Nhật ký Bắc Kinh (18/01/21): Nhìn lại chuyến Nam tuần của Đặng Tiểu Bình

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asia, 01/2021.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ở phía bắc Công viên Cảnh Sơn của Bắc Kinh, ngay cạnh Tử Cấm Thành nơi các hoàng đế từng sinh sống, có một khu phố theo phong cách Trung Quốc truyền thống.

Ngày 17 tháng 1 năm 1992, một chiếc ô tô có cảnh sát hộ tống đã rời khỏi một căn nhà nổi tiếng ở cuối con hẻm nhỏ này, trên xe là nhà lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình, khi ấy 87 tuổi.

Như tạp chí Nan Feng Chuang (Nam Phong Song) của Trung Quốc kể lại, đoàn xe đi về phía nam rồi rẽ trái trên Đại lộ Trường An, một con đường lớn chạy hướng đông tây cắt mặt Thiên An Môn.

Rẽ vào đại lộ, bạn sẽ thấy ngay khách sạn Bắc Kinh. Đây là khách sạn kiểu phương Tây hàng đầu của thành phố, và đã được ông Đặng tặng chữ viết tay tên khách sạn vào tháng 5 năm 1984. Đó là thời điểm ông ở đỉnh cao quyền lực, khi “cải cách và khai phóng” do ông khởi xướng vào năm 1978 thành công bước đầu.

Nếu nhìn ra từ cửa sổ ô tô của mình vào năm 1992, ông Đặng có thể nhìn thấy tên khách sạn do chính ông viết tay khi đoàn xe chạy đến ga đường sắt Bắc Kinh. Đến nơi, ông và gia đình nhanh chóng lên một chuyến tàu đặc biệt.

Sáng hôm sau, đoàn tàu chạy vào ga xe lửa Vũ Xương ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ngay khi xuống tàu, ông Đặng đã cảnh báo các quan chức địa phương cấp cao đang chờ ông trên sân ga rằng nếu Trung Quốc ngừng cải cách và khai phóng thì chỉ còn “con đường đến cái chết”.

Đó chính là chặng đầu tiên của chuyến “Nam tuần” nổi tiếng đã làm thay đổi tiến trình lịch sử Đảng Cộng sản của Đặng.

Khi ấy, đường lối cải cách vấp phải chỉ trích gay gắt sau vụ đàn áp sinh viên ủng hộ dân chủ ở Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989. Ngày càng có nhiều tiếng nói từ phe bảo thủ kêu gọi quay lại nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.

Trước viễn cảnh thất bại, ông Đặng đã làm chuyến công du đến miền nam Trung Quốc – bao gồm Thâm Quyến và Chu Hải ở tỉnh Quảng Đông cũng như Vũ Hán – để vận động cho nền kinh tế thị trường.

Trong chuyến công du, ông nhấn mạnh sự cần thiết không chỉ tiếp tục các cải cách mà còn phải đẩy nhanh chúng. Ông cho rằng chậm chạp cải cách đồng nghĩa trì trệ hoặc thậm chí là thụt lùi. Chuyến Nam tuần của ông kéo dài một tháng cho đến ngày 21 tháng 2 năm 1992.

Không ai có thể bỏ qua mệnh lệnh của một Đặng Tiểu Bình vốn đầy sức cuốn hút.

Mùa thu năm đó, Đảng Cộng sản thông qua chính sách “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” tại đại hội đảng toàn quốc. Điều này đồng nghĩa họ đã chọn chuyển đổi toàn diện sang nền kinh tế thị trường.

Dù rơi vào trì trệ kể từ sau cuộc đàn áp, nhưng nền kinh tế Trung Quốc đã hồi sinh nhanh chóng nhờ chính sách mới. Đất nước đạt mức tăng trưởng trung bình trên 10% mỗi năm và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001.

Nếu không có chuyến Nam tuần của ông Đặng, Trung Quốc có thể đã đi theo một con đường khác. Nền kinh tế có thể đã sụp đổ và quyền lực của Đảng Cộng sản cũng có thể chấm dứt.

Bằng cải cách và khai phóng, Đặng đã kiểm soát được tình trạng hỗn loạn do Cách mạng Văn hóa 1966-1976 gây ra. Sau đó, bằng chuyến công du phương Nam, ông đã cứu được Đảng Cộng sản.

Trung Quốc giờ đây đã trở thành một cường quốc toàn cầu đang tìm cách bắt kịp và vượt mặt Mỹ.

Ngày 18 tháng 1 năm nay, 29 năm sau chuyến đi của ông Đặng, Cục Thống kê Quốc gia ra thông báo tổng sản phẩm quốc nội của đất nước tăng 2,3% theo giá trị thực trong năm 2020. Khi phần lớn thế giới vẫn còn đang mắc kẹt trong khủng hoảng coronavirus, Trung Quốc đã nhanh chóng khôi phục mức tăng trưởng dương và đang tiến tới tình trạng bình thường.

Chủ tịch Tập Cận Bình kiêm nhiệm luôn chức tổng bí thư Đảng Cộng sản. Và quyền lực của đảng dưới thời ông Tập dường như vô cùng vững chắc. Nhìn chung, sinh kế của người dân đã cải thiện vượt trội so với thời ông Đặng.

Song đồng thời Trung Quốc cũng ngày càng mạnh tay đàn áp tự do ngôn luận. Không gian cho tự do chính trị ngày nay rõ ràng hẹp hơn rất nhiều so với những ngày đầu cải cách và mở cửa.

Liệu đây có phải là Trung Quốc mà ông Đặng đã hình dung không? Không ai biết cả.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.