Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Lúc 22h19 (giờ Bắc Kinh, tức 21h19 giờ Hà Nội) ngày 28/2/2019, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) phát đi bài xã luận dưới tiêu đề: “Tiến trình [hòa bình] bán đảo [Triều Tiên] nên chịu đựng được khó khăn của một lần hội nghị thượng đỉnh”. Toàn văn như sau:
Cuộc gặp tại Hà Nội của Trump và Kim Jong-un đã kết thúc vào ngày 28. Thông báo của phía Mỹ nói hai bên không đạt được bất cứ thỏa thuận nào, nhưng đồng thời nhấn mạnh hai bên đã tiến hành hội đàm tốt đẹp và có tính xây dựng. Hai đoàn đều mong đợi sẽ tiếp tục hội đàm trong tương lai. Kết quả này có khoảng cách quá lớn so với các dự đoán của dư luận trước đó, vì thế đã đem lại sự thất vọng phổ biến.
Trump nói với các nhà báo rằng phía Triều Tiên yêu cầu Mỹ hủy bỏ toàn diện các lệnh trừng phạt, nhưng phía Mỹ không làm được điều đó. Ông nói muốn vậy Triều Tiên cần thực hiện phi hạt nhân hóa thì mới có thể đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt. Xem ra hai bên đều bế tắc trên vấn đề cũ: một bên yêu cầu đối phương trước tiên phải phi hạt nhân hóa, một bên yêu cầu đối phương trước tiên phải hủy bỏ trừng phạt, mà hai bên lại bất đồng quan điểm về mặt chia giai đoạn đồng thời hành động.
Bầu không khí hòa dịu giữa Triều Tiên với Mỹ đã chẳng giúp hai bên thoát ra khỏi sự không tín nhiệm lẫn nhau vô cùng sâu sắc. Lần gặp song phương kết thúc không có kết quả này cho thấy nỗi gian nan trong việc thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; đó không phải là quá trình giải quyết dứt điểm được các rắc rối phức tạp trong một thời gian ngắn.
Trong tình hình các dự đoán của mọi người về những kết quả như hai bên đặt cơ quan liên lạc với nhau, ký tuyên bố chấm dứt chiến tranh… đều không đạt được, thì điều quan trọng nhất hiện giờ là Triều Tiên và Mỹ sẽ trân trọng các thành quả tới nay đã giành được, không vì một lần trục trặc mà lùi bước.
Về mặt này, thái độ của Washington sẽ có vai trò quan trọng. Khi mới đến Hà Nội, Trump từng nói ông rất tán thưởng việc Triều Tiên không thử hạt nhân và tên lửa, và ông không vội đạt được thỏa thuận. Sau cuộc hội đàm, Trump lại nói ông có quan hệ rất nồng ấm với Kim Jong-un, cuộc hội đàm giữa hai bên kết thúc không phải trong tranh cãi mà trong lúc cùng nhau đi dạo vô cùng thân thiện. Trong thời gian tới [hai bên] sẽ tiếp tục giữ được thái độ này hay không? Điều đó đang đứng trước thử thách.
Có thể khẳng định là tại nước Mỹ sẽ có một số người công kích chính sách đối với Triều Tiên của Trump, gọi chính sách ấy là “thất bại”. Sau một thời gian nữa, nếu tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không có tiến triển rõ rệt thì sức ép đè lên Trump sẽ tăng lên. Cùng với việc nước Mỹ đang tiến gần tới cuộc bầu cử Tổng thống, những sức ép ấy sẽ làm tăng nguyên nhân dẫn đến việc Trump một lần nữa áp dụng thái độ cứng rắn đối với Bình Nhưỡng để “báo cáo” tiến trình vấn đề Triều Tiên vẫn giẫm chân tại chỗ.
Xung quanh vấn đề Triều Tiên sẽ xuất hiện “cuộc chiến bảo vệ” không thể để mất những thành quả đã đạt được. Về mặt này, Trung Quốc và Triều Tiên đều nên phát huy tác dụng. Triều Tiên đã tuyên bố ngừng lâu dài việc thử hạt nhân và tên lửa, hơn nữa những quyết định ấy đã được đưa ra vào lúc Mỹ và Hàn Quốc chưa dừng tập trận chung; Trung Quốc nên giúp Triều Tiên kiên định giữ đường lối ôn hòa đã hình thành, bảo vệ môi trường quốc tế tương thích với tình hình đó. Hàn Quốc nên kiên quyết phản đối bất cứ ý định nào của phía Mỹ muốn dùng việc phục hồi các cuộc tập trận chung để gây sức ép với Bình Nhưỡng; Hàn Quốc nên đảm đương nghĩa vụ của mình trong việc giữ cho bán đảo Triều Tiên tiếp tục ổn định.
Nếu vấn đề Triều Tiên mãi vẫn chưa có tiến triển mới thì cuối cùng sức ép đẻ ra những rắc rối mới sẽ tăng lên. Bởi vậy biện pháp hữu hiệu nhất để giữ ổn định bán đảo Triều Tiên là thúc đẩy hai bên Triều Tiên và Mỹ tiếp tục hướng về cùng một mục tiêu, cố gắng hình thành một lộ trình cùng tiến trên hai quỹ đạo song hành là phi hạt nhân hóa và [tạo dựng] cơ chế hòa bình trên bán đảo. Chỉ cần hai bên đều có thiện chí thì cuối cùng sẽ có khả năng đột phá được nan đề không tín nhiệm lẫn nhau và chẳng ai dám đi bước trước tiên trong tiến trình này.
Giờ đây, giữ tinh thần lạc quan là điều rất quan trong. Nhìn tổng quát, tình thế bán đảo Triều Tiên kể từ nửa cuối năm 2007 trở đi vẫn còn ở trạng thái “đất rung núi chuyển”, tới nay trên bán đảo đã không còn thử hạt nhân, cũng không còn tập trận chung nữa, lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ đã gặp nhau hai lần, hai bên chưa đạt thỏa thuận nhưng có thể tươi cười rời khỏi bàn đàm phán, tỏ ý sẽ không cắt đứt đàm phán – đây đã là những biến đổi long trời lở đất, hơn nữa, tốc độ tiến triển thực là không chậm. Tiến trình phi hạt nhân hóa cần có khả năng chịu đựng nổi một số trắc trở, chẳng ai nên hy vọng tiến trình đó có thể tiến bước không dừng một cách lạc quan.
Bất kỳ lực lượng nào đều chớ nên xuất phát từ lợi ích riêng mà nắm lấy một tì vết nào đấy trong tiến trình này để phá hoại nó. Cổ vũ cho tiến trình đó tiến bước vừa là ngoại giao cũng vừa là đạo nghĩa. [Trung Quốc] quyết không chấp nhận để tình hình bán đảo Triều Tiên đi giật lùi – đây là lằn ranh cuối cùng mà Trung Quốc chẳng những chỉ nói mà sẽ tích cực kiên trì giữ gìn. Chúng ta hy vọng đó cũng là lằn ranh cuối cùng mà Hàn Quốc sẽ tiếp tục có hành động thực tế để phối hợp [với Trung Quốc]. Là các bên trong cuộc, Mỹ và Triều Tiên lại càng phải không phụ lòng mong mỏi của khu vực và của toàn bộ cộng đồng quốc tế.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ Hoàn cầu Thời báo bản tiếng Trung.