Bài học từ Chiến tranh Triều Tiên cho Đài Loan

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Paul Wolfowitz, “The Korean War’s Lesson for Taiwan”, The Wall Street Journal, 13/10/2020.

Người dịch: Phan Nguyên

Stalin đã bác bỏ kế hoạch xâm lược miền Nam của Kim Nhật Thành cho đến khi ông ta tin rằng Mỹ sẽ không tấn công lại.

Bắc Kinh đã liên tiếp tỏ thái độ thù địch với Đài Loan. Tuần trước, Trung Quốc đã công bố một đoạn phim “thực chiến” mà họ đã quay vào tháng trước trên không phận Đài Loan. Một cuộc xâm lược của Trung Quốc [vào Đài Loan] sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình toàn cầu trong mấy chục năm nay. Hoa Kỳ sẽ đối mặt với một tình thế hết sức khó xử: chấp nhận rủi ro diễn ra một cuộc đụng độ vũ trang giữa hai siêu cường hạt nhân hoặc bỏ rơi một dân tộc tự do vào tay một chế độ chuyên chế cộng sản. Nhưng có một giải pháp thay thế — răn đe chống lại mối đe dọa bằng cách cam kết chống lại nó, bằng vũ lực nếu cần thiết.

Sự răn đe dựa trên một nghịch lý: Cách tốt nhất để ngăn chặn chiến tranh là đe dọa chiến tranh. Lịch sử thế kỷ 20 minh họa những gì mà sự răn đe thành công có thể đạt được. Sự răn đe đã giúp Tây Berlin tồn tại như một thành phố tự do bất chấp một địa vị chính trị thậm chí còn mơ hồ hơn Đài Loan hiện nay và một tình thế quân sự thực sự không thể phòng thủ nổi. Lịch sử Chiến tranh Lạnh cũng cho thấy một hệ luỵ: Nếu không thể hiện quyết tâm mạnh mẽ có thể dẫn đến thảm họa. Chiến tranh Triều Tiên có thể đã được ngăn chặn nếu Hoa Kỳ nói rõ trước rằng họ sẽ dùng vũ lực chống lại hành động xâm lược của Triều Tiên.

Các tài liệu của Liên Xô được công bố vào năm 1995 tiết lộ rằng nhà độc tài đầu tiên của Triều Tiên, Kim Nhật Thành, đã đến thăm Stalin vào tháng 3 năm 1949 và đề xuất xâm lược Nam Hàn. Stalin, lo ngại rằng quân đội Mỹ “sẽ can thiệp trong trường hợp xảy ra xung đột,” đã bác bỏ ý kiến ​​này.

Nhưng đến năm 1950, lực lượng chiến đấu của Mỹ đã rời khỏi Nam Hàn dựa trên niềm tin mà Bộ Tham mưu liên quân đã tuyên bố, rằng “Triều Tiên có ít giá trị chiến lược” và cam kết sử dụng lực lượng quân sự ở Nam Hàn sẽ là “sai lầm và không thực tế”. Tướng Douglas MacArthur tán thành công khai quan điểm đó trong một cuộc phỏng vấn tháng 3 năm 1949, và Ngoại trưởng Dean Acheson cũng thể hiện lập trường tương tự trong một bài phát biểu tháng 1 năm 1950.

Nhưng tư duy của Moskva đã thay đổi sau khi Trung Quốc rơi vào tay Đảng Cộng sản vào tháng 10 năm 1949. Theo các tài liệu, điều đó chứng minh cho Liên Xô thấy “sự yếu kém của những kẻ phản động châu Á” và “các cố vấn” người Mỹ của họ, những người đã “rời bỏ Trung Quốc” mà không dám “thách thức chính quyền mới của Trung Quốc. ”

Stalin mời Kim trở lại Moskva để thảo luận về khả năng tiến hành xâm lược. Bản tóm tắt các cuộc thảo luận đó — mà sử gia Kathryn Weathersbyc gọi là “biểu hiện rõ ràng nhất mà chúng ta có về lập luận của Stalin” đối với cuộc xâm lược — cho thấy rằng ngay cả sau khi Mỹ rút quân, mối quan ngại hàng đầu của Stalin vẫn là một cuộc tấn công có thể thúc đẩy sự can thiệp của Hoa Kỳ và kéo Liên Xô vào cuộc xung đột trực tiếp. Vì “Liên Xô không sẵn sàng can dự trực tiếp vào các vấn đề Triều Tiên, đặc biệt nếu người Mỹ mạo hiểm gửi quân đến Triều Tiên”, các tài liệu này cho biết Stalin yêu cầu Kim phải được Mao chấp thuận.

Với sự trấn an bổ sung từ tình báo Liên Xô rằng “tâm trạng đang phổ biến” ở Mỹ là Mỹ sẽ “không can thiệp”, Stalin đã cho phép Kim Nhật Thành tấn công Nam Hàn và bắt đầu một cuộc chiến khủng khiếp.

Các điệp viên của Stalin đã không sai khi đánh giá về “tâm trạng” của người Mỹ. Trước cuộc xâm lược, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Hoa Kỳ không muốn bảo vệ Nam Hàn và coi một cuộc xâm lược là ít có khả năng xảy ra. Nhưng một cuộc tấn công bất ngờ của bảy sư đoàn được trang bị tốt của Triều Tiên đang tiến nhanh xuống phía Nam bán đảo đã làm thay đổi các tính toán chiến lược lẫn chính trị.

Kể từ năm 1979, khi Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh và Quốc hội ban hành Đạo luật Quan hệ Đài Loan, quan hệ của Washington với Đài Bắc được xây dựng dựa trên sự mơ hồ. Tuy nhiên, một cam kết răn đe rõ ràng sẽ hoàn toàn phù hợp với lập trường lâu nay của Hoa Kỳ rằng sự khác biệt giữa Đài Loan và đại lục cần được giải quyết một cách hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và không đơn phương tuyên bố độc lập cho Đài Loan. Dù có thể khó chịu đối với người Đài Loan khi họ phải sống với một vị thế quốc tế mơ hồ, nhưng việc gìn giữ hòa bình ở eo biển Đài Loan và tự do cho người dân Đài Loan còn quan trọng hơn nhiều so với điều đó.

“Giải quyết hòa bình” có vẻ như là một viễn cảnh xa vời ngày nay, nhưng thế giới – và nhất là người dân Trung Quốc – cần được nhắc nhở rằng chính Tập Cận Bình đã làm cho nó trở nên xa vời hơn bằng cách loại bỏ khái niệm “một quốc gia, hai chế độ” mà Đặng Tiểu Bình ban đầu dự định áp dụng cho Đài Loan cũng như Hồng Kông.

Đạo luật Quan hệ Đài Loan quy định rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm xác định tương lai của Đài Loan mà không thông qua các biện pháp hòa bình” sẽ được coi là một mối đe dọa “nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ”. Để làm cho phần đó của đạo luật có ý nghĩa, quân đội Hoa Kỳ và Đài Loan cần phối hợp lập kế hoạch để một cuộc tấn công [từ đại lục] sẽ không thể áp đảo hệ thống phòng thủ của Đài Loan trước khi Mỹ có thể tới trợ giúp. Điều đó cũng đòi hỏi phải “suy nghĩ sáng tạo hơn” về các lựa chọn phi hạt nhân để khiến Tập phải tính toán lại chi phí của một cuộc tấn công.

Thật không may, các biện pháp trừng phạt kinh tế và áp lực ngoại giao dường như không đủ để buộc Trung Quốc phải tính toán lại, nếu chúng ta nhìn vào những tác động ít ỏi của các biện pháp đó ở Tân Cương hoặc Hồng Kông. Thế giới cần làm nhiều hơn nữa để buộc Tập phải tôn trọng lời hứa của Trung Quốc về quyền tự chủ cho Hồng Kông. Và nếu Hoa Kỳ đứng sang một bên và để quyền tự chủ của Đài Loan bị phá hủy bằng vũ lực, điều đó sẽ làm lung lay nền tảng an ninh và ổn định ở Đông Á.

Chúng ta không thể biết Tập sẽ phản ứng như thế nào trước một lằn ranh đỏ khả tín (hoặc nếu một lằn ranh như vậy không được vẽ ra). Các phép so sánh lịch sử luôn không chính xác; Kịch bản trên bán đảo Triều Tiên rất phức tạp và tình hình của Đài Loan khác với cả tình hình ở Triều Tiên lẫn Berlin. Và không thể phủ nhận rằng cách tiếp cận như vậy tiềm ẩn những rủi ro đáng kể. Nhưng việc tiếp tục mơ hồ khi đối mặt với những luận điệu ngày càng leo thang của Tập cùng các hành động khiêu khích của các lực lượng vũ trang Trung Quốc ở eo biển Đài Loan tạo ra một nguy cơ đối đầu thậm chí còn nguy hiểm hơn cả Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Điều đó sẽ khiến chúng ta phải đối mặt với lựa chọn sử dụng lực lượng quân sự như hy vọng khả dĩ nhất để tránh được chiến tranh.

Paul Wolfowitz, một học giả khách mời tại American Enterprise Institute, từng là trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (1982-86), đại sứ Hoa Kỳ tại Indonesia (1986-89) và Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ (2001-05).