Mỏ neo cho khoa học

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Quỳnh Vũ

Khoa học sẽ không khiến con người thành bất tử mà còn bức tử con người một khi nó thiếu đi những “mỏ neo”: một lương tâm trong sáng kiểm soát và các ràng buộc về văn hóa và đạo đức.

Tháng 5/2017, Tech Insider đăng tải trên Youtube một video mô tả về loài người trong 1000 năm tới. Theo đó, những ưu việt của khoa học, đặc biệt là trong ngành y học tái tạo, nghiên cứu não bộ, hứa hẹn mang đến sự bất tử cho con người. Điều này có vẻ gieo một hi vọng lớn cho tương lai chúng ta và các thế hệ sau. Tuy nhiên, nhìn lại những hệ quả của nhiều phát minh lớn về khoa học, và gần đây nhất là những nghi ngại dấy lên trong giới khoa học và xã hội trước vụ việc nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê tuyên bố “hai em bé chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới đã chào đời” vào cuối năm 2018, chúng ta không khỏi băn khoăn: Liệu các thành tựu khoa học có quyết định sự phát triển của loài người? Điều đó trước hết phụ thuộc vào lương tâm của người làm khoa học và của người ứng dụng các phát minh khoa học vào cuộc sống.

Có lẽ không thể kể hết những lợi ích mà khoa học mang đến cho con người. Tuy nhiên,việc vội vàng cho ra đời hoặc sử dụng những phát minh khoa học mà không lắng nghe lương tâm hoặc thiếu cân nhắc động cơ đúng đắn có thể gây ra những “vụ nổ” hủy diệt.

Nhiều thành tựu khoa học được tạo ra vì mục đích tốt đẹp ban đầu lại bị những kẻ chạy đua quyền lực, ham lợi lộc vật chất lợi dụng, biến chúng thành công cụ giết người. Việc chế tạo thuốc nổ của Alfred Nobel, việc tìm ra chất phóng xạ của Pierre Curie và Marie Curie, khám phá công thức E = mc2 mở đường cho khoa học nguyên tử của Albert Einstein,… là những ví dụ tiêu biểu. Một bước ngoặt khác gần đây trong khoa học, chỉnh sửa gen bằng CRISPR, cũng ẩn chứa những hiểm họa khôn lường. James Clapper, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ cảnh báo: “Công nghệ này nếu rơi vào tay khủng bố có thể thành vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Vì sao vậy? Điều này liên quan đến một rủi ro khác trong khoa học. Đó là, khoa học càng đột phá bao nhiêu thì khả năng chế ngự nó càng khó bấy nhiêu. Trở lại với việc chỉnh sửa gen, một công bố về nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học tại Viện Wellcome Sanger (Anh) trên tạp chí Nature Biotechnology (16/7/2018) đã chỉ ra công nghệ CRISPR/Cas9 nếu được tiến hành trên cơ thể người có thể tạo ra những tác dụng phụ như phá vỡ những gen khỏe mạnh, tắt những gen đang hoạt động, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe. “Trong bối cảnh khoa học lâm sàng của việc chỉnh sửa hàng tỉ tế bào, vô số các đột biến khác nhau được tạo ra có khả năng khiến cho một hoặc nhiều tế bào bị chỉnh sửa có thể tổn thương gây bệnh nghiêm trọng”, trang Sciencealert trích lời các tác giả nghiên cứu. Thêm vào đó, những nhà nghiên cứu cho biết, phương pháp xét nghiệm AND chuẩn hiện nay rất khó nhận ra những đột biến này. Chỉnh sửa gen của một bào thai đồng nghĩa với việc thay đổi mọi tế bào trong bào thai. Những thay đổi đó sẽ được truyền lại cho các thế hệ sau. Điều này không tránh khỏi nguy cơ tạo ra những chuỗi đột biến trong nhân loại tương lai. Nếu không cẩn thận sẽ tạo nên một giống người đột biến. Lúc đó ai biết được nhân loại sẽ mang bộ mặt như thế nào!

Mối lo ngại về những biến thể do khoa học tạo nên trong tương lai không phải vô căn cứ. Vào cuối thế kỉ 20, tại Australia, người ta đã phát hiện ra một tế bào sống có cả AND của người và AND của lợn do một công ty tế bào gốc bí mật cấy tế bào người vào nhân trứng lợn. Vụ việc bị đưa lên báo chí, truyền hình gây chấn động xã hội Australia. Nhiều người dân, trong đó có các em nhỏ, trả lời phỏng vấn rằng họ thấy sợ khi nghĩ tới một sinh vật người – lợn hoặc lợn – người. Người ta đã diệt tế bào lai kia, nhưng liệu có gì đảm bảo rằng sẽ không còn những thí nghiệm như thế vuột khỏi tầm kiểm soát, ngấm ngầm cho ra đời những sản phẩm gây rùng mình khác? Chẳng phải nghiên cứu phi pháp của Hạ Kiến Khuê đã lọt lưới khi ông này tuyên bố về sự ra đời của hai em bé được chỉnh sửa gen? Trước sự bất bình của giới khoa học, Hạ nói rằng ông không làm thì người khác sẽ làm. Điều này hoàn toàn khả thi và nó cho thấy những bất lực trong quản lí khoa học. Thực tế vụ việc ở Australia đã chìm nhưng nhiều nhà khoa học vẫn ấp ủ những sản phẩm tương tự. Năm 2017, người ta đã công bố một nghiên cứu chế tạo thành công phôi thai loài lai người – lợn trên International Business Times. Dù mục đích là nhằm giải quyết tình trạng thiếu tạng người để cấy ghép, song nghiên cứu làm dấy lên những lo ngại về một loài lợn giống người. Đặc biệt là, nếu mất kiểm soát, tế bào người có thể lan tỏa tới não của lợn, điều mà các nhà khoa học còn tìm hiểu.

Trí tuệ có thể sản sinh những sản phẩm khoa học “cao siêu” nhưng không có nghĩa là nó đủ cao siêu để kiểm soát được những gì mình tạo ra. Điều lo ngại nhất là, nếu thiếu khả năng kiểm soát khoa học cũng gây ra những hệ lụy khó lường về tinh thần xã hội. Việc cấy ghép não trên đầu người, mà Tech Insider nêu trong tương lai, thực ra đã được cân nhắc từ thế kỉ trước, song chưa diễn ra vì còn những lo ngại về đạo đức. Cuối thế kỉ 20, sau khi Robert White, nhà nghiên cứu não người Mỹ cắt ghép đầu khỉ, ông đã ấp ủ giấc mơ ghép đầu hoặc não người. Tuy nhiên, ông đã phải đối mặt với một phạm trù thiêng liêng – linh hồn người. “Không ai lại có ý định đi tìm linh hồn trong lá gan hoặc trong cánh tay. Linh hồn chỉ nằm duy nhất trong cái đầu”, White nói. Cái đầu của người này được lắp vào thân của người kia, vậy cơ thể mới thuộc về ai và linh hồn là của người nào? Con người mới được hiến tặng cơ thể sẽ thuộc về gia đình nào? Đây quả là những câu hỏi khó đối với bác sĩ, luật sư và các nhà triết học. Một ví dụ khác, việc ươm bộ phận thay thế, cho thấy khoa học không tồn tại độc lập mà mỗi bước chân của nó có thể in vết lõm trên tinh thần con người. Năm 2004, để cứu một cậu bé người Anh, Joshua Fletscher, thoát khỏi một căn bệnh máu quái ác, các nhà khoa học cần một tế bào gốc phù hợp với cậu. Do đó, một đứa em tương lai của Joshua đã được tạo ra trong ống nghiệm, được cấy vào bụng mẹ để có thể hiến tặng tế bào cho cậu. Điều này làm một số nhà triết học băn khoăn rằng người em của Joshua sẽ phản ứng như thế nào khi biết mục đích mình được ra đời là trở thành phương tiện cứu anh trai.

Những rủi ro về tinh thần cũng nảy sinh trong y học tái tạo, lĩnh vực ngăn ngừa mọi khiếm khuyết cho con người ngay từ đầu. Richard David Precht trong cuốn Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu? đã đặt ra hàng loạt vấn đề: “Sức khỏe và nhan sắc sẽ trở thành đòi hỏi kép: bố mẹ đòi hỏi con cái, và ngược lại, con cái đòi hỏi bố mẹ. Một xã hội như thế sẽ không chỉ đánh mất đi sự cảm thông và khoan dung đối với những khiếm khuyết và lệch lạc mang tính thiểu số, mà còn đưa bố mẹ và con cái đến một tình huống đáng suy nghĩ. Liệu bọn trẻ có bằng lòng với những “chỉnh sửa” mà bố mẹ chúng đã thực hiện? Và ngược lại, liệu chúng có chấp nhận, nếu bố mẹ chúng không chỉnh sửa và có thể do đó đẩy chúng ra rìa xã hội?”.

Công nghệ chỉnh sửa gen chưa thể đảm bảo sẽ tạo ra những con người ưu việt nhưng đã tiềm tàng nhiều mâu thuẫn xã hội. Môi trường học tập, nghề nghiệp tuyển dụng có thể được phân cấp theo gen. Hôn nhân có thể được toan tính giữa tình yêu và bộ gen đẹp (đồng nghĩa với bộ mặt đẹp, sức khỏe tốt, giàu năng lực, có triển vọng tiến thân hoặc hứa hẹn một nòi giống tốt). Chỉnh sửa gen còn tạo ra cái nhìn phiến diện về con người nếu như con người bị cân đong bằng năng lực, vẻ bề ngoài, trong khi tâm hồn, phẩm chất, tính cách mới là những phần nói lên “chất người” nhất. Điều này sẽ làm trầm trọng hơn nạn phân biệt sắc tộc, ngoại hình, giới tính, và thêm vào đó là tình trạng phân biệt gen.

Sẽ là bất công nếu như chỉ nhà giàu mới có khả năng chỉnh sửa gen cho con cái, nên ở thế hệ tương lai, những kẻ có “gen vượt trội” là lớp người vượt trội về kinh tế, còn tầng lớp bình dân, nghèo khổ mãi mang trong mình “gen kém”. Sẽ là bất bình đẳng nếu như việc chỉnh sửa gen chi phối các “gu” xã hội, bằng việc sản xuất ra hàng loạt những con người có chung một đặc điểm, chẳng hạn như giỏi công nghệ, có mắt xanh, tóc vàng, da trắng, dáng cao, hoặc giới tính nam. Sẽ là lạm quyền khi con người đòi chiếm đoạt quyền của tạo hóa, bố mẹ tước đi quyền quyết định “mình là ai” của con cái. Sẽ là hiểm họa rẻ rúng con người khi biến những đứa trẻ thành “hàng may đo” (Richard David Precht) hàng loạt được chỉnh sửa theo ý muốn của các đấng sinh thành. Sẽ là lật nhào mọi hệ giá trị khi những “đứa con nhân tạo” – được chỉnh sửa gen có vị thế xã hội cao hơn những “đứa con của Chúa” (từ dùng trong bộ phim giả tưởng Gattaca) – được sinh ra tự nhiên.

Khoa học khám phá và góp phần cải thiện đời sống con người nhưng không thể tạo ra Con Người. Khoa học mang lại tiện nghi nhưng không phải là sự tiện nghi, nó kéo dài sự sống cho nhiều người nhưng không tạo nên sự sống. Khoa học không thể thay quyền con người, hoặc để con người lạm dụng thay quyền Tự Nhiên. Khoa học không chỉ là con dao hai lưỡi, nó cũng có thể nhảy lên làm “chúa tể” đối với những người vì sùng bái trí tuệ mà bị mờ mắt trước ánh hào quang khoa học. Einstein đã cảnh báo về nguy cơ này: “Hãy thận trọng, đừng biến trí tuệ thành chúa tể của chúng ta; nó có sức mạnh cơ bắp, nhưng phi nhân tính”. Khoa học sẽ không khiến con người thành bất tử mà còn bức tử con người một khi nó thiếu đi những “mỏ neo”: một lương tâm trong sáng kiểm soát và các ràng buộc về văn hóa và đạo đức.