Việt – Mỹ được gì khi tàu USS Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng?

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Lặng lẽ không cần phô trương, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thuộc lớp Nimitz đã trở thành tàu sân bay thứ hai của Mỹ đến thăm Việt Nam sau Chiến tranh Việt Nam, cập cảng Đà Nẵng từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 3 năm 2020. Khi tàu sân bay USS Carl Vinson thực hiện chuyến thăm lịch sử đầu tiên đến Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018, đó là một sự kiện nổi bật, với việc hai bên thảo luận công khai về sự kiện này trong chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Việt Nam vào tháng 11 năm 2017. Lần này, chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt hầu như không được quảng bá. Trên thực tế, tin tức chính thức về chuyến thăm chỉ được công bố vài ngày trước khi con tàu đến Đà Nẵng.

Không khó để đoán được lý do tại sao chuyến thăm không được quảng bá nhiều. Việt Nam lo ngại rằng việc quảng bá sự kiện này sẽ kích động Trung Quốc một cách không cần thiết. Cho tới cuối tháng 2 khi chuyến thăm đã cận kề, một số quan chức Việt Nam vẫn lo ngại về các phản ứng có thể xảy ra của Trung Quốc. Tuy nhiên, cuối cùng chuyến thăm đã được tiến hành theo kế hoạch, mang lại sự thở phào nhẹ nhõm cho những người ủng hộ quan hệ Mỹ-Việt bởi việc hủy bỏ chuyến thăm sẽ hãm đà quan hệ song phương và ảnh hưởng đến tư thế chiến lược của cả hai quốc gia trong khu vực.

Đối với Mỹ, việc hủy chuyến thăm sẽ phát đi tín hiệu tiêu cực về những nỗ lực của họ nhằm huy động sự ủng hộ quốc tế cho Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và làm suy yếu sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Do Philippines gần đây đã chấm dứt Hiệp định Lực lượng Viếng thăm với Hoa Kỳ, việc hủy bỏ chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt đến Việt Nam sẽ củng cố thêm nhận thức rằng Mỹ đang đánh mất thế trận chiến lược khu vực vào tay Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, việc đầu hàng trước áp lực của Trung Quốc sẽ làm lộ ra những điểm yếu của Hà Nội và khuyến khích Bắc Kinh trở nên quyết đoán hơn ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng sẽ được thúc đẩy để buộc Hà Nội phải nhượng bộ hơn nữa. Đồng thời, việc hủy chuyến thăm sẽ làm sứt mẻ niềm tin chiến lược đang ngày càng tăng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, khiến Washington nghi ngờ mức độ chân thành của Hà Nội trong việc thúc đẩy quan hệ song phương. Nếu Mỹ quyết định chuyển sự chú ý ra khỏi Việt Nam, Hà Nội sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc khôi phục đà phát triển quan hệ Việt – Mỹ, và vị thế đàm phán của Việt Nam ở Biển Đông trước Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Vì những lý do trên, việc cho phép chuyến thăm được tiến hành là lựa chọn tốt nhất đối với Việt Nam. Một mặt, chuyến thăm sẽ cho thấy sự tự chủ chiến lược và khả năng tiến hành chính sách ngoại giao một cách chắc chắn, tin cậy của Việt Nam. Điều này sẽ tạo nên niềm tin từ các đối tác và sự tôn trọng từ các đối thủ. Mặt khác, nó sẽ gửi những thông điệp nhất quán tới cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Đối với người Mỹ, thông điệp sẽ là Hà Nội luôn coi trọng quan hệ song phương và Việt Nam nghiêm túc trong việc phát triển quan hệ chiến lược lâu dài với Hoa Kỳ. Không phải ngẫu nhiên mà chuyến thăm trùng vào dịp đánh dấu kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Hà Nội – Washington. Đối với Trung Quốc, chuyến thăm biểu thị sự quyết tâm của Hà Nội trong việc giữ vững lập trường trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc tiếp tục áp đặt yêu sách của mình một cách hung hăng, coi thường lợi ích của Việt Nam, thì Việt Nam sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn ngay cả khi điều này phải trả giá bằng mối quan hệ lâu dài với Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu xét tình trạng cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ ngày càng dâng cao và sự bất định phảng phất về các cam kết chiến lược của chính quyền Trump đối với khu vực, Việt Nam có lý do để không quảng bá chuyến thăm. Sự bùng nổ của dịch Covid-19 cũng mang lại cho các quan chức Việt Nam một lý do thuận tiện nhằm thuyết phục các đối tác Mỹ tiến hành chuyến thăm một cách lặng lẽ với quy mô vừa phải.

Sắp tới, Việt Nam cần tiếp tục đón các chuyến thăm của các tàu sân bay Mỹ trong tương lai như một thành phần biểu tượng của hợp tác quốc phòng song phương. Do các chuyến thăm này chủ yếu mang tính biểu tượng, Trung Quốc sẽ có ít lý do để phản ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, Việt Nam nên dự liệu trước việc Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành thêm các vụ quấy rối và xâm nhập trên biển như họ đã làm năm ngoái, khi Trung Quốc liên tục gửi một tàu khảo sát và các tàu đi kèm vào tiến hành các hoạt động thăm dò bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam từ tháng 7 đến tháng 10.

Một phần trong tư duy chiến lược từ xưa tới nay của Trung Quốc gói gọn trong một câu tục ngữ: Mềm nắn rắn buông (欺软怕硬). Lịch sử ngoại giao Trung Quốc cho thấy các nhà lãnh đạo của họ là bậc thầy của nguyên tắc này. Nếu tỏ ra yếu đuối và sợ hãi trước áp lực của Trung Quốc, thì thất bại của Việt Nam trên Biển Đông sẽ trở thành một lời tiên tri tự trở thành hiện thực.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên ISEAS Commentary.