02/02/1968: Bức ảnh tướng Loan hành quyết Nguyễn Văn Lém được chụp

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Viet Cong officer is shot in the head; iconic photo taken, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào mùa đông năm 1968, Sài Gòn là một nơi hỗn loạn và đẫm máu. Ngày 30/1, lực lượng Bắc Việt đột nhiên tấn công với quân số áp đảo vào các mục tiêu trên khắp miền Nam, khiến quân Việt Nam Cộng hòa và các đồng minh Mỹ của họ bất ngờ. Sự kiện này cũng trở thành bằng chứng chống lại lời trấn an của Tổng thống Lyndon Johnson dành cho người Mỹ rằng họ sắp chiến thắng. Trong lúc quân đội Việt Nam Cộng hòa quay cuồng cố gắng thiết lập lại trật tự ở thủ đô của họ, một nhiếp ảnh gia người Mỹ đã chụp được một bức ảnh mang tính biểu trưng cho sự tàn khốc của cuộc xung đột.

Chiến dịch Tết Mậu Thân đã trực tiếp phản bác luận điểm của Mỹ rằng Bắc Việt không có khả năng huy động quân số ở quy mô lớn và đang trên đường rút lui. Lính chính quy và lính du kích miền Bắc đã tấn công các mục tiêu và khu vực được coi là an toàn dưới sự kiểm soát của Mỹ/miền Nam. Khi Việt Cộng đánh chiếm Sài Gòn trong những giờ đầu tiên của Tết Mậu Thân, một người lính tên Nguyễn Văn Lém là thành viên của một toán quân cảm tử nhắm vào Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa và gia đình họ. Theo quân miền Nam, đơn vị của Lém đã giết 34 người có liên quan đến cảnh sát, ít nhất 24 người trong số họ là thường dân, vào thời điểm ông bị bắt vào ngày 1/2.

Lém, người mặc thường phục khi thực hiện điều bị cho là tội ác chiến tranh, đã được đưa đến gặp Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan. Nhiếp ảnh gia của Associated Press, Eddie Adams, nhìn thấy người tù nhân bị áp giải đến chỗ vị tướng và quyết định chụp một vài bức ảnh. “Tôi đã chuẩn bị để chụp lại cảnh đó – những lời đe dọa, thẩm vấn,” Adams nhớ lại. “Nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Người đàn ông rút một khẩu súng lục ra khỏi bao, chĩa vào đầu tay VC và bắn thẳng vào thái dương anh ta.”

Adams đã chụp được khoảnh khắc viên đạn từ khẩu Smith & Wesson của Loan găm vào đầu Lém ở cự ly cực gần. Bức ảnh – trông như cảnh một quan chức quân đội miền Nam hành quyết một thường dân không vũ trang – đã được đăng trên các tờ báo khắp thế giới và gây chấn động. Câu chuyện đằng sau bức ảnh phức tạp hơn nhiều, nhưng bức ảnh đã gói gọn nỗi sợ hãi đen tối nhất của người Mỹ về chiến tranh: rằng đó là một cuộc đổ máu bừa bãi, vô đạo đức, trong đó lính Mỹ cũng tàn ác chẳng kém gì kẻ thù của họ.

Thật vậy, dù Lém không thực sự là thường dân vô tội như vẻ ngoài của ông, nhưng sau đó người ta kết luận rằng việc hành quyết ông vẫn là một tội ác chiến tranh. Đây không phải là vụ duy nhất do lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng hòa gây ra—chỉ vài tháng sau, vào ngày 16/3, quân đội Mỹ đã giết khoảng 347 đến 504 dân thường trong sự kiện được gọi là Thảm sát Mỹ Lai. “Saigon Execution” (Vụ Hành quyết Sài Gòn), tiêu đề mà Adams đặt cho bức ảnh của mình, đã trở thành biểu tượng cho sai lầm của Mỹ khi tham gia vào cuộc chiến ở Việt Nam, và đã giành được Giải Pulitzer mục Nhiếp ảnh Thời sự năm 1969. Bốn năm sau, một nhiếp ảnh gia khác của AP cũng đã giành được giải thưởng cho bức ảnh của mình, “Terror of War” (Nỗi kinh hoàng của chiến tranh), mô tả cảnh những đứa trẻ sợ hãi chạy trốn sau khi lực lượng không quân Việt Nam Cộng hòa tấn công nhầm làng của chúng bằng bom napalm.