Trung Quốc bình luận chuyến thăm châu Á của Pompeo

Print Friendly, PDF & Email

Người dịch: Nguyễn Hải Hoành

21h tối hôm 30/10, Thời báo Hoàn cầu đăng xã luận dưới tiêu đề “Pompeo là liều thuốc độc mà các nước châu Á cần thận trọng đối xử”. Nội dung như sau:

Sau khi hoàn tất chuyến thăm Việt Nam đột xuất tăng thêm, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã kết thúc chuyến công du châu Á của ông, bắt đầu từ hôm Thứ Hai tuần này (26/10). Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ trên biển, nhưng giữa hai nước lại có buôn bán đối ngoại quy mô lớn nhất đối với Việt Nam, hai nước còn đều là quốc gia xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa hai bên sâu nặng, quan trọng mà tế nhị.

Trước đó, suốt dọc đường thăm châu Á, Pompeo đều thóa mạ Trung Quốc, nhưng khi đến Việt Nam ông ta dường như giữ mồm miệng [nguyên văn: co lại]. Trước lúc Pompeo lên máy bay về Mỹ, trong các bản tin nói về chuyến thăm này, truyền thông Việt Nam và phương Tây đều không nhắc tới những nội dung ông ta nói về Trung Quốc. Pompeo nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng “Chúng tôi tôn trọng nhân dân Việt Nam và chủ quyền của đất nước các ngài”, và còn đưa ra mấy câu rỗng tuếch về xây dựng an ninh khu vực, hòa bình và phồn vinh. Xem ra phía Việt Nam đã gây sức ép đối với Pompeo, [nhắc ông ta] chớ có lấy Việt Nam làm một vũ đài khác chống Trung Quốc.

Pompeo chỉ mong sao cả 5 nước mà ông ta đến thăm đều cùng ông tuyên thệ chống Trung Quốc, nhưng đó là “nhiệm vụ ông ta không thể làm được” (Báo Bưu điện Jakarta). Tại mấy nơi đến thăm trước đó, Pompeo chẳng những công kích Trung Quốc mà con bắt nạt nước nhỏ, lợi dụng các buổi họp báo chung để tạo ra ấn tượng nước chủ nhà đã cùng ông ta chia sẻ thái độ cùng nhau chống Trung Quốc. Nhưng mọi người đều chú ý tới khoảng cách giữa thái độ của chủ nhà với Pompeo, và ngay lúc đó hoặc sau đấy, chủ nhà tiến hành khử trùng [tiêu độc] lời ông ta nói.

Rất nhiều người coi chuyến công du này của Pompeo là chuyến “công du chia tay”. Sau đây vài hôm, nước Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu Tổng thống, nếu đảng cầm quyền thua trong cuộc bầu cử thì nhiều thứ Pompeo nói và ký kết trong chuyến công du này đều sẽ bị xem xét lại. Nếu Trump tiếp tục cầm quyền thì có thể Pompeo vẫn bị thay. Những điều ấy trở thành hoạt động tâm lý chung của các nước chủ nhà [đón Pompeo].

Tại Sri Lanka, Pompeo tuyên bố Trung Quốc là một “kẻ săn mồi”,  Mỹ mới là “bạn và đối tác” của Sri Lanka.  Đây là giọng điệu chính của Pompeo trong chuyến thăm này. Có nước nào lại không muốn mình có nhiều bạn?  Khi một người đến thăm ta lại nói bạn cũ của ta là kẻ xấu, ta cần phải đề phòng hắn, chỉ được tốt với tôi — người như thế thật đáng ghét biết bao. Cả đến một chút chỉ số thông minh cảm xúc [EQ] ấy mà vị ngoại trưởng Mỹ cũng chẳng có ư?

Maldives năm 1966 đã lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, nhưng Mỹ chẳng những chưa đặt đại sứ quán tại đây mà từ năm 2004 đến nay, ngoại trưởng Mỹ cũng chưa hề đến thăm quốc gia Ấn Độ Dương này. Pompeo “sau 16 năm xa cách” mới đến Maldives, thế mà ngay tại nước chủ nhà, sao ông ta không biết xấu hổ khi thóa mạ Trung Quốc — quốc gia đầu tư lớn nhất vào Maldives và là nguồn du khách lớn nhất của nước này? Người Maldives sao mà chẳng biết:  Nếu mối quan hệ Trung Quốc—Maldives không phát triển mạnh như ngày nay thì ngài Pompeo có đến đây không? Liệu ngài có hứa sẽ xây sứ quán nữa không?

Tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế quanh quần đảo Natuna của Indonesia có chồng lấn với quyền lợi biển mà Trung Quốc chủ trương, hai bên đã khá thành công kiểm soát được bất đồng này. Thế nhưng Pompeo lại thổi phồng bất đồng ấy, muốn biến Indonesia trở thành “quốc gia tuyến đầu” chống Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông [nguyên văn: Nam hải]. Ông ta đang sỉ nhục trí tuệ chính trị của người Indonesia, muốn dùng dăm ba câu xúi bẩy rẻ tiền mà có thể thay đổi tọa độ lợi ích quốc gia của Jakarta.

Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp trên biển nhiều nhất, nhưng Việt Nam lại là nước láng giềng trên lục địa của Trung Quốc, sự đi lại giữa hai bên rất khăng khít, mối quan hệ lợi ích rất sâu sắc. Hai năm nay Pompeo tập trung hỏa lực đả kích “Trung Cộng”, nói các quốc gia do đảng Cộng sản lãnh đạo là “Bạo chính” [chính trị tàn bạo], nhưng Việt Cộng cũng là lực lượng lãnh đạo Việt Nam, cách Mỹ đả kích Trung Quốc xã hội chủ nghĩa  cũng tạo ra sự đe doạ lâu dài với Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dĩ nhiên Việt Nam càng cần thiết làm tốt sự cân bằng giữa việc phát triển mối quan hệ bè bạn hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc với việc xử lý tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, trên cơ sở đó làm tốt sự tái cân bằng mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ.

Pompeo là kẻ phá hoại điển hình, nhưng cái mà châu Á cần lại là xây dựng. Tại đây có nhiều tranh chấp, song không có lý do gì để cho bất cứ tranh chấp nào khống chế châu Á. Pompeo muốn bản thân ông ta trở thành cái lý do ấy, cho nên ông ta là liều thuốc độc của vùng này. Lấy thuốc độc làm thuốc chữa bệnh, chỉ có cực kỳ thận trọng, pha chế sử dụng chuẩn xác thì mới có thể chữa được bệnh, nhưng sẽ chẳng có ai uống thứ thuốc ấy. Pompeo đến rồi lại đi, mấy nước châu Á kia sẽ cẩn thận từng li từng tí coi ký ức về ông ta là liều thuốc độc và để nó vào xó nhà.

Nguyễn Hải Hoành  biên dịch từ nguồn tiếng Trung 社评:蓬佩奥是亚洲国家须谨慎对待的毒药v, 2020-10-30.