Liệu phương Tây có thể củng cố lại liên minh đối phó Trung Quốc?

Nguồn: How to deal with China”, The Economist, 09/01/2021.

Người dịch: Phan Nguyên

Các nền dân chủ trên thế giới rất cần một cách tiếp cận thống nhất để đối phó với Trung Quốc. Đó là cường quốc đang lên của thế kỷ 21, nhưng cũng là một chế độ chuyên chế vốn không tin vào thị trường tự do và lạm dụng nhân quyền. Tuy nhiên, những sự kiện gần đây cho thấy chính sách của phương Tây đã trở nên kém hiệu quả như thế nào. Vào ngày 30 tháng 12, Liên minh châu Âu đã đồng ý về một hiệp định đầu tư với Trung Quốc nhằm giành được một số lợi ích nhỏ nhưng trao cho Trung Quốc một chiến thắng ngoại giao lớn. EU đã làm như vậy bất chấp những nghi ngờ trong đội ngũ của Joe Biden. Sở giao dịch chứng khoán New York đã cấm cổ phiếu của một số công ty Trung Quốc, để rồi lại đổi ý hai lần chỉ trong vài ngày. Quốc hội Mỹ cho đến nay vẫn chưa thông qua được dự luật bảo vệ người Uyghurs khỏi lao động cưỡng bức.

Trong khi phương Tây bối rối, Trung Quốc đang bận rộn đàn áp trong nước và mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài. Vào ngày 6 tháng 1, hơn 50 nhà hoạt động dân chủ đã bị bắt tại Hồng Kông. Vào tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã ký một hiệp định thương mại với 14 quốc gia châu Á, bao gồm các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Singapore. Nước này tiếp tục đe dọa Australia bằng chính sách ngoại giao côn đồ và một lệnh cấm vận thương mại một phần.

Hình ảnh Trung Quốc lấn lướt trong khi phương Tây lúng túng đã trở nên quá quen thuộc. Tất cả các nền dân chủ đang đấu tranh để dung hòa các mục tiêu mâu thuẫn nhau, giữa một bên là hợp tác kinh tế với một nền kinh tế khổng lồ và sôi động, và một bên là bảo vệ an ninh quốc gia và nhân quyền. Chính quyền Trump đã làm thức tỉnh sự tự mãn của phương Tây về mô hình do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc, nhưng sau đó đã làm rúng động hệ thống thương mại toàn cầu mà không đề xuất một giải pháp thay thế. Các nước giàu đã không hành động cùng nhau, làm giảm sức ảnh hưởng của họ. Các nhà đàm phán Mỹ đã xác định những cải cách cơ cấu mà Trung Quốc nên thực hiện và các cường quốc phương Tây khác có thể ủng hộ, nhưng cuối cùng Tổng thống Donald Trump chỉ giành được những nhượng bộ nhỏ trong thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” ký với Trung Quốc vào tháng 1 năm 2020. Chính sách của phương Tây đã trở thành một hỗn hợp các thỏa thuận, phản kháng, lệnh cấm tạm thời và thuế quan. Hệ thống các quy tắc vốn là xương sống của thương mại toàn cầu trong nhiều thập niên — bao gồm thị trường vốn và thương mại mở, và các hệ thống pháp lý công bằng — đã phát triển mạnh vì nó có thể dự đoán được. Nhưng điều đó không còn nữa.

Trung Quốc đang khai thác tình trạng hỗn loạn khi nền kinh tế của họ bật mạnh trở lại sau đại dịch: tăng trưởng hàng năm đạt mức 4,9% trong quý gần đây nhất. Các lãnh đạo ở Bắc Kinh cho rằng chính quyền Biden sẽ phải bận tâm với những rắc rối trong nước, ít nhất là vì covid-19. Châu Âu đã hoan nghênh thái độ mang tính hòa giải của Biden, nhưng lo ngại rằng các chính sách của ông cũng thể hiện xu hướng bảo hộ, bao gồm các điều khoản “Mua hàng Mỹ” và sự mơ hồ về việc liệu thuế quan có được xóa bỏ hay không. Đối mặt với một siêu cường hướng nội, EU quyết định tăng tốc những nỗ lực đã được tiến hành lâu nay nhằm đạt được một hiệp định đầu tư với Trung Quốc. Tuy nhiên, khi hoạt động một cách đơn độc, EU không có nhiều ảnh hưởng. Thỏa thuận mới bao gồm những đảm bảo về việc giảm can thiệp của nhà nước Trung Quốc vào các ngành công nghiệp, điều sẽ khó thực thi, và các yêu cầu về vấn đề nhân quyền mà Trung Quốc sẽ làm ngơ.

Một chính sách nhất quán có thể trông như thế nào? Nó phải bắt đầu bằng việc thừa nhận sức mạnh của Trung Quốc. Không giống như Liên Xô, Trung Quốc quá lớn và đã hội nhập quá sâu để có thể ngăn chặn hiệu quả. Nước này chiếm 18% GDP thế giới. Đây là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của 64 quốc gia, bao gồm cả Đức. Trong khi đó, con số của Mỹ chỉ là 38. Thị trường vốn Trung Quốc cũng đang trở nên quan trọng. Người nước ngoài hiện sở hữu tới 10% lượng trái phiếu chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, bất chấp quy mô và mức độ phát triển của Trung Quốc, các mối quan hệ sẽ vẫn còn chứa đựng nhiều nghi ngờ. Người ngoài khó có thể biết được liệu các công ty tư nhân Trung Quốc có hoạt động độc lập với Đảng Cộng sản hay không. Và thật ngớ ngẩn nếu tin vào những lời hứa của chính phủ Trung Quốc, dù là về (hạn chế) trợ cấp cho các ngành công nghiệp hay đảm bảo pháp quyền ở Hồng Kông. Kết quả là trong một số lĩnh vực, phương Tây nên tìm cách đối đầu với Trung Quốc (như về nhân quyền), trong khi ở một số lĩnh vực khác, họ nên cạnh tranh (như hầu hết các lĩnh vực thương mại) hoặc hợp tác (như về y tế và chống biến đổi khí hậu).

Sự phức tạp cao độ của hợp tác kinh tế mà không có sự tin tưởng lẫn nhau càng làm tăng nhu cầu phương Tây phải hành động đồng lòng để tối đa hóa ảnh hưởng của mình. Mỹ, Châu Âu cùng các nền dân chủ khác vẫn chiếm hơn một nửa GDP thế giới. Để hạn chế nguy cơ căng thẳng thương mại, họ nên xác định các ngành công nghiệp nhạy cảm, chẳng hạn như công nghệ và quốc phòng. Trong những lĩnh vực này, họ nên gắn sự tham gia của Trung Quốc vào các thị trường phương Tây với sự giám sát và hạn chế chặt chẽ hơn nữa. Trong các ngành công nghiệp khác, thương mại có thể phát triển mạnh mẽ mà không bị cản trở. Các nền dân chủ cũng nên xây dựng một khuôn khổ chung cho quyền con người, bao gồm xác minh liệu các chuỗi cung ứng có đảm bảo đạo đức hay không và trừng phạt những người và công ty liên quan đến việc lạm dụng. Cuối cùng, bất kỳ liên minh mới nào để đối phó với Trung Quốc đều phải có các quy tắc và việc thực thi có thể đoán trước được. Liên minh đó không thể được điều hành một cách ngẫu hứng từ Nhà Trắng.

Ngay cả trước khi bị châu Âu qua mặt, đây đã là một nhiệm vụ khó khăn đối với chính quyền sắp sửa nhậm chức của Biden, không kém việc tạo ra NATO hoặc hệ thống thương mại thế giới sau Thế chiến II. Và không giống như hồi đó, uy tín của Mỹ đã bị vùi dập. Tuy nhiên, công luận ở các nước giàu hiện đang cảnh giác với Trung Quốc. Ông Trump đã không ứng phó hiệu quả với Trung Quốc một phần vì kém năng lực và xem thường các đồng minh. Ông Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 trong làn sóng thiện chí toàn cầu. Có thể tạo ra một nhóm các nền dân chủ, ví dụ như một khối G7 mở rộng, để cùng nhau đối phó với Trung Quốc. Vẫn còn cơ hội để tái khẳng định các giá trị của xã hội mở và thị trường tự do, nhưng cơ hội đó sẽ không tồn tại mãi mãi. Đối mặt với một chế độ chuyên quyền hung hăng, sự thiếu quyết đoán và chia rẽ không phải là giải pháp.