Chiến lược của Mỹ nhằm cạnh tranh đầu tư cơ sở hạ tầng với Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Lưu Phi Đào | Giới thiệu: Hà Lực

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ luôn là vấn đề được giới chiến lược, học thuật ở Trung Quốc và nước ngoài tập trung thảo luận và nghiên cứu. Nhưng những phân tích thực nghiệm cụ thể lại khá ít, tập trung quá nhiều vào lĩnh vực chính trị và an ninh. Bài viết sẽ tập trung vào sách lược cạnh tranh đầu tư cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, phân tích mục tiêu, lộ trình và triển vọng phát triển của chiến lược này, đưa ra đánh giá mang tính thử nghiệm về tác động có thể có của chiến lược này đối với hợp tác “Vành đai và Con đường”.

Từ khi Chính quyền Trump đưa ra khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và không lâu trước khi công bố Báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ luôn là vấn đề được giới chiến lược, học thuật ở Trung Quốc và nước ngoài tập trung thảo luận và nghiên cứu, như bối cảnh và ý đồ của việc Mỹ đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nội hàm địa chính trị và triển vọng của chiến lược này…, nhưng những phân tích thực nghiệm cụ thể lại khá ít, tập trung quá nhiều vào lĩnh vực chính trị và an ninh. Là trụ cột kinh tế quan trọng trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng sách lược cạnh tranh đầu tư vào cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ vẫn thiếu những nghiên cứu sâu cần có.

Sách lược cơ bản

Tháng 11/2017, tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, đồng thời cho biết sẽ ủng hộ Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đầu tư vào cơ sở hạ tầng có chất lượng cao của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khuyến khích nguồn vốn tư nhân tăng cường đầu tư, là lựa chọn thay thế cho đầu tư mang tính chính phủ của các nước trong khu vực. Mặc dù khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Chính quyền Trump khi đó không rõ ràng, khuôn khổ chính sách chưa hình thành, nhưng đã tiết lộ ý tưởng ban đầu thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tiếp đó, cùng với cơ chế và chính sách đầu tư có liên quan liên tục được đưa ra, thúc đẩy cạnh tranh đầu tư cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dần trở thành điểm khởi đầu quan trọng để Chính quyền Trump đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Biện pháp cụ thể như sau:

Thành lập Công ty phát triển tài chính quốc tế Mỹ

Trong một thời gian dài, 4 cơ quan là Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Cơ quan thiên niên kỷ (MCC), Cơ quan phát triển thương mại Mỹ (USTDA) và Công ty đầu tư tư nhân ở nước ngoài (OPIC) luôn cùng đảm nhận trách nhiệm viện trợ đầu tư và phát triển quốc tế. Sau khi lên lãnh đạo, Chính quyền Trump bắt đầu thúc đẩy cải cách cơ chế viện trợ nước ngoài của Mỹ. Năm 2018, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển (BUILD), ủy quyền cho Vụ quản lý tín dụng phát triển thuộc USAID hợp nhất với OPIC, thành lập Công ty phát triển tài chính quốc tế Mỹ (USDFC) mới, từ đó hình thành cơ chế hai quỹ đạo với viện trợ phát triển do USAID, MCC phụ trách và viện trợ phát triển do USDFC và USTDA phụ trách. Ngoài có chức năng truyền thống của OPIC như có tiền vốn, đảm bảo vay vốn, bảo hiểm và tái bảo hiểm, hỗ trợ công nghệ…, USDFC còn tăng thêm quyền đầu tư cổ phần vào doanh nghiệp liên doanh và có thể sử dụng đồng tiền của quốc gia khác để đầu tư và bảo lãnh. Mục tiêu viện trợ đầu tư của USDFC rõ ràng là giới hạn ở những quốc gia có thu nhập trung bình thấp và các nước chuyển đổi mô hình sang kinh tế thị trường. Ngoài ra, BUILD còn xóa bỏ trách nhiệm tương ứng về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu mà OPIC phải tuân thủ, để USDFC có thể thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính tự do và lỏng lẻo hơn.

Xây dựng quan hệ đối tác đầu tư cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Chính quyền Trump chủ yếu xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức song phương và đa phương. Ở cấp độ song phương, trong thời gian Tổng thống Trump thăm Nhật Bản năm 2017, OPIC đã ký với Ngân hàng quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Công ty bảo hiểm đầu tư xuất khẩu Nhật Bản Bản ghi nhớ cung cấp đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, USTDA và Bộ công nghiệp và thương mại Nhật Bản (METI) cũng ký Bản ghi nhớ hợp tác cung cấp năng lượng cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hai nước đã liên kết thành quan hệ đối tác năng lượng chiến lược, đầu tư vào các dự án khí hóa lỏng và cơ sở hạ tầng có liên quan ở khu vực này. Ngoài ra, Mỹ còn thiết lập các khuôn khổ hợp tác song phương khác như quan hệ đối tác mới thành phố thông minh Mỹ-ASEAN, dự án cơ sở hạ tầng châu Á giữa Mỹ và Singapore, hợp tác cơ sở hạ tầng Mỹ-Ấn Độ…

Ở cấp độ đa phương, tháng 7/2018, Mỹ, Nhật Bản và Úc tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác đầu tư vào cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các quốc gia này cũng đã ký bản ghi nhớ thực hiện hợp tác quan hệ đối tác đầu tư cơ sở hạ tầng, cùng khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân xây dựng dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối số và năng lượng. Ba nước còn cùng thúc đẩy sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka năm 2019. Ngoài ra, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ thiết lập Nhóm công tác 3 bên về cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ đối thoại 3 bên, ba nước đã đạt được thỏa thuận về phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia Nam Á, Đông Nam Á như Nepal, Bangladesh, Myanmar…, trong đó Ấn Độ phụ trách xây dựng cảng biển, Nhật Bản xây dựng khu công nghiệp, Mỹ xây dựng cơ sở hạ tầng điện lực.

Cùng xây dựng quỹ tài chính

Tại Diễn đàn thương mại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 2018 do Hiệp hội thương mại Mỹ tổ chức, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra 3 sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đó là quan hệ đối tác kết nối số an ninh mạng, thông qua khai thác năng lượng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển châu Á, mạng lưới nghiệp vụ và hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đồng thời tuyên bố sẽ cung cấp 113 triệu USD. Tiếp đó, với luật BUILD, Quốc hội Mỹ lại cung cấp quỹ phát triển tài chính trị giá 60 tỷ USD cho Công ty phát triển tài chính quốc tế Mỹ. Trong khuôn khổ đối tác cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nhật Bản cam kết cung cấp 10 tỷ USD, trong vòng 5 năm sẽ đầu tư 200 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu trong kế hoạch quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao mở rộng, bao gồm cùng với Ấn Độ xây dựng Hành lang tăng trưởng kinh tế Á-Phi. Chính phủ Úc tuyên bố thành lập Quỹ tài chính cơ sở hạ tầng Úc-Thái Bình Dương trị giá 2 tỷ đôla Úc (AUD) và cung cấp 1 tỷ AUD cho Công ty tài chính và bảo hiểm xuất khẩu Úc (EFIC) để hỗ trợ tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng cho các quốc đảo Thái Bình Dương.

Cùng với Nhật Bản nâng cao tiêu chuẩn đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao

Tháng 11/2018, Mỹ và Nhật Bản tổ chức Hội nghị nhóm công tác chính sách kinh tế và cơ cấu, cam kết coi mức độ minh bạch, cơ sở hạ tầng mang tính mở cửa… là nguyên tắc cơ bản của đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao và coi thúc đẩy việc chỉnh sửa “Bản hướng dẫn xây dựng và chất lượng đầu tư cơ sở hạ tầng” được thông qua tại Hội nghị APEC năm 2014 là mục tiêu ưu tiên của hai nước, hy vọng có thể lần đầu tiên đạt được nhận thức chung trong khuôn khổ APEC. Hai nước còn quyết định cùng thúc đẩy mở rộng các hoạt động về mua sắm công tốt nhất thế giới, “sáng kiến mua sắm toàn cầu” của Cơ quan phát triển thương mại Mỹ sẽ kết nối với Quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao Nhật Bản của Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, hai nước sẽ triển khai hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cung cấp dự án đào tạo cho nước thứ 3.

Nhiều biện pháp xây dựng dự án hợp tác mang tính hàng đầu

Trong quan hệ đối tác đầu tư cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các dự án hợp tác đầu tư do Mỹ và Nhật Bản tài trợ bao gồm: Dự án nhà máy điện khí đốt Java số 1 ở Indonesia, nhà máy điện khí hóa lỏng của Bangladesh, nhà máy điện khí ở Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, hệ thống cáp ngầm dưới đáy biển Nhật Bản-Guam-Úc. Mỹ và Úc đã cùng mở rộng căn cứ hải quân ở đảo Manus, Papua New Guinea. OPIC đã cung cấp 350 triệu USD cho Công ty năng lượng tái tạo Ấn Độ để xây dựng 6 nhà máy điện mặt trời và điện gió; ở cấp độ đa phương, 5 nước Mỹ, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Papua New Guinea tuyên bố cùng xây dựng cơ sở hạ tầng điện lực mới ở Papua New Guinea, đến năm 2030 cho phép 70% dân số nước này có thể sử dụng điện. Trong khuôn khổ viện trợ song phương, tháng 9/2017, MCC của Mỹ và Chính phủ Nepal đã ký hợp đồng, cam kết cung cấp 500 triệu USD để xây dựng hai dự án lớn là truyền tải điện và bảo trì đường bộ; tháng 9/2018, MCC và Chính phủ Mông Cổ ký Hợp đồng phát triển nước ở Mông Cổ, cung cấp 350 triệu USD để mở rộng việc nguồn cung cấp nước cho thủ đô Ulan Bator. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết trong 2 năm đầu dưới thời Donald Trump, doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 1500 dự án, tổng đầu tư lên tới hơn 61 tỷ USD.

Đánh giá chính sách

Chính quyền Trump đã thông qua các biện pháp chiến lược, kinh tế và chính trị như xây dựng cơ chế, ký kết thỏa thuận đối tác, định hướng tài chính, triển khai các dự án hợp tác xây dựng và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đối phó với tác động toàn diện của sáng kiến “Vành đai và Con đường”, chiếm lấy ưu thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Hệ thống mục tiêu như sau:

Thúc đẩy chính sách viện trợ đầu tư nước ngoài của Mỹ chuyển đổi mô hình theo nguyên tắc “Nước Mỹ trước tiên”

Ngay từ khi tranh cử tổng thống, Donald Trump đã luôn chỉ trích gay gắt viện trợ nước ngoài của Mỹ, cho rằng không nên viện trợ cho những quốc gia không ưa thích Mỹ, cho rằng viện trợ đầu tư cho Iraq và Afghanistan là hoàn toàn lãng phí, các khoản tiền đó nên được sử dụng để xây dựng lại cơ sở hạ tầng cho nước Mỹ. Sau khi lên cầm quyền, Chính quyền Trump đã xác định 3 phương hướng chuyển đổi mô hình chính sách viện trợ nước ngoài của Mỹ:

Một là cắt giảm ngân sách dành cho viện trợ nước ngoài. Bản dự thảo ngân sách năm tài khóa 2018 và 2019 của Chính quyền Trump đều kiến nghị cắt giảm trên 30% số tiền dành cho viện trợ nước ngoài. Cuối cùng tuy bị quốc hội bác bỏ, nhưng ngân sách dành cho viện trợ nước ngoài của Mỹ giảm dần hàng năm, liên tục cắt giảm viện trợ nước ngoài đã trở thành xu hướng chính sách quan trọng của Chính quyền Trump.

Hai là viện trợ nước ngoài gắn chặt hơn với việc phục vụ cho mục tiêu chính sách ngoại giao Mỹ. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2018, Tổng thống Trump nói rằng Mỹ hiện nay là nước viện trợ nước ngoài lớn nhất thế giới, nhưng không có bất kỳ quốc gia nào viện trợ cho họ, trong tương lai Mỹ chỉ viện trợ cho những người bạn bè tôn trọng Mỹ. Theo đó, Washington đã tuyên bố cắt giảm viện trợ cho các nước như Pakistan, Campuchia…

Ba là giảm bớt viện trợ không hoàn lại và chuyển trọng điểm sang viện trợ đầu tư. Sau khi chính thức đi vào hoạt động, USDFC duy trì hợp tác chặt chẽ với USAID về mặt vận hành dự án, dự án viện trợ phát triển mà USAID cam kết một khi chín muồi sẽ chuyển cho USDFC vận hành vào thời điểm thuận lợi, từ đó sẽ thực hiện sự chuyển đổi mô hình thành công từ dự án viện trợ phát triển sang dự án viện trợ đầu tư. Cùng với việc thu hẹp viện trợ không hoàn lại, mở rộng viện trợ đầu tư, có thể ngăn chặn hiệu quả việc Mỹ vì cắt giảm quy mô viện trợ nước ngoài mà dẫn đến ảnh hưởng đối với các nước đang phát triển giảm sút.

Bảo vệ lợi ích kinh tế và địa vị chủ đạo đầu tư của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Thứ nhất là liệu có thể “đáp chuyến tàu nhanh” kinh tế châu Á hay không có liên quan đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Trong thời gian dài sắp tới, châu Á vẫn đóng vai trò là động lực phát triển chủ yếu của kinh tế thế giới. Báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết do sự lãnh đạo kinh tế của hai nước Trung Quốc và Ấn Độ, trong 10 năm tới châu Á vẫn sẽ là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered dự đoán GDP của Mỹ sẽ tăng từ mức 28% hiện nay lên 35% GDP của thế giới.

Thứ hai, Mỹ có lợi ích thương mại và đầu tư lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong bài viết trên tờ Washington Post, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đặt sự phồn vinh lên trước an ninh, pháp trị và nhân quyền, được coi là trụ cột quan trọng nhất của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh kim ngạch thương mại của Mỹ ở khu vực này lên tới hơn 1.800 tỷ USD/năm, đã tạo ra 3,3 triệu việc làm ở Mỹ; tổng đầu tư của Mỹ vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lên tới gần 1.000 tỷ USD, vượt xa tổng đầu tư của ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thứ ba, thị trường đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á có sức hấp dẫn lớn đối với nguồn vốn tư nhân của Mỹ. Theo ước tính của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), đến trước năm 2030, đầu tư cơ sở hạ tầng ở châu Á sẽ cần 26.000 tỷ USD, bình quân mỗi năm là 1.700 tỷ USD.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là Trung Quốc thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã đi trước Mỹ trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng ở châu Á. Mỹ được coi là nhà đầu tư lớn nhất của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đối mặt với “bữa tiệc đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á”, vừa không chấp nhận vắng mặt, vừa không muốn để bị tụt lại phía sau.

Làm suy yếu ảnh hưởng khu vực và quốc tế của sáng kiến “Vành đai và Con đường”

“Vành đai và Con đường” là một sáng kiến phát triển do Trung Quốc đưa ra. Nó tuân theo nguyên tắc hợp tác cùng thỏa thuận, cùng xây dựng và cùng chia sẻ, có tính bình đẳng, tính cởi mở và toàn diện rõ rệt. Tuy nhiên, các thế lực bảo thủ ở Mỹ có xu hướng giải thích sáng kiến này là công cụ địa chiến lược, thậm chí coi sáng kiến này là mối đe dọa chiến lược với Mỹ. Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết mục đích Trung Quốc đưa ra sáng kiến hợp tác “Vành đài và Con đường” là xây dựng nhiều tuyến đường thương mại ở Trung Quốc và nước ngoài nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là nâng cao địa vị chủ đạo của Bắc Kinh trên thế giới.

Theo quan điểm của Mỹ, thách thức địa chiến lược mà “Vành đai và Con đường” gây ra cho Mỹ được biểu hiện chủ yếu ở một số lĩnh vực sau:

Một là vấn đề quân sự hóa. Cùng với việc liên tục thúc đẩy xây dựng “Vành đai và Con đường”, lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài nhanh chóng tăng lên, cần Trung Quốc đầu tư sức mạnh quân sự để tăng cường bảo vệ. Trung Quốc có kế hoạch thúc đẩy dự án “chuỗi ngọc trai” ở Ấn Độ Dương, đó là thông qua xây dựng cảng biển và bến tàu lưỡng dụng quân sự và dân sự ở ven Con đường tơ lụa trên biển, để hỗ trợ cho Trung Quốc điều động lực lượng quân sự ra nước ngoài. Hành động của Hải quân Trung Quốc như triển khai hàng loạt cuộc tuần tra ở Ấn Độ Dương và thành lập căn cứ hậu cần ở Djibouti…đã phản ánh xu hướng này.

Hai là vấn đề “sức mạnh sắc bén”. Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng có xu hướng sử dụng “cây gậy” kinh tế để đạt được mục tiêu chính sách đối ngoại, trừng phạt các quốc gia chống lại yêu cầu mục tiêu của Bắc Kinh. Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines đều từng trở thành mục tiêu trừng phạt của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc còn dựa vào ảnh hưởng lớn của mình để can dự vào chính trị và xã hội của các nước có liên quan.

Ba là vấn đề trật tự thế giới trong tương lai. Trung Quốc coi sáng kiến “Vành đai và Con đường” là vũ đài, đã thiết lập các cơ chế tài chính như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Quỹ con đường tơ lụa…, đây được coi là “Ngân hàng thế giới” và “Quỹ tiền tệ quốc tế” phiên bản Trung Quốc và do Bắc Kinh thành lập. Mục đích cuối cùng để Trung Quốc đưa ra sáng kiến “Vành đai và Con đường” là thiết lập một trật tự thế giới với trung tâm là Trung Quốc. Ở góc độ kinh tế, việc làm này có nghĩa là Trung Quốc sẽ có tư cách kiểm soát chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất; ở góc độ chính trị, Trung Quốc sẽ lợi dụng địa vị của mình để kiểm soát chuỗi sản xuất của họ, ép buộc các quốc gia láng giềng phục vụ cho mục tiêu chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.

Về ý đồ chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cho rằng kế hoạch của Trung Quốc đã thay đổi từ 5 năm trước, thậm chí 2-3 năm trước, từ năng lực của Trung Quốc khi đầu tư ra thế giới có thể nhận thấy điều này thông qua biện pháp “đế quốc thu mua” sử dụng tiền để gây tổn thất cho các quốc gia có liên quan, đồng thời cũng đe dọa lợi ích của Mỹ, “Washington sẵn sàng làm mọi thứ để ứng phó với Trung Quốc”. Từ đó có thể thấy, để gây tác động và làm suy yếu ảnh hưởng quốc tế và sức hấp dẫn từ phát triển của “Vành đai và Con đường”, Mỹ đã thể hiện thái độ sẵn sàng cạnh tranh quyết liệt.

Chiếm lấy quyền chủ đạo quy tắc đầu tư cơ sở hạ tầng vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

So với sáng kiến cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của các nước như Mỹ, Nhật Bản…, sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc có ưu thế của quốc gia thực hiện trước. Cùng với sáng kiến hợp tác “Vành đai và Con đường” mở rộng từ lục địa Á-Âu sang châu Phi và khu vực Mỹ Latinh, quy định công nghệ và tiêu chuẩn chất lượng xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc bắt đầu có sự phát triển mang tính hệ thống, có tác động nghiêm trọng đến hệ thống quy tắc đầu tư quốc tế mà Mỹ và phương Tây nắm vai trò chủ đạo trong thời gian dài. Trong bài phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng công khai than thở viện trợ phát triển ở nước ngoài của Trung Quốc nên được tiến hành trong hệ thống quy tắc quốc tế, nhưng Trung Quốc dường như đang dựa vào “Vành đai và Con đường” để xây dựng hệ thống quy tắc của riêng mình.

Có ý đồ làm suy yếu sức mạnh mềm của Trung Quốc

Cuộc cạnh tranh đầu tư cơ sở hạ tầng giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến tranh cãi về mô hình viện trợ đầu tư. OPIC cho biết: “Khi Trung Quốc đầu tư vào thị trường mới nổi theo mô hình do chính phủ lãnh đạo, mô hình của Mỹ đã cung cấp một lựa chọn khác để thúc đẩy sự phát triển của thế giới, đó là ổn định tài chính tuân thủ tiêu chuẩn cao và tránh bẫy nợ”. Nhà nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Heritage (Mỹ) Jeff Smith nhận định mô hình viện trợ đầu tư giữa Trung Quốc và Mỹ hoàn toàn khác nhau. Trung Quốc tập trung vào dự án cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp nhà nước, những dự án này đôi khi lại không có hiệu quả về mặt kinh tế và khiến cho một số nước phải gánh vác nợ; Trung Quốc thường độc chiếm lợi ích của dự án, thể hiện qua việc ngân hàng Trung Quốc kiếm được lợi nhuận từ các khoản vay, mà các dự án đó đều do doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc thực hiện; hợp đồng thiếu độ minh bạch và cơ chế trách nhiệm, dễ dàng dẫn đến tham nhũng. Viện trợ đầu tư của Mỹ lại tập trung vào khu vực tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm duy trì các tiêu chuẩn như tính bền vững, tiêu chuẩn cao, độ minh bạch… trong phát triển kinh tế; Chính phủ Mỹ thường chỉ cung cấp viện trợ không hoàn lại trong các lĩnh vực như giải phóng mặt bằng, bảo tồn văn hóa, y tế, hỗ trợ nông nghiệp, đào tạo thực thi pháp luật…, hơn nữa có phương thức viện trợ “hào phóng” hơn, “công bằng” hơn trong quan hệ với nước được viện trợ. Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia Mỹ năm 2018 cho biết Trung Quốc thông qua mở rộng mô hình kinh tế do chính phủ lãnh đạo nhằm xây dựng lại trật tự khu vực có lợi cho Bắc Kinh, mong muốn thay thế Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Một báo cáo của Cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ cũng khẳng định nguyên nhân then chốt khiến Mỹ thông qua dự án BUILD là để ứng phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc ở các nước đang phát triển, mục tiêu của USDFC là thông qua khuyến khích đầu tư tư nhân, được coi là mô hình thay thế đầu tư do chính phủ lãnh đạo, nhằm mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ở các quốc gia đang phát triển. Tuy quan điểm trên rất phiến diện, nhưng cũng phản ánh một số khác biệt cơ bản về mô hình viện trợ nước ngoài giữa Trung Quốc và Mỹ, chẳng hạn như đầu tư do chính phủ hay doanh nghiệp lãnh đạo, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân lãnh đạo và giới hạn của viện trợ không hoàn lại hay viện trợ đầu tư rõ ràng hơn…

Trên thực tế, cuộc cạnh tranh mô hình viện trợ đầu tư Trung-Mỹ là mở rộng của Nhận thức chung Washington và Nhận thức chung Bắc Kinh, sự vượt trội về cơ chế của Mỹ và phương Tây lâu nay đang đối mặt với sự tác động ở phạm vi lớn hơn trên thế giới. Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 3/2019, đã có 123 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế ký với Trung Quốc 171 văn bản hợp tác cùng xây dựng “Vành đai và Con đường”. Điều này có nghĩa là là mô hình viện trợ đầu tư của Trung Quốc với biểu tượng là “Vành đai và Con đường” đã thể hiện khả năng cạnh tranh và sức sống mạnh mẽ.

Xoa dịu và mở rộng vòng tay với đồng minh, đối tác trong khu vực

Kể từ khi Donald Trump lên nắm quyền, với nguyên tắc “Nước Mỹ trước tiên”, ông đã thông qua hàng loạt hành động đơn phương gây tổn hại đến hình ảnh của Mỹ và lòng tin của đồng minh, bao gồm: Bất chấp sự thuyết phục của đồng minh và đối tác quan trọng như Nhật Bản, Úc, Singapore…, kiên quyết rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); ép buộc Hàn Quốc đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn, tiếp tục gây sức ép với Seoul trong vấn đề chia sẻ chi phí quân đội Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc; lôi kéo Nhật Bản đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương, đưa ra “cây gậy lớn” thuế quan đối với Nhật Bản; công khai tuyên bố không hài lòng đối với Thỏa thuận tái định cư cho người tị nạn giữa Mỹ và Úc, thô bạo dập máy trong cuộc điện đàm với cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Năm 2017, trong thời gian diễn ra Hội nghị các nhà lãnh đạo Công thương thuộc Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Trump đã đi về sớm, năm 2018 ông lại không tham dự hàng loạt hội nghị cấp cao Đông Á và Hội nghị thượng đỉnh APEC. Ngoài ra, Mỹ còn đơn phương rút khỏi các hiệp định đa phương hoặc tổ chức quốc tế như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận hạt nhân Iran, Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc…

Hành động đơn phương của Chính quyền Trump đã gây ra lo ngại cho các đồng minh châu Á của Mỹ. Cuốn sách “Nỗi sợ bị bỏ rơi” mới xuất bản của Viện trưởng Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Úc Allan Gyngell cho rằng Úc trong quá khứ từng bị Anh bỏ rơi, đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn chiến lược khi tiếp tục bị Mỹ bỏ rơi. Úc luôn là đồng minh trung thành của Mỹ, thường xuyên tham gia tất cả các cuộc chiến tranh mà Mỹ phát động. Sự thay đổi thái độ của học giả hàng đầu của Úc đối với Mỹ có ý nghĩa đại diện trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, điều này chứng tỏ cho dù là đồng minh thân thiết nhất thì cũng đã tỏ hoài nghi đối với độ tin cậy của Mỹ. Trong bối cảnh đó, phe sáng lập trong Quốc hội Mỹ liên tục thúc đẩy công bố luật BUILD, cũng là thể hiện quyết tâm của Mỹ không từ bỏ địa vị lãnh đạo của họ ở châu Á cũng như không từ bỏ các đồng minh và đối tác ở châu Á.

Đánh giá ảnh hưởng

Nhìn chung, việc Chính quyền Trump ra sức thúc đẩy đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mặc dù có lôgích là để thích ứng với sự chuyển đổi mô hình chính sách viện trợ nước ngoài và tìm kiếm lợi ích kinh tế, về khách quan có vai trò tích cực đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng châu Á-Thái Bình Dương, nhưng kiềm chế xu hướng phát triển của sáng kiến “Vành đai và Con đường”, làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới vẫn là yêu cầu cốt lõi khi Mỹ thiết kế chính sách. Nói cách khác, tuy mục đích của Mỹ khi thúc đẩy vào đầu tư cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không hoàn toàn chĩa mục tiêu vào “Vành đai và Con đường”, nhưng ứng phó với thách thức đến từ “Vành đai và Con đường” rõ ràng là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Trong tương lai, việc Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến hợp tác “Vành đai và Con đường” chắc chắn sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh đến từ Mỹ và ảnh hưởng tiêu cực do sự can dự chính trị của Washington gây ra.

Làm xấu đi môi trường dư luận quốc tế về xây dựng “Vành đai và Con đường”

Khi Trung Quốc mới đưa ra sáng kiến “Vành đai và Con đường”, báo chí Mỹ và phương Tây đóng vai trò chính trong việc bôi nhọ chiến lược này và ngụy tạo hàng loạt tội danh như đó là “kế hoạch Marshall” mới, “chủ nghĩa đế quốc mới”, “ngoại giao tiền bạc”, “cái bẫy nợ”… , cố ý gây ra trở ngại cho việc Trung Quốc thúc đẩy hợp tác “Vành đai và Con đường”.

Từ khi Donald Trump lên cầm quyền đến nay, quan chức Mỹ trở thành những người công khai phỉ báng và chèn ép chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Trong một bài phát biểu, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence công khai chỉ trích Trung Quốc sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” để mở rộng ảnh hưởng, cho rằng Trung Quốc đang cung cấp các khoản vay cho các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng trăm tỷ USD cho các nước châu Á, châu Phi, châu Âu và khu vực Mỹ Latinh, do điều kiện cho vay không minh bạch, lợi ích trong đó chủ yếu chảy về phía Trung Quốc. Tại Hội nghị lãnh đạo các doanh nghiệp APEC năm 2018, Mike Pence công khai chê bai “một số quốc gia” cung cấp điều kiện cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng không minh bạch ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới, chất lượng công trình kém. Ông khẳng định: “Mỹ sẽ cung cấp thêm một lựa chọn thay thế tốt hơn, sẽ không để nước đối tác rơi vào bẫy nợ, không làm mất quyền tự chủ của nước đối tác, không cung cấp ‘vành đai của sự trói buộc’ hoặc ‘con đường đơn phương’”. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng từng tuyên bố các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở khu vực châu Á khiến một số quốc gia phải gánh chịu nợ nần, những khoản đầu tư này không những không thể tạo ra việc làm cho địa phương, mà ngược lại dễ dàng dẫn đến vỡ nợ. Khi trả lời phỏng vấn, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Nam Á và Trung Á Alice G. Wells cho rằng trong rất nhiều tình huống, đầu tư của Trung Quốc đã gây ra gánh nặng nợ, không tạo ra cơ hội việc làm có giá trị thương mại, không mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng.

Tăng thêm trở ngại chính trị khi Trung Quốc và các nước khác triển khai hợp tác “Vành đai và Con đường”

Khi Ý có kế hoạch tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường”, các quan chức của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đã nói rằng Chính phủ Ý không cần cung cấp tính hợp pháp cho công trình cơ sở hạ tầng mang tính hình tượng của Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói rằng việc Ý tham gia “Vành đai và Con đường” để làm hài lòng Trung Quốc khiến mọi người ngạc nhiên. Ông cho biết: “Mục tiêu của Trung Quốc là thông qua các biện pháp như đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại và hy sinh đối tác thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước…, làm suy yếu quốc gia nước ngoài đang muốn cạnh tranh với họ. Kinh nghiệm của Mỹ là rủi ro kinh tế và an ninh quốc gia lâu dài là quan trọng hơn nhiều so với đầu tư của Trung Quốc hoặc tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không thay đổi mục tiêu và biện pháp, tất cả các đồng minh của Mỹ đều cần thận trọng khi tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc”. Trong vấn đề hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Panama, Ngoại trưởng Pompeo công khai cảnh báo Panama rằng doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc vận hành không minh bạch và phi thị trường, mục đích của Bắc Kinh không phải là đem lại lợi ích cho nhân dân Panama mà là cho Chính phủ Trung Quốc.

Làm gia tăng sự dao động của các nước láng giềng Trung Quốc và những quốc gia đang phát triển ở khu vực khác giữa Trung Quốc và Mỹ

Từ khi cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế bùng nổ năm 2008 đến nay, Trung Quốc ngày càng trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế châu Á, vị thế quốc tế và ảnh hưởng trong khu vực ngày càng gia tăng. Đồng thời, Chính quyền Obama thúc đẩy chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”, trung tâm chiến lược không ngừng chuyển sang châu Á-Thái Bình Dương, hệ thống đồng minh và mạng lưới quan hệ đối tác của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục được tăng cường. Các nước vừa và nhỏ tại châu Á-Thái Bình Dương đã hình thành thói quen dựa vào Mỹ về an ninh, dựa vào Trung Quốc về kinh tế. Sau khi Donald Trump lên nắm quyền, do ông thực hiện nguyên tắc “Nước Mỹ trước tiên” và áp dụng hàng loạt chính sách đơn phương nên mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ và đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bị tác động.

Tuy nhiên, lòng tin của các nước Đông Nam Á đối với Mỹ giảm đi không có nghĩa là lòng tin của họ đối với Trung Quốc tăng lên. Trên thực tế, những quốc gia vừa và nhỏ đó vẫn kỳ vọng dựa vào lợi dụng sức mạnh của Mỹ để đối trọng với Trung Quốc, sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc khiến cho khu vực này hoàn toàn trở thành cái gọi là “phạm vi ảnh hưởng” của Trung Quốc. Kết quả thăm dò dư luận của Viện nghiên cứu Đông Nam Á – Yusof Ishak (ISEAS) cho thấy 68,1% số người được hỏi thiếu niềm tin vào Mỹ với tư cách là quốc gia đảm bảo an ninh khu vực và đối tác chiến lược, nhưng đồng thời cũng có 45,4% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia theo “chủ nghĩa xét lại” và muốn đưa Đông Nam Á vào phạm vi ảnh hưởng của họ; ngoài ra chưa đến 10% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc là một “nước lớn ôn hòa, thân thiện”. Về mức độ tín nhiệm của các nước ngoài ASEAN, 5 nước có vị trí đứng đầu là Nhật Bản (65,9%), Liên minh châu Âu (41,3%), Mỹ (27,3%), Ấn Độ (21,7%), Trung Quốc (19,6%); mức độ không tín nhiệm là Trung Quốc (51,5%), Mỹ (50,6%), Ấn Độ (45,6%), EU (35,2%), Nhật Bản (17%). Trung Quốc và Mỹ đang đối mặt với vấn đề lòng tin ở Đông Nam Á bị giảm xuống.

Cuộc khảo sát trên chứng tỏ trong con mắt của các quốc gia Đông Nam Á, tính khó lường của Trung Quốc và Mỹ, là nhân tố chính dẫn đến sự nhầm lẫn chiến lược của các quốc gia Đông Nam Á. Một mặt, triển vọng Trung Quốc được coi là lãnh đạo khu vực cũng như quốc gia này sẽ trở thành nhà lãnh đạo khu vực như thế nào vẫn cần chờ lịch sử chứng minh; mặt khác, địa vị và phương thức lãnh đạo của Mỹ ở khu vực này đã được kiểm chứng, nhưng nhân tố khó lường lớn nhất hiện nay là nước Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ rút khỏi châu Á ở mức độ nào. Do đó, lo ngại thực sự của các nước Đông Nam Á là trong thời điểm Trung Quốc dần đi theo hướng lãnh đạo khu vực thì Chính quyền Trump dường như thiếu quyết tâm và sẵn sàng duy trì địa vị lãnh đạo khu vực của Mỹ như chính phủ tiền nhiệm.

Trong bối cảnh đó, bất kỳ sự quay trở lại nào của Chính quyền Trump đối với chiến lược “tái cân bằng” dưới thời Obama cũng sẽ khiến các quốc gia trong khu vực cảm thấy đó là sự quay trở lại của Mỹ theo mô hình Trump. Họ đương nhiên cũng mong muốn khôi phục địa vị thích hợp được hưởng lợi cả từ Trung Quốc và Mỹ. Chính vì lý do này, các nước ASEAN đã đưa ra “Quan điểm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” với mục tiêu là duy trì địa vị trung tâm của tổ chức này và cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với sức ép của các nước như Mỹ, Nhật Bản… trong vấn đề tiêu chuẩn đầu tư cơ sở hạ tầng

Tháng 11/2018, trong thời gian diễn ra Hội nghị APEC ở Papua New Guinea, Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí ủng hộ việc đưa “bẫy nợ” vào “Bản hướng dẫn chất lượng đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng”. Mỹ còn muốn đưa nội dung mang màu sắc của chủ nghĩa bảo hộ như cái gọi là hành động thương mại không công bằng, yêu cầu mang tính cưỡng chế trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân… vào tuyên bố chung cuối cùng của hội nghị, dẫn đến hội nghị lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung. Mỹ cố ý thúc đẩy chương trình nghị sự ưu tiên của mình và sẵn sàng hy sinh cơ chế hợp tác kinh tế khu vực lớn nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, điều này cho thấy rõ thái độ kiên định của Washington thúc đẩy cái gọi là tiêu chuẩn xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng. Tháng 6/2019, Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka đã thông qua “Nguyên tắc đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao G20”. Có thể thấy thúc đẩy thực hiện tiêu chuẩn đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao có thể trở thành điểm khởi đầu để Mỹ và Nhật Bản tiếp tục chèn ép “Vành đai và Con đường”.

Những nhân tố hạn chế

Mỹ thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với mục đích đối trọng với ảnh hưởng của “Vành đai và Con đường”, nhưng muốn đưa ra một “lựa chọn thay thế” thực sự có khả năng cạnh tranh thì vẫn đối mặt với rất nhiều trở ngại chủ quan và khách quan:

Chính trị hóa quá mức là phản tác dụng

Tổng thống Trump luôn theo đuổi nguyên tắc “Nước Mỹ trước tiên”. Ngay từ khi tranh cử, ông đã nhiều lần chỉ trích chính sách viện trợ nước ngoài của Mỹ, sau khi lên cầm quyền, đã đưa ra phương án cắt giảm viện trợ nước ngoài trên quy mô lớn. Trên thực tế, trong dự thảo ngân sách năm đầu tiên của Chính quyền Trump, OPIC từng bị coi là một trong 19 cơ quan bị giải thể, nhưng kết quả là không những chưa bị xóa sổ, ngược lại được nâng cấp lên thành USDFC, chức năng và quỹ tài chính của nó đều tăng lên. Nguyên nhân then chốt khiến Chính quyền Trump thay đổi là có cân nhắc về địa chính trị, đặc biệt là nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Một trong những người đề xướng đạo luật BUILD, Chủ tịch Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, Ted Yoho, cho biết lý do thực sự của việc Trump đảo ngược chính sách không phải là muốn thay đổi thái độ đối với viện trợ nước ngoài mà ông mong muốn lấy đó để ngăn chặn Trung Quốc giành được quyền chủ đạo kinh tế, công nghệ và chính trị.

Việc Mỹ chính trị hóa quá mức đầu tư cơ sở hạ tầng vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khiến viện trợ đầu tư với ý nghĩa kinh tế hoặc phát triển ban đầu đã trở thành một cuộc cạnh tranh được mất ngang nhau. Mỹ dựa vào sự ép buộc chứ không phải là kêu gọi duy trì sự phối hợp hoặc hợp tác của đồng minh, thậm chí coi việc những nước từ chối tham gia “Vành đai và Con đường” là một bài kiểm tra về sự trung thành đối với Mỹ. Hành động thái quá của Mỹ là sự vượt trên đối với bá quyền của họ, chắc chắn sẽ dẫn đến sự phản đối và tẩy chay của các nước đang phát triển, thậm chí là đồng minh truyền thống. Việc Ý tham gia hợp tác “Vành đai và Con đường”, Anh và Đức từ chối theo đuôi Mỹ trong vấn đề 5G, cho thấy Mỹ đã rơi vào cái bẫy chính trị do chính mình tạo ra.

Mỹ không có lợi thế so sánh trong đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển

Lịch sử cạnh tranh viện trợ đầu tư giữa Trung Quốc và Mỹ ở châu Phi có thể là dấu hiệu cho thấy triển vọng của Mỹ trong việc phát triển, thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trước khi Donald Trump lên nắm quyền, Mỹ từng được xếp hạng quốc gia đầu tư số 1 tại châu Phi trong thời gian dài, Trung Quốc chiếm vị trí hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực này. Về quy mô đầu tư, năm 2017, thế giới cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng vào châu Phi 81,6 tỷ USD, trong đó 19,4 tỷ USD đến từ Trung Quốc, chiếm 23,8%; Liên minh xây dựng châu Phi (ICA) do tổ chức G8 trước kia thành lập là 19,4 tỷ USD, chiếm 24,1%. Về lĩnh vực đầu tư, Mỹ đầu tư tập trung vào khoáng sản, dầu mỏ, tài chính, dịch vụ, ngành dệt may, năng lượng tái tạo…; Trung Quốc đầu tư tập trung vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giao thông, khoáng sản, dầu mỏ, khí tự nhiên. Cho dù lĩnh vực đầu tư giống nhau thì trọng điểm đầu tư của hai nước cũng có phần khác biệt, chẳng hạn như trong ngành điện lực, Trung Quốc thường đầu tư vào nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, còn Mỹ đầu tư nhiều hơn vào phát điện bằng năng lượng tái tạo. So sánh đó chứng tỏ đầu tư của Trung Quốc và Mỹ vào các nước đang phát triển phần lớn là hỗ trợ lẫn nhau, Mỹ cao giọng tuyên bố “tiêu chuẩn cao” với dư luận, nhưng trên thực tế các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ không có ưu thế lớn.

Cần quan sát tính tích cực của doanh nghiệp tư nhân Mỹ khi tham gia viện trợ đầu tư nước ngoài

Cơ chế quản lý vận hành USDFC chứa đựng xung đột lợi ích giữa chính phủ và doanh nghiệp tư nhân. Các quan chức Mỹ cho biết mục đích thành lập USDFC là khuyến khích nguồn lực tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm cung cấp cho các nước ở khu vực này lựa chọn thay thế đầu tư với vai trò chủ đạo của chính phủ. Nhưng trên thực tế, USDFC hoàn toàn do chính phủ thành lập, thành viên của hội đồng quản trị cũng chủ yếu do Tổng thống, lãnh đạo hai đảng ở quốc hội Mỹ đề cử hoặc bổ nhiệm; phương thức nhận thầu dự án chủ yếu thông qua ký kết quan hệ đối tác chính thức để triển khai hợp tác từ trên xuống dưới, việc làm này cũng khiến mục tiêu viện trợ đầu tư của chính phủ rất khó duy trì sự thống nhất với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp. Liệu các phương thức đầu tư tài chính mới có thực sự huy động tính tích cực của doanh nghiệp hay không vẫn phải chờ quan sát.

Kết luận

Sách lược cạnh tranh đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ vừa là trụ cột kinh tế quan trọng để Mỹ thúc đẩy toàn diện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vừa là biện pháp quan trọng để Mỹ triển khai cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc. Về khách quan, Mỹ đưa ra sách lược đầu tư cơ sở hạ tầng “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” có ý nghĩa tích cực nhất định để đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của châu Á, nhưng do Mỹ chiến lược hóa thái quá khi giải mã “Vành đai và Con đường”, đồng thời lại chính trị hóa quá mức vận hành sáng kiến đầu tư Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nên dự báo sách lược đầu tư cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ có hai tác động mang tính xu thế đối với việc Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy hợp tác “Vành đai và Con đường”.

Trong thời gian tới, tác động tiêu cực về chính trị của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ lớn hơn sức ép cạnh tranh kinh tế. Mỹ đã và đang ngăn chặn toàn diện “Vành đai và Con đường”, Ngoại trưởng Pompeo rất háo hức tuyên truyền về sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời chỉ trích và bôi nhọ một cách công khai “Vành đai và Con đường”. Mỹ không muốn chấp nhận cũng không muốn nhìn thấy “Vành đai và Con đường” đi theo hướng thành công.

Về lâu dài, sức ép chính trị có khả năng giảm và áp lực cạnh tranh kinh tế có thể sẽ tăng lên. Để duy trì địa vị lãnh đạo thế giới của mình, Mỹ không thể dễ dàng từ bỏ định kiến cạnh tranh được mất ngang nhau. Cùng với địa vị của Trung Quốc tiếp tục tăng lên, tác động từ việc Mỹ kiềm chế và chèn ép Trung Quốc sẽ có thể quyết liệt hơn, sự bao vây của Mỹ đối với “Vành đai và Con đường” có thể sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nếu Mỹ giữ vững định kiến “anh thua tôi thắng”, tiếp tục bao vây đối với “Vành đai và Con đường”, Washington sẽ phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ đến từ Trung Quốc và các đối tác phát triển khác, mất đi cơ hội để tham gia nhiều hơn vào đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, đặc biệt là hợp tác “Vành đai và Con đường”. Trên thực tế, sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ và sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc có sự bổ sung cho nhau mang tính nội tại. Trung Quốc về tổng thể mở rộng các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng như đường bộ, cầu, cảng biển…, còn Mỹ thì giỏi về xây dựng cơ sở hạ tầng điện lực và năng lượng, hệ thống thành phố thông minh. Tiền đề để Trung Quốc và Mỹ tránh cục diện cả hai cùng thua để quay trở lại hợp tác và cạnh tranh mang tính xây dựng là Mỹ cần nhận thức được rằng mô hình viện trợ phát triển đa dạng có lợi cho các nước đang phát triển, và trên thực tế không gây thiệt hại cho Mỹ. Washington và Bắc Kinh cần thông qua một vòng điều chỉnh chiến lược mới, tìm thấy con đường cùng chung sống giữa các nước lớn khá cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác, thúc đẩy trật tự cạnh tranh tốt đẹp theo hướng cộng sinh.

Tác giả Lưu Phi Đào (Liu Feitao), là tiến sĩ đồng thời là Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Mỹ, trực thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc. Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc Tạp chí Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc kỳ 4, năm 2019.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông