Nguồn: Kimkong Heng, “Hun Manet: A Cambodian dynasty?”, The Interpreter, 26/06/2020.
Biên dịch: Huỳnh Ngọc Lập
Con trai cả của Thủ tướng Hun Sen đang được chuẩn bị để kế nhiệm, nhưng sẽ cần phải thuyết phục các đối thủ chính trị chủ chốt.
Tuần này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen xác nhận những gì đã được nghi vấn từ lâu, rằng ông đang chuẩn bị cho con trai cả của mình, Hun Manet, trở thành lãnh đạo của đất nước. “Là một người cha”, Hun Sen tuyên bố, “tôi phải ủng hộ con trai mình và bồi dưỡng nó để giúp nó có đủ lông đủ cánh”.
Không phải sẽ sớm có việc chuyển giao quyền lực tại Campuchia. Hun Sen cũng nói rõ ông có ý định tiếp tục nắm quyền thêm 10 năm nữa. Được xem là “một nhà lãnh đạo độc tài”, Hun Sen đã là Thủ tướng Campuchia từ năm 1985.
Hun Manet, hiện là tướng 3 sao của quân đội hoàng gia Campuchia, đã trở thành chủ đề của các đồn đoán lâu nay rằng ông sẽ trở thành ‘thái tử ngoài hoàng gia’ tiếp theo trong nền chính trị Campuchia. Nhiều năm nay, ông đã được nhiều lần cất nhắc và thăng tiến vượt bậc. Năm 2018, sau khi được thăng chức, Hun Manet trở thành người có cấp bậc lớn thứ 2 trong quân đội Campuchia. Sau đó, ông được bầu vào uỷ ban thường trực Đảng Nhân dân Campuchia (CPP). Tháng này, ông được thăng từ cấp phó bí thư lên bí thư Đoàn Thanh niên của CPP.
Hun Manet từng theo học ở Mỹ và Anh. Ông lấy bằng cử nhân ở Học viện quân sự West Point năm 1999, bằng thạc sỹ Đại học New York năm 2002, và bằng tiến sỹ Đại học Bristol năm 2008. Tất cả các bằng cấp đều về kinh tế học.
Hun Manet có vẻ rất được hâm mộ bởi giới trẻ nước này. Ông là người có trình độ, có vẻ biết cư xử và dễ gần. Trên Facebook, ông có 750.000 người theo dõi.
Ông là trưởng nhóm công tác thanh niên ngoài nước của CPP và trước khi có đại dịch Covid-19, Hun Manet thường xuyên ra nước ngoài để thu hút sự ủng hộ của người Campuchia và sinh viên đang sinh sống và học tập ở hải ngoại. Những chuyến đi như vậy thường bị phá rối bởi các cuộc biểu tình phản đối tình trạng hiện nay của nền dân chủ Campuchia. Tuy nhiên, Hun Manet có vẻ đã xây dựng được một cấp độ quan hệ công chúng hợp lý đối với những người ủng hộ ông, nỗ lực làm giảm thái độ thù hằn đối với cha ông – người nổi tiếng có bàn tay sắt.
Là con của Hun Sen, việc tạo dựng một thương hiệu cá nhân tốt về chính trị không phải dễ dàng cho Hun Manet. Bất kể ông có nỗ lực thế nào, bất kể học vấn và trình độ của ông có cao đến đâu, cả về quân sự lẫn chính trị, ông vẫn bị che phủ bởi danh tiếng, tai tiếng và quyền lực của cha mình. Các lần cất nhắc gần đây của Hun Manet mặc dù được dựa vào thành tích của bản thân ông, nhưng lại thường được xem là một phần trong kế hoạch lớn của Hun Sen nhằm trao quyền cho con.
Hun Sen, về phần mình, đã nói rằng con ông sẽ tiếp quản vị trí của ông nếu được người dân ủng hộ và bỏ phiếu qua bầu cử. Tuy nhiên, đối với các nhà quan sát, một cuộc bầu cử như vậy rõ ràng không phải là một trở ngại. Hun Sen đã sử dụng các nguồn lực và quyền lực trong khả năng của mình để đảm bảo rằng bất cứ cuộc bầu cử nào cũng đều sẽ theo hướng lựa chọn của cá nhân ông. Các nhà bình luận cho rằng vấn đề đối với Hun Manet là làm sao để thu hút được sự ủng hộ từ giới tinh hoa trong đảng cầm quyền.
Hun Manet, 43 tuổi, vẫn còn non trẻ nếu so với các chính trị gia lão thành trong CPP. Để nhận được sự chống lưng, Hun Manet phải vun đắp cho danh tiếng của mình, cả trong lẫn ngoài đảng. Ông phải bảo đảm với những vị cây cao bóng cả trong ủy ban thường trực CPP rằng mình có khả năng lãnh đạo, có tiềm năng vượt trội cha mình, và ông ta sẽ phải thu hút được giới trẻ Campuchia, những người chiếm tới 2/3 trong tổng số 16,7 triệu dân, những người hi vọng, dù không nhiều, rằng tình hình chính trị của đất nước sẽ diễn tiến theo hướng dân chủ hơn.
Hun Sen đã 68 tuổi và đã lãnh đạo Campuchia được hơn 3 thập niên. Là một chiến lược gia chính trị lão làng đã lớn tuổi và ngày càng ít được yêu thích, đặc biệt là trong giới trẻ, Hun Sen có lẽ đang tự hỏi làm cách nào để hạ cánh an toàn mà không phải hứng chịu hậu quả xấu nào. Ngay cả khi ông đã tuyên bố đảng CPP sẽ cầm quyền đến 100 năm, Hun Sen cũng không thể chắc rằng ông hoặc gia đình mình có thể an toàn khi ông không còn nắm quyền nữa.
Sự sợ hãi này dường như sẽ đóng vai trò mấu chốt trong việc định hình nền chính trị Campuchia những năm sắp tới. Hiện giờ, khi không có những cản trở quá lớn từ phe đối lập, Hun Sen có vẻ đang tự tin và sẵn sàng tiến cử Hun Manet trở thành người kế vị của mình.