Cuộc tranh luận về lịch sử gây chia rẽ nước Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Edward Luce, “Biden should avoid America’s toxic history wars”, Financial Times, 28/01/2021.

Biên dịch: Phan Nguyên

Chỉ vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ vào tuần trước, Joe Biden đã giải tán Ủy ban 1776 của Donald Trump. Hiếm có sự đảo ngược nào thông qua sắc lệnh hành pháp lại gây nhiều chú ý như vậy.

Ông Trump cho ra đời cơ quan này – được đặt tên theo năm các thuộc địa Mỹ tuyên bố độc lập khỏi Anh – ngay trước cuộc bầu cử tháng 11/2020 với nỗ lực chuyển trọng tâm của cử tri sang các cuộc chiến văn hóa của Mỹ trong bối cảnh ông không thể ngăn chặn được đại dịch. Mục tiêu mà ông tuyên bố là thúc đẩy việc giảng dạy về “sự kỳ diệu của lịch sử Hoa Kỳ”. Nhưng mục tiêu thực sự của ông là gây ra sự phẫn nộ về việc cánh tả tập trung vào di sản của chế độ nô lệ. Ông tin rằng nếu cuộc bầu cử xoay quanh các cuộc biểu tình Black Lives Matter hơn là Covid-19, ông có thể có cơ hội tái đắc cử. Nhưng canh bạc của ông đã không thành.

Hoa Kỳ hiện có một tổng thống có ưu tiên hàng đầu là đánh bại đại dịch. Nhưng vấn đề bất công chủng tộc cũng là trọng tâm trong cách ông Biden nhìn nhận về coronavirus, và nhiều thứ khác. Điều này có thể dẫn tới việc sau khi hủy bỏ Ủy ban 1776 mà ông gọi là “gây xúc phạm, trái với thực tế”, Biden sẽ ủng hộ một thực thể được coi là trái ngược với Ủy ban 1776: Dự án 1619. Đây là một loạt bài báo đã mang về cho New York Times giải Pulitzer, trong đó lập luận rằng các nhà sử học nên xác định thời điểm thành lập Hoa Kỳ là từ năm những người nô lệ đầu tiên đặt chân đến bờ biển nước Mỹ.

Đây là hai dòng quan điểm không thể hòa giải. Một bên thấy rằng nước Mỹ về cơ bản là tốt; còn quan điểm còn lại coi nó hầu hết là xấu. Sự lựa chọn nằm giữa việc xem lịch sử là vinh quang hay đẫm máu. Đây không phải là vấn đề học thuật. Khi các quốc gia tranh luận lại những gì đã xảy ra trong quá khứ, họ cũng tranh luận xem ai là người sở hữu tương lai. Trường hợp những quốc gia như Ấn Độ cho thấy các cuộc chiến về lịch sử có thể ra những hệ lụy chết người.

Khó có thể phủ nhận rằng câu chuyện mà Ủy ban năm 1776 đưa ra về lịch sử Hoa Kỳ là một sự “tẩy trắng”. Trong một báo cáo được công bố vào Ngày Martin Luther King – tức hai ngày trước khi ông Trump rời nhiệm sở – ủy ban đã mô tả những người cha lập quốc của Mỹ là những cá nhân hoàn hảo, những người đã viết nên một bản hiến pháp không thể tốt hơn. Bản báo cáo dài 41 trang, được viết gần như hoàn toàn bởi những người không phải là sử gia, không có lấy một dòng trích dẫn. Báo cáo cho rằng nguồn gốc triết học của “chính trị bản sắc” phía cánh tả xuất phát từ John Calhoun, một thượng nghị sĩ sở hữu nô lệ giữa thế kỷ 19. Danh sách các mối đe dọa đối với nền dân chủ mà báo cáo đưa ra cũng liên hệ phong trào tiến bộ đầu thế kỷ 20 ở Mỹ với chủ nghĩa phát xít ở Ý. Từ quan điểm học thuật, báo cáo này chỉ là trò cười.

Không có gì đáng cười về Dự án 1619. Đó là một nỗ lực chi tiết để đánh giá lại lịch sử Hoa Kỳ, làm nổ ra tranh luận giữa các nhà sử học có tên tuổi. Nhưng lời giải thích của nó cho cuộc chiến giành độc lập cũng có những sai sót về mặt dữ kiện thực tế và đưa ra lập luận gây nhiều tranh cãi rằng cuộc cách mạng bị kích động bởi kế hoạch xóa bỏ chế độ nô lệ của Anh. Tuy nhiên, lập luận cơ bản của Dự án – rằng chế độ nô lệ đã gắn liền với lịch sử nước Mỹ ngay từ đầu và di sản của nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay – là điều khó có thể tranh cãi.

Những người bảo thủ coi quan điểm của Dự án 1619 là mối đe dọa đối với chủ nghĩa biệt lệ Mỹ và là một điều cần phải khai thác. Quỹ đạo nhân khẩu học của nước Mỹ hiện là không thể ngăn cản – Mỹ sẽ trở thành quốc gia có cơ cấu dân số đa số (da trắng) và thiểu số (không phải da trắng) trong vòng một phần tư thế kỷ tới. Đảng Cộng hòa không thể làm được gì để ngăn cản điều đó. Nhưng họ có thể khai thác lòng yêu nước sâu sắc của cử tri Mỹ nếu Đảng Dân chủ mắc sai lầm.

Năm năm nữa, Mỹ sẽ đánh dấu kỷ niệm 250 năm ngày tuyên bố độc lập khỏi Anh. Đến lúc đó, có thể tưởng tượng rằng việc kỷ niệm năm 1776 sẽ bị nhiều người so sánh với việc tôn vinh Christopher Columbus. Hiện nay, nhiều người gọi ngày kỷ niệm được đặt theo tên nhà thám hiểm này là Ngày của người bản địa, do ảnh hưởng thảm khốc của người châu Âu lên người bản địa Mỹ (chủ yếu là do bệnh đậu mùa).

Đến năm 2026, liệu những người cánh tả Mỹ có đổi tên Ngày Độc lập thành Ngày Nô lệ không? Nâng cao khả năng đó càng làm nổi bật tiềm năng gây chia rẽ, kích động của cuộc tranh luận. Đó là một lý do mà ông Biden nên tránh làm như vậy. Còn có hai lý do khác. Thứ nhất, ông đang có quá nhiều vấn đề khác để xử lý. Trong tuần đầu tiên của mình, ông Biden đã ban hành số lượng sắc lệnh hành pháp kỷ lục. Trong vòng 100 ngày đầu tiên, ông muốn đạt được tiến triển trong bốn vấn đề khẩn cấp chồng chéo nhau: đại dịch, khủng hoảng kinh tế, sự nóng lên toàn cầu và bất công về chủng tộc. Ông Trump đã nhầm lẫn giữa thao túng chính trị với việc cầm quyền. Ông Biden không nên làm như vậy. Điều tốt nhất ông có thể làm cho các sắc dân thiểu số ở Mỹ, đặc biệt là người Mỹ gốc Phi, là tập trung vào an ninh kinh tế và cải cách tư pháp hình sự.

Lý do thứ hai là ông Biden không phải là một nhà sử học. Đảng Cộng hòa cũng vậy. Một số ý kiến ​​cho rằng ông Biden nên thành lập một ủy ban tổng thống về lịch sử Hoa Kỳ. Điều đó có thể giúp xoa dịu căng thẳng. Một cách diễn giải lịch sử tốt hơn sẽ là được định đoạt bởi cuộc tranh luận của những người khác. Nếu có một điều mà những người ủng hộ mốc 1776 và 1619 có thể đồng ý, đó là việc chính phủ Hoa Kỳ không phải là chủ thể phù hợp để nghiên cứu lịch sử – chứ khoan nói đến việc giảng dạy nó.