Thiệt hại ngoài dự kiến của chiến tranh lạnh Mỹ-Trung

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Minxin Pei, “The Sino-American Cold War’s Collateral Damage”, Project Syndicate, 19/10/2018.

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Phương Mai | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng được xem như chiến dịch mở màn cho một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nhưng nếu tiếp tục leo thang, “cuộc đụng độ giữa những người khổng lồ” này sẽ gây tổn thất nặng nề cho cả hai phe tới mức kẻ thắng cuộc (khả năng cao là Mỹ) cũng chỉ giành được một chiến thắng cay đắng.[1]

Nhưng chính phần còn lại của thế giới sẽ phải trả cái giá đắt hơn cả. Trên thực tế, mặc dù ít khả năng xảy ra một cuộc đối đầu vũ trang trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng chiến tranh lạnh Mỹ-Trung chắc chắn sẽ đem lại những thiệt hại ngoài dự kiến sâu rộng và nặng nề tới mức gây nguy hại cho tương lai toàn bộ nhân loại.

Căng thẳng song phương đã góp phần dẫn tới sự gián đoạn kinh tế ảnh hưởng lên toàn cầu. Nếu sự chấm dứt Chiến tranh Lạnh năm 1991 đánh đấu kỉ nguyên vàng của hội nhập kinh tế toàn cầu, thì sự mở màn của cuộc chiến tranh lạnh tiếp theo giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ gây ra sự chia rẽ và phân mảnh.

Không khó để hình dung một thế giới phân chia thành hai khối thương mại, mỗi khối xoay quanh một siêu cường. Giao thương trong phạm vi mỗi khối có thể tiếp diễn, thậm chí bùng nổ, nhưng sẽ có rất ít hoặc không có các mối liên hệ được thiết lập giữa hai khối.

Hệ thống tài chính thế giới sẽ bị dỡ bỏ. Chính quyền tổng thống Donald Trump đã cho thấy Mỹ có thể dễ dàng tấn công kẻ thù của mình đến mức nào (ví dụ như Iran) bằng việc áp đặt lệnh cấm vận để ngăn cản họ tiếp cận hệ thống thanh toán quốc tế thống trị bởi đồng đô la. Vì vậy, những kẻ thù chiến lược của Mỹ, như Trung Quốc và Nga – hay thậm chí cả đồng minh của Mỹ, Liên minh châu Âu – đang cố gắng thiết lập các hệ thống thanh toán thay thế để bảo vệ bản thân trong tương lai.

Sự chia rẽ kinh tế như vậy, cùng với căng thẳng địa chính trị sâu sắc hơn mà chiến tranh lạnh gây ra, sẽ hủy hoại tương lai khoa học kĩ thuật của thế giới. Hạn chế chuyển giao và liên hệ công nghệ, thường được bào chữa vì lí do an ninh quốc gia, sẽ thúc đẩy các tiêu chuẩn cạnh tranh, không tương thích với nhau. Internet sẽ bị chia thành các khu vực cạnh tranh lẫn nhau. Các sáng kiến đổi mới sẽ bị thiệt hại, dẫn tới chi phí tăng cao, quá trình áp dụng chậm, và sản phẩm kém chất lượng hơn.

Nhưng lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi sự phân mảnh sâu sắc là chuỗi cung ứng toàn cầu. Để tránh ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ, các công ty sản xuất hoặc lắp ráp hàng hóa để xuất khẩu sang Mỹ ở Trung Quốc bắt buộc phải chuyển cơ sở sản xuất tới quốc gia khác, khả năng cao tới Nam và Đông Nam Á.

Trong ngắn hạn, một làn sóng di chuyển cơ sở sản xuất như vậy – với Trung Quốc là trung tâm các chuỗi sản xuất toàn cầu – sẽ cực kì rối loạn. Chuỗi cung ứng phân mảnh mới xuất hiện sẽ kém hiệu quả hơn, khi không quốc gia nào có thể sánh kịp Trung Quốc về khía cạnh cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghiệp, hay quy mô và trình độ của lực lượng lao động.

Tuy nhiên, nếu Mỹ và Trung Quốc thật sự quyết định tham gia vào một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài, hậu quả kinh tế – bất chấp tồi tệ tới mức nào – cũng sẽ không là gì nếu so với một hậu quả khác: sự thiếu hụt các hành động đủ mạnh mẽ để đối phó với biến đổi khí hậu.

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc thải ra trên 9 tỉ tấn carbon dioxide hàng năm, trở thành lò khí thải lớn nhất thế giới. Mỹ đứng ở vị trí thứ hai với khoảng cách khá cách biệt, thải ra môi trường khoảng 5 tỉ tấn hàng năm. Nếu hai quốc gia chiếm 38% lượng khí thải CO2 toàn cầu không thể tìm được tiếng nói chung trong hành động chống biến đổi khí hậu thì nhân loại chắc chắn sẽ mất đi cơ hội cuối cùng để ngăn chặn thảm họa nóng lên toàn cầu.

Cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Trung sẽ khiến những viễn cảnh này trở nên thực tế hơn bao giờ hết. Mỹ sẽ một mực yêu cầu Trung Quốc cắt giảm đáng kể lượng khí thải, bởi vì quốc gia này đang đứng số một thế giới về mức độ gây ô nhiễm xét về khối lượng tuyệt đối. Trung Quốc sẽ đáp trả rằng Mỹ cần nhận nhiều trách nhiệm hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu, xét theo cả phương diện tổng số lượng khí thải tích lũy từ trước đến nay lẫn bình quân đầu người. Mắc kẹt trong cuộc chiến địa chính trị, không quốc gia nào sẵn sàng nhượng bộ. Các cuộc đàm phán khí hậu quốc tế, vốn đã vô cùng thách thức, nay sẽ rơi vào tình thế bế tắc. Kể cả nếu những quốc gia khác đồng thuận với các giải pháp, sức ảnh hưởng cũng không đáng kể nếu thiếu sự tham gia của Mỹ và Trung Quốc.

Niềm hi vọng của nhân loại sẽ nằm trong các sáng kiến cải tiến công nghệ – kĩ thuật. Nhưng những sáng kiến này – bao gồm sự phát triển thần tốc của năng lượng tái tạo trong thập niên qua – phụ thuộc phần lớn vào dòng chảy xuyên biên giới tương đối tự do của công nghệ, chưa kể đến khả năng mở rộng quy mô sản xuất và cắt giảm chi phí nhanh chóng độc nhất vô nhị của Trung Quốc.

Trong hoàn cảnh chiến tranh lạnh châm ngòi cho sự phân mảnh kinh tế – đặc biệt là những hạn chế thương mại và chuyển giao công nghệ đã nêu trên – rất khó để đạt được những đột phá gấp rút. Cùng với đó, một giải pháp công nghệ cho tình trạng biến đổi khí hậu, vốn đã đầy thách thức, nay có khả năng cao trở thành một ảo ảnh ngoài tầm với. Và mối đe dọa lớn nhất mà con người từng đối mặt sẽ sớm thành hiện thực.

Bây giờ chưa phải là quá muộn để Mỹ và Trung Quốc thay đổi hành động. Vấn đề là khi quyết định có nên làm vậy không, Trump và người đồng cấp Trung Quốc, Tập Cận Bình, có thể sẽ tập trung phần lớn, nếu không phải hoàn toàn, vào lợi ích quốc gia và những toan tính chính trị cá nhân. Điều này rất thiển cận. Trước khi hai nhà lãnh đạo này khiến quốc gia của mình trải qua những thập niên tiếp theo trong một cuộc xung đột thảm họa nhưng có thể tránh được, họ nên cân nhắc cẩn thận hậu quả không chỉ cho Mỹ và Trung Quốc, mà cho cả toàn thế giới.

Minxin Pei là giáo sư ngành quản trị chính quyền của Đại học Claremont McKenna và là tác giả cuốn China’s Crony Capitalism.

—————

[1] Nguyên văn: Pyrrhic victory. Đây là cụm từ chỉ một “chiến thắng cay đắng”, trong đó tổn thất của bên thắng cuộc không khác gì so với bên thua cuộc. Từ Pyrrhic bắt nguồn từ tên riêng của Pyrrhus (319-272 TCN), vua của xứ Epirus, một thành bang nằm ở rìa của Hy Lạp cổ đại. Năm 279 TCN Pyrrhus đánh bại người La Mã ở Asculum nhưng phải chịu tổn thất vô cùng nặng nề.