Ngành chính sách công có thể học hỏi từ ngành y như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Ricardo Hausmann, “Don’t Blame Economics, Blame Public Policy”, Project Syndicate, 01/09/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Giờ đây người ta thường đổ lỗi cho ngành kinh tế học hoặc các nhà kinh tế về nhiều tai ương của thế giới. Các nhà phê bình cho rằng các lý thuyết kinh tế phải chịu trách nhiệm cho sự bất bình đẳng gia tăng, sự khan hiếm các việc làm tốt, sự mong manh của hệ thống tài chính và tăng trưởng thấp, bên cạnh những thứ khác. Nhưng dù những chỉ trích này có thể thúc đẩy các nhà kinh tế phải nỗ lực hơn, sự công kích tập trung vào kinh tế học đã vô tình chuyển sự chú ý khỏi một ngành học đáng ra phải gánh nhiều trách nhiệm hơn: đó là ngành chính sách công.

Kinh tế học và chính sách công có liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng chúng không giống nhau, và không nên được xem là như vậy. Kinh tế học và chính sách công giống như ngành vật lý và kỹ thuật vậy, hoặc sinh học với y học. Dù vật lý là nền tảng cho việc thiết kế các tên lửa có thể sử dụng năng lượng để thách thức trọng lực, Isaac Newton không thể chịu trách nhiệm cho thảm họa của tàu con thoi Challenger. Ngành sinh hóa cũng không thể bị đổ lỗi cho cái chết của Michael Jackson.

Vật lý, sinh học và kinh tế, trong vai  trò các ngành khoa học, giúp trả lời các câu hỏi về bản chất của thế giới chúng ta đang sống, tạo ra thứ mà nhà sử học kinh tế Joel Mokyr của Đại học Northwestern gọi là “kiến ​​thức miêu tả” (propositional knowledge). Trong khi đó, kỹ thuật, y học, và chính sách công giúp trả lời các câu hỏi về cách thay đổi thế giới theo những hướng cụ thể, dẫn đến khái niệm mà Mokyr gọi là “kiến thức giải quyết vấn đề” (prescriptive knowledge).

Mặc dù các trường kỹ thuật dạy vật lý và trường y dạy sinh học, những ngành học chuyên môn này đã phát triển tách biệt khỏi ngành khoa học cơ bản của chúng ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trong thực tế, bằng cách phát triển các tiêu chí về chất lượng, chương trình giảng dạy, các tạp chí và con đường sự nghiệp của riêng mình, các ngành kỹ thuật và y học đã trở thành những ngành học thực sự khác biệt.

Ngược lại, các trường chính sách công đã không trải qua một sự chuyển đổi tương tự. Nhiều trường trong số đó thậm chí không thuê giảng viên của ngành mình mà thay vào đó họ sử dụng các giáo sư từ các ngành khoa học nền tảng như kinh tế, tâm lý học, xã hội học hoặc khoa học chính trị. Trường chính sách công tại đại học của tôi, Đại học Harvard, cũng có một đội ngũ giảng viên lớn của riêng mình – nhưng trường chủ yếu tuyển dụng các tiến sĩ mới tốt nghiệp trong các ngành khoa học nền tảng và đề bạt họ dựa trên cơ sở các công bố của họ trên các tạp chí hàng đầu về các ngành khoa học đó, chứ không phải về ngành chính sách công.

Kinh nghiệm hoạch định chính sách trước khi đạt được vị trí giáo sư trong biên chế cũng không được khuyến khích và rất hiếm. Và ngay cả các giảng viên trong biên chế cũng có mức độ tham gia với thế giới thực một cách hạn chế đáng ngạc nhiên, do thông lệ tuyển dụng phổ biến cũng như nỗi sợ rằng việc tham gia vào thế giới thực tế bên ngoài có thể gây rủi ro về mặt danh tiếng cho trường đại học. Để bù đắp cho điều này, các trường chính sách công thường thuê các giáo sư thực hành, chẳng hạn như tôi, những người đã có được kinh nghiệm chính sách thực tế trước đây ở các công việc khác.

Về mặt giảng dạy, bạn có thể nghĩ rằng các trường chính sách công sẽ áp dụng cách tiếp cận tương tự với các trường y. Rốt cuộc, cả các bác sĩ lẫn các chuyên gia chính sách công đều được kêu gọi giải quyết vấn đề và cần phải chẩn đoán được các nguyên nhân tương ứng. Họ cũng cần hiểu được các giải pháp khác nhau và tìm ra ưu và nhược điểm của từng giải pháp. Cuối cùng, họ cần biết cách thực hiện giải pháp mà mình đề xuất và đánh giá xem nó có hiệu quả không.

Tuy nhiên, hầu hết các trường chính sách công chỉ cung cấp các chương trình thạc sĩ một hoặc hai năm và có một chương trình tiến sĩ nhỏ với cấu trúc thường tương tự như trong các ngành khoa học bình thường. Cách làm đó không ăn thua so với cách các trường y đào tạo bác sĩ và thúc đẩy chuyên môn của họ.

Các trường y (ít nhất là ở Hoa Kỳ) chỉ nhận sinh viên sau khi họ hoàn thành chương trình đại học bốn năm, trong đó các sinh viên đã học xong một số môn học tối thiểu có liên quan. Các sinh viên y khoa sau đó trải qua một chương trình hai năm chủ yếu là học trong lớp, sau đó là hai năm được luân chuyển qua các khoa khác nhau tại các bệnh viện giảng dạy, nơi họ học cách thực hành mọi thứ trong thực tế bằng cách tham dự cùng các bác sĩ giàu kinh nghiệm và đội ngũ của họ.

Sau bốn năm đó, các bác sĩ trẻ được nhận bằng tốt nghiệp. Nhưng sau đó, họ vẫn phải làm bác sĩ nội trú từ ba đến chín năm (tùy thuộc vào chuyên ngành) trong một bệnh viện giảng dạy, nơi họ được hướng dẫn bởi các bác sĩ có kinh nghiệm nhưng được giao các trách nhiệm ngày càng tăng. Sau bảy đến 13 năm học tập chương trình sau đại học, cuối cùng họ mới được phép hành nghề bác sĩ mà không cần giám sát, mặc dù một số người  tiến hành thêm các chương trình nghiên cứu sinh có giám sát trong các lĩnh vực chuyên khoa.

Ngược lại, các trường chính sách công về cơ bản ngừng dạy sinh viên sau hai năm đầu tiên học tập chủ yếu ở lớp và (ngoài các chương trình tiến sĩ) không cung cấp thêm các năm đào tạo bổ sung như các trường y thường làm. Tuy nhiên, mô hình bệnh viện giảng dạy cũng có thể hữu ích trong ngành chính sách công.

Ví dụ, hãy xem xét Phòng thí nghiệm Tăng trưởng (Growth Lab) của Đại học Harvard do tôi thành lập năm 2006 sau hai lần tham gia chính sách rất thành công ở El Salvador và Nam Phi. Kể từ đó, chúng tôi đã nghiên cứu hơn ba chục quốc gia và khu vực. Ở một số khía cạnh, Phòng thí nghiệm này trông giống như một bệnh viện giảng dạy và nghiên cứu. Nó tập trung vào cả nghiên cứu lẫn công việc phục vụ các “bệnh nhân”, hay trong trường hợp của chúng tôi là các chính phủ. Hơn nữa, chúng tôi tuyển dụng những sinh viên mới tốt nghiệp tiến sĩ (tương đương với những người có bằng MD trong ngành y)[1] và những sinh viên mới tốt nghiệp chương trình thạc sĩ (giống sinh viên y khoa sau hai năm đầu tiên đi học). Chúng tôi cũng thuê những sinh viên mới tốt nghiệp đại học làm trợ lý nghiên cứu, tương tự các “y tá”.

Để giải quyết vấn đề của các “bệnh nhân”, phòng Lab phát triển các công cụ chẩn đoán mới để xác định cả bản chất các vấn đề mà họ gặp phải cũng như các phương pháp trị liệu để điều trị chúng. Và chúng tôi làm việc cùng với các chính phủ để thực hiện các thay đổi được đề xuất. Đó thực sự là nơi chúng tôi học hỏi được nhiều nhất. Theo cách đó, chúng tôi đảm bảo rằng lý thuyết giúp định hướng cho thực tiễn và những hiểu biết thu được từ thực tiễn giúp định hình nghiên cứu trong tương lai của chúng tôi.

Các chính phủ có xu hướng tin tưởng Phòng thí nghiệm bởi chúng tôi không có động cơ lợi nhuận mà chỉ mong muốn được học hỏi với họ bằng cách giúp họ giải quyết vấn đề. Các “bác sĩ nội trú” của chúng tôi ở lại phòng thí nghiệm trong ba đến chín năm, như tại trường y, và thường đảm nhận các vị trí cấp cao tại chính các quốc gia của họ sau khi rời trường. Thay vì sử dụng kinh nghiệm có được để tạo ra các “tài sản sở hữu trí tuệ”, chúng tôi lại cung cấp chúng miễn phí thông qua các ấn phẩm, công cụ trực tuyến và các khóa học. Phần thưởng đối với chúng tôi chính là việc những người khác áp dụng giải pháp của chúng tôi.

Cấu trúc này đã không được lên kế hoạch từ trước, nó chỉ xuất hiện trong quá trình làm việc. Nó không được thúc đẩy từ trên xuống mà chỉ đơn giản là được cho phép phát triển từ dưới lên. Tuy nhiên, nếu ý tưởng về các “bệnh viện giảng dạy” này được ủng hộ, nó có thể thay đổi hoàn toàn cách thức ngành chính sách công được cải thiện, giảng dạy và đưa vào phục vụ thế giới. Có lẽ lúc đó mọi người sẽ ngừng đổ lỗi cho các nhà kinh tế học vì những điều mà ngay từ đầu không bao giờ là trách nhiệm của họ.

Ricardo Hausmann, nguyên Bộ trưởng Bộ kế hoạch Venezuela và nguyên Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, hiện là Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế tại Đại học Havard và là giáo sư kinh tế thuộc Trường Quản lý Nhà nước Kennedy.

—————

[1] MD (Doctor of medicine): gần giống với bác sĩ đa khoa ở Việt Nam