nhóm các nhà nghiên cứu nguồn mở tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey do Jeffrey Lewis đứng đầu, đã xác định được địa điểm làm giàu bí mật Kangson. Ngoài ra, một nguồn thạo tin trong chính phủ Mỹ nắm được thông tin mới nhất về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đã xác nhận với The Diplomat rằng địa điểm bị phát hiện này tương ứng với cơ sở làm giàu bí mật được tình báo Mỹ gọi là Kangson, và họ đã theo dõi địa điểm này trong hơn một thập niên.
Cơ sở làm giàu Kangson ở ngay ngoại thành thủ đô Pyongyang
Cơ sở này được xây dựng xung quanh một tòa nhà lớn, được cho là nơi đặt các tầng máy ly tâm khí chủ yếu dùng để sản xuất uranium-235 nồng độ cao thích hợp làm vũ khí hạt nhân. Sảnh chính dài 50 mét và rộng 110 mét. Chưa rõ về chiều cao tòa nhà và cũng chưa biết liệu tòa nhà này có thể có một khu vực ngầm dưới lòng đất hay không. Toàn bộ khu vực, bao gồm sảnh chính, lối vào dài và các kiến trúc bổ trợ, được bao bọc bởi một bức tường dài 1 km, cho thấy đây là một khu vực an ninh cao.
Thật kỳ lạ, cơ sở Kangson nằm cách đường cao tốc Pyongyang-Nampo chỉ 1 km, con đường lớn này nối liền thủ đô với thành phố cảng Nampo trên biển Hoàng Hải. Lối vào Kangson cách đường cao tốc chính 1 km, dọc theo con đường nối vào thị trấn Chollima. Du khách đi từ Pyongyang đến Chollima có thể sẽ lái xe qua địa điểm Kangson.
Ảnh trên của Google Earth cho thấy vị trí của Kangson trong tương quan với thủ đô Pyongyang. Đáng lưu ý: Kangson ở cách khu dân cư Mangyongdae của Pyongyang chỉ hơn 5 km, khu này là nơi sinh ra người sáng lập Bắc Triều Tiên Kim Il Sung (Kim Nhật Thành). Như vậy là trong hơn chục năm qua, Triều Tiên đã làm giàu uranium một cách hiệu quả ở vùng ngoại ô Pyongyang, ngay trước cửa vùng đất huyền thoại đã sinh ra Kim Il Sung.
Nhờ có kết nối giao thông thuận tiện, cơ sở Kangson đã hoạt động khá trơn tru. Các cơ sở máy ly tâm khí lớn như Kangson đòi hỏi phải được thường xuyên bổ sung vật tư cần thiết và xử lý lượng bã uranium cạn kiệt. Ảnh vệ tinh chụp những năm gần đây cho thấy các phương tiện vận chuyển lớn thường xuyên ra vào khu Kangson. Phía tây của sảnh chính dường như có một cổng lớn để cho xe tải ra vào tòa nhà. Các xe tải đó chở đến đây những vật liệu quan trọng dùng cho quá trình làm giàu uranium, như uranium hexafluoride, và chở đi khỏi cơ sở này lượng uranium đã cạn kiệt (bã uranium); chúng cũng có thể vận chuyển uranium đã làm giàu đến những nơi cần thiết, kể cả Viện Vũ khí hạt nhân Triều Tiên (cơ sở Kangson ở không xa Nhà máy Tên lửa Chamjin).
Hình ảnh tiếp sau lấy từ Planet Labs, Inc. là bản đồ cơ sở Kangson, có kèm chú thích của Jeffrey Lewis. Từ bản đồ, có thể thấy hai bên phía tây tòa nhà chính có một cụm các nhà chung cư nhiều tầng (cao nhất tới 7 tầng), có lẽ là nhà ở của những người làm việc tại cơ sở này. Các tượng đài Kim Jong Il và Kim Jong Un dựng trong khu Kangson cho thấy hai lãnh tụ từng đến thăm nơi đây; điều đó chứng tỏ vai trò quan trọng về mặt quốc phòng của cơ sở Kangson. Những tượng đài như thế đã được đặt tại các địa điểm quan trọng khác của Triều Tiên, như Viện Vật liệu hóa học – nơi Kim Jong Un đến thăm vào tháng 8 năm ngoái, hoặc Nhà máy tên lửa Chamjin.
Theo ước tính mới nhất của tình báo Mỹ, sản lượng uranium của Kangson lớn gần gấp đôi sản lượng của Yongbyon.
Tìm thấy Kangson
Từ lâu, các chuyên gia về vấn đề không phổ biến hạt nhân đã dự đoán: ngoài cơ sở được biết tại Yongbyon, Triều Tiên còn có một cơ sở bí mật làm giàu uranium, nhưng chưa có thông tin chi tiết nào được công bố. Tháng 5/2018, báo Washington Post lần đầu tiên đưa tin Triều Tiên có một cơ sở làm giàu uranium bí mật tại một địa điểm “được cho rằng có tên là Kangson”. Lời khai của những người Bắc Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc đã xác nhận thông tin này.
Báo cáo ngày 30/6/2018 của Washington Post và một phân tích tại NKPro cho biết tình báo Mỹ gọi cơ sở bí mật nói trên là Kangson — tên gọi cũ của thị trấn Chollima dưới thời Nhật chiếm.
Một nguồn tin tình báo Mỹ cho The Diplomat biết: từ năm 2007 Mỹ đã chú ý tới việc Triều Tiên xây dựng cơ sở này, nhưng cho đến năm 2010 Mỹ mới nghi ngờ về vai trò làm vũ khí hạt nhân của nó. Trước đấy, một nguồn tin khác từng nói với The Diplomat rằng năm 2007, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ ước tính kho dự trữ vật liệu hạt nhân phân hạch và tích lũy của Triều Tiên đủ dùng để làm ít nhất 60 vũ khí hạt nhân và tăng trưởng với tốc độ mỗi năm 12 vũ khí. Ước tính này dựa trên tổng sản lượng uranium được làm giàu ở mức cao của hai cơ sở Kangson và Yongbyon. Kể từ đó, tình báo quân đội Mỹ đã phát hiện ra sự tồn tại của một cơ sở làm giàu bí mật thứ ba.
Ảnh vệ tinh trên Google Earth 2001 cho thấy vào năm ấy cơ sở nói trên chưa tồn tại; khu vực đó là đất nông nghiệp chưa khai thác. Hình ảnh gần đây nhất trên Google Earth 2009 cho thấy một cơ sở gần như đã hoàn thành. Sau đấy Triều Tiên đã xây dựng thêm một số công trình cho khu dân cư trong khu vực này, nhưng phần còn lại của cơ sở đó vẫn không thay đổi.
Ảnh vệ tinh nhóm Lewis có hồi tháng 4/2002 cho thấy khi ấy Triều Tiên đang xây dựng tòa nhà làm giàu chính của Kangson. Lewis dự tính cơ sở này có thể đã hoạt động vào đầu năm 2003 (tháng 1/2003, Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân).
Tiếp theo là ảnh chụp hồi tháng 4/2002 (Ảnh do Geo4NonPro. cung cấp). Vào cuối những năm 1990, Triều Tiên nhận được sự hỗ trợ về công nghệ máy ly tâm khí từ nhà khoa học hạt nhân Pakistan là Abdul Qadeer Khan. Đến năm 2002, tình báo Mỹ phát hiện việc Triều Tiên tìm cách dùng uranium làm vũ khí hạt nhân, dẫn đến hậu quả là sự sụp đổ của hiệp định khung đạt được vào cuối năm đó. Hiện còn chưa rõ phải chăng Kangson là một trong các lý do khiến Mỹ đánh giá Triều Tiên đang theo đuổi chương trình bí mật làm giàu uranium.
Kangson có thể là cơ sở máy ly tâm khí lớn đầu tiên của Triều Tiên, cho phép các nhà khoa học hạt nhân nước này thử nghiệm các tầng máy ly tâm khí ban đầu, trước khi thiết lập cơ sở làm giàu mới tại Yongbyon – địa điểm này sẽ có ngày được công khai cho các nhà khoa học nước ngoài. Cuối cùng, Triều Tiên đã thành công trong việc che đậy Kangson và không chính phủ Mỹ nào cho rằng mình nên tiết lộ thông tin về địa điểm đó.
Ảnh hưởng đối với chính sách ngoại giao của Triều Tiên
Tháng 7/2018, Mỹ và Triều Tiên tham gia một vòng đàm phán ở cấp nhóm làm việc về phi hạt nhân hóa và một loạt các vấn đề khác liên quan đến mối quan hệ song phương, một vấn đề vẫn còn bị nghi ngờ sau hơn 2 thập niên đàm phán. Trong lời chúc đầu năm nay, Kim Jong Un đã giao cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng và vũ khí hạt nhân nhiệm vụ sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân.
Kể từ đó tới nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy các máy ly tâm đặt tại Kangson, Yongbyon hoặc cơ sở làm giàu không xác định thứ ba đã ngừng chạy. Đối với Mỹ, mục tiêu chủ yếu về phi hạt nhân hóa là tước bỏ cơ hội để Triều Tiên có được vật liệu hạt nhân. Tuy nhiên, trước những tiến bộ của Triều Tiên trong công nghệ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Mỹ có thể buộc phải chấp nhận một thỏa thuận đóng băng tạm thời.
Nhưng việc đạt được bất kỳ thỏa thuận nào như vậy sẽ phụ thuộc vào khả năng Triều Tiên tự khai báo về các cơ sở bí mật như Kangson. Có thể Triều Tiên vốn dĩ đã đánh cuộc rằng tình báo Mỹ chưa biết về hoạt động đang diễn ra tại các cơ sở bí mật đó và cho rằng chỉ cần đưa ra một thỏa thuận đóng cửa cơ sở Yongbyon (nơi có thể kiểm chứng hoạt động làm giàu uranium) là đủ. Một báo cáo gần đây của NBC News cho biết: tình báo Mỹ cho rằng Triều Tiên đang tích cực theo đuổi ý định lừa dối Mỹ bằng cách che giấu các cơ sở làm giàu uranium quan trọng và bằng các thủ đoạn khác.
Cùng với việc bức màn che phủ Kangson bị dỡ bỏ, nếu tiếp tục tiến hành đàm phán với Mỹ, có lẽ Triều Tiên sẽ giảm bớt ý định giấu giếm các cơ sở hạt nhân.