Nhật ký Bắc Kinh (27/11/20): Kinh tế tư nhân Trung Quốc nhìn từ Jack Ma

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 11/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Không quá ngạc nhiên khi Jack Ma, nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba Group, vắng mặt tại Hội nghị Internet Thế giới năm nay.

Sự kiện thường niên do chính phủ Trung Quốc tổ chức – khai mạc ở Ô Trấn, tỉnh Chiết Giang, hôm thứ Hai tuần này (23/11/2020) – quy tụ các quan chức nhà nước và giám đốc điều hành công nghệ cấp cao. Trước đây ông Ma thường xuyên tham dự. Nhưng năm nay đại diện cho công ty ông lại là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang.

Ông Zhang trông có vẻ mệt mỏi khi đọc phát biểu mô tả các quy tắc mới mà Trung Quốc đề xuất đối với các công ty internet là “kịp thời và cần thiết”, liên tục hoan nghênh nhà chức trách tăng cường giám sát ngành.

Alibaba trở thành tâm điểm giám sát từ chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ cuối tháng 10, khi ông Ma phát biểu tại một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải rằng “các đổi mới tốt không sợ quy định, chỉ sợ quy định lỗi thời.”

Vài ngày sau, kế hoạch IPO ​​của công ty tài chính Ant Group của Alibaba ở Thượng Hải và Hồng Kông đã bị nhà chức trách cho hoãn đột ngột. Nhiều người trong ngành tài chính tin rằng chính ông Tập đã đưa ra quyết định dừng vụ IPO này.

Ông Ma gần đây không xuất hiện trước công chúng, làm dấy lên tin đồn ông bị cấm xuất cảnh.

Những nhận xét thẳng thắn mang tính khiêu khích của vị tỷ phú này thường khiến các nhà chức trách khó chịu. Nhưng ông lại là một đảng viên trung thành của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tư cách đảng viên của ông được Nhân dân Nhật báo, một cơ quan ngôn luận của đảng, tiết lộ đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm chính sách “cải cách khai phóng” của đất nước vào tháng 12/2018.

Từng có một thời những người như Ma thậm chí không thể nghĩ đến việc vào Đảng. Khi ấy các lãnh đạo công ty tư nhân bị coi là “tư sản” và do đó bị từ chối tư cách đảng viên. Song cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã thay đổi điều này.

Tại đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản vào mùa thu năm 2002, một lý thuyết chính trị do ông Giang đề xuất, mang tên thuyết “Ba đại diện”, chính thức được bổ sung vào điều lệ đảng. Lý thuyết này bắt nguồn từ quan điểm cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo của cải cách khai phóng, Trung Quốc phải giảm dần vai trò của nhà nước và giải phóng sức mạnh của khu vực tư nhân.

Mục đích của đảng được xác định lại là đại diện cho “lợi ích cơ bản của đại đa số người dân Trung Quốc” cũng như thúc đẩy “xu hướng phát triển của các lực lượng sản xuất tiên tiến của Trung Quốc” và “định hướng nền văn hóa tiên tiến của Trung Quốc.”

Những người Cộng sản đã tìm cách đưa các doanh nhân kết nạp đảng. Nếu không có cách suy nghĩ mới này chắc Trung Quốc đã không có Alibaba và xã hội kỹ thuật số mà chúng ta biết ngày nay.

Tuy nhiên, ông Tập đang tỏ ra lo lắng trước sự lớn mạnh của các doanh nghiệp tư nhân quá lớn, và ông đang thúc đẩy nhà nước trở lại vị trí lãnh đạo.

Tôi đến thăm Dương Châu ở tỉnh Giang Tô, quê hương ông Giang, vào Chủ nhật (22/11/2020) vì tôi muốn xem ngôi nhà nơi ông lớn lên. Mọi người dân địa phương đều biết nó ở đâu. “Nhà cũ của ông Giang ở đằng kia,” một người nói với tôi.

Hóa ra nó là một căn biệt thự được bao bọc bởi tường cao, cho thấy ông Giang sinh trưởng trong một gia đình giàu có. Dù không có biển chỉ dẫn nhưng nơi đây vẫn đón một lượng khách ổn định đến chụp ảnh trước cổng.

Ông Tập cũng có chuyến thị sát Dương Châu vào ngày 13 tháng 11. Nhưng ông không ghé qua nhà ông Giang.

Có phải vị chủ tịch đang tìm cách khép lại kỷ nguyên Giang Trạch Dân cũng như sự chú trọng của nó đối với khu vực tư nhân? Câu trả lời rất quan trọng đối với tương lai của Ma và Alibaba./.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.