Thái Lan “tấn công quyến rũ” Campuchia

Print Friendly, PDF & Email

cam-photo-front11

Nguồn: Vannarith Chheang, “Thailand’s Cambodian charm offensive”, East Asia Forum, 29/11/2014.

Biên dịch: Phạm Thị Thoa | Hiệu đính: Phạm Thị Khánh Ly

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Campuchia mới đây của Thủ tướng Thái Lan, ông Prayuth Chan-ocha thể hiện một phần cuộc chiến ngoại giao đầy khó khăn của chính quyền quân sự Thái Lan trong việc xây dựng và tăng cường tính chính danh của nó tại nước ngoài. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh các áp lực ngoại giao từ phía châu Âu và Mỹ không ngừng tăng  khi họ yêu cầu đất nước này nhanh chóng  khôi phục lại thể chế dân chủ.

Tính chính danh, an ninh và phát triển kinh tế là ba lợi ích cốt lõi của chính quyền Prayuth.

Tuy đang cùng lúc tiếp cận Trung Quốc để hóa giải những áp lực ngoại giao từ phương Tây nhưng việc xây dựng lòng tin và mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng sát cạnh Thái Lan cũng là ưu tiên hàng đầu của ông. Sau cuộc đảo chính trong hòa bình lật đổ chính quyền dân chủ được bầu của bà Yingluck vào tháng 5, chế độ quân sự đã tuyên bố vai trò cần thiết của họ trong việc khôi phục hòa bình và trật tự tại Thái Lan, một đất nước vốn bị tác động mạnh mẽ bởi các cuộc khủng hoảng kéo dài.

Vào tháng 8, ông Prayuth được bầu làm Thủ tướng bởi các thành viên Quốc hội được chỉ định và sau đó đã được Quốc Vương chấp thuận. Vào tháng 10, ông đã từ chức Tổng tư lệnh để đảm nhận một vị trí lãnh đạo mới theo phong cách dân sự. Ông Prayuth đã hứa hẹn sẽ tiến hành cải cách cơ cấu mạnh mẽ, khôi phục đoàn kết dân tộc và sự phát triển của đất nước Thái Lan.

Tuy nhiên, một vài người hoài nghi  rằng liệu chế độ quân sự có giữ lời hứa của họ hay  họ sẽ lại nắm quyền thêm vài năm nữa. Trong trường hợp  như vậy, rối loạn chính trị sẽ có thể lại diễn ra. Sự nổi dậy của nhân dân không phải là một khả năng xa vời,  nhất là tại khu vực Đông Bắc Thái Lan, nơi mà đại bộ phận dân chúng vẫn còn trung thành với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Để ổn định và đảm bảo an ninh đất nước, ông Prayuth đã áp dụng phương thức ngoại giao chủ động và mang tính chiến lược đối với các nước láng giềng, đặc biệt là Campuchia và Myanmar. Campuchia nằm tại một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng đối với chế độ Thái Lan hiện thời, nhưng hơn thế nữa, Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng bày tỏ  tình thân hữu  với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Prayuth quan ngại rằng nước láng giềng này có thể trở thành nơi trú ẩn an toàn hay thậm chí là căn cứ cho phong trào chống đảo chính. Trong tháng 6  đã có hơn 200.000 người di cư Campuchia bị trục xuất hoặc chạy trốn khỏi Thái Lan do lo sợ bạo lực. Về phần mình, ông Hun Sen thường xuyên tuyên bố rằng Campuchia sẽ không cho phép các thế lực của Thaksin cư trú. Ông Prayuth đã bắt đầu lôi kéo Hun Sen kể từ ngày đầu tiên lên nắm quyền. Đầu tháng 7, ông đã cử nhà ngoại giao hàng đầu là Sihasak Phuangketkeow đến Phnom Penh để xây dựng lòng tin giữa hai bên, đề xướng hợp tác và giải quyết khủng hoảng di dân.

Lại một lần nữa nhằm tăng cường mối quan hệ song phương giữa hai nước, ông Prayuth cũng đã nồng nhiệt chào đón Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Bank sang thăm Thái Lan. Vào giữa tháng 10, hai tuần trước chuyến thăm cấp nhà nước đến Campuchia nêu trên, ông Prayuth và ông Hun Sen lần đầu tiên đã có cuộc gặp gỡ thân mật bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á- Âu lần thứ 10 tại nước Ý.

Tuy nhiên, trong những dịp này, lãnh đạo của cả hai nước hoàn toàn không đề cập đến những vấn đề nhạy cảm nhất như chủ quyền của đền Preah Vihear hay các tuyên bố tranh chấp chồng chéo về lãnh hải. Nhìn chung, họ chỉ chọn những mục tiêu dễ dàng trong cuộc thảo luận và tránh né bàn bạc về các phấn đề phức tạp. Phương thức tiếp cận của Thái Lan đối với các mối quan hệ song phương vẫn còn dễ bị tổn thương bởi chủ nghĩa dân tộc và các thay đổi chính trị trong nước.

Myanmar cũng quan trọng đối với những nỗ lực ngoại giao của ông Prayuth nhằm tăng cường tính chính danh ở nước ngoài. Vào đầu tháng 10, ông đã có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên đến Myanmar để củng cố an ninh biên giới, thúc đẩy thương mại song phương và giải quyết các vấn đề di cư (hiện đang có khoảng 2,5 triệu lao động nhập cư Myanmar đang làm việc hợp pháp và bất hợp pháp tại Thái Lan). Bên cạnh đó, việc phát triển các vùng kinh tế, xây dựng kết nối hạ tầng và hợp tác văn hóa cũng được đưa ra thảo luận.

Cuối cùng, đối với Trung Quốc, ông Prayuth nhận thấy đây là một đối tác kinh tế chiến lược quan trọng nhất, có vai trò thiết yếu trong việc chống lại các biện pháp trừng phạt mềm của Mỹ và châu Âu. Vào đầu tháng 6, một phái đoàn quân sự Thái Lan đã đến thăm Trung Quốc để tăng cường hợp tác quân sự. Đến tháng 10, cũng bên thềm Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu, ông Prayuth đã gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhằm xác nhận lại cam kết tăng cường mối quan hệ kinh tế, phát triển hạ tầng và thúc đẩy trao đổi văn hóa giữa hai nước.

Dưới chế độ hiện thời, trong bối cảnh khủng hoảng về tính chính danh trong và ngoài nước, Thái Lan đang dần rời xa đồng minh truyền thống của mình là nước Mỹ để xây dựng những mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc và các nước láng giềng. Đổi lại, điều này cũng tạo điều kiện cho Trung Quốc và các nước này để có thể thắt chặt thêm mối quan hệ với Thái Lan và các nước khu vực sông Mekong.

Vannarith Chheang là giảng viên về nghiên cứu Châu Á- Thái Bình Dương của Đại học  Leeds.