Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Bãi Tư Chính ở Biển Đông đã kéo dài hơn một tháng. Bất chấp các phản đối ngoại giao lặp đi lặp lại của Việt Nam và áp lực quốc tế, Trung Quốc vẫn chưa chịu rút tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 và các tàu đi kèm ra khỏi khu vực, vốn là một phần của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Phản ứng của Việt Nam đối với cuộc đối đầu này được coi là mạnh mẽ hơn phản ứng đối với một sự cố vào tháng 7 năm 2017 khi Hà Nội quyết định ngừng việc khoan thăm dò dầu khí tại Lô 136/03, cũng thuộc Bãi Tư Chính, được cho là sau khi gặp phải các lời đe dọa tấn công vũ lực từ Trung Quốc. Tuy nhiên, những phản ứng như vậy vẫn hạn chế hơn nhiều so với phản ứng của Hà Nội đối với việc Trung Quốc triển khai giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014, sự cố mà trong đó các tàu thực thi pháp luật của hai nước đã va đâm vào nhau và Hà Nội cho phép các cuộc biểu tình chống Trung Quốc được diễn ra tại các thành phố lớn.
Cho đến nay, Việt Nam đã cố gắng kiềm chế và giữ sự cố ở mức thấp. Trong hai tuần đầu tiên, bất chấp các báo cáo về vụ việc trên truyền thông xã hội, Hà Nội đã không công khai phản đối hành động của Trung Quốc và truyền thông chính thức của Việt Nam cũng không đưa tin về sự kiện này. Gần hai tuần sau khi vụ việc bắt đầu, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đưa ra một tuyên bố phản đối vào ngày 16 tháng 7 năm 2019, nhưng nội dung của tuyên bố rất mơ hồ và không nêu đích danh Trung Quốc. Mãi đến ngày 19 tháng 7, Bộ mới đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ hơn lên án Trung Quốc và kêu gọi “tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế” góp phần duy trì trật tự, hòa bình và an ninh ở Biển Đông.
Sau đó, các phản ứng của Việt Nam đối với cuộc đối đầu phần lớn được thực hiện thông qua các kênh ngoại giao, trong đó có phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh lên án hành động của Trung Quốc tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 52 tại Thái Lan. Như vậy, việc cuộc đối đầu kết thúc lúc nào giờ đây phần lớn tùy thuộc vào quyết định của Trung Quốc.
Việc Việt Nam phản ứng khá chừng mực trước vụ việc có thể xuất phát từ một số cân nhắc. Thứ nhất, trong khi loại trừ các biện pháp quân sự, Việt Nam cũng có thể xem việc sử dụng tàu chấp pháp để chặn đường hoặc va đâm tàu Trung Quốc không phải là một chiến thuật hợp lý, vì Trung Quốc có số lượng tàu vượt trội so với Việt Nam và một chiến thuật như vậy có thể gây ra xung đột vũ trang hoặc gây thiệt hại đáng kể cho các tàu của Việt Nam. Mặt khác, trong khi hoạt động của tàu khảo sát Trung Quốc tại khu vực nói trên vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam, nhưng Hà Nội có thể coi vụ việc này không nghiêm trọng như việc đưa giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của mình như Trung Quốc đã làm hồi năm 2014. Một phản ứng mạnh mẽ hơn do đó có thể không cần thiết trong trường hợp này.
Trong khi đó, mặc dù có nhiều trí thức kêu gọi chính phủ Việt Nam tiến hành một vụ kiện trọng tài đối với Trung Quốc vì đã vi phạm EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, các lãnh đạo ở Hà Nội dường như chưa sẵn sàng để thực hiện hành động đó. Có lẽ, họ lo ngại rằng ngay cả khi Việt Nam thắng kiện, điều đó cũng sẽ không ngăn được Trung Quốc xâm phạm các vùng biển Việt Nam trong tương lai. Tệ hơn nữa, hành động đó có thể khiến Trung Quốc trở nên hung hăng hơn và gây bất ổn hơn nữa cho quan hệ Việt – Trung, điều có thể đe dọa triển vọng kinh tế của Việt Nam và đưa đất nước rơi vào một vị thế chiến lược bấp bênh hơn. Do đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam dường như vẫn giữ quan điểm rằng hành động pháp lý chống lại Trung Quốc là vũ khí cuối cùng cần được giữ để đối phó với những thách thức lớn hơn từ Trung Quốc trong tương lai.
Nói cách khác, các phân tích chi phí/lợi ích về các lựa chọn nhằm đối phó với cuộc đối đầu ở Tư Chính hiện tại có thể đã thuyết phục giới lãnh đạo Việt Nam rằng ngoại giao vẫn là công cụ duy nhất giúp Hà Nội xử lý vụ việc. Hơn nữa, họ có thể hy vọng rằng khi mùa mưa bão đến gần, Trung Quốc sẽ sớm muộn phải rút tàu khảo sát và các tàu đi kèm ra khỏi khu vực. Do đó, chiến lược của Hà Nội là tiếp tục phản đối ngoại giao chống lại Trung Quốc thông qua các kênh song phương lẫn đa phương, đồng thời chờ Trung Quốc kết thúc màn dương oai diễu võ của mình.
Nếu thực sự như vậy thì Việt Nam có thể được coi là đang thực hiện chính sách “kiên nhẫn chiến lược”, đồng thời tập trung vào các lợi ích lâu dài của việc duy trì một mối quan hệ ổn định và hòa bình với Trung Quốc thay vì các lợi ích ngắn hạn của việc đuổi các tàu của Trung Quốc ra khỏi vùng biển của mình. Các phân tích trên cho thấy Hà Nội có thể có lý do chính đáng để áp dụng cách tiếp cận này.
Tuy nhiên, sự cố ở Tư Chính cũng là một ví dụ điển hình cho thấy những hạn chế trong lựa chọn của các quốc gia khu vực nhằm đối phó với các hành vi bắt nạt của Trung Quốc. Trong trường hợp của Việt Nam, ngoại giao dường như, trong thời điểm hiện tại, là tuyến phòng thủ đầu tiên và cũng là cuối cùng giúp Việt Nam chống lại sự lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngay cả khi một cơn bão sắp tới có thể khiến Trung Quốc phải rút tàu ra khỏi khu vực Tư Chính, thì chắc chắn Việt Nam vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt với những đợt xâm nhập mới của Trung Quốc vào vùng biển của mình trong tương lai.
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên South China Morning Post.