Việt Nam, ASEAN và Đối đầu Mỹ-Trung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Jongsoo Lee phỏng vấn Lê Hồng Hiệp

Làm thế nào để Việt Nam và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối phó với áp lực phải chọn bên trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung? Đâu là những thách thức chính về an ninh quốc gia và kinh tế của Việt Nam khi Việt Nam tìm cách thúc đẩy tăng trưởng và phát triển? Để có góc nhìn về những vấn đề này, Jongsoo Lee đã phỏng vấn Lê Hồng Hiệp, thành viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam và Chương trình Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Khu vực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore.

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng ASEAN trở nên giống Liên minh Châu Âu hơn trong việc phát triển một chính sách đối ngoại chung? Các quốc gia thành viên ASEAN muốn hội nhập sâu rộng hơn trong những lĩnh vực nào?

Các nước thành viên ASEAN không mấy mặn mà với việc biến ASEAN thành một tổ chức siêu quốc gia như EU do nỗi ám ảnh của họ về chủ quyền quốc gia. Sự kiện Brexit càng củng cố niềm tin đó. Vì vậy, ngay cả khi quá trình hội nhập ASEAN tăng tốc với việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, vẫn có những giới hạn đối với việc ASEAN có thể tiến xa tới đâu trong vấn đề này. Cho đến nay, hội nhập kinh tế vẫn là ưu tiên số một, trong khi hội nhập chính trị và an ninh, bao gồm cả việc phát triển một chính sách đối ngoại chung, vẫn là một quá trình khó khăn. Mục tiêu chung là sử dụng các cơ chế do ASEAN dẫn dắt để duy trì hòa bình và ổn định khu vực, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN. Chúng ta nên thực tế ở đây vì ngay cả những nỗ lực nhằm đạt được sự đồng thuận nội khối về một số vấn đề chính trị và an ninh khu vực cũng đã không mấy hiệu quả. Tuy nhiên, đúng là nếu ASEAN thực sự muốn đóng một vai trò lớn hơn và thực chất hơn trong các vấn đề an ninh khu vực, thì việc có một chính sách đối ngoại chung sẽ là điều cần thiết cho cả khối.

Nhiều quốc gia phải đối mặt với tình thế lưỡng nan khi họ bị cuốn vào cạnh tranh Mỹ – Trung và chịu áp lực phải chọn bên. Có sự đồng thuận trong ASEAN về cách ASEAN nên ứng xử với Hoa Kỳ và Trung Quốc hay không? Hay từng quốc gia thành viên ASEAN sẽ theo đuổi lợi ích và chính sách riêng của họ?

ASEAN và các quốc gia thành viên đều không muốn chọn bên. Nhìn chung, nhận thức phổ biến là ASEAN và các nước thành viên cần duy trì lập trường trung dung để có thể hưởng lợi từ mối quan hệ với cả hai cường quốc. Tuy nhiên, nếu sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng đến mức họ buộc các nước trong khu vực phải chọn bên, mỗi nước sẽ phải làm bất cứ điều gì phù hợp để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là do cạnh tranh Mỹ – Trung thiên về lợi ích chiến lược hơn là ý thức hệ, hai nước sẽ không cố gắng – ít nhất là trong vòng 10 đến 20 năm tới – buộc các nước trong khu vực phải gia nhập các khối liên minh có tính chất cứng nhắc như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Làm thế nào để Việt Nam theo đuổi lợi ích của mình khi đối mặt với tình trạng đối đầu Mỹ – Trung? Khi theo đuổi quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, Hà Nội có thể làm gì để trấn an Bắc Kinh rằng họ không xích lại quá gần Washington tới mức không thể chấp nhận được?

Giống như các nước ASEAN khác, Việt Nam cũng muốn duy trì sự cân bằng giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, do sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam đang cố gắng tăng cường quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ và các cường quốc khác để cân bằng lại sức ép này. Nhưng Việt Nam đã hành động thận trọng, tăng cường các mối quan hệ đó một cách từ từ và lặng lẽ. Trung Quốc có thể cảm thấy không thoải mái nếu Việt Nam theo đuổi các mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và các nước đồng minh, nhưng chính những hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông đã đẩy Việt Nam đi theo hướng đó. Trung Quốc nên điều chỉnh cách tiếp cận của mình nếu không sẽ có nguy cơ đẩy Việt Nam và các nước khác trong khu vực xa hơn về phía Hoa Kỳ.

Để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, những quốc gia nào khác ngoài Mỹ có thể giúp ích cho Việt Nam?

Việt Nam đang đa dạng hóa các quan hệ chiến lược và cố gắng không phụ thuộc vào bất kỳ đối tác duy nhất nào để đối phó lại Trung Quốc ở Biển Đông. Cho đến cuối năm 2020, Việt Nam đã thiết lập ba quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, 14 quan hệ đối tác chiến lược và 13 quan hệ đối tác toàn diện với các nước, trong đó có nhiều nước có lợi ích mạnh mẽ ở Biển Đông. Tất cả các nước này đều quan trọng đối với chính sách Biển Đông của Việt Nam theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, nếu xét về mặt xây dựng năng lực biển và đẩy lùi sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, thì Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Anh, Pháp và Đức có vẻ quan trọng đối với Việt Nam hơn các đối tác khác.

Ngoài Biển Đông, những thách thức chính đối với an ninh quốc gia của Việt Nam là gì? Đâu là nguyên nhân chính của những căng thẳng với các nước láng giềng? Làm thế nào để giải quyết những căng thẳng này?

Tranh chấp Biển Đông hiện là thách thức an ninh quốc gia nghiêm trọng nhất đối với Việt Nam do sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở đây trong khoảng 10 năm qua. Quản lý biên giới trên bộ với Trung Quốc, Lào và Campuchia cũng từng là một thách thức lớn đối với Việt Nam, nhưng các đường biên giới này đã được phân định nên không còn là vấn đề lớn nữa. Tuy nhiên, các vấn đề biên giới với Campuchia có thể bùng phát trở lại nếu có những thay đổi chính trị đáng kể ở Campuchia và tình cảm chống Việt Nam được một số chính trị gia Campuchia khơi dậy để phục vụ mục đích chính trị trong nước của họ. Trong những năm gần đây, vấn đề sông Mekong ngày càng nổi lên như một thách thức an ninh đối với Việt Nam, đặc biệt là từ góc độ an ninh phi truyền thống. Ở trong nước, việc duy trì ổn định chính trị, đặc biệt là ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên, là những thách thức an ninh khác. Tuy nhiên, cho đến nay, chính phủ Việt Nam đã khá thành công trong việc xử lý các thách thức này.

Khi Việt Nam tìm cách tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh chóng, liệu sự phát triển kinh tế liên tục của Trung Quốc là một điều có lợi hay bất lợi cho Việt Nam?

Sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc mang lại cả lợi ích và thách thức đối với Việt Nam. Vì hai quốc gia có hệ thống chính trị tương đồng nên những cải cách kinh tế của Trung Quốc mang lại những bài học hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. Quyết định đổi mới kinh tế của Việt Nam năm 1986 bị ​​ảnh hưởng một phần bởi các quyết định tương tự của Trung Quốc tám năm trước đó. Quan trọng hơn, giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam được hưởng lợi từ quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 133 tỷ USD vào năm 2020. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ bảy tại Việt Nam. Với việc Trung Quốc dự kiến ​​sẽ duy trì tăng trưởng kinh tế cao trong những năm tới, quan hệ thương mại và đầu tư song phương sẽ tiếp tục được tăng cường. Mối quan hệ kinh tế hai bên cùng có lợi như vậy có xu hướng khuyến khích hai bên không thực hiện các hành động có thể làm gián đoạn trao đổi kinh tế song phương. Tuy nhiên, khi Trung Quốc biến sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của mình thành sức mạnh quân sự, họ đặt ra một thách thức an ninh ngày càng lớn đối với Việt Nam. Việc Trung Quốc mở rộng sức mạnh quân sự ở Biển Đông là một ví dụ điển hình. Việt Nam không còn cách nào khác là phải sống chung với thực tế này, cố gắng duy trì quan hệ kinh tế song phương trong khi đứng lên đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông khi buộc phải làm như vậy.

Sự cạnh tranh Mỹ – Trung có khiến các công ty nước ngoài chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng hay không? Sự cạnh tranh này đã mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế Việt Nam?

Nhiều nhà đầu tư đã và đang đa dạng hóa cơ sở sản xuất của họ ra bên ngoài Trung Quốc trong một thời gian qua và sự cạnh tranh gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ càng đẩy nhanh xu hướng này. Việt Nam hưởng lợi từ xu hướng này khi nhiều nhà đầu tư quyết định chuyển một phần hoạt động sang Việt Nam do các yếu tố nhất định, chẳng hạn như Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc, chính trị ổn định, có lực lượng lao động tương đối trẻ và chi phí còn thấp, cơ sở hạ tầng được cải thiện, cũng như có nền tảng kinh tế khá vững chắc đi kèm các ưu đãi đầu tư mà chính phủ Việt Nam đưa ra. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các nước khác về thu hút các nhà đầu tư như vậy, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Thách thức đặt ra là Việt Nam phải nhanh chóng nâng cấp cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đồng thời giải quyết một số hậu quả không mong muốn, chẳng hạn như việc Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, và thặng dư thương mại với Mỹ gia tăng do năng lực sản xuất và xuất khẩu được cải thiện.

Làm thế nào để Hoa Kỳ, EU và các nước khác như Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam theo những cách có thể thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam và giúp đa dạng hóa các nguồn vốn, công nghệ và bí quyết sản xuất?

Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất châu Á nếu xét về tỷ lệ thương mại trên GDP (khoảng 200%), chỉ sau Hồng Kông và Singapore. Điều này một phần là do Việt Nam từ lâu đã nhấn mạnh chiến lược đa dạng hóa các đối tác kinh tế. Cho đến nay, Việt Nam đã ký 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhiều hiệp định đầu tư khác nhau, bao gồm cả với Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Gần đây nhất là Hiệp định FTA Việt Nam – Liên hiệp Anh được ký vào ngày 29 tháng 12 năm 2020. Những mối quan hệ thương mại và đầu tư quan trọng này đã giúp Việt Nam duy trì một tốc độ tăng trưởng kinh tế khá mạnh mẽ và giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Mặc dù độ mở lớn như vậy có thể khiến Việt Nam đối mặt một số thách thức nhất định, nhưng cho đến nay chiến lược này đã phát huy tác dụng. Ví dụ, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19 một phần là nhờ vào năng lực xuất khẩu được cải thiện và dòng vốn đầu tư nước ngoài được duy trì thông qua các hiệp định như vậy.

Việt Nam gần đây đã có sự chuyển đổi lãnh đạo. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của Việt Nam trong việc thực hiện các cải cách chính trị và kinh tế – xã hội cần thiết để đạt được mục tiêu phát triển?

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Điều này có nghĩa là 10 năm tới là khoảng thời gian rất quan trọng đối với Việt Nam. Chúng ta vẫn còn phải chờ xem ban lãnh đạo mới sẽ thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội như thế nào, nhưng ít nhất việc đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng như vậy có nghĩa là họ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục theo đuổi các cải cách, đổi mới kinh tế để hiện thực hóa các mục tiêu đó. Về mặt chính trị, họ cũng có thể thăm dò một số cải cách nhất định, nhưng chủ yếu là để tinh gọn bộ máy và tăng hiệu quả của hệ thống chính trị, chứ không phải để dân chủ hóa. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng ổn định chính trị là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, vì vậy họ sẽ không khoan nhượng với bất kỳ diễn biến nào có thể gây mất ổn định hệ thống chính trị. Niềm tin của họ càng được củng cố bởi những diễn biến gần đây trong khu vực, chẳng hạn như cuộc đảo chính ở Myanmar vào tháng trước. Vì vậy, Việt Nam có thể sẽ trở thành một nền kinh tế tự do hơn nữa trong những thập niên tới, nhưng về mặt chính trị, Việt Nam sẽ ít nhiều giống như hiện nay nếu Đảng Cộng sản Việt Nam có thể đối phó được với những căng thẳng tiềm tàng phát sinh từ sự không đồng bộ giữa tự do hóa kinh tế và tự do hóa chính trị.

James Jongsoo Lee là thành viên liên kết tại Trung tâm Davis của Đại học Harvard về Nghiên cứu Nga và Á – Âu, và là biên tập viên cộng tác của The Diplomat.

Một phiên bản tiếng Anh của bài phỏng vấn đã được xuất bản trên The Diplomat.