Thế mạnh và hạn chế của Trung Quốc khi vươn lên lãnh đạo toàn cầu

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Ian Buruma, “Confronting China“, Project Syndicate, 11/05/2020.

Biên dịch: Phan Nguyên

Thay vì sử dụng tất cả các quyền lực của chính phủ liên bang để hạn chế sự tàn phá của COVID-19, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang lãng phí thời gian và năng lượng quý giá vào việc đổ lỗi cho Trung Quốc về sự lây lan của virus. Các chuyên gia đang nói về một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nhưng nếu Hoa Kỳ thực sự có ý định đối đầu với Trung Quốc trong cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo toàn cầu thì Trump đang làm hỏng nỗ lực đó một cách tồi tệ.

Khi chính phủ Trung Quốc đang gửi cho các nước nguồn tiếp tế để chống lại đại dịch và thậm chí cử cả các đội y tế, Trump lại cắt đứt việc đi lại bằng hàng không từ châu Âu mà không thèm thông báo cho các đồng minh của mình. Kể từ tháng 3, chính phủ Trung Quốc đã đóng góp 50 triệu đô la cho Tổ chức Y tế Thế giới, trong khi Trump tuyên bố rằng WHO “thiên vị Trung Quốc”, đồng thời đóng băng tài trợ của Hoa Kỳ.

Khi các bộ trưởng ngoại giao G7 tổ chức một cuộc họp video để thảo luận một chiến lược chung nhằm chống lại COVID-19, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đóng góp bằng cách khẳng định rằng virus phải được đặt tên là virus Vũ Hán theo tên thành phố Trung Quốc nơi bệnh khởi phát. Chán ngấy với những chiêu trò kiểu Trump, các bộ trưởng khác đã kết thúc hội nghị mà không đưa ra thông cáo chung.

Tất nhiên, sự hào phóng của Trung Quốc không phải là không có ràng buộc. WHO đã từ chối công nhận thành công của Đài Loan trong việc kiềm chế virus, hoặc thậm chí không dám tiếp nhận Đài Loan làm thành viên vì sợ làm mất lòng Trung Quốc đại lục. Và trong khi chính phủ Hoa Kỳ đang thúc đẩy các thuyết âm mưu về Trung Quốc, Liên minh châu Âu đã giảm chỉ trích việc đưa các thông tin sai lệch có chủ ý của Trung Quốc sau khi Trung Quốc đe dọa trả đũa.

Hiệu quả từ sự đe dọa của Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh kinh tế đang lên của nước này. Có lẽ, các chiến thuật như vậy sẽ kém hiệu quả hơn nếu các đồng minh phương Tây, cũng như các bên liên quan như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á, đoàn kết với nhau. Trong quá khứ, bất kỳ mặt trận chung nào như vậy sẽ dựa trên sự lãnh đạo của Mỹ. Nhưng thái độ ích kỷ thiếu khéo léo của chính quyền hiện tại đã làm điều này trở nên bất khả. Về lâu dài, điều đó có thể để giúp Trung Quốc giành thế dẫn đầu, vì thế giới cần một lựa chọn tốt hơn.

Trên thực tế, các nước phương Tây hiếm khi có một chính sách chung về Trung Quốc, và lý do cho điều này vẫn chưa thay đổi là bao kể từ cuối thế kỷ 18, khi Lord Macartney được vua George III phái sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Đế quốc Trung Hoa. Một trong những điều trớ trêu trong nhiệm vụ thất bại này là việc người Anh đang tìm cách buôn bán các hàng hóa khác bên cạnh thuốc phiện với Trung Quốc. Nhưng Hoàng đế Càn Long tuyên bố rằng người Trung Quốc không cần gì từ người Anh.

Macartney đã làm mất lòng chủ nhà bằng cách từ chối khấu đầu trước Hoàng đế, một cử chỉ thể hiện sựphục tùng mà ngay cả vua Anh cũng không buộc ông phải làm. Các thành viên của một phái đoàn tương tự đến từ Hà Lan, những người đồng ý tuân theo phong tục của Trung Quốc và khấu đầu trước hoàng đế, đã nhận được nhiều ưu ái hơn từ triều đình Trung Hoa. Điều này làm người Anh vô cùng tức giận, họ đổ lỗi cho sự tham lam mù quáng điển hình của người Hà Lan. Nhưng lúc đó, người Hà Lan đến với tư cách là đại diện của Công ty Đông Ấn Hà Lan, chứ không phải đại diện cho quốc vương của họ.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt là Trung Quốc tự coi mình là trung tâm của thế giới văn minh. Các phái đoàn từ nước ngoài chỉ có thể được coi như những người tới cống nạp, và không bao giờ được coi là bình đẳng với người Trung Quốc. Macartney, người tự tin rằng Anh là cường quốc hàng đầu thế giới, không thể đối xử với Trung Quốc theo cách đó. Người Hà Lan, giống như EU ngày nay, chủ yếu quan tâm đến việc mở cửa thị trường Trung Quốc và đã sẵn sàng chơi theo luật của Trung Quốc.

Mặc dù ảnh hưởng của Anh đã suy yếu, sự cạnh tranh của các cường quốc thời Macartney vẫn còn âm hưởng ngày này. Trong gần một thế kỷ, người Mỹ đã tuyên bố mình là hình mẫu văn minh không có đối thủ, không kém phần vĩ đại so với quan điểm coi mình là trung tâm thế giới của các hoàng đế nhà Thanh.

Khi Trung Quốc còn nghèo kiết xác và chịu sự thương xót của các cường quốc thế giới, người Mỹ nhanh chóng coi người Trung Quốc như những đối tượng tiềm năng để truyền bá dân chủ, chủ nghĩa tư bản và Kitô giáo. Đối phó với Đế quốc Nhật Bản trỗi dậy vào đầu thế kỷ 20 lại khó khăn hơn nhiều. Khi Nhật Bản, với tư cách là một bên ký Hiệp ước Versailles năm 1919, yêu cầu một điều khoản chống lại sự phân biệt chủng tộc giữa các thành viên của Hội Quốc Liên, Hoa Kỳ (và Australia) đã từ chối.

Hầu như người ta không thể kiếm được tiền ở Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông. Nhưng ngay cả khi đó, các nước phương Tây cũng không thể đồng ý với nhau về cách đối phó với nước này. Khi Anh công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1950, chỉ một năm sau cách mạng năm 1949, Hoa Kỳ, vốn lúc đó chuẩn bị cho một cuộc thập tự chinh chống Cộng sản toàn cầu, đã rất tức giận. Cho đến những năm 1970, Washington vẫn công nhận chế độ Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch trên đảo Đài Loan là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc.

Bây giờ khi người ta một lần nữa có thể kiếm được rất nhiều tiền ở Trung Quốc, chúng ta trở lại thời của Macartney. Biên giới của Trung Quốc ít nhiều vẫn giống như biên giới của Đế quốc nhà Thanh trước kia. Chính phủ cũng không dân chủ hơn thời Hoàng đế Càn Long. Và, sau một thế kỷ của chiến tranh, xâm lược, nghèo đói và đổ máu, Trung Quốc một lần nữa được coi là một hình mẫu của nền văn minh mà những kẻ man di được kỳ vọng sẽ đi theo.

Triển vọng Trung Quốc lãnh đạo toàn cầu không thực sự hấp dẫn. Nhưng Mỹ đang nhanh chóng mờ nhạt dần trong vai trò một lựa chọn thay thế. “Thế kỷ Hoa Kỳ” đã được đánh dấu bằng nhiều cuộc chiến ngu ngốc, sự cứng nhắc về ý thức hệ và sự ủng hộ vô lương tâm đối với một số chế độ độc tài bẩn thỉu. Tuy nhiên, sự ủng hộ toàn cầu đối với vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ dựa trên sự ngưỡng mộ đối với một hình thức chính phủ dù còn thiếu sót trong việc thực thi vẫn nói lên khát vọng tự do của con người, kể cả tại những phần nói tiếng Hoa của thế giới.

Điều đó không không xảy ra với Trung Quốc ngày nay. Nếu Trung Quốc muốn dẫn đầu thế giới, họ cần mang lại cho thế giới nhiều giá trị hơn ngoài tiền và sự đe dọa. Tự do vẫn là điều quan trọng. Tại sao sinh viên Trung Quốc biểu tình lại dựng một tượng Nữ thần Dân chủ cao mười mét ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989? Trung Quốc sẽ không có khả năng thúc đẩy giá trị đó trên toàn cầu nếu không bắt đầu từ chính ở nhà mình.

Ian Buruma is tác giả của rất nhiều cuốn sách, bao gồm Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of ToleranceYear Zero: A History of 1945, và gần đây nhất là A Tokyo Romance: A Memoir.