Nhật ký Bắc Kinh (01/08/20): TQ thúc đẩy ‘chu kỳ nội địa lớn’

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 8/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một thông cáo sau cuộc họp của 25 thành viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 30 tháng 7 nhắc đến một thuật ngữ lạ lẫm: “chu kỳ nội địa lớn”. Thông cáo cho biết Trung Quốc sẽ thiết lập một mô hình phát triển mới dựa trên chu kỳ này.

Thông tin làm bùng nổ một loạt các suy đoán về ý nghĩa chính xác của thuật ngữ này.

Song, “chu kỳ nội địa lớn” đã từng xuất hiện trước đây. Phó Thủ tướng Lưu Hạc từng nói về nó tại một diễn đàn kinh tế hồi giữa tháng 6. Ông nói: “Chu kỳ trong nước nên là nền tảng chính, và hai chu kỳ kép quốc tế và trong nước đều sẽ được thúc đẩy để tạo nên một khung phát triển mới”.

Khi ấy, cũng như bây giờ, thật khó để hiểu rõ tuyên bố nói trên. Nhưng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cách tiếp cận ngày càng đối đầu hơn với Bắc Kinh và khả năng “tách rời” kinh tế Mỹ – Trung dần trở nên rõ ràng, nhiều người coi đây như lời kêu gọi thúc đẩy một nền kinh tế có thể dựa vào sức mạnh thị trường trong nước – ngay cả khi bị cắt đứt với thế giới.

Phát biểu của ông Lưu đặc biệt đáng chú ý vì mối quan hệ thân thiết của ông với Chủ tịch Tập Cận Bình. Họ được cho là đã quen biết nhau từ khi còn là thiếu niên.

Ông Lưu theo học Trường Trung học 101 Bắc Kinh, nằm không xa trường Bát Nhất Bắc Kinh nơi ông Tập học. Cả hai đều là những ngôi trường danh giá, nơi được gửi gắm con em của nhiều cán bộ quân đội và đảng viên.

Việc trao đổi học sinh giữa hai trường khá phổ biến – dường như đây là cách mà ông Tập đã kết bạn với ông Lưu, người hơn ông một tuổi.

Ông Lưu là một học sinh nổi tiếng thông minh. Sau khi đậu vào Đại học Nhân Dân vào năm 1979, ông nhanh chóng quyết tâm du học Mỹ. Người ta nói khi được hỏi tại sao, ông đã trả lời: “Tôi đọc hết sách ở thư viện của trường này rồi. Tôi không còn gì để học ở đây. ”

Giấc mơ của Lưu cuối cùng thành hiện thực vào đầu những năm 1990. Ông đến Hoa Kỳ để làm nghiên cứu viên tại Trường Kennedy của Harvard và các trường khác. Vào thời điểm đó, ông không hề biết rằng mình sẽ đứng ở tuyến đầu đàm phán thương mại của Trung Quốc với Mỹ trên cương vị phó thủ tướng gần 30 năm sau.

Đằng sau hậu trường, những người phản đối cho rằng ông Lưu mang tư duy học thuật và sẽ gặp khó khi điều phối các cuộc đàm phán thương mại căng thẳng với Hoa Kỳ. Khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” hồi tháng 1, có lẽ ông đã chia sẻ sự phấn khởi với ông Tập.

Nhưng đại dịch coronavirus đã thay đổi mọi thứ. Cuộc đụng độ Mỹ-Trung không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại. Hai nước đang kéo tay nhau vào một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”, trong đó một nền dân chủ đấu với một chế độ độc đảng.

Ông Tập, người kiêm chức tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng đã bắt đầu nói về “chu kỳ nội địa lớn”, có thể vì ông đang chuẩn bị cho một bước leo thang hơn nữa với Mỹ. Tuyên bố của ông Trump vào thứ Sáu tuần trước (26/07/2020) rằng ông có ý định cấm TikTok, ứng dụng chia sẻ video phổ biến do ByteDance của Trung Quốc vận hành, chỉ càng đẩy hai nước ra xa nhau hơn.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.