Ngài White đỏ: Tại sao cha đẻ IMF làm gián điệp cho Liên Xô? (P2)

Print Friendly, PDF & Email

Harry-Dexter-White-cropped-for-home-page

Nguồn: Benn Steil, “Red White: Why a Founding Father of Postwar Capitalism Spied for the Soviets”, Foreign Affairs, March/April 2013.

Biên dịch: Nguyễn Chi Lan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Xem thêm: Phần 1

“Tín điều của tôi chính là tín điều của nước Mỹ”

Vào mùa hè năm 1948, Bentley và Chambers đã công khai buộc tội White làm gián điệp cho Liên Xô, lời buộc tội mà White đã hoàn toàn phủ nhận trước Ủy ban Hạ Viện điều tra hoạt động chống phá nước Mỹ (HUAC).[1] Vào sáng ngày 13 tháng Tám, White bước vào phòng ủy ban chật kín người với những ánh đèn flash nhấp nhoáng. Đối mặt với ủy ban đằng sau một rừng microphone, ông giơ tay phải lên và đọc lời thề. Trong lời mở đầu, ông bắt đầu với tuyên bố mình là một người Mỹ trung thành theo truyền thống tiến bộ:

Tín điều của tôi chính là tín điều của nước Mỹ. Tôi tin vào tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do suy nghĩ, tự do báo chí, tự do phê bình, và tự do đi lại. Tôi tin vào mục đích của công bằng cơ hội… Tôi tin vào tự do lựa chọn đại diện trong chính quyền của người dân, không bị khống chế bởi súng máy, mật vụ hay nhà nước cảnh sát. Tôi phản đối việc lạm dụng quyền lực một cách cảm tính và phi lý từ bất cứ nguồn nào hay để chống lại bất cứ cá nhân hay tổ chức nào… Tôi cho rằng những nguyên tắc này là hết sức linh thiêng. Tôi coi chúng là nền tảng cơ bản cho lối sống Mỹ của chúng ta, và tôi tin chúng tồn tại thật sự trong đời sống, chứ không phải chỉ là những lời sáo rỗng trên giấy tờ… Tôi đã sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào các ngài muốn.

Cả khán phòng bùng nổ những tràng pháo tay; những gì mà người xem biết là White tỏ ra rất thân thiện. Vào thời điểm này ủy ban có tiếng là tìm cách thu hút sự chú ý một cách không phù hợp, và White đã tận dụng điều này để có lợi cho mình. Dù nổi tiếng vì sự gai góc khó tính của mình, nhưng trong hầu hết các trường hợp ông đều tránh va chạm với những người buộc tội mình. Một nghị sĩ Đảng Cộng hòa mới toanh 35 tuổi là Richard Nixon đã hi vọng bẫy White vào tội khai man trước tòa bằng cách dụ ông khẳng định rằng ông chưa từng bao giờ gặp Chambers. Nhưng White đã không cắn câu. Ông chỉ trả lời rằng ông “không nhớ” là đã từng gặp Chambers.

White được đưa cho xem một danh sách các cái tên, những người bị nghi ngờ là gián điệp Liên Xô được đánh dấu màu xanh ở bên cạnh. “Dấu màu đỏ sẽ thích hợp hơn nhiều”, White thẳng thừng nói. Hàng tràng cười và pháo tay vang lên giữa sự khó chịu của các thành viên ủy ban. Nhưng màn biểu diễn giả vờ tự tin của White che giấu một sự thật rằng ông đang phải chịu áp lực cực kì lớn. Vào ngày tiếp theo ông đã lên tàu đi đến nhà nghỉ hè của mình ở New Hampshire. Trên đường đi, ông đã phải liên tục chịu các cơn đau ngực khủng khiếp. Ngày hôm sau các bác sĩ địa phương đã chẩn đoán đó là một cơn đau tim nghiêm trọng; không thể làm gì thêm được nữa. Đến tối hôm sau thì White qua đời.

Những câu chuyện theo kiểu thuyết âm mưu lan ra gần như ngay lập tức sau đó. White đã bị thanh trừng bởi gián điệp Liên Xô. Cái chết của ông đã được ngụy tạo một cách tỉ mỉ. Ông đã chạy trốn đến Uruguay. Không có câu chuyện nào có được chứng cứ để chứng minh chúng là sự thật. HUAC tự nhiên phải giơ lưng chịu sự chỉ trích gay gắt của giới truyền thông sau khi White chết vì đau tim với nguyên nhân chính có vẻ như là từ áp lực tâm lý vì phiên điều trần. Dù vậy, vụ việc coi như đã kết thúc, ít nhất là ở bề ngoài. Thế nhưng ngày càng nhiều chuyện bắt đầu nổi lên.

Vào ngày 25 tháng 1 năm 1950, Hiss đã bị kết án năm năm tù vì tội khai man. Truman, người đã công khai chỉ trích các cuộc điều tra tội gián điệp, giờ phải ngầm thừa nhận rằng “tên khốn này… có tội thật.” Mấu chốt của vụ Hiss chính là những văn bản mà Chambers đã giấu đi từ đầu năm 1938 như là “phao cứu sinh” mà ông chuẩn bị sẵn cho việc rời bỏ mạng lưới ngầm của Liên Xô. Vào ngày hôm sau, Nixon đã tiết lộ với Hạ viện rằng ông có trong tay “bản copy tám trang văn bản viết tay của White mà Chambers đã giao cho Bộ Tư pháp.” Văn bản gốc là một bản ghi chép bốn trang, hai mặt, được White viết tay trên giấy kẻ vàng, với các thông tin từ ngày 10 tháng 1 đến ngày 15 tháng 2 năm 1938, là một phần trong “phao cứu sinh” của Chambers. Kết quả phân tích chữ viết của FBI và Cơ quan đặc trách Cựu chiến binh lúc đó đã xác nhận tác giả đúng là White.

Bản ghi chép là tổng hợp các thông tin chính xác và bình luận về các chức vụ của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao có liên quan đến chính sách đối ngoại và các vấn đề quân đội. Nó còn nhắc đến các diễn tiến kinh tế và chính trị của châu Âu, bao gồm chi tiết các cuộc trao đổi riêng giữa đại sứ Mỹ tại Pháp với các lãnh đạo nước này về các dự tính của họ đối với Liên Xô và Đức. Bản ghi chép cũng đưa ra các khả năng hành động của Mỹ đối với Nhật Bản, như là cấm trao đổi thương mại và đóng băng tài sản, và miêu tả sự bảo vệ của quân đội Nhật Bản đối với các cơ sở dự trữ dầu quốc gia. White cũng tiết lộ các chỉ thị cá nhân từ tổng thống đối với bộ trưởng tài chính và nói rõ rằng mình đang ghi lại các thông tin tuyệt mật: có một chỗ bản ghi chép trực tiếp nói rằng kế hoạch chiến tranh kinh tế với Nhật Bản của Bộ Tài chính, theo yêu cầu của tổng thống, “vẫn chưa có ai biết ngoại trừ Bộ Tài chính.”

Vị công chức hoàn hảo

Cuộc tranh cãi lớn trong nội bộ chính quyền về vụ White và Hiss ít nhất cũng đã tạm dừng được phần nào sau khi các nhân viên phản gián Mỹ tỏ ra biết rõ về bản chất hệ thống gián điệp Liên Xô hơn là những gì họ cung cấp cho Nhà Trắng trước đó. Điều đáng kinh ngạc là cả kho bằng chứng quý giá của họ chỉ được công chúng biết đến sau nửa thế kỉ kể từ khi Thế Chiến II kết thúc.

Sau khi chiến tranh nổ ra vào năm 1939, Hoa Kì bắt đầu thu thập tất cả các bản điện tín gửi vào và ra khỏi nước mình, một hành vi thường thấy vào thời chiến trên toàn thế giới. Bản điện tín mã hóa phức tạp của Liên Xô về mặt lí thuyết là không thể giải mã được. Thế nhưng sau khi xem xét hàng nghìn bức điện tín khác nhau, các nhân viên giải mã Mỹ làm việc trong dự án tối mật Venona đã phát hiện ra một lỗi trong quá trình mã hóa khiến bản mật mã rất có khả năng bị giải mã. Đến lúc họ giải mã thành công được tin nhắn đầu tiên thì đã là năm 1946, và chiến tranh lúc đó đã kết thúc. Tuy nhiên những gì họ làm được vẫn rất quan trọng và đã dẫn đến một việc không ngờ tới: một khối lượng lớn bằng chứng cho thấy một tổ chức gián điệp Liên Xô đầy tham vọng vẫn đang hoạt động ở trong lòng nước Mỹ.

Việc giải mã đã kéo dài hàng chục năm, và bản điện tín Venona đầu tiên xác định White là gián điệp Liên Xô chỉ đến được tay FBI vào cuối năm 1950. Tổng cộng có 18 bản điện tín được giải mã có nhắc đến White dưới hàng loạt các tên mật mã khác nhau, bắt đầu từ ngày 16 tháng 3 năm 1944 đến ngày 8 tháng 1 năm 1946. Các bản điện tín hé lộ rằng Moskva đặc biệt quan tâm đến các thông tin thu thập được từ White trong suốt thời gian hội nghị San Francisco năm 1945 vốn đã soạn thảo ra Hiến chương Liên Hiệp Quốc, hội nghị mà White đã tham dự với tư cách cố vấn kĩ thuật cho đoàn đại biểu Hoa Kì. Nhân viên KGB Vladimir Pravdin đã gửi điện tín từ San Francisco tới Moskva, báo cáo rằng White đã nói với ông, bên cạnh nhiều chuyện khác nữa, rằng Truman và Ngoại trưởng Mỹ lúc đấy là Edward Stettinius muốn “hội nghị thành công bằng bất cứ giá nào” và Hoa Kì sẽ đồng ý cho Liên Xô quyền phủ quyết ở Liên Hiệp Quốc. Một bản điện tín khác vào năm 1945 đã mô tả việc White nói với một liên lạc viên Liên Xô người Mỹ rằng Moskva có thể có được các điều kiện khoản vay có lợi hơn từ Washington so với những gì mà họ muốn. Và còn một bức điện tín khác vào cùng ngày đã cung cấp bằng chứng xác nhận lời buộc tội White đã lợi dụng chức quyền của mình để bổ nhiệm các nhân vật thân Liên Xô vào làm việc trong chính quyền Mỹ.

Pravdin đã làm việc ở San Francisco dưới lốt một phóng viên Liên Xô, và không rõ là White có biết được về nghề nghiệp chính của Pravdin hay không. Tuy nhiên White chắc chắn biết rõ rằng những gì mà ông nói với Pravdin không phải là để dành cho báo chí. Những người biện hộ cho White đã dùng đến những điểm không rõ ràng đó để phản bác rằng có thể ông đã không biết rằng mình đang trực tiếp chia sẻ các bí mật với tình báo Liên Xô. Thế nhưng các tài liệu KGB được giới học giải phương Tây biết đến lần đầu tiên vào những năm 1990 đã ghi chép lại việc một gián điệp Liên Xô khác trong chính phủ Mỹ nói với một tình báo viên Liên Xô rằng White “biết rõ thông tin của ông ta sẽ đi đến đâu, và đây chính là lí do để ông ta cung cấp thông tin ngay từ đầu.”

Những người biện hộ cho White rõ ràng là muốn tìm cách để White có thể phủ nhận các cáo trạng ở một mức độ nào đó, thế nhưng các bức điện tín Venona đã khẳng định rằng ông biết rõ thông tin của mình sẽ được chuyển đến đâu và ông cũng nhận ra rằng cái giá của việc này là rất cao. Một phần được giải mã trong một bức điện tín đã ghi chép lại như sau: “Về cách hợp tác trong tương lai với chúng ta, [White] nói rằng vợ ông ta… sẵn sàng hi sinh bản thân mình.” Bản điện tín cũng nói rằng White “bản thân ông ấy không hề nghĩ đến an toàn cho mình, nhưng một sơ suất về bảo mật … sẽ dẫn đến một xì căng đan chính trị và… do vậy ông ấy sẽ phải cực kì cẩn trọng.”

Vào năm 1953, Chambers đã viết rằng “vai trò điệp viên Liên Xô [của White] đứng thứ hai về tầm quan trọng chỉ sau Alger Hiss – nếu như, nó thật sự chỉ là thứ hai.” White, ông nói thêm, là một “vị chức sắc hoàn hảo, từ một kẻ không tên tuổi vươn lên vị trí mà có thể “nhào nặn chính sách của Chính quyền Mỹ theo lợi ích của chính phủ Liên Xô”. Khi xem xét lại các bản điện tín Venona sau hơn 50 năm kể từ những lời khai nhận tội gián điệp gây sốc của Chambers và Bentley, một ủy ban Thượng viện Mỹ đứng đầu bởi Daniel Patrick Moynihan, lúc đó là thượng nghị sĩ bang New York thuộc đảng Dân chủ, đã kết luận vào năm 1997 rằng tội đồng phạm gián điệp của White “xem như đã được khẳng định.”

Đúng về IMF, sai về thế giới

White đã phải đấu tranh quyết liệt với bản thân mình trong những năm cuối đời để dung hòa niềm tin của mình vào kiến trúc tự do thương mại toàn cầu với một đồng đô la làm trọng tâm với lòng tin ở hình mẫu kinh tế xã hội chủ nghĩa Liên Xô vốn không phù hợp với kiến trúc đó. Theo như lời khai của phóng viên Jonathan Mitchell trước Tiểu ban An ninh Nội địa Thượng viện vào năm 1954, vào tháng Tám năm 1945, White đã u ám nói với Mitchell rằng hệ thống thương mại bị chính phủ kiểm soát vốn xuất hiện trong chiến tranh sẽ tiếp tục tồn tại ở thời hậu chiến. Sự thiếu hụt đồng đôla và vàng trong hệ thống này sẽ khiến các chính phủ giữ quyền kiểm soát chặt chẽ các hoạt động thương mại tư nhân xuyên biên giới. White khẳng định IMF sẽ không thể giải quyết vấn đề này – một quan điểm gây giật mình từ người được coi là cha đẻ của quỹ tiền tệ. Hoa Kì, White tiếp tục nói, sẽ có thể tiếp tục duy trì hệ thống doanh nghiệp tư nhân chừng năm đến mười năm nhờ vào thị trường trong nước khổng lồ, thế nhưng rốt cuộc sẽ không thể tồn tại như một ốc đảo tư bản chủ nghĩa duy nhất giữa cả thế giới của thương mại do nhà nước kiểm soát. Theo lời Mitchell thì White đã dành rất nhiều lời ca ngợi cho cuốn sách mới nhất mang tên Niềm tin, Lí lẽ và Văn minh (Faith, Reason, and Civilization) của Harold Laski, một nhà xã hội chủ nghĩa người Anh. Cuốn sách này cho rằng Liên Xô đã xây dựng nên một hệ thống kinh tế mới sẽ thay thế cho chủ nghĩa tư bản.

Mitchell khai rằng White đã gọi tác phẩm của Laski là “cuốn sách có giá trị nhất từng được viết trong thời của chúng ta” và “đã tiên liệu được với sự chính xác và sâu sắc kì lạ cách mà thế giới đang dịch chuyển.”

Dĩ nhiên điều đó đã được chứng minh là hoàn toàn vô lý. Thế nhưng White cũng đã đúng về IMF. Bộ Ngoại giao dưới thời Truman trên thực tế đã từ bỏ quỹ tiền tệ, từ đó xóa sổ các dự đoán dựa trên niềm tin trước đó của White vào quỹ: rằng việc hợp tác với Liên Xô sẽ tiếp tục ở thời hậu chiến; sự sụp đổ của nền kinh tế Đức sẽ có thể được kiểm soát một cách an toàn, và thậm chí còn thu lợi cho Mỹ; Đế chế Anh sẽ tan rã trong hòa bình; và các khoản tín dụng ngắn hạn của IMF sẽ đủ để thiết lập lại thương mại toàn cầu. Các giả định này đã được dựa trên “những nhận thức sai lầm về tình hình thế giới quanh ta” – Ngoại trưởng cuối cùng của Truman là Dean Acheson nhớ lại sau này – “kể cả về việc dự đoán tình thế sau chiến tranh và về việc nhận ra thực tế tình thế đó là như thế nào khi chúng ta bắt đầu phải đối mặt với chúng… Dần dần chúng ta mới vỡ ra rằng cấu trúc và trật tự của cả thế giới mà chúng ta biết từ hồi thế kỉ 19 đã qua rồi và quá trình đấu tranh để thay thế chúng sẽ đến từ hai trung tâm quyền lực hoàn toàn đối nghịch nhau và không thể nào hòa giải về mặt tư tưởng.”

Những tính toán kinh tế của chính quyền Truman sau khi mộng tưởng của White sụp đổ đã trở thành chuẩn mực cho một nền ngoại giao can đảm và khai sáng của Hoa Kì cho đến tận ngày hôm nay: Kế hoạch Marshall. Còn về phần IMF, trớ trêu thay, chỉ cho đến khi hệ thống tỉ giá hối đoái cố định Bretton Woods bị khai tử vào những năm 1970 thì nó mới bắt đầu đóng vai trò trung tâm trong một trật tự kinh tế thế giới mới do Mỹ dẫn đầu – một trật tự rất khác so với những gì White đã mường tượng.

Benn Steil là Nghiên cứu viên Cấp cao và là Giám đốc phụ trách Kinh tế Thế giới tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Bài viết này được rút ra từ cuốn sách mới nhất của ông, The Battle of Bretton Woods: John Maynard Keynes, Harry Dexter White, and the Making of a New World Order (Princeton University Press, 2013).

Hình: White đang tuyên thệ trước Ủy ban HUAC.

——————-

[1] The House Un-American Activities Committee (HUAC) là một ủy ban điều tra của Hạ Viện được thành lập năm 1938 nhằm đưa ra ánh sáng các công dân Hoa Kỳ có mối liên hệ với Đức Quốc xã (NBT).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]