Sự đền ơn vô giá giúp thế giới có Alexander Fleming

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Anh Hải

Xứ Scotland nước Anh có một ông nông dân tên là Fleming, tính tình hiền lành tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người. Một hôm khi đang làm việc ngoài đồng, Fleming bỗng nghe thấy có tiếng người kêu cứu. Ông liền vội chạy đến và thấy một cậu bé bị ngã xuống hố phân. Không ngại bẩn thỉu, Fleming vẫn nhảy xuống cứu cậu bé lên.

Hai hôm sau, một nhà quý tộc hào hoa phong nhã đi cỗ xe ngựa sang trọng đến nhà Fleming, cúi mình lịch sự tự giới thiệu là cha của đứa trẻ ngã xuống hố phân, hôm nay đến để xin phép được hậu tạ người đã cứu sống con mình.

Fleming nhất định từ chối và nói: “Tôi không thể vì cứu con ngài mà nhận một khoản hậu tạ lớn như thế này.”

Trong khi hai người đang trò chuyện thì một thiếu niên khôi ngô tuấn tú đẩy cửa bước vào. Nhà quý tộc liếc nhìn chú bé rồi hỏi: “Đây chắc là con trai của ngài ?” Fleming gật đầu: “Vâng, cháu đấy ạ.” Vị khách vội nói: “Thế thì tốt quá, nếu ngài đã cứu con trai tôi thì tôi cũng nên giúp con trai ngài chút đỉnh. Chúng ta hãy thỏa thuận thế này nhé: xin ngài cho phép tôi đem cháu đi theo, tôi sẽ cho cháu được học hành tử tế. Nếu cháu cũng tốt bụng như cha nó thì sau này nhất định nó sẽ làm cho ngài cảm thấy tự hào.”

Trước ý định chân thành của vị khách, Fleming đành đồng ý.

Nhà quý tộc nghiêm chỉnh giữ lời hứa của mình, chẳng những cho con trai Fleming học hết cấp phổ thông mà còn gửi cậu đến học ở trường Đại học Y khoa và thực tập tại bệnh viện St. Mary danh tiếng nhất Anh Quốc.

Chàng sinh viên đó về sau trở thành giáo sư Sir Alexander Fleming (1881-1955), nhà sinh vật học và tế bào học nổi tiếng nước Anh. Năm 1928, ông phát minh ra thuốc kháng sinh penicillin. Về sau, hai nhà khoa học khác là Ernst Boris. Chain (người Anh gốc Đức) và Sir Howard Walter Florey (gốc Australia) tiếp tục hoàn thiện phát minh của Fleming và bắt đầu dùng vào lâm sàng từ năm 1941, tới năm 1943 thì sử dụng rộng rãi trong y học, cứu sống hàng triệu người.

Penicillin được công nhận là một trong 3 phát minh lớn nhất trong Thế chiến II, ngang hàng với bom nguyên tử và radar (Radio Detection and Ranging, dò tìm và định vị bằng sóng vô tuyến). Năm 1945, Alexander Fleming cùng Ernst B. Chain và Howard W. Florey được trao Giải Nobel y học vì đã tìm ra và phân tách được penicillin – loại kháng sinh đầu tiên trong giúp điều trị những bệnh nhiễm trùng.

Nhà quý tộc có công đào tạo Alexander Fleming đi lên con đường khoa học chính là thượng nghị sĩ Sir Randolph Churchill (1849-1945); còn cậu con trai của ông (người được ông nông dân Fleming cứu ra khỏi hố phân) về sau cũng trở thành nhà chính trị-nhà văn nổi tiếng thế giới là Sir Winston Churchill (1874-1965), chủ nhân giải Nobel văn chương 1953, vị thủ tướng kiên cường đã lãnh đạo nhân dân Anh bảo vệ vững chắc tổ quốc họ trước sự tấn công điên cuồng của phát xít Đức và góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân Đồng minh trước lực lượng phát xít. □

Hồ Anh Hải tổng hợp từ tư liệu nước ngoài.