Crypto AG: Chương trình tình báo thế kỷ của CIA (P1)

Nguồn: Greg Miller, “The intelligence coup of the century”, The Washington Post, 11/02/2020.

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một báo cáo gây chấn động làng tình báo thế giới

Trong hơn nửa thế kỷ, các chính phủ khắp thế giới tin tưởng trao toàn bộ những giao tiếp bí mật về ngoại giao, quân đội, và tình báo vào tay đúng một công ty duy nhất.

Công ty ấy, Crypto AG, ra đời với bản hợp đồng xây dựng các máy tạo mã cho quân đội Mỹ hồi Thế chiến II. Thu được nhiều tiền mặt, họ trở thành nhà sản xuất thiết bị mã hóa thống trị suốt nhiều thập niên, dẫn đầu làn sóng công nghệ từ các thiết bị cơ học cho đến vi mạch điện tử, và cuối cùng, là chip bán dẫn và phần mềm máy tính.

Công ty Thụy Sĩ này đã kiếm được hàng triệu đô bằng cách bán thiết bị của mình cho 120 quốc gia cho đến tận thế kỷ 21. Khách hàng của họ bao gồm Iran, các chế độ độc tài quân sự ở Mỹ Latinh, các đối thủ hạt nhân Ấn Độ và Pakistan, thậm chí là cả Vatican.

Song một điều không vị khách nào hay biết đó là Crypto AG thuộc sở hữu bí mật của CIA thông qua mối quan hệ hợp tác tuyệt mật với tình báo Tây Đức. Các cơ quan tình báo này tùy chỉnh thiết bị của công ty, cho phép họ dễ dàng giải mã các bức điện mật của các nước.

Mối hợp tác nhiều thập niên này, thuộc vào hàng các bí mật lớn nhất Chiến tranh Lạnh, được công khai trong một tài liệu đầy đủ, tuyệt mật của CIA, được The Washington Post (TWP) và ZDF, một công ty phát sóng Đức, cùng thu thập được trong một dự án chung.

Tài liệu này xác định danh tính các quan chức CIA vận hành chương trình và các lãnh đạo công ty được giao thực hiện nó. Tài liệu đi tìm nguồn gốc chương trình và các xung đột nội bộ suýt làm công ty thất bại. Tài liệu miêu tả cách Hoa Kỳ và các đồng minh lạm dụng sự ngây thơ của các nước khác, cuỗm đi tiền bạc và ăn cắp bí mật của họ.

Chương trình ấy, đầu tiên được biết với tên mã “Thesaurus” và sau đó “Rubicon”, là một trong những thứ táo bạo nhất trong lịch sử CIA.

“Đó là chương trình tình báo thế kỷ”, bản báo cáo của CIA kết luận. “Các chính phủ nước ngoài trả những khoản tiền lớn cho Hoa Kỳ và Tây Đức chỉ để cho các bức điện mật của mình bị đọc lén bởi hai (hay thậm chí là năm hoặc sáu) nước khác”.

Kể từ năm 1970, CIA và người anh em song sinh trong ngành phá mã của mình, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), kiểm soát gần như toàn bộ mọi mặt hoạt động của Crypto – cùng với các đối tác người Đức quyết định các vấn đề nhân sự, thiết kế công nghệ, điều khiển các thuật toán và quyết định chỉ tiêu doanh số.

Sau đó, các điệp viên Mỹ và Tây Đức nghe ngóng.

Họ nghe lén các giáo chủ Iran giữa cuộc khủng hoảng con tin 1979, cung cấp cho Anh các nguồn tin quân sự của Argentina giữa Chiến tranh Falklands, theo dõi các chiến dịch ám sát các nhà độc tài Nam Mỹ và phát hiện các quan chức Libya ăn mừng sau vụ đánh bom một sàn disco Berlin năm 1986.

Một máy bay trực thăng của Hải quân Hoàng gia Anh cất cánh sau khi vận chuyển lính thủy đánh bộ Anh tới Darwin, quần đảo Falkland, năm 1982. Trong Chiến tranh Falklands, tình báo Mỹ đã cung cấp cho Anh các thông tin về quân đội Argentina. (Paul Haley/Imperial War Museums/Getty Images).
Một con tin người Mỹ được dẫn đi bên ngoài tòa nhà Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tehran năm 1979, sau khi các sinh viên tràn vào sứ quán và bắt các nhân viên ngoại giao Mỹ làm con tin. Sử dụng Crypto, Hoa Kỳ đã theo dõi các lãnh đạo của Iran trong suốt cuộc khủng hoảng. (Kaveh Kazemi/Getty Images)

Song chương trình này cũng có giới hạn. Các đối thủ chính của Mỹ, bao gồm Liên Xô và Trung Quốc, chưa từng mua thiết bị của Crypto. Thái độ ngờ vực sâu sắc về quan hệ của công ty này với phương Tây đã giúp họ tránh bị lộ bí mật, mặc dù bản báo cáo của CIA có ngụ ý rằng tình báo Mỹ đã thu thập được rất nhiều thông tin bằng cách theo dõi các bức điện giữa các nước khác với Moskva và Bắc Kinh.

Đã có những vụ rò rỉ an ninh đặt Crypto vào thế bị nghi ngờ. Các tài liệu công bố vào những năm 1970 cho thấy những trao đổi liên tục và không được che đậy cẩn thận giữa một điệp viên thời đầu của NSA và nhà sáng lập Crypto. Các mục tiêu nước ngoài bị công khai bởi tuyên bố vô tình của các quan chức, kể cả Tổng thống Ronald Reagan. Và vụ bắt giữ một nhân viên bán hàng của Crypto năm 1992 ở Iran, người khi ấy không hề hay biết mình đang bán các thiết bị đã bị can thiệp, đã châm ngòi cho một “cơn bão công luận” tai hại, theo tài liệu của CIA.

Nhưng bản chất thực sự của quan hệ hợp tác giữa công ty với CIA và cơ quan đồng cấp Đức mãi cho đến ngày nay mới được công bố.

Cơ quan tình báo Đức, BND, nhận ra nguy cơ bị phơi bày bí mật là quá lớn, đã quyết định rời bỏ chương trình vào đầu những năm 1990. Song CIA đã mua lại số cổ phần này và tiếp tục thu thập toàn bộ các thông tin tình báo của Crypto mãi cho đến năm 2018, khi họ quyết định bán tài sản công ty, theo lời các quan chức hiện tại cũng như trước đây.

Kể từ đó, tầm quan trọng của công ty trên thị trường an ninh toàn cầu sụt giảm, phần vì ảnh hưởng bởi làn sóng công nghệ mã hóa online. Từng một thời là lãnh địa riêng của các chính phủ và tập đoàn khổng lồ, mã hóa bảo mật giờ đã trở nên phổ biến như chính các ứng dụng điện thoại.

Dù vậy, chương trình Crypto vẫn còn nguyên giá trị đối với ngành tình báo hiện đại. Tầm hoạt động và thời gian tồn tại lâu dài của nó giúp giải thích tại sao Mỹ lại muốn phát triển một mạng lưới giám sát toàn cầu như Edward Snowden đã phơi bày hồi năm 2013. Và vẫn còn đó dư âm của câu chuyện Crypto trong những ngờ vực xoay quanh quan hệ giữa các công ty với các chính phủ ngày nay, bao gồm hãng chống virus máy tính Nga Kaspersky, một ứng dụng nhắn tin có liên hệ với Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, và gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.

Bài viết này dựa trên bản báo cáo của CIA và cả BND, đều được thu thập bởi The Washington Post ZDF, bên cạnh các cuộc phỏng vấn với các đương kim và cựu quan chức tình báo phương Tây cũng như các nhân viên Crypto. Nhiều người muốn ẩn danh, vì sự nhạy cảm của chủ đề.

Lịch sử của CIA và BND rất ấn tượng. Các hồ sơ tình báo nhạy cảm thường được giải mã và công bố cho công chúng theo định kỳ. Song rất hiếm, thậm chí chưa từng có tiền lệ, khi họ công bố cả một tập báo cáo nội bộ về toàn bộ một chương trình tình báo bí mật. TWP đã đọc qua tất cả các tài liệu, song nguồn tư liệu khẳng định rằng phần được công bố chỉ là các đoạn trích.

CIA và BND từ chối bình luận, mặc dù các quan chức Mỹ và Đức không hề bác bỏ sự xác thật của các tài liệu. Tài liệu đầu là báo cáo 96 trang của chương trình được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Tình báo CIA, một ban nghiên cứu lịch sử nội bộ của cơ quan này, vào năm 2004. Tài liệu thứ hai là một báo cáo lịch sử truyền miệng được tập hợp bởi các quan chức tình báo Đức hồi năm 2008.

Các tình tiết trùng khớp nhau cho thấy bất đồng giữa hai đối tác về tiền bạc, kiểm soát và các giới hạn đạo đức, với việc người Tây Đức thường hoảng sợ trước mức độ hăng hái của tình báo Mỹ khi nhắm vào các đồng minh của chính mình.

Tuy vậy, cả hai bên đều miêu tả chương trình là thành công hơn cả những mong đợi lạc quan nhất của họ. Trong nhiều thời điểm, bao gồm những năm 1980, Crypto chiếm tới 40 phần trăm số thông tin liên lạc ngoại giao và các giao tiếp khác của các chính phủ nước ngoài được chuyên gia mã hóa của NSA giải mã và dùng cho thu thập tình báo, theo các tài liệu.

Trong khi đó, Crypto thu hàng triệu đô lợi nhuận, số tiền sẽ được chia chác và dùng bởi CIA và BND cho các chương trình khác.

Các sản phẩm của Crypto hiện vẫn còn được dùng ở hơn chục nước trên thế giới, và biểu tượng màu cam-trắng của họ vẫn còn phát sáng trên tường trụ sở gần Zug, Thụy Sĩ (hình đầu bài). Song công ty đã bị chia nhỏ vào năm 2018, được thanh lý bởi các cổ đông mà danh tính của họ sẽ mãi mãi được giữ kín bởi các điều luật phức tạp của Liechtenstein, quốc gia châu Âu nhỏ bé với danh tiếng sánh ngang Quần đảo Cayman về bảo mật tài chính.

Có hai công ty mua phần lớn tài sản của Crypto. Công ty đầu, CyOne Security, được thành lập nhằm thực hiện vụ thôn tính và hiện đang cung cấp các hệ thống an ninh chỉ riêng cho chính phủ Thụy Sĩ. Công ty còn lại, Crypto International, tiếp quản thương hiệu và mảng kinh doanh quốc tế của Crypto cũ.

Cả hai đều khẳng định không còn mối liên hệ nào với tình báo, song chỉ một công ty tuyên bố là họ không hay biết gì về cổ phần của CIA trước đây. Đó là tuyên bố của họ khi trả lời TWP, ZDF, và hãng phát sóng Thụy Sĩ SRF, bên cũng có quyền truy cập các tài liệu này.

CyOne có nhiều liên hệ đáng kể với Crypto cũ hơn, bao gồm việc giám đốc điều hành của họ cũng từng nắm vị trí tương tự ở Crypto suốt gần hai thập niên khi CIA còn giữ quyền sở hữu.

Một người phát ngôn của CyOne từ chối bình luận về bất kì khía cạnh lịch sử nào của Crypto AG, song nói hãng mới “không có liên hệ với bất kì cơ quan tình báo nước ngoài nào.”

Andreas Linde, chủ tịch của công ty hiện giữ quyền đối với các sản phẩm và mảng kinh doanh quốc tế của Crypto, nói ông không hề hay biết về mối quan hệ giữa công ty với CIA và BND trước khi các tài liệu được công bố.

“Chúng tôi tại Crypto International không hề có bất kì quan hệ nào với CIA và BND – và xin hãy trích nguyên lời tôi,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn. “Nếu những gì các bạn nói là sự thật, thì tôi hoàn toàn cảm thấy bị phản bội, và gia đình tôi thấy bị phản bội, và tôi cho rằng rất nhiều nhân viên cũng như khách hàng cũng sẽ thấy bị phản bội.”

Chính phủ Thụy Sĩ nói hồi thứ Ba (11/02/2020) rằng họ đang mở một cuộc điều tra vào mối liên hệ giữa Crypto AG với CIA và BND. Đầu tháng này, các quan chức Thụy Sĩ đã thu hồi giấy phép xuất khẩu của Crypto International.

Thời điểm Thụy Sĩ có động thái này rất đáng ngờ. Tài liệu CIA và BND cho thấy các quan chức Thụy Sĩ đã phải biết từ lâu về quan hệ giữa Crypto với các cơ quan tình báo Mỹ và Đức, song họ chỉ can thiệp sau khi phát hiện báo đài sắp sửa phơi bày vụ việc.

Các báo cáo, không hề nói rõ khi nào hoặc liệu CIA có chấm dứt sự tham gia của mình hay không, phản ánh thái độ thiên vị rõ ràng thường thấy của các tài liệu được viết dựa trên quan điểm của các kiến trúc sư chương trình. Họ miêu tả Rubicon (tên mật của chương trình) là một thắng lợi tình báo, giúp Hoa Kỳ đạt ưu thế trong Chiến tranh Lạnh, kiểm soát hàng chục chế độ độc tài và bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ cùng các đồng minh.

Các tài liệu phần lớn không đề cập đến các câu hỏi khó hơn, bao gồm việc Mỹ đã biết gì – và họ đã làm hoặc không làm gì – về những nước có sử dụng máy móc của Crypto trong khi tham gia vào các kế hoạch ám sát, các chiến dịch thanh lọc sắc tộc và vi phạm nhân quyền.

Tiết lộ từ các tài liệu có thể khiến ta quay lại đặt câu hỏi rằng liệu Mỹ có ở thế có thể can thiệp vào, hay chí ít là công khai, các thảm họa quốc tế, và liệu Mỹ có từng từ chối làm vậy nhằm tránh để lộ nguồn tin tình báo vô giá của mình hay không.

Các tài liệu cũng không hề đề cập đến các vấn đề đạo đức hiển hiện từ trong cốt lõi của chương trình: lừa dối và khai thác các đối thủ, đồng minh, và qua mặt hàng trăm nhân viên của Crypto. Nhiều người đi khắp thế giới chào bán các hệ thống đã bị can thiệp mà không hề hay biết rằng điều này đe dọa sự an toàn của chính họ.

Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, các nhân viên bị lừa dối – kể cả những người bắt đầu hoài nghi từ khi còn làm việc rằng công ty của họ đang hợp tác với tình báo phương Tây – cho biết việc phơi bày các tài liệu đã làm sâu sắc cảm giác bị phản bội, của chính họ và các khách hàng.

“Bạn nghĩ bạn đang làm việc tốt và đang giúp bảo mật,” theo lời Juerg Spoerndli, một kĩ sư điện tử làm việc 16 năm cho Crypto. “Và rồi bạn nhận ra bạn đã lừa dối các khách hàng này.”

Những người vận hành chương trình siêu bí mật này tiếp tục thể hiện thái độ không tiếc nuối.

“Liệu tôi có tí dằn vặt nào không ư? Không!” theo lời Bobby Ray Inman, giám đốc NSA và phó giám đốc CIA giai đoạn cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. “Đó là một nguồn tin tình báo đầy giá trị về một phần lớn thế giới, có vai trò quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ.”

Tác giả Greg Miller là phóng viên chuyên mục an ninh quốc gia của The Washington Post và là chủ nhân của hai giải thưởng Pulitzer.

(Còn tiếp 4 kỳ)