Tại sao cần chấm dứt phong trào bài Đức và chống Merkel?

Print Friendly, PDF & Email

Spiegel-cover2

Nguồn: Bernard-Henri Lévy, “In Defense of Angela Merkel,” Project Syndicate, 02/04/2015.

Biên dịch: Ngô Thanh Tâm | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Bài liên quan: Tại sao nhiều người châu Âu gọi Đức là “Đệ tứ đế chế”?

Việc trang bìa gần đây của tuần báo Der Spiegel đăng tải hình ảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel trước tòa thành cổ Acropolis với những sĩ quan Đức Quốc xã đứng xung quanh đã giúp thể hiện một điều quan trọng: cuối cùng thì vấn đề phong trào bài Đức (Germanophobia) ở châu Âu đã được bộc lộ theo một cách không thể tránh khỏi.

Sự lăng mạ nước Đức đã diễn ra trong một thời gian khá dài. Những cuộc biểu tình tại đảo Síp vào tháng 3 năm 2013 đi kèm những băng rôn mang hình ảnh châm biếm bà Merkel được hóa trang giống như Adolf Hitler. Cùng thời điểm đó tại Valencia, Tây Ban Nha, nhân lễ hội Falles hàng năm, bà Merkel trong hình nộm một bà hiệu trưởng ghê gớm đang thuyết giảng cho người đứng đầu Chính phủ Tây Ban Nha và các Bộ trưởng của ông về “Mười điều răn của Angela – Kẻ hủy diệt.” Hình nộm đó cuối cùng đã bị đốt cháy trong ngọn lửa ăn mừng Thánh Joseph.

Hai tháng sau, ở Bồ Đào Nha, các cuộc diễu hành tương tự đã cho thấy hình ảnh châm biếm theo kiểu Hitler-hóa của bà Merkel được mang theo bởi những người biểu tình phẫn nộ, những người mang những bộ quần áo tang và lên án “chính sách tàn sát dân nghèo” của nhà lãnh đạo Đức.

Và đương nhiên còn có Hy Lạp, nơi mà hiện tượng bài Đức đã đạt tới đỉnh điểm trong suốt thời gian gần xảy ra bạo loạn vào tháng 10 năm 2012. Ở đó thế giới được chiêm ngưỡng cảnh tượng những lá cờ của Đức Quốc xã và của nước Đức cùng tung bay – và rồi cùng bị đốt cháy – ngay trước tòa thành cổ Acropolis trong những cảnh tượng sau này được thể hiện trên trang bìa của tờ Der Spiegel.

Ở Italia, nhật báo cánh hữu Il Giornale đã không ngại ngần khi dành tiêu đề chính trong ngày 3 tháng 8 năm 2012 cho sự xuất hiện của “Đệ tứ đế chế.” Tương tự, những trang web theo thuyết âm mưu ở các quốc gia Bắc Âu đã tuyên bố việc Đức háo hức ủng hộ Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin là một hành động tái hiện sự nô dịch Ukraina của Hitler.

Tiếp đến là ở Pháp, nơi mà trò chơi có vẻ là việc xem thử ai có thể chiến thắng trong việc đưa ra những lời lên án mang tính chất dân túy đối với một “Đế chế Đức” non trẻ và đáng ghê tởm. Từ phía cực hữu, chủ tịch Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen đã chỉ trích bà Merkel về những “đau khổ” mà bà đang gây ra cho người dân châu Âu. Về phía ngược lại, ông Jean‑Luc Mélenchon thuộc Đảng Cánh tả đã mạnh mẽ chống lại chính sách “thắt lưng buộc bụng” của bà Merkel và yêu cầu bà hãy “câm mồm.”

Vấn đề của phong trào bài Đức không chỉ nằm ở chỗ phong trào này là ngu ngốc, cũng không phải là ở chỗ nó là một dấu hiệu khác của sự tan rã ngay trước mắt chúng ta của dự án cao quý nhằm hội nhập châu Âu thành một liên minh gắn bó hơn bao giờ hết.

Không, vấn đề của phong trào bài Đức ngày nay nằm ở chỗ, trái với những gì mà các môn đồ của phù thủy[1] vẫn thổi bùng lên để chúng ta tin, hành động của họ không phải là dấu hiệu của sự phản đối chủ nghĩa phát xít thực sự, một thứ tưởng tượng xa vời, mà nằm ở chỗ những hành động đó thể hiện lòng trung thành – và thậm chí là đóng góp – của họ cho thứ chủ nghĩa phát xít đó. Tại sao?

Có một số lý do. Thứ nhất, phản đối những chính sách xã hội, kinh tế, và đối ngoại của Đức bằng cách đánh đồng bà Merkel với Hitler là bình thường hóa Hitler. Dù việc bất đồng với những chính sách này có chính đáng đến đâu thì Đức vẫn là một trong những nền dân chủ cẩn trọng và gương mẫu nhất của châu lục. Nói Đức hiện nay tương đồng với chế độ Quốc xã – một chế độ mà ở châu Âu hiện nay vẫn là hiện thân cho sự hủy diệt dân chủ (và quả thực là cả bản thân nền văn minh) – thì điều đó đồng nghĩa với việc xóa tội cho chế độ Quốc xã, làm yên lòng cũng như cổ vũ cho những người theo chủ nghĩa tân phát xít ngày nay, và cho phép họ, dù chủ tâm hay không, gia nhập lại những cuộc tranh luận công khai.

Một lý do nữa (và đây mới là điểm mấu chốt), là những người háo hức nhất trong việc làm mất uy tín của bà Merkel cũng chính là những người đã không do dự trong việc hợp tác với những phần tử tân phát xít ở Vienna hoặc hình thành nên một liên minh, giống như ở Athen, với các lãnh đạo của một đảng cực đoan thực sự. Tất cả những ồn ào dấy lên xung quanh một nước Đức được cho là đã “đoàn tụ với quỷ dữ” đã che đậy cho tiếng nói của các đảng phát xít – từ Đảng Bình minh vàng (Golden Dawn) của Hy Lạp tới Đảng cực hữu Jobbik của Hungary, Đảng Quốc gia Slovakia (SNS), Đảng Vlaams Belang của Bỉ và Đảng Ataka của Bulgaria – tất cả đang trong quá trình thiết lập vị thế của mình ở châu Âu.

Cũng cần lưu ý rằng bà Merkel là một phụ nữ, và sự thù hận đối với phụ nữ – những người cùng với người Do Thái đã phải chịu đựng sự khinh miệt bởi các nhà lý thuyết phân biệt chủng tộc trong những năm 1920 và 1930 – cũng là một khía cạnh cốt lõi trong mọi biểu hiện của chủ nghĩa phát xít. Tương tự, những câu khẩu hiệu cất lên ở Valencia vào tháng 10 năm 2012 – bởi những người biểu tình dồn dập la hét vào hình nộm của bà Thủ tướng rằng “Bà yêu tiền bạc hơn tất cả mọi thứ” và “Bà sẽ chỉ ưu tiên các ngân hàng và Ngân hàng Trung ương mà thôi” – rõ ràng gợi lại những câu chuyện cũ về “con bò vàng”[2] và “chế độ tài phiệt toàn cầu.”

Người ta cuối cùng cũng đã hiểu rằng chủ nghĩa chống Mỹ, sinh ra từ phe cực hữu và được truyền bá vào  Đức chẳng hạn bởi tư tưởng triết học của Martin Heidergger và những học trò của ông, là bản lề của chủ nghĩa phát xít.

Đã đến lúc chúng ta nên hiểu rằng điều tương tự cũng đúng với chủ nghĩa bài Đức. Tại Pháp, nó xuất hiện với tiểu thuyết gia và nhà hoạt động bài Do Thái Maurice Barrès, người đã nhìn ra trong triết lý của Immanuel Kant một phương tiện “Do Thái hóa” tư tưởng người châu Âu. Nó đã giành thắng lợi cùng với phong trào chính trị cánh hữu Action Française của Charles Maurras và trong cuộc chiến kéo dài của nó với “tư tưởng của người Do Thái và người Đức.” Và nó đã đạt tới đỉnh điểm với những kẻ ung nhọt mà, thậm chí hôm nay, trên các trang web mà tôi không muốn đề cập tới, còn đưa ra “phần thưởng” và một “chỗ trú ẩn” cho những người sẵn sàng “loại bỏ” những “ông trùm” trong “biên chế” của bà Thủ tướng.

Lịch sử của các ý tưởng có sự logic, lý do, sự điên rồ, vô thức, và quỹ đạo của nó. Thật là vô nghĩa và nguy hiểm khi phủ nhận bất cứ điều gì trong đó.

Đó là lý do tại sao, ngày hôm nay, việc bảo vệ bà Angela Merkel trước những thế lực đen tối đang trỗi dậy, bành trướng, và lan rộng khắp châu Âu là một điều vô cùng quan trọng.

Bernard-Henri Lévy là một trong những người sáng lập phong trào “Nouveaux Philosophes” (Tân triết gia). Ông là tác giả của cuốn Left in Dark Times: A Stand Against the New Barbarism (Bị bỏ rơi trong thời kỳ đen tối: Quan điểm chống lại chủ nghĩa man di mới).

—————

[1] “Môn đồ của phù thủy” (đôi khi được dịch là “Phù thủy tập sự”) là tên bài thơ Der Zauberlehrling của đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe viết từ thế kỷ 18. Trong bài thơ này, cậu bé theo học thầy phù thủy được giao nhiệm vụ lau nhà, nhưng vì lười nên đã dùng phép thuật của mình để phù phép cây chổi. Do chưa học đến nơi đến chốn, cây chổi cậu phù phép cuối cùng đã làm ướt hết sàn nhà mà cậu không kiểm soát nổi. Ở đây, tác giả so sánh những người thổi bùng lên phong trào bài Đức với cậu bé phù thủy, ám chỉ rằng những hậu quả họ gây ra sẽ còn lớn hơn và chính họ cũng sẽ không thể kiểm soát chúng – NHĐ.

[2] Trong kinh Cựu Ước, những người dân Israel được Moses cứu giúp khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập đã ngu muội đúc một con bò vàng để thờ cúng thay vì thờ Chúa Giê-su khi Moses vắng mặt đi nhận Mười điều răn, và vì thế đã bị Đức Chúa trừng phạt – NHĐ.