Thế giới hôm nay: 10/05/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Đến nay đã có 60 người chết vì vụ nổ hôm thứ Bảy gần một trường học ở Kabul, thủ đô Afghanistan. Ngoài ra có ít nhất 165 người bị thương, phần nhiều trong số đó là các nữ sinh. Vẫn chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ tấn công này, vốn diễn ra tại một huyện là có nhiều người Hazara, một dân tộc thiểu số dòng Shia. Trước đây từng có các cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo ở khu vực này. Hiện bạo lực ngày càng gia tăng ở Afghanistan trước khi các lực lượng Mỹ và đồng minh rút quân vào tháng 9 tới.

Theo Bloomberg, nhóm hacker buộc Colonial Pipeline, hãng cung cấp nhiên liệu tinh chế lớn nhất của Mỹ, phải đóng cửa hoạt động vào thứ Sáu, đã đánh cắp gần 100 gigabyte dữ liệu từ công ty. Vụ tấn công “ransomware” (tức tấn công tống tiền dữ liệu) được tiến hành bởi nhóm tội phạm mạng DarkSide.

EU đã từ chối gia hạn đơn đặt hàng vắc-xin covid-19 của AstraZeneca hai tuần sau khi khối khởi động các thủ tục pháp lý chống lại công ty với cáo buộc không cung cấp đủ số liều như cam kết trong hợp đồng. Thay vào đó, EU đã đồng ý gia hạn hợp đồng với Pfizer, theo đó sẽ cung cấp 1,8 tỷ liều thuốc tới cuối năm 2023.

Hải quân Mỹ đã bắt giữ một lô hàng gồm hàng nghìn vũ khí dường như đang được chuyển đến Yemen trên một con tàu ở Biển Ả Rập. Một quan chức chính phủ giấu tên nói với hãng tin AP rằng con tàu đến từ Iran; Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Iran trang bị vũ khí cho phiến quân Houthi ở Yemen, một tuyên bố bị Iran phủ nhận.

Nicola Sturgeon, thủ hiến Scotland, đã cảnh báo thủ tướng Anh Boris Johnson là bà “sẽ không loại trừ” khả năng tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập, sớm nhất trong năm tới. Các đảng ủng hộ độc lập đã thắng 72 trên 129 ghế trong quốc hội Scotland sau cuộc bầu cử hôm thứ Năm. Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng Anh Sir Keir Starmer đã sa thải cấp phó của ông, Angela Rayner, sau khi đảng đối lập này chịu kết quả đáng thất vọng trong các cuộc bầu cử trên khắp nước Anh.

Tổng thống Nam Sudan, Salva Kiir, đã giải tán quốc hội của đất nước, tuân theo thỏa thuận hòa bình ký năm 2018. Thỏa thuận chấm dứt 5 năm nội chiến và yêu cầu gần một phần tư số nghị sĩ phải đến từ đảng của Riek Machar, đối thủ trước đây của ông Kiir. Đảng của ông Kiir sẽ chiếm đa số khi thành lập quốc hội mới.

Cơ quan vũ trụ Trung Quốc cho biết các mảnh vỡ tên lửa rơi mất kiểm soát đã đáp xuống Ấn Độ Dương, phía tây Maldives. Tên lửa Trường Chinh 5B được dùng để phóng mô-đun trạm vũ trụ đầu tiên của nước này hồi tháng trước. Nó là một trong những vật thể lớn nhất rơi khỏi quỹ đạo trong nhiều năm qua.

TIÊU ĐIỂM

Modi họp trực tuyến với các lãnh đạo EU

Hôm thứ Bảy, Narendra Modi đã xuất hiện online tại hội nghị thượng đỉnh EU đang diễn ra ở Bồ Đào Nha. Ấn Độ và EU, tự phong cho mình là “hai nền dân chủ lớn nhất thế giới”, đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ tám năm trước. Hai gã khổng lồ cũng đang hợp lực để phản kháng lại vai trò đang lên của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu, và cùng nhau đối phó biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, bóng ma covid-19 ở Ấn Độ làm lu mờ mọi thứ khác. Đợt lây lan kinh hoàng ở nước này tiếp tục xô đổ kỷ lục mới vào Chủ nhật, với 400.000 ca mới trong ngày thứ tư liên tiếp và gần 4.100 người chết. Và các số liệu thống kê hàng ngày như vậy không hề phản ánh đủ quy mô thực tế của cuộc khủng hoảng. Một điều nổi bật là ông Modi chẳng có nỗ lực rõ ràng nào của riêng ông. Đã nhiều ngày trôi qua mà ông không hề phát biểu. Bạn bè cũng như kẻ thù đều tự hỏi vì sao ông im lặng kỳ lạ.

Trung Quốc đẩy mạnh năng lượng sạch

Hôm nay, Tổng công ty Tam Hiệp Trung Quốc, một doanh nghiệp nhà nước vận hành đập thủy điện lớn nhất thế giới tính theo công suất lắp đặt, sẽ bắt đầu bán cổ phần trong công ty con về năng lượng mặt trời và gió của họ. Số tiền thu được, có thể đạt 22,5 tỷ nhân dân tệ (3,5 tỷ USD), sẽ giúp tài trợ cho 7 dự án điện gió ngoài khơi mới khi công ty chuẩn bị niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải.

Vụ chào bán công khai sẽ diễn ra sau một năm đột phá về năng lượng tái tạo của Trung Quốc. Trong năm 2020, nước này lắp đặt các nguồn năng lượng xanh với công suất gấp gần hai lần so với năm 2019; và vào tháng 9, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết Trung Quốc sẽ có mức carbon bằng 0 từ năm 2060. Tuy nhiên, Trung Quốc hầu như không thể tự cai nghiện nhiên liệu hóa thạch: lượng điện than của họ trong năm ngoái cao gấp ba lần so với phần còn lại của thế giới.

Lễ kỷ niệm Ngày Jerusalem diễn ra trong căng thẳng

Ngày Jerusalem luôn là một vấn đề căng thẳng. Israel kỷ niệm nó như một ngày đánh dấu thống nhất thành phố; trong khi người Palestine coi cuộc tuần hành hàng năm của người Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc là một sự khiêu khích. Nhưng bầu không khí năm nay tồi tệ hơn bình thường, sau cuộc biểu tình cuối tuần qua khiến gần 300 người Palestine và hơn một chục cảnh sát bị thương. Khi ấy hàng chục nghìn tín đồ đã tề tựu về nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa vào thứ Bảy, đêm linh thiêng nhất của tháng Ramadan. Nhưng cảnh sát đã chặn các đoàn xe buýt chở người Hồi giáo trên đường đến, viện dẫn tình trạng bất ổn ở quận Sheikh Jarrah lân cận. Từ đó, người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát, ngay trước thềm phán quyết sắp tới của tòa án về việc các gia đình Palestine có thể bị đuổi đi để nhường chỗ cho người Do Thái định cư hay không.

Xung đột có thể sớm lan sang các khu vực đang căng thẳng khác, chẳng hạn như Gaza. Cả thủ tướng Israel và tổng thống Palestine đều không có động thái dẫn dắt nào. Trong bối cảnh một cuộc biểu tình khác có thể diễn ra trong hôm nay, Jerusalem đang trên bờ vực hỗn loạn.

Lãnh đạo Argentina chia nhau đi xin hoãn nợ

Alberto Fernández, vị tổng thống đang gặp khó khăn của Argentina, công du châu Âu trong tuần này. Ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo Pháp, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha để xin gia hạn thời gian trả các khoản nợ khổng lồ của Argentina. Dưới thời ông Fernández đang ngày càng mất lòng dân chúng, Argentina đang nợ Câu lạc bộ Paris, một nhóm các nhà cho vay chính phủ, 2,4 tỷ đô la, bên cạnh khoản nợ kỷ lục 45 tỷ đô la của IMF. Ông Fernández nói tình hình hiện tại – tức đại dịch – không thể giúp trả được nợ.

Ông sẽ thỉnh cầu với công dân thánh thiện nhất của đất nước mình, Giáo hoàng Francis. Bộ trưởng Kinh tế Argentina, Martín Guzmán, cũng sẽ đến thăm Vatican, nhằm vận động hành lang giám đốc IMF Kristalina Georgieva, trước khi cả hai cùng tham dự hội thảo với Giáo hoàng. Các chính trị gia đang lo lắng trước chỉ số lạm phát hàng tháng của Argentina, được công bố vào thứ Năm, theo đó sẽ cho thấy lạm phát đạt mức 50% trong năm nay. Con số đó gần gấp đôi mục tiêu của chính phủ, và là một cơn đau đầu nữa cho ông Fernández.