Thế giới hôm nay: 15/03/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Lực lượng an ninh Myanmar đã giết chết ít nhất 18 người biểu tình trong ngày Chủ nhật. Ít nhất 14 người trong số này thiệt mạng ở Hlaingthaya, một khu công nghiệp tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar. Đến nay hơn 100 người biểu tình đã thiệt mạng, và hơn 2.100 người bị bắt kể từ khi làn sóng biểu tình phản đối cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 lật đổ chính phủ dân cử bắt đầu.

Giám đốc Cảnh sát London, Cressida Dick, từ chối từ chức và bảo vệ quyết định đưa cảnh sát ra giám sát hoạt động thắp nến tưởng niệm Sarah Everard, trong đó các nam nhân viên cảnh sát đã dùng vũ lực chống lại những người biểu tình nữ. Nhà chức trách cấm cuộc tuần hành này vì nó vi phạm các quy tắc chống Covid-19. Một sĩ quan cảnh sát đã bị bắt vào tuần trước vì tình nghi giết Everard khi cô này đi bộ về nhà.

Singapore cho biết họ đang thảo luận với Úc để mở một bong bóng du lịch — có lẽ từ tháng 7— cho phép người dân đã tiêm vắc-xin di chuyển giữa hai nước không cần kiểm dịch. Cả hai quốc gia đều kiểm soát dịch covid-19 hiệu quả. Năm ngoái, Singapore cũng đạt được một thỏa thuận tương tự với Hong Kong, song cuối cùng thất bại vì virus bùng phát trở lại trên lãnh thổ Trung Quốc.

Đảng Dân chủ trung tả của Ý đã bầu Enrico Letta, thủ tướng nước này giai đoạn 2013-2014, làm lãnh đạo đảng mới. Màn trở lại bất ngờ của ông Letta — người từng bị lật đổ khỏi vị trí thủ tướng bởi một cuộc đảo chính trong nội bộ đảng — diễn ra đúng lúc đảng này đón nhận một bản sắc trung dung hơn trong liên minh chính phủ mới của Mario Draghi.

Trước thềm sự kiện “Power Day” của Tập đoàn Volkswagen, Handelsblatt đưa tin nhà sản xuất ô tô Đức có kế hoạch cắt giảm 5.000 việc làm bằng cách đề nghị một số công nhân nghỉ hưu sớm hoặc giảm thời gian làm việc. Số tiền bồi thường nghỉ hưu sớm có thể lên tới 500 triệu euro (598 triệu USD), song công ty kỳ vọng động thái này sẽ góp phần hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí chung 5% và chi phí mua sắm giảm 7% trong hai năm tới.

Bộ trưởng Bộ Công an Sri Lanka cho biết ông kỳ vọng lệnh cấm mặc burqas (một loại trang phục che toàn thân và mặt của phụ nữ Hồi giáo) sẽ được ký thành luật ngay lập tức. Sarath Weerasekara nói động thái này là nhằm cải thiện an ninh quốc gia, và rằng chiếc áo này là biểu tượng của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Sri Lanka từng ra lệnh cấm burqa tạm thời sau loạt vụ đánh bom liều chết vào Chủ nhật Phục sinh năm 2019.

Người dân ở Cộng hòa Trung Phi đã đi bỏ phiếu vòng hai cuộc bầu cử quốc hội. Vòng đầu tiên, được tổ chức hồi tháng 12, đã bị phá hoại bởi những kẻ nổi dậy tìm cách phong tỏa thủ đô; nhưng lần này có an ninh bổ sung. Đảng Phong trào Những Trái tim Thống nhất của Tổng thống Faustin-Archange Touadera được cho là sẽ giữ được thế đa số trong Quốc hội.

TIÊU ĐIỂM

Aung San Suu Kyi hầu tòa trong bối cảnh biểu tình tiếp diễn

Hôm nay bà Aung San Suu Kyi sẽ ra tòa ở Naypyidaw, thủ đô Myanmar. Là nhà lãnh đạo trên thực tế của nước này cho đến khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của bà vào hôm 1 tháng 2, bà bị buộc một số tội danh, trong đó nghiêm trọng nhất là nhận hối lộ vàng và 600.000 đô la khi điều hành chính phủ (luật sư của bà nói cáo buộc này là “trò đùa buồn cười nhất”).

Các cáo buộc dường như được thiết kế để ngăn bà Suu Kyi tham gia chính trị. Chính quyền quân sự đã hứa sẽ tổ chức bầu cử sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm kết thúc. Nếu bầu cử được tiến hành, có thể thấy bà Suu Kyi hoặc đảng của bà, nếu ở tình trạng hiện tại, sẽ không được phép tham gia. Bà Suu Kyi được ủng hộ mạnh mẽ. Bà thắng áp đảo cuộc bầu cử hồi tháng 11. Các cuộc biểu tình kêu gọi trả tự do cho bà – hiện đang bị quản thúc tại gia – đã diễn ra hầu như mỗi ngày kể từ sau cuộc đảo chính.

Loạt bê bối của cảnh sát London

Hôm nay là Ngày Quốc tế Chống lại Sự Tàn bạo của Cảnh sát. Cũng hôm nay, một lực lượng cảnh sát có uy tín đang phải đối mặt với cuộc điều tra về một vụ bạo lực gây sốc. Cụ thể, một sĩ quan Cảnh sát London bị bắt vào tuần trước vì tình nghi sát hại Sarah Everard, một phụ nữ 33 tuổi, khi cô đi bộ về nhà hôm 3 tháng 3. Trước đó, chỉ ba ngày trước khi cô mất tích, anh này cũng bị khiếu nại về hành vi không đứng đắn.

Và hồi cuối tuần, các sĩ quan cảnh sát dùng vũ lực ngăn cản một buổi thắp nến tưởng niệm dành cho cô Everard vì theo họ nó vi phạm các quy tắc giãn cách xã hội. Một số chính trị gia cấp cao đã kêu gọi người đứng đầu lực lượng cảnh sát London, Cressida Dick, từ chức. Giới truyền thông dành nhiều chú ý cho nạn bạo lực phân biệt chủng tộc của các sĩ quan cảnh sát — không chú ý nhiều tới các cáo buộc bạo lực đối với phụ nữ, bao gồm cả cưỡng bức tình dục và cưỡng hiếp. Một báo cáo trên tờ Independent hồi năm 2019 cho thấy 562 sĩ quan cảnh sát London bị buộc tội tấn công tình dục chỉ trong hơn sáu năm. Phần lớn đều được làm ngơ.

Syria sau 10 năm nhìn lại

Những người ủng hộ Bashar al-Assad ban đầu nói rõ: “Hoặc là [giữ] Assad, hoặc là chúng tôi sẽ đốt cháy đất nước.” Giờ thì người Syria có cả hai điều đó. Hôm nay đánh dấu mười năm kể từ “ngày thịnh nộ” chứng kiến các cuộc biểu tình chống chính phủ đầu tiên ở Damascus, thủ đô đất nước. Chế độ đã dập tắt chúng bằng vũ lực, châm ngòi cho một cuộc nổi dậy mà sau này biến thành nội chiến. Theo nghĩa hẹp, ông Assad thắng vì ông vẫn đang nắm quyền.

Nhưng bên ngoài các bức tường của dinh tổng thống, quyền lực của ông đang xói mòn. Đối với hầu hết người Syria ở các khu vực do chế độ quản lý, cuộc sống của họ hiện là một chuỗi vô tận những lần xếp hàng mua xăng và bánh mì. Và đồng tiền thì đã mất 99% giá trị so với trước chiến tranh. Trong khi đó nhiều phần của Syria vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của ông Assad, và hiện do phiến quân Hồi giáo hoặc người Kurd kiểm soát. Nhiều người trong số 6 triệu người tị nạn Syria sẽ không bao giờ được quay về nữa. Tổng thống, như mọi khi, dường như không mấy quan tâm. Một cuộc bầu cử diễn ra vào mùa hè này sẽ lại trao cho ông thêm một nhiệm kỳ nữa.

Volkswagen sắp công bố công nghệ pin mới

Herbert Diess, ông chủ Tập đoàn Volkswagen, tiếp tục nỗ lực biến nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu thành công ty dẫn đầu về công nghệ xanh. “Power Day” được quảng cáo suốt những ngày gần đây, và sẽ phát trực tuyến từ trụ sở chính của công ty ở Wolfsburg, Đức. Sự kiện này dường như được mô phỏng theo “Battery Day” (Ngày Pin) của Tesla, đối thủ lớn nhất của hãng trong lĩnh vực xe điện. VW, thương hiệu lớn nhất của tập đoàn, cũng đã hé lộ một số mẫu xe điện tương lai, chẳng hạn như “Project Trinity”, một chiếc sedan sẽ được sản xuất ở Wolfsburg từ năm 2026.

Ông Diess đặt mục tiêu đến năm 2030 70% sản phẩm của thương hiệu này ở châu Âu phải chạy bằng pin. Tập đoàn cho biết họ sẽ không hé lộ mẫu ô tô mới nào trong hôm nay; thay vào đó sẽ tiết lộ những đột phá trong công nghệ pin. Họ đang làm việc với QuantumScape, một công ty California, để chế tạo một thế hệ pin thể rắn mới, mà họ kỳ vọng có thể sản xuất hàng loạt từ năm 2024. Còn phải xem liệu dòng pin mới này có giúp VW đuổi kịp Tesla, một công ty cũng ở California, hay không.

Hãng bán lẻ dược phẩm Walgreens có sếp mới

Hôm nay Rosalind Brewer sẽ trở thành nữ giám đốc điều hành da đen duy nhất của Fortune 500 khi bà lên nắm quyền lãnh đạo tập đoàn dược phẩm Walgreens Boots Alliance. Nửa sau nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Stefano Pessina đặc biệt gây thiệt hại cho giá cổ phiếu của công ty, vốn giảm gần 30% kể từ đầu năm 2018 (so với mức tăng trưởng khoảng 50% của thị trường chứng khoán Mỹ nói chung).

Các nhà đầu tư không hài lòng với phản ứng của công ty trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. CVS, đối thủ chính của họ, đã tái cấu trúc theo chiều dọc nhằm tự biến mình thành một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hiệu thuốc trực tuyến của Amazon cũng trở thành đối thủ cạnh tranh với mảng bán lẻ của Walgreens. Trong khi đó thì chi nhánh Anh của hãng, Boots, cũng bị thiệt hại nặng vì phong tỏa do Covid-19. Bà Brewer, một người tốt nghiệp ngành hóa học, sẽ nhận việc với một CV đáng nể: kinh nghiệm điều hành ở gã khổng lồ ngành cà phê Starbucks, và nhà bán lẻ truyền thống lớn nhất nước Mỹ Walmart, cũng như một ghế trong hội đồng quản trị Amazon.