Tổng điều tra dân số TQ năm 2021: 5 hàm ý cho nhà đầu tư nước ngoài

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: China Briefing, “China’s Census 2021: 5 Takeaways for Foreign Investors”, 19/05/2021.

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Cuộc Tổng điều tra dân số Trung Quốc năm 2021 mới đây đã hé lộ một số xu thế, ví dụ như tốc độ tăng dân số chậm lại, nhưng đồng thời cung cấp phương hướng rõ ràng cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào thị trường Trung Quốc.

Dưới đây là năm xu thế dân số mà cuộc Tổng điều tra dân số Trung Quốc hé lộ và ý nghĩa của chúng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đối với sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp và đối với sự phát triển vĩ mô của Trung Quốc.

1. Trung Quốc vẫn là nước có dân số lớn nhất thế giới và có một lực lượng người tiêu dùng lớn không đâu sánh được

Từ cuộc điều tra dân số Trung Quốc năm 2010 tới nay, số dân Trung Quốc tăng thêm 72 triệu người (5,38%), tổng số bằng 1,41 tỷ.  Điều đó có nghĩa là 18,11% số người trên Trái Đất sống tại Trung Quốc. Số dân Trung Quốc tăng thêm chỉ trong 10 năm qua còn nhiều hơn số dân các nước Pháp, Ý hoặc Thái Lan.

Số dân Ấn Độ năm 2020 bằng 1,38 tỷ người và tỷ lệ sinh khá cao, trong vài năm tới có thể trở thành nước đông dân nhất thế giới. Thế nhưng so với Ấn Độ thậm chí so với ngay Trung Quốc 10 năm trước thôi thì số dân Trung Quốc hiện nay vừa có quy mô lớn lại vừa có tài sản [tức giàu có], qua đó tạo được một thị trường tiêu dùng không thể sánh được. Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy GDP bình quân đầu người năm 2020 của Trung Quốc bằng 10.483,88 đô la Mỹ, của Ấn Độ bằng 1.964,88 đô la Mỹ. Bởi thế, trong một tương lai gần, Trung Quốc vẫn sẽ là một thị trường có giá trị hơn.

2. Quy mô đầu tư vào lĩnh vực y tế và chăm sóc người già liên tục tăng

Kết quả cuộc điều tra dân số Trung Quốc vừa qua cho thấy nước này có số người từ 65 tuổi trở lên là 190,64 triệu (tức 13,5% tổng dân số), tăng đáng kể so với mức 8,9% năm 2010. Nếu tính số người từ 60 tuổi trở lên thì sẽ có 264,02 triệu người, chiếm 18,7% số dân.

Cùng với sự gia tăng số người già, ngành dưỡng lão Trung Quốc cần đầu tư với quy mô chưa từng có. Y tế và sức khoẻ đã trở thành một lĩnh vực đầu tư ưu tiên nhất của Chính phủ Trung Quốc. Do sự hạn chế của hệ thống y tế công, ngày càng nhiều người lớn có thâm niên làm việc và đời sống sung túc có thể chuyển sang dùng dịch vụ của khu vực tư nhân, như các nhà điều dưỡng dài hạn để chăm sóc cha mẹ ông bà của họ. Ngoài dịch vụ hộ lý người già ra, người cao tuổi sẽ cần ngày một nhiều các loại sản phẩm như dược phẩm, thiết bị y tế, công cụ hỗ trợ người tàn tật

3. Tự động hoá sản xuất nhằm ứng phó sự giảm dần lực lượng lao động

Cùng với sự già hoá dân số, tỷ lệ người ở độ tuổi lao động đang giảm xuống. Năm 2020, có 894,38 triệu người từ 15 đến 59 tuổi, chiếm 63,4% tổng số dân, thấp hơn so với 70,1% của năm 2010.

Số người lao động giảm, các doanh nghiệp cần gấp rút áp dụng công nghệ robot tiên tiến, trí tuệ nhân tạo và các hình thức công nghệ tự động hoá khác. Hiện Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về robot công nghiệp, hơn nữa cũng là thị trường tăng trưởng nhanh nhất.

4. Ngày càng có nhiều thanh niên tiếp cận giáo dục đại học

Cuộc điều tra số dân Trung Quốc cho thấy trình độ giáo dục của nước này đã nhanh chóng nâng cao. Theo đó, Trung Quốc có 218,36 triệu người có trình độ đại học, tăng 73% so với năm 2010.

Cho dù tỷ lệ sinh rất thấp, nhưng quy mô số dân trẻ tuổi ở Trung Quốc hơi cao hơn dự đoán của các chuyên gia. Năm 2020 có 17,95% tổng dân số (253,38 triệu người) ở độ tuổi 14 và dưới 14, cao hơn mức 16,6% năm 2010.

Sự phổ cập giáo dục đại học và tổng số thanh niên vượt dự đoán có nghĩa là giáo dục sẽ tiếp tục trở thành một trong những dịch vụ có nhu cầu cao nhất ở Trung Quốc sau này. Ví dụ ngành gia sư trong giáo dục trung học và tiểu học ở Trung Quốc có giá trị 120 tỷ đô la Mỹ.

5. Di chuyển dân cư trong nước và đô thị hoá sẽ kích thích tiêu dùng

Điều tra số dân còn hé lộ xu thế lưu động dân cư trong nước. Dân vùng phía Đông Trung Quốc tăng 2,15%, chiếm 39,93% tổng số dân.  Tỷ lệ dân vùng phía Tây tăng chút ít, khoảng 0,22%. Trong khi đó dân vùng phía Đông Bắc giảm 1,2%, chỉ chiếm 6,98% tổng số dân. Tỷ lệ dân vùng trung bộ giảm 0,79%, chiếm 25,83% tổng số dân.

Các xu thế nói trên sẽ thúc đẩy Trung Quốc cung cấp những ưu đãi về thu thuế và khích lệ đầu tư để dòng vốn chuyển dịch vào các vùng nội địa và phía Tây – với hy vọng thu hút dòng nhân lực trở về. Ngoài ra ngày càng có nhiều vùng đang nới rộng điều kiện cư trú. Các biện pháp trên có nghĩa là sự mất cân bằng giữa các vùng có thể giảm bớt.

Nói tổng quát, tiến trình đô thị hoá Trung Quốc kéo dài mấy chục năm đang tiếp tục tăng tốc, tỷ lệ đô thị hoá (trong 10 năm qua) tăng thêm 14,21 %, đạt 63,89%. Điều đó có ý nghĩa là trong 10 năm qua, cư dân đô thị ở Trung Quốc đã tăng thêm 230 triệu người, lên tổng cộng 902 triệu người. Sự tăng số dân lao động đô thị có nghĩa là sức sản xuất và mức tiêu dùng ngày càng cao. Đây là điều kiện tất yếu để chiến lược kinh tế “tuần hoàn kép” của Chính phủ Trung Quốc thành công.

Nguyễn Hải Hoành dịch từ bản tiếng Trung trên Hoàn cầu Thời báo 中国2021年人口普查对外国投资者的五点启示.