Thế giới hôm nay: 14/06/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Thủ tướng cầm quyền lâu nhất Israel, Binyamin Netanyahu, đã chính thức mất ghế sau 12 năm tại vị khi Yair Lapid, lãnh đạo đối lập theo đường lối trung dung, vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở quốc hội. Tuy nhiên, theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực, nhà chính trị theo chủ nghĩa dân tộc hữu khuynh Naftali Bennett sẽ làm thủ tướng trong hai năm đầu, dẫn dắt một liên minh rất đa dạng mà xem ra chỉ đồng ý với nhau về việc phế truất ông Netanyahu.

Các nhà lãnh đạo G7 cùng lên án Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh hàng năm. Câu lạc bộ các nền dân chủ giàu có đã chỉ trích nước này vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, tước bỏ quyền tự trị của Hồng Kông và các vấn đề khác. Trung Quốc đã lường trước việc bị chỉ trích — trước đó, một phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc nói “cái thời mà một nhóm nhỏ các nước điều hành thế giới đã qua lâu rồi”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước ông sẵn sàng dẫn độ tội phạm mạng sang Mỹ, nếu thỏa thuận là hai chiều. Tin tặc Nga tham gia một số cuộc tấn công mạng nhắm vào các công ty Mỹ trong những tuần gần đây, bao gồm vụ Colonial Pipeline hay JBS. Ông Putin sẽ gặp Tổng thống Joe Biden tại Geneva vào thứ Tư.

Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, cho biết Quốc hội sẽ điều tra các hoạt động “bất hảo” của Bộ Tư pháp (DoJ) dưới thời tổng thống Donald Trump. DoJ từng ra trát đòi xem hồ sơ liên lạc của ít nhất hai dân biểu đảng Dân chủ, Adam B. Schiff và Eric Swalwell, hai thành viên Ủy ban Tình báo. Cơ quan giám sát nội bộ của DoJ cũng công bố một cuộc điều tra của riêng họ.

Hàng nghìn người biểu tình ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha để phản đối kế hoạch ân xá cho 12 nhà lãnh đạo Catalonia bị kết án sau cuộc đấu tranh giành độc lập không thành công của khu vực này hồi năm 2017. Chín chính trị gia đã bị bỏ tù từ chín đến mười ba năm vì tội nổi loạn, trong khi ba người bị tuyên có tội nhưng không phải đi tù. Một cuộc thăm dò của tờ báo Tây Ban Nha El Mundo cho thấy 61% người Tây Ban Nha phản đối ân xá.

Thụy Sĩ đã tổ chức một số cuộc trưng cầu dân ý, trong đó có ba cuộc bỏ phiếu quan trọng về môi trường. Hai cuộc tập trung vào các hoạt động nông nghiệp, bao gồm câu hỏi liệu thuốc trừ sâu nhân tạo  – và thực phẩm nhập khẩu có dùng thuốc này – có nên bị cấm hoàn toàn hay không, trong khi một câu hỏi khác xem xét liệu nông dân sử dụng chúng có được nhận trợ cấp chính phủ hay không. Câu hỏi thứ ba là có nên tăng phí và thuế đối với nhiên liệu phát thải carbon dioxide hay không.

Một người giấu tên đã trả 28 triệu đô la để tham gia cùng Jeff Bezos, giám đốc điều hành Amazon, và anh trai của ông trên chuyến bay du lịch không gian đầu tiên do công ty Blue Origin của ông tiến hành. Giá thầu vốn đứng ở mức 4,8 triệu đô la trước khi một cuộc đấu giá trực tuyến dài 10 phút đẩy nó lên cao. Người chiến thắng vào tháng tới sẽ có chuyến bay 11 phút đến đường von Kármán, cách bề mặt Trái đất 100km.

TIÊU ĐIỂM

NATO họp thượng đỉnh, đối mặt các thách thức chính sách

Các lãnh đạo NATO hôm nay sẽ có tâm thế lạc quan khi bước vào cuộc gặp trực tiếp lần đầu của họ trong hơn 18 tháng qua tại hội nghị thượng đỉnh Brussels. Donald Trump, người thường xuyên chỉ trích liên minh này, đã được thay thế bởi Joe Biden, người ủng hộ nó một cách nồng nhiệt. Họ có nhiều việc phải làm. Trong những tháng gần đây, Nga đã tăng cường quân đội quanh Ukraine, Belarus bắt cóc một máy bay châu Âu, còn Afghanistan ngày càng trở nên bất ổn hơn trong bối cảnh quân đội Mỹ và NATO khẩn trương rút quân.

Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh cũng được coi là cơ hội để NATO “chứng minh tương lai”, với trọng tâm mới là biến đổi khí hậu, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo hay mối đe dọa từ Trung Quốc. Kết quả rõ ràng nhất có thể là một cơ chế “gia tốc” công nghệ quốc phòng, cho phép các nhà sản xuất công nghệ quân sự tiên tiến tìm kiếm nhà đầu tư ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Sau khi trải qua những năm tháng dưới thời Trump, NATO muốn đảm bảo nó có thể tồn tại trong những thập niên tới.

Biden gặp Erdogan ở hội nghị NATO

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, từ đó định hình quan hệ giữa hai đồng minh này trong nhiều năm tới. Ông Biden sẽ có động thái cuối cùng để thuyết phục ông Erdogan từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ mua từ Nga cách đây vài năm. (Ban đầu, Mỹ phản đối thương vụ này bằng cách trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ).

Với việc nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn, ông Erdogan có thể bớt hiếu chiến hơn bình thường: ông sẽ không muốn một cuộc khủng hoảng mới với Mỹ. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang trải qua một năm tồi tệ, đã tăng giá sau khi có tin đồn hai nước sẽ thỏa hiệp. Không chỉ các nhà đầu tư mới theo dõi sát sao câu chuyện. Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã dùng thương vụ bán S-400 để chia rẽ Thổ Nhĩ Kỳ và NATO, sẽ muốn xem liệu khoản đầu tư của ông có thành công hay không.

Chính sách tiền tệ khác lạ của Ấn Độ giữa nguy cơ lạm phát

Phục hồi kinh tế không đồng đều sau đại dịch đang gây khó cho ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi. Brazil, Nga và Trung Quốc đều đã phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay, trong bối cảnh đại dịch còn chưa chấm dứt. Thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cho rằng lạm phát cao ở Nga cũng như các nơi khác sẽ dai dẳng hơn tưởng tượng ban đầu.

Nhưng Ấn Độ, nguyên âm trong từ viết tắt “BRICS”, đã có một lựa chọn khác. Số liệu công bố hôm nay có thể cho thấy lạm phát vẫn ở trên mục tiêu 4% của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, một phần vì chi phí nhiên liệu tăng. Nhưng trong tháng này họ tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp lịch sử, đồng thời thông báo mua thêm trái phiếu chính phủ và tăng tài trợ đặc biệt cho các ngân hàng cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp “tiếp xúc nhiều”, chẳng hạn như các khách sạn và tiệm làm đẹp. Thống đốc Shaktikanta Das cho biết: “Trong những ngày thử thách này, điều quan trọng là phải tập trung tiêu diệt virus.” Xem ra ngân hàng sợ dịch bệnh hơn lạm phát.

G7 không đạt nhiều tiến triển trong vấn đề môi trường

Hôm qua Sir David Attenborough, một nhà tự nhiên học lớn tuổi được kính trọng, đã cảnh báo các lãnh đạo thế giới đang họp tại Cornwall rằng các quyết định của họ về biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường sẽ là “quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại”.

Nhưng hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay hầu như không tạo ra được tiến triển đáng kể. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố một quỹ trị giá 500 triệu bảng Anh (705 triệu đô la) để bảo vệ các đại dương, mang lại lời hứa sau tuyên ngôn năm 2019 của đảng ông. Trong thông cáo chung cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo G7 cam kết tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo để giúp họ thích ứng với biến đổi khí hậu và tiến hành chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Nhưng họ không nói rõ chi tiết về cách làm – trong khi những cam kết này đã nói mãi từ năm 2009 – khiến các nhà môi trường tỏ ra nghi ngờ (một số nhóm xanh đã biểu tình tại hội nghị thượng đỉnh). Các nhà lãnh đạo cũng hứa “đẩy nhanh” việc giảm sử dụng than, nhưng tiếp tục không đặt ra mục tiêu cụ thể nào.