Thế giới hôm nay: 03/06/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Vụ giết chết một người đàn ông da đen không vũ trang bởi một sĩ quan cảnh sát da trắng tiếp tục gây chấn động vượt ra ngoài phạm vi thành phố Minneapolis. Thành phố New York, nơi các cuộc biểu tình ôn hòa phần lớn biến tướng thành bạo lực và cướp bóc, đã kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm thêm năm ngày nữa. Bốn sĩ quan cảnh sát bị bắn và bị thương ở St Louis, và một người khác ở Las Vegas. Tại Atlanta, lệnh bắt giữ được ban hành đối với sáu cảnh sát sau khi xuất hiện đoạn video cho thấy cảnh sát bắn súng điện và kéo lê hai học sinh ra khỏi xe.

Một đợt bùng phát mới của Ebola tấn công vào phía tây bắc Congo. Sáu ca nhiễm đã được phát hiện bởi Bộ y tế quốc gia, cơ quan hiện cũng phải vật lộn với covid-19. Đây là đợt bùng phát thứ 11 của Congo kể từ khi virus được phát hiện vào năm 1976. Vào tháng 4, vài ngày trước khi Congo dự kiến ​​được tuyên bố sạch bóng Ebola, nhiều ca nhiễm lại được phát hiện ở phía đông đất nước.

Khi bờ biển phía tây Ấn Độ căng mình đón một cơn bão đang đến, hơn 10.000 người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả bệnh nhân covid-19, đã được sơ tán. Cơn bão dự kiến ​​sẽ đổ bộ vào gần Mumbai vào hôm nay, hai tuần sau khi Bão Amphan tàn phá bờ biển phía đông Ấn Độ và Bangladesh. Các nhà khí tượng học cảnh báo mưa lớn và gió trên 100km/h.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết nước này có thể phải học cách “sống chung với coronavirus” khi tuyên bố chấm dứt các hạn chế liên quan đến covid-19 ngay cả khi số ca nhiễm vẫn tăng. Ông Khan cho biết Pakistan không còn chịu được tổn thất kinh tế do phong tỏa, khi mà các hoạt động kinh doanh bị đóng cửa, thất thu thuế và hàng triệu người nghèo phải phụ thuộc vào hàng cứu trợ.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh bắt giữ 118 người bị nghi ngờ có quan hệ với Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo đang lưu vong ở Pennsylvania, người bị những người ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thường xuyên cáo buộc dàn dựng cuộc đảo chính thất bại hồi năm 2016. Hầu hết các nghi phạm trong cuộc đàn áp hôm thứ Ba là thành viên của lực lượng quân sự và an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số nhân viên tại Facebook đã tổ chức một cuộc đình công online để phản đối cách nền tảng truyền thông xã hội này xử lý các bài đăng của ông Trump. Lời cảnh báo của tổng thống đối với người biểu tình rằng “khi cướp phá bắt đầu, nổ súng cũng bắt đầu” không hề bị đụng đến bởi Facebook, mặc dù Twitter đã gắn cờ “tôn vinh bạo lực” lên một dòng tweet tương tự, và hạn chế người dùng xem nó.

Người đứng đầu hiệp hội ngư nghiệp Anh cho biết ông thấy một thỏa hiệp giữa Anh và EU khi đàm phán thỏa thuận thương mại hậu Brexit là rất có khả năng. Barrie Deas, người đứng đầu Liên đoàn các Tổ chức Ngư dân Quốc gia, cho biết thỏa hiệp đối với vấn đề tiếp cận vùng biển của Anh có thể sẽ dẫn đến việc đàm phán lại hạn ngạch đánh cá của các quốc gia châu Âu.

TIÊU ĐIỂM

Nền chính trị độc hại của Mỹ

Nước Mỹ đã từng chứng kiến biểu tình vì vấn đề chủng tộc đau đớn. Nghiên cứu mới cho thấy các cuộc bạo loạn đã trao cuộc bầu cử năm 1968 cho ứng viên ‘luật pháp và trật tự’, Richard Nixon. Tổng thống Donald Trump chắc chắn nghĩ như vậy, khi tweet “ĐA SỐ IM LẶNG’ (“SILENT MAJORITY!”), một câu khẩu hiệu Nixon, vào thứ Ba. Nước Mỹ đã từng vượt qua sự chia rẽ. Nhưng giờ nó trở nên khó khăn hơn. 81% cử tri đảng Cộng hòa là người da trắng, trong khi chỉ có 59% đối với đảng Dân chủ.

Trong khi đa số người da trắng đảng Cộng hòa nói với hãng thăm dò ý kiến YouGov rằng họ nghĩ chủng tộc là nguyên nhân dẫn đến cái chết của George Floyd dưới tay cảnh sát, hầu hết cũng nói rằng các cuộc biểu tình là kết quả của “cái nhìn thiên vị kéo dài đối với cảnh sát” của người Mỹ da đen chứ không phải là “một mong muốn thành thật để buộc các sĩ quan cảnh sát chịu trách nhiệm”. Tồi tệ hơn, một cuốn sách khoa học chính trị sắp xuất bản cho thấy đánh giá  của người Mỹ đối với các thành viên phía đối lập đã giảm khoảng 40% kể từ năm 1960. Các cử tri ngày càng không chỉ bất đồng; họ ngày càng sợ và thậm chí coi thường phía bên kia.

Mumbai vừa chống dịch vừa chống bão

Bang Maharashtra, quê hương của siêu đô thị Mumbai, chiếm phần lớn nhất trong nền kinh tế Ấn Độ và cả số ca nhiễm covid-19, hôm nay tiến hành “Nhiệm vụ Bắt đầu Lại”. Tên chính thức có thể trông quá lớn lao. “Phong tỏa 5.0”, biệt danh ảm đạm của nó, sẽ bao trùm phần còn lại của tháng 6. Hầu hết các hạn chế sẽ được từ từ dỡ bỏ. Với các trường hợp ngoại lệ như trường học, khách sạn và tiệm cắt tóc, các doanh nghiệp bình thường sẽ được phép mở cửa trở lại.

Nhiều người Maharashtra sẽ thấy biết ơn khi có cửa hàng, chợ và taxi (cho các chuyến đi thiết yếu), đặc biệt là những người kiếm sống tại đây. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để thư giãn. Coronavirus vẫn đang lan rộng ở Ấn Độ, với 200.000 ca nhiễm được ghi nhận, một con số tăng gấp đôi sau mỗi hai tuần. Các bệnh viện ở Mumbai đã chật ních. Họa vô đơn chí, thành phố cũng đang sắp phải đón cơn bão đầu tiên đổ bộ vào hôm nay. Và ở những nơi thời tiết ít khắc nghiệt hơn thì đại dịch vẫn tồi tệ.

Sàn chứng khoán bắt đầu có niêm yết mới

Khi nói đến việc các công ty tư nhân ra mắt trên sàn chứng khoán, thời điểm là quan trọng nhất. IPO thường xảy ra khi thị trường sôi động và các nhà đầu tư tiềm năng muốn chi tiền. Vài tháng qua không phù hợp với điều này. Song giờ đây có bằng chứng cho thấy sự hồi sinh. Hôm nay Warner Music sẽ niêm yết các cổ phiếu trị giá dưới 2 tỷ đô la, một kèo tốt ngay cả trong thời điểm lạc quan. Hãng thu âm này đã được hưởng lợi từ sự phát triển của streaming (phát trực tiếp), vốn không hề bị ảnh hưởng bởi phong tỏa.

Nhiều công ty khác cũng đang tìm cách lên sàn, từ một nhà sản xuất khẩu trang Ý cho đến một công ty nhạc pop Hàn Quốc. Mặc dù mua cổ phần trong các công ty mới niêm yết là rủi ro, các nhà đầu tư rất muốn làm vậy vì ít có loại tài sản nào khác đem lại được lợi nhuận trong những ngày này. Một khởi đầu thuận lợi cho Warner có thể làm sống lại kế hoạch niêm yết của Airbnb, một nền tảng cho thuê nhà mà IPO được chờ đón của họ đã phải trì hoãn vì đại dịch.

Ý mở lại biên giới

Ý hôm nay sẽ mở lại một phần biên giới sau hơn hai tháng cô lập. Các công dân EU, những người từ các nước ngoài EU nhưng thuộc khu vực Schengen và công dân Anh đều sẽ được chào đón. Nhưng sẽ không có cảnh chen lấn. Pháp không áp đặt các hạn chế, nhưng người Anh sẽ phải cách ly 14 ngày khi trở về. Biên giới Áo-Ý sẽ vẫn đóng cửa. Và mặc dù Thụy Sĩ sẽ mở lại biên giới vào ngày 15 tháng 6, Ý bị loại khỏi kế hoạch của họ.

Dù đã giảm, số ca nhiễm covid-19 ở Lombardy, vùng lân cận Milan, vẫn còn cao. Hơn một nửa số người nhiễm bệnh ở Ý là trong vùng này, nơi chỉ chiếm một phần sáu dân số đất nước. Trong khi ngành du lịch Ý có thể không được hưởng lợi lắm từ việc mở lại biên giới, nông nghiệp sẽ hưởng lợi. Sẽ có 150.000 công nhân thời vụ dự kiến từ Đông Âu sang để giúp thu hoạch mùa màng.

Ngân hàng trung ương Canada có sếp mới

Nếu bạn là người cẩn trọng, đừng đặt cược vào thống đốc tiếp theo của Ngân hàng Canada. Năm 2013, dường như Tiff Macklem đã chắc suất, nhưng bất ngờ bị bỏ qua. Khi ngân hàng tuyên bố vào tháng 12 rằng vị trí này sẽ bị bỏ trống, gần như thủ tướng Justin Trudeau, một người tự xưng là ủng hộ nữ quyền, sẽ đề cử người phụ nữ đầu tiên vào vị trí này.

Song, ông Macklem sẽ tiếp quản vào hôm nay. Nền kinh tế mà ông kế thừa có thể đang trải qua sự sụt giảm tồi tệ nhất trong lịch sử. Lãi suất thấp nhất có thể, và lần đầu tiên ngân hàng đã phải dùng đến biện pháp nới lỏng định lượng hoặc mua trái phiếu. Các vấn đề đang chồng lên nhau: các khoản nợ của hộ gia đình lên tới 176% thu nhập của họ và Canada đã mất 3 triệu việc làm vào tháng 3 và tháng 4. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi xem liệu ông Macklem có kêu gọi kích thích nhiều hơn, hay kiên nhẫn chờ xem những nỗ lực trước đó có mang lại kết quả hay không.