Nhìn lại ba năm cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày 21 tháng 5 năm 2019, một cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng đã được triệu tập tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Trần Quốc Vượng. Cuộc họp đã điểm lại tình hình chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra và nhấn mạnh cần “hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; xác minh, xử lý các vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo”.

Kể từ năm 2016, một số lượng lớn chưa từng có các quan chức cấp cao đã bị truy tố trong chiến dịch chống tham nhũng của ĐCSVN dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những nhân vật đáng chú ý nhất bao gồm cựu Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, hai cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, và hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân. Ngoài các quan chức chính phủ, nhiều chủ ngân hàng và giám đốc điều hành cấp cao tại các doanh nghiệp nhà nước lớn và tư nhân cũng đã trở thành nạn nhân của chiến dịch.

Bề rộng và chiều sâu chưa từng có của chiến dịch cho thấy ý chí chính trị mạnh mẽ của ĐCSVN trong cuộc chiến chống tham nhũng. Bản thân ông Trọng đã tuyên bố vào tháng 8 năm 2018 rằng trong cuộc chiến chống tham nhũng sẽ “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Đinh La Thăng trở thành ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên trong lịch sử ĐCSVN bị truy tố về tội tham nhũng. Tương tự, các sĩ quan cao cấp trong Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, trước đây phần lớn gần như miễn nhiễm trước các nỗ lực chống tham nhũng do quyền lực lớn của hai bộ này cũng như tầm quan trọng của họ đối với an ninh chế độ, cũng đã bị nhắm đến trong chiến dịch. Chỉ riêng trong năm 2018, tổng cộng có 19 tướng lĩnh trong hai bộ đã bị kỷ luật hoặc bị truy tố.

ĐCSVN thậm chí đã chấp nhận rủi ro ngay cả những mối quan hệ đối ngoại quan trọng nhất để theo đuổi cuộc chiến chống tham nhũng. Chẳng hạn, vào tháng 7 năm 2017, các mật vụ của Việt Nam được cho là đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một cựu giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và là chìa khóa cho một cuộc điều tra về tội tham nhũng đối với ông Đinh La Thắng, giữa thanh thiên bạch nhật ở Berlin. Đức đã gây áp lực rất lớn lên chính phủ Việt Nam đòi trao trả lại Trịnh Xuân Thanh và thậm chí đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược song phương. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã không nhượng bộ trước áp lực này và sau đó Trịnh Xuân Thanh cùng Đinh La Thắng đã bị xét xử với các án tù dài.

Ý chí chính trị của ĐCSVN trong cuộc chiến chống tham nhũng cũng được thể hiện qua các chính sách và quy định chống tham nhũng nội bộ. Một ví dụ điển hình là Quy định 102-QĐ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2017. Quy định nêu rõ rằng “tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”. Mạnh tay hơn, Quy định này còn nói rằng ngay cả các quan chức của Đảng đã qua đời vẫn có thể bị xử lý kỷ luật nếu vi phạm của họ đặc biệt nghiêm trọng. Những điều khoản như vậy không chỉ mở đường cho việc truy tố các quan chức cấp cao mà còn gửi một thông điệp cảnh báo mạnh mẽ tới những người khác đang có ý định tham nhũng. Quan trọng hơn, Quy định này giúp ngăn chặn các can thiệp chính trị để bảo vệ các quan chức có ô dù, quan hệ tốt không bị đưa ra công lý.

Mặc dù cho đến nay, chiến dịch có mục tiêu chủ yếu là các quan chức cấp cao tham nhũng theo phương châm chống tham nhũng “từ trên xuống, từ trong ra ngoài”, nhưng nhiều quan chức khác nhau và ở các cấp khác nhau cũng trở thành nạn nhân của chiến dịch. Theo thống kê chính thức, trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 6 năm 2018, khoảng 1.300 đảng viên đã bị kỷ luật vì tội tham nhũng hoặc cố ý làm trái, và tòa án đã tiến hành xét xử sơ thẩm 436 vụ tham nhũng với 1.118 bị cáo liên quan. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, qua đó có 188 trường hợp và 335 người đã được chuyển sang cơ quan cảnh sát để điều tra.

Mặc dù khá quyết liệt trong việc xử lý các quan chức tham nhũng, nhưng chiến dịch này cũng được đặc trưng bởi các bước đi được tính  toán cẩn thận để đảm bảo rằng các quan chức tham nhũng sẽ bị đưa ra ánh sáng nhưng hệ thống chính trị sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực. Ông Trọng từng nói rằng trong cuộc chiến chống tham nhũng, “phải bình tĩnh tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược,” để làm sao “đánh con chuột đừng để vỡ bình”, hàm ý rằng Đảng cần duy trì sự ổn định chính trị trong cuộc chiến chống tham nhũng. Vì vậy, ông Trọng cho rằng chống tham nhũng đòi hỏi sự kiên nhẫn và các chiến lược khôn ngoan nếu muốn thành công.

Cách tiếp cận này lý giải cho thực tế rằng cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam cho đến nay diễn ra với tốc độ vừa phải, và nhiều trường hợp đã được làm sáng tỏ từng bước theo một kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng như thể chúng được lấy ra từ một kịch bản được viết sẵn cẩn thận. Một ví dụ điển hình là vụ truy tố Trịnh Xuân Thanh vì tội tham nhũng và cố ý làm trái tại một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, vụ việc cuối cùng đã dẫn đến cú ngã ngựa của cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng. Câu chuyện dài của Trịnh Xuân Thanh bắt đầu với một cuộc điều tra dường như không liên quan trước cáo buộc rằng Trịnh Xuân Thanh đã sử dụng một chiếc xe sang của tư nhân được đăng ký biển xanh bất hợp pháp vào tháng 5 năm 2016.

Tóm lại, chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam từ năm 2016 đến nay được đặc trưng bởi một cách tiếp cận “chậm mà chắc”, có sự kết hợp giữa ý chí chính trị mạnh mẽ và các chiến thuật được tính  toán kỹ lưỡng nhằm xử lý tham nhũng trong khi giảm thiểu các tác động không mong muốn đối với sự ổn định chính trị – xã hội. Cuộc họp gần đây của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng là một dấu hiệu cho thấy chiến dịch sẽ tiếp tục tiếp diễn trong những năm tới, đặc biệt là giai đoạn trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 vào năm 2021. Những diễn tiến này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với công tác nhân sự tại đại hội và do đó xứng đáng nhận được sự theo dõi sát sao từ những người quan tâm đến chính trị Việt Nam.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên ISEAS Commentary.