Nhật ký Bắc Kinh (08/06/20): Bát Lý Kiều và quan hệ Trung – Anh

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 6/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Biến cố Lư Câu Kiều (cầu Marco Paolo) năm 1937 thường được biết đến rộng rãi là đã châm ngòi cho Chiến tranh Trung – Nhật lần thứ hai. Nhưng chắc không mấy ai, ít nhất là ở Nhật, biết về chuyện xảy ra vài thập niên trước đó tại một cây cầu khác ở Bắc Kinh – Bát Lý Kiều (Baliqiao).

Tháng 9 năm 1860, các lực lượng nhà Thanh và lính Anh – Pháp đánh một trận lớn ở khu vực quanh cây cầu, cách khoảng 20 cây số về phía đông Tử Cấm Thành. Đó là tuyến phòng thủ cuối cùng bảo vệ Bắc Kinh trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai bùng nổ bốn năm trước đó.

Lực lượng nhà Thanh, vốn phụ thuộc vào kỵ binh truyền thống, không thể đẩy lùi các cuộc tiến công của quân Anh -Pháp với vũ khí tối tân. Họ bị đánh bại chỉ trong vài giờ, trong khi quân đội Anh – Pháp gần như không hề hấn gì và đã tiến thẳng vào Bắc Kinh. Sẵn đà, đội quân hai nước này đã phá hủy Vườn Viên Minh (Yuanmingyuan). Những điều này có thể được tìm thấy trong sách giáo khoa lịch sử.

Bát Lý Kiều, tên chính thức là Yongtongqiao và cũng đọc là Palikao, được xây dựng vào năm 1446 dưới thời nhà Minh. Ngày nay, cây cầu lịch sử vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Cho đến vài năm trước, ô tô vẫn được phép đi qua, nhưng giờ giao thông đã được chuyển hướng sang một cây cầu mới gần bên.

Khi tôi đến thăm cây cầu cũ hồi cuối tháng 5, người ta đang tiến hành sửa chữa và nửa phía đông của nó bị che lại. Chỉ dấu duy nhất cho thấy từng có một trận chiến khốc liệt ở đây là tấm bảng ghi Bát Lý Kiều “là nhân chứng quý giá về một Trung Quốc hiện đại chống lại sự xâm lược của ngoại bang.”

Tôi không ngạc nhiên khi nó không đề cập cụ thể  tới người Anh và người Pháp – trái với cầu Marco Polo, nơi Bảo tàng Kháng chiến chống Nhật Xâm lược của Nhân dân Trung Quốc gần đó lại là một trung tâm giáo dục lòng yêu nước.

Nhưng sau khi chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình nhanh chóng thông qua luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông, trên thực tế cấm mọi hoạt động bất đồng chính kiến ​​ở thuộc địa cũ này của Anh, Anh đã đứng lên chỉ trích Bắc Kinh.

Thứ Tư tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson viết trên tờ Times rằng nếu chính phủ Trung Quốc không rút lại đạo luật gây tranh cãi, ông sẽ mở đường cho 2,85 triệu người Hồng Kông được nhận quốc tịch Anh.

Không nằm ngoài dự đoán, Trung Quốc phản ứng gay gắt, cáo buộc Anh “can thiệp thô bạo” vào các vấn đề nội bộ của họ.

Như đã thấy trong quan hệ Trung-Nhật, Bắc Kinh có xu hướng dùng lịch sử để phục vụ các mục đích ngoại giao của mình. Vì vậy, có thể dự đoán họ sẽ tăng áp lực lên Anh – có lẽ bằng cách tuyên bố London không có quyền can dự vào vấn đề Hồng Kông, vì nước này chỉ cướp được lãnh thổ này trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất năm 1840-1842.

Sau thất bại trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai, nhà Thanh cũng đã nhượng lại cho Anh bán đảo Cửu Long – nằm đối diện đảo Hồng Kông bên kia cảng Victoria. Chính trận Bát Lý Kiều đã dẫn đến thất bại này. Và khi nhìn vào cây cầu đang được sửa sang, tôi chợt nghĩ rằng cũng như Lư Câu Kiều, nó cũng  có thể trở thành một trung tâm giáo dục lòng yêu nước khác.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.