Nguồn: Indian army storms Golden Temple, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1984, giữa giai đoạn cao trào đẫm máu trong hai năm giao tranh giữa chính phủ Ấn Độ và phe ly khai người Sikh, quân đội Ấn Độ đã tiến vào khu Đền Vàng đang bị bao vây ở Amritsar, ngôi đền linh thiêng nhất của Đạo Sikh, và tiêu diệt ít nhất 500 phiến quân Sikh. Hơn 100 binh sĩ Ấn Độ và hàng loạt thường dân người Sikh cũng đã thiệt mạng trong trận chiến dữ dội xảy ra khi trời vừa rạng sáng. Quân đội Ấn Độ cũng tấn công những toán du kích người Sikh bị bao vây trong ba chục ngôi đền khác trên toàn bang Punjab. Các quan chức Ấn Độ ca ngợi thành công của chiến dịch này và cho rằng nó đã “bẻ gãy” phong trào khủng bố của người Sikh.
Đạo Sikh, được thành lập vào cuối thế kỷ 15 bởi Đạo sư Nanak, vốn kết hợp các yếu tố của Ấn giáo và Hồi giáo, hai tôn giáo lớn của Ấn Độ. Đạo Sikh phát triển tập trung ở bang Punjab ở miền bắc Ấn Độ, nơi người Sikh chiếm đa số và nói tiếng Punjabi. Vào thập niên 1970, những tiến bộ nông nghiệp đã đưa Punjab trở thành một trong những bang thịnh vượng nhất Ấn Độ, và các nhà lãnh đạo Sikh bắt đầu kêu gọi giành quyền tự chủ lớn hơn trước chính quyền trung ương. Phong trào này phần lớn sử dụng biện pháp hòa bình cho đến năm 1982, khi một người theo Sikh phái chính thống, Jarnail Singh Bhindranwale, và những đồ đệ của ông phát động chiến dịch ly khai ở Punjab. Sử dụng khủng bố và ám sát, Bhindranwale và quân du kích của mình đã giết chết hàng loạt đối thủ chính trị và thường dân Ấn Độ dưới danh nghĩa để thành lập đế chế tự trị của người Sikh, Khalistan, tức “Vùng đất Thuần khiết”. Hầu hết người Sikh không ủng hộ chiến dịch bạo lực của Bhindranwale. Một số người Sikh lên tiếng chống lại Khalistan đã bị ám sát bởi các phần tử cực đoan tham gia phong trào.
Để xoa dịu người Sikh, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đã đề cử Zail Singh trở thành người Sikh đầu tiên làm Tổng thống Ấn Độ vào năm 1982, đây là một lựa chọn quan trọng vì người Sikh chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng dân số Ấn Độ. Tuy nhiên, hầu hết người Sikh không tin tưởng Singh vì ông thường ủng hộ các chính sách của Gandhi. Trong khi đó, phe ly khai chiếm Đền Vàng và các thánh địa Sikh khác và biến chúng thành căn cứ vũ trang.
Đền Vàng, được biết đến với cái tên Harimandir ở Ấn Độ, được xây dựng vào năm 1604 bởi Đạo sư Arjun. Nó đã bị quân xâm lược Afghanistan phá hủy vài lần và được xây dựng lại vào đầu thế kỷ 19 bằng đá cẩm thạch và đồng, sau đó được phủ vàng. Ngôi đền nằm ở vị trí trung tâm của một cái hồ. Ngoài ra còn có một số tòa nhà quan trọng khác trong khu đền thờ rộng 72 mẫu này, bao gồm Akal Takht, nơi lưu giữ Kinh thánh Đạo Sikh và là trụ sở chính của tôn giáo này.
Để đàn áp cuộc nổi dậy của phe ly khai, vốn đã cướp đi hơn 400 sinh mạng của các thường dân theo đạo Hindu và đạo Sikh, đồng thời gần như hủy hoại Punjab, Thủ tướng Gandhi đã ra lệnh cho Quân đội Ấn Độ giành quyền kiểm soát các căn cứ của phe Sikh vào tháng 06/1984. Ngày 01/06, quân đội đã bao vây Đền Vàng và nổ súng vào nhóm phiến quân nổi loạn được trang bị vũ trang và chỉ huy bởi một sĩ quan cấp cao đã đào ngũ. Phe Sikh từ chối đầu hàng, và vào sáng sớm ngày 06/06, quân đội phát động một cuộc tấn công vào khu đền và tới khi trời sáng quân Sikh đã bị đánh bại.
Jarnail Singh Bhindranwale, thủ lĩnh phe nổi loại, được cho là đã tự tử trong vụ tấn công. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố 492 chiến binh Sikh đã bị giết, nhưng người Sikh cho rằng con số lên tới hơn 1.000. Hơn 100 lính Ấn Độ đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Hơn 1.500 người Sikh đã bị bắt trong đợt tấn công. Đền Vàng chỉ bị thiệt hại nhẹ, nhưng Akal Takht, là một trong nhiều nơi diễn ra giao tranh ác liệt, đã bị hư hại nặng nề.
Sau cuộc đối đầu đẫm máu, người Sikh đã nổi loạn khắp Ấn Độ, và rất nhiều người đã thiệt mạng. Khoảng 1.000 binh sĩ Sikh trong quân đội Ấn Độ đã nổi dậy, nhưng những kẻ gây rối này đã bị đàn áp, và các thủ lĩnh của quân nổi loạn đã bị bắt hoặc bị giết. Ngày 31/10, trong một hành động trả thù đầy kịch tính, Indira Gandhi đã bị chính hai vệ sĩ người Sikh của mình bắn chết trong vườn nhà. Hành động này khởi đầu cho làn sóng bạo lực với hàng ngàn người Sikh bị sát hại bởi người Hindu ở Delhi, trước khi con trai và người kế vị Gandhi, Rajiv Gandhi, kêu gọi quân đội chấm dứt cuộc tàn sát. Tình trạng chính trị của Punjab vẫn là một vấn đề gây tranh cãi ở Ấn Độ, và tại đây vẫn xảy ra nổi loạn và bạo lực cho đến đầu những năm 1990.