Bernard-Henri Lévy: Một gương mặt trí thức Pháp thời nay

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Nước Pháp thời nào cũng có những nhà trí thức nổi tiếng trong nước và thế giới. Ở đây xin giới thiệu sơ qua một gương mặt được gọi là nhà trí thức siêu sao, triết gia siêu sao (super star intellectual, super star philosopher) của nước Pháp thời nay.

Đó là Bernard-Henri Lévy mà người Pháp ưa nói ngắn thường gọi tắt là BHL.

Triết gia kiêm nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội, nhà làm phim và đạo diễn điện ảnh sinh năm 1948 này là tác giả của hàng tá đầu sách và nhiều bộ phim. Trong đó ba cuốn sách Ngỡ ngàng nước Mỹ (American Vertigo), Sự man rợ mang bộ mặt con người (Barbarism with a Human Face), Ai giết Daniel Pearl? (Who Killed Daniel Pearl?) và hai bộ phim tài liệu Bosna!Một ngày tại Sarajevo chết chóc (A Day in the Death of Sarajevo) từng làm châu Âu và khắp thế giới biết đến tên tuổi Bernard-Henri Lévy.

Người Mỹ ca ngợi Lévy là một trí thức dấn thân, dũng cảm tham dự mọi hoạt động chính trị quốc tế chứ không phải là loại trí thức hàn lâm chỉ ngồi trong tháp ngà. Năm 1971, khi mới 23 tuổi, ông tình nguyện đến Bangladesh chiến đấu giúp quốc gia này giành độc lập. Năm 1984, ông tham gia đồng sáng lập tổ chức chống phân biệt chủng tộc SOS Racisme. Lévy từng phục vụ một số nhiệm vụ chính trị của Chính phủ Pháp, như năm 2002 được Tổng thống Jacques Chirac bổ nhiệm đứng đầu một phái đoàn đến Afghanistan tìm hiểu tình hình sau cuộc chiến chống Taliban, một cuộc chiến mà Lévy ủng hộ. Ông đã tới những vùng khó khăn nhất trên thế giới, như đã lần theo dấu vết của nhà báo Daniel Pearl ở Pakistan, từ đó viết cuốn sách “Ai giết Daniel Pearl?”. Những năm gần đây, khi châu Âu đứng trước nguy cơ “tan vỡ ngay trước mắt chúng ta” — thử thách lớn nhất đối với châu lục này kể từ thập niên 1930, ngày 25/1/2019, Lévy dẫn đầu nhóm 30 nhà trí thức nổi tiếng gồm Milan Kundera, Salman Rushdie, Elfriede Jelinek, Orhan Pamuk … phát đi Lời kêu gọi “Chiến đấu cho châu Âu – hay là bọn phá hoại sẽ phá huỷ châu lục này! (Fight for Europe – or the wreckers will destroy it), “Chúng tôi thúc giục những người châu Âu yêu nước hãy chống lại cuộc tấn công của chủ nghĩa dân tộc”.

Năm 2015, tờ The Boston Globe viết Lévy “có lẽ là nhà trí thức nổi tiếng nhất của nước Pháp hiện nay”. Tạp chí  Vanity Fair chuyên viết về tầng lớp thượng lưu đánh giá ông là Siêu nhân và nhà Tiên tri: nước Mỹ chúng ta chưa có một người tương đương như ông. (Superman and prophet: we have no equivalent in the United States). Thời báo New York viết Lévy là một nhà quý tộc Pháp kiểu mới, người sở hữu một cung điện ở Morocco và có vợ là một ngôi sao điện ảnh xinh đẹp. Bách khoa thư mở Wikipedia cho biết Lévy là một trong các nhà lãnh đạo của “Nhóm Triết gia Mới” (Nouveaux Philosophes; New Philosophers). Tờ New Statesman viết “Lévy là một nhà trí thức mạo hiểm không biết sợ…, một nhà tư tưởng chúng ta không thể không có” (Lévy is a fearless intellectual risk-taker…, a thinker we cannot afford to be without).

Sinh năm 1948 tại Algeria thuộc Pháp trong một gia đình người Do Thái có cha là chủ một công ty buôn gỗ, Bernard-Henri Lévy khi mới sinh đã được cha mẹ đưa đến định cư tại Paris. Năm 20 tuổi, ông vào học Đại học Sư phạm Paris (École Normale Supérieure), cái lò từng đào tạo nên những triết gia như Jean Paul Sartre, Trần Đức Thảo… Lévy là học trò của các nhà tư tưởng lớn Jacques Derida và Louis Althusser. Trong thời gian “Sóng gió tháng 5” Lévy tích cực tham gia hoạt động của phái tả cấp tiến như “Chủ nghĩa Mao” và “Liên minh thanh niên cộng sản Mác-Lê”. Năm 1971, Lévy được nhà trường trao cho một học vị triết học.

Cũng năm đó, hưởng ứng lời kêu gọi của đại trí thức André Malraux về việc lập một Lữ đoàn Quốc tế giúp nhân dân Bangladesh giành độc lập, chàng trai Lévy 23 tuổi đến quốc gia Nam Á này và trở thành phóng viên chiến trường của tờ Combat, chuyên đưa tin về cuộc Chiến tranh giải phóng Bangladesh chống lại Pakistan. Năm sau, ông làm công chức cho Bộ Kinh tế và Kế hoạch Chính phủ Bangladesh mới thành lập. Trải nghiệm ở Bangladesh là nguồn tư liệu để ông viết cuốn sách đầu tay “Bangladesh, Chủ nghĩa dân tộc trong cuộc cách mạng” (Bangla Desh, Nationalisme dans la révolution, 1973).

Tháng 6/1972, Lévy trở về Pháp, trở thành giảng viên tại Đại học Strasbourg và dạy triết học tại École Normale Supérieure.

Năm 1976, ông tham gia sáng lập nhóm Triết gia mới (tiếng Pháp: Nouveaux Philosophes). Theo Wikipedia, nhóm này từ chối chủ nghĩa Mác mà trước đây họ từng theo đuổi, chỉ trích các nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn như Jean-Paul Sartre và quan niệm về chủ nghĩa hậu cấu trúc, cũng như triết học của Friedrich Nietzsche và Martin Heidegger.

Từ đó BHL trở thành ngôi sao dẫn đầu Nhóm Triết gia mới, dần dần nổi lên như một triết gia trẻ, nhà hoạt động chính trị, nhà văn, nhà báo và nhà bình luận. Trong mấy chục năm sau, Lévy tiếp tục là một siêu sao của giới truyền thông Pháp, thường xuyên xuất hiện trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình. Hầu như ở đâu và bao giờ cũng thấy ông phát biểu, bình luận về nhiều vấn đề xã hội, chính trị, quốc tế.

Năm 1977, ông xuất bản cuốn “Sự dã man mang bộ mặt con người” (La barbarie à visage humain), gây ra một cuộc tranh cãi chưa từng có về sự đồng lõa của cánh tả châu Âu với chủ nghĩa toàn trị. Sách in 100 nghìn bản – một kỷ lục về sách triết học ở Pháp, đã làm Lévy nổi danh và từ đó được gọi là BHL. Bản tiếng Anh Barbarism with a Human Face xuất bản năm 1979 càng làm ông nổi tiếng. Trong Những nhà tư tưởng bậc thầy (The Master Thinkers), Andre Glucksmann coi Sự dã man mang bộ mặt con người là một trong những tuyên ngôn chính của nhóm Tân Triết gia Pháp.

Sự dã man mang bộ mặt con người đánh dấu Lévy chia tay với lập trường khuynh tả cấp tiến, với chủ nghĩa Stalin ông từng theo đuổi, phê phán chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Đây là kết quả tác động từ cuốn Quần đảo Gulag của nhà văn Nga Solzhenitsyn; bản tiếng Pháp sách này xuất bản năm 1973 đưa tới sự ra đời phái tả mới tại nước Pháp. Nhưng có ý kiến nói khó có thể coi Lévy là người theo phái tả. Năm 1972, khi triết gia Jean Paul Sartre đại diện phái tả Pháp viết bài đồng tình vụ nhóm chiến binh PLO của Arafat ám sát đoàn tuyển thủ Israel dự Thế vận Munich, Lévy (là người Do Thái) đã giận dữ lên án bài báo của Sartre. Trong cuốn “Hành trình mạo hiểm của tự do: Trí thức Pháp trong thế kỷ XX” (Adventures on the Freedom Road: The French Intellectuals in the 20th Century. 1999)Lévy cũng chế giễu phái tả.

Năm 1979, Lévy xuất bản Di chúc của Thượng Đế (bản tiếng Anh The Testament of God, 1980). Có người nói Hệ tư tưởng Pháp (L’Idéologie français, 1981) là tác phẩm quan trọng nhất của ông. Nhưng có lẽ vì cuốn sách vẽ nên bức tranh u ám về lịch sử Pháp nên nó bị một số học giả danh tiếng phê phán. Năm 1994 Lévy xuất bản Đàn bà với đàn ông: Một cuộc trò chuyện triết học (Women and Men: A Philosophical Conversation).

Trong những năm 1990, Lévy kêu gọi châu Âu và Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tranh Bosnia khi Nam Tư tan rã. Ông nói về các trại giam giữ người Hồi giáo (Muslims) ở Serbia, và kể lại trải nghiệm của người Do Thái trong các cuộc thảm sát thời phát xít Đức, cho rằng không thể bỏ qua những kẻ giết người hàng loạt (ý nói người Serbia ở Bosnia).

Cuối những năm 1990, Lévy cùng một số người thành lập Viện Nghiên cứu Levinas tại Jerusalem, để vinh danh Emmanuel Levinas, triết gia Pháp, nhà Luân lý học nổi tiếng châu Âu.

Khi cha ông qua đời năm 1995, Lévy tiếp quản việc điều hành công ty Becob của cha; hai năm sau ông bán công ty này với giá 750 triệu Franc.

Năm 2006 Bernard-Henri Lévy xuất bản cuốn Ngỡ ngàng nước Mỹ: Đi thăm nước Mỹ theo dấu chân Tocqueville (American Vertigo: Traveling America in the Footsteps of Tocqueville, sau đây viết tắt American Vertigo), cuốn sách thứ 30 và là tác phẩm đầu tiên của ông xuất bản tại Mỹ trước rồi mới xuất bản ở Pháp. Nó mang lại tiếng vang lớn cho tác giả, vì đây là một cuốn sách người Pháp viết về nước Mỹ, mặt khác nó cũng được nhiều người quan tâm do tác giả là một nhà trí thức tên tuổi của nước Pháp.

Mọi người đều biết, trong số các nước phương Tây bạn bè của Mỹ, có lẽ Pháp là nước có nhiều tình cảm ghét Mỹ hơn cả, nhất là sau vụ 11 tháng 9. Chính phủ của Tổng thống Jacques Chirac kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh Iraq. Vì thế Mỹ chê Pháp là “vong ân bội nghĩa”, thậm chí ở Mỹ còn xuất bản cuốn Kẻ thù lâu đời nhất của chúng ta: Lịch sử mối quan hệ tồi tệ giữa Mỹ với Pháp (Our Oldest Enemy: A History of America’s Disastrous Relationship with France). Pháp cũng xuất bản cuốn Kẻ thù Mỹ: Lịch sử tinh thần chống Mỹ của người Pháp. (The American Enemy:The History of French Anti-Americanism).

Thế nhưng trong số tác phẩm người nước ngoài viết về nước Mỹ thì Nền dân chủ ở nước Mỹ (De la Démocratic en Amérique, 1840; tiếng Anh: Democracy in America. Bản tiếng Việt của dịch giả Phạm Toàn có tên Nền dân trị Mỹ) của nhà quý tộc Pháp Alexis de Tocqueville (1805-1859) lại được người Mỹ cũng như cả thế giới công nhận là cuốn sách hay nhất chưa sách nào có thể vượt qua. Tác phẩm xã hội học kinh điển này có ảnh hưởng chưa từng thấy đối với nước Mỹ.

Năm 2005, nhân kỷ niệm 200 năm sinh Tocqueville, tạp chí Mỹ danh tiếng Atlantic Monthly lại mời một nhà quý tộc Pháp sang khảo sát nước Mỹ theo hành trình 173 năm trước nhà quý tộc Tocqueville từng đi để viết một thiên phóng sự dài. Người được mời là Bernard-Henri Lévy, triết gia kiểu ngôi sao nhạc Rock của nước Pháp (France’s “rock-star philosopher”).

Trong chuyến đi lâu gần một năm ấy, Lévy lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm nước Mỹ. Ông đến thăm nhiều nhà tù, các khu nhà “ổ chuột”, cộng đồng Muslims ở Detroit, thị trấn giáo phái Amish bang Iowa, hội chợ súng tại Dallas, thăm New Orleans quê hương nhạc Jazz… cuối cùng trở lại nơi khai sinh nước Mỹ –– thành phố Provincetown, nơi năm 1620 chiếc thuyền buồm May Flower rời nước Anh chở 120 tín đồ Thanh giáo đổ bộ lên đất Mỹ sau hai tháng lênh đênh trên biển. Dọc đường Lévy tìm gặp và trò chuyện với nhiều người từ các cô bồi bàn, gái điếm chuyên nghiệp đến ngôi sao điện ảnh Sharon Stone, hai thượng nghị sĩ Dân chủ Barack Obama và John Kerry, nguyên đệ nhất phu nhân Hillary Clinton, đại biểu chủ nghĩa Tân Bảo thủ Richard Holbrooke, nhà văn Norman Mailer, hai nhà chính trị học Samuel Huntington và Francis Fukuyama v.v… [Xem thêm: Nước Mỹ trong mắt người Pháp]

Kết thúc chuyến đi, các bài viết của Lévy được tập hợp thành cuốn American Vertigo. Dĩ nhiên tập phóng sự mỗi bài viết xong ngay trong ngày thì không thể sánh nổi với khảo luận Nền dân chủ ở Mỹ do nhà tư tưởng kiêm sử gia Tocqueville dày công viết trong 2 năm. Cũng vì thế một số báo Mỹ chê nó “nông cạn”; họ cho rằng Lévy mang theo thói ngạo mạn và thành kiến của người Pháp nên đã coi nhẹ văn hoá thương mại và tinh thần doanh nhân là hai cái gốc của dân Mỹ, vì thế ông chỉ có thể dừng lại ở mức quan sát nước Mỹ một cách hời hợt.

American Vertigo thể hiện được con mắt sắc sảo và sự phán đoán có lý trí của tác giả. Ông đã vẽ nên bức tranh một nước Mỹ sinh động, có nền văn hóa đa nguyên phong phú. Lévy kết luận:  Nước Mỹ đang thay đổi, nhưng nước Mỹ sẽ bền vững lâu dài; Tôi không nghĩ là có lý do làm cho đất nước này hết hy vọng.

Tháng 2/2016, cuốn Tinh thần Đạo Do Thái (L’Esprit du Judaisme) của Lévy ra đời. Bản tiếng Anh The Genius of Judaism được Random House xuất bản năm 2017.

Lévy vốn có tư tưởng chống Mỹ. Trong cuốn Ai giết Daniel Pearl?, ông lên án chính sách ngoại giao của Mỹ là nguyên nhân sâu xa gây nên cái chết của Daniel Pearl, nhà báo gốc Do Thái của tờ Wall Street Journal. Điều đó làm người Mỹ bực tức phản pháo.

Lévy muốn đảng Dân chủ Mỹ trở về chủ nghĩa lý trí thời khai sáng nhằm ngăn cản chủ nghĩa độc tôn giáo lý cơ bản, đồng thời thực thi một New Deal Mới để mang lại lợi ích cho người nghèo, nhưng ông chưa nghĩ tới việc cải tạo đảng Dân chủ thành đảng Xã hội dân chủ kiểu châu Âu sẽ có thể được dân Mỹ ủng hộ hay không. Lévy chưa thực sự hiểu nước Mỹ, hiểu nền kinh tế thị trường, tính lưu động xã hội và tín ngưỡng tôn giáo của nước này, cho nên các phát hiện của ông về nước Mỹ không đại diện cho số đông.

Có những người Pháp chê Lévy thực tài xoàng, chỉ giỏi tự đánh bóng tên tuổi bằng cách thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Năm 2006 hai nhà báo Pháp Nicolas Beau và Olivier Toscer xuất bản cuốn Một vụ lừa bịp ở Pháp (Une imposture francaise) nhằm hạ bệ thần tượng BHL.

Giới quý tộc châu Âu ngày xưa thường không giàu, nhưng nhà quý tộc Pháp kiểu mới Lévy nhờ thừa kế gia sản của cha mà có tên trong danh sách những người giàu nhất nước Pháp. Ông còn nổi tiếng vì điển trai “như Alain Delon”, lại rất thạo ăn diện. Tạp chí Vanity Fair từng bình chọn Lévy là 1 trong 10 người đàn ông mặc đẹp nhất trong năm. Hình ảnh thời trang tiêu biểu của Lévy là chiếc sơ mi trắng giá 450 dollar ông mặc bao giờ cũng để hở hai hàng cúc trên cùng, lộ ra cái cổ áo trắng muốt.

Đời sống riêng của Bernald-Henri Lévy cũng hay bị dư luận nhòm ngó. Mới 36 tuổi ông đã ly dị lần thứ hai, dù đã có con với hai bà vợ trước. Bà vợ đầu Isabelle Doutreluigne sinh cho Lévy một con gái là Justine Lévy, về sau trở thành nhà văn nổi tiếng. Vợ thứ hai, bà Sylvie Bouscasse có với ông một con trai là Antonin-Balthazar Lévy, nhà điều hành tạp chí La Règle du Jeu. Năm 1993 Lévy cưới vợ thứ ba là ngôi sao điện ảnh kiêm ca sĩ xinh đẹp Arielle Dombasle, sau 7 năm đi lại với nhau. Ảnh chụp đôi vợ chồng này thường xuyên xuất hiện trên tạp chí Paris Match.

Xem thêm: Các bài bình luận của Bernald-Henri Lévy trên Nghiên cứu Quốc tế: