Thế giới hôm nay: 25/03/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các chuyên gia cho biết việc xử lý con tàu bị mắc cạn ở kênh đào Suez vào hôm thứ Ba có thể mất tới vài ngày. Tàu Ever Given dài 400 m, một trong những tàu container dài nhất thế giới, đang nằm chắn ngang đầu phía nam của kênh đào, dẫn đến tắc nghẽn giao thông. Các quan chức Ai Cập đã mở lại tuyến cũ của kênh đào để giúp thông tàu.

Các phòng thí nghiệm của chính phủ Ấn Độ đã phát hiện ra một biến thể covid-19 với hai đột biến. Hiện vẫn chưa rõ liệu nó có dễ lây lan hơn hoặc kháng vắc-xin hơn các dạng khác của virus hay không. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, nó không quá phổ biến để có thể coi là nguyên nhân của đợt tăng đột biến ca nhiễm gần đây. Hôm thứ Ba có hơn 47.000 ca được ghi nhận ở Ấn Độ — con số theo ngày cao nhất trong năm nay.

Angela Merkel đã hủy kế hoạch phong tỏa nghiêm ngặt toàn nước Đức trong dịp Lễ Phục sinh, chỉ một ngày sau khi ra thông báo. Động thái này cho thấy thủ tướng đã phải lùi bước trước áp lực từ công chúng, các lãnh đạo doanh nghiệp, và các thành viên trong đảng trung hữu của chính bà. Mặc dù lãnh đạo của cả 16 bang của Đức cũng ủng hộ quyết định phong tỏa, nhưng bà Merkel nhấn mạnh đây là lỗi của bà.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng PMI của Mỹ trong tháng 3 là 59,1, giảm nhẹ so với 59,5 của tháng 2, nhưng vẫn tốt (cao hơn 50 cho thấy tăng trưởng). Dù có các hạn chế covid-19 chặt chẽ và tiêm chủng chậm chạp, nhưng chỉ số PMI của khu vực đồng euro vẫn đạt 52,5; trong khi đó chỉ số của ngành chế tạo đạt mức cao nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu vào năm 1997. Chỉ số PMI tổng thể của Anh cũng rất tốt, ở mức 56,6.

Kenya yêu cầu Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc đóng cửa hai trại tị nạn. Dadaab và Kakuma được thành lập cách đây khoảng 30 năm và là nơi sinh sống của hơn 410.000 người tị nạn chạy trốn khỏi Somalia và Nam Sudan. Chính phủ Kenya nói hai trại này tạo ra “mối đe dọa khủng bố” và cho UNHCR hai tuần soạn thảo kế hoạch đóng cửa chúng.

Với 90% số phiếu được kiểm sau cuộc bầu cử lần thứ tư của Israel trong hai năm, các đảng ủng hộ thủ tướng Binyamin Netanyahu sẽ không thể đạt được thế đa số – dù có thỏa thuận với Yamina, một đảng cực hữu. Tuy nhiên, vẫn có thể có một cuộc bầu cử khác, mặc dù tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm cho thấy cử tri đang dần chán nản.

Intel cho biết họ sẽ chi 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy sản xuất chip ở Arizona. Như một phần của kế hoạch xoay chuyển tình hình kinh doanh của giám đốc điều hành mới Pat Gelsinger, công ty sẽ bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn cho các nhà sản xuất khác. Điều này sẽ đặt công ty Mỹ vào thế cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất chip hàng đầu châu Á là TSMC của Đài Loan và Samsung Electronics của Hàn Quốc.

TIÊU ĐIỂM

Bắt đầu rước đuốc Olympics ở Nhật Bản

Lễ rước đuốc cho Thế vận hội mùa hè sẽ khai mạc hôm nay ở Nhật Bản. Các kế hoạch cho Olympics vẫn được triển khai bất chấp đại dịch covid-19. Ngọn lửa sẽ bắt đầu hành trình ở tỉnh Fukushima và đi khắp Nhật Bản trước khi đến Tokyo cho lễ khai mạc vào ngày 23 tháng 7. Ý định ban đầu của Nhật Bản là thông qua sự kiện thể hiện sự phục hồi của nước này từ thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân ở miền đông bắc đất nước hồi năm 2011.

Và khi các nhà tổ chức quyết định hoãn sự kiện vào năm ngoái, họ đặt kỳ vọng nó sẽ đại diện cho sự phục hồi của thế giới từ đại dịch. Song điều này hơi quá lạc quan. Nếu sự kiện được tổ chức, nó sẽ chỉ là một cái bóng mờ nhạt của các kỳ Olympics trước. Tuần vừa rồi, khán giả nước ngoài đã bị cấm tham dự để tránh làm bùng phát virus. Nhưng hàng ngàn vận động viên, huấn luyện viên và quan chức vẫn có thể mang mầm bệnh. Do đó không có gì ngạc nhiên khi hầu hết người Nhật không muốn tổ chức sự kiện này trong năm nay.

Kênh đào Suez bị tắc nghẽn, đe dọa chuỗi cung ứng

Những con tàu đi qua kênh đào Suez đang ngày càng lớn hơn trong những năm gần đây. Vào thứ Ba, Ever Given, một trong những tàu container lớn nhất thế giới, đã bị gió lớn thổi nằm chắn ngang qua con kênh. Đây là một vấn đề lớn cho ngành vận tải biển toàn cầu. Năm ngoái có gần 19.000 tàu đi qua con đường hàng hải dài 120 dặm nối Địa Trung Hải và Biển Đỏ, chiếm 12% tổng khối lượng thương mại toàn cầu.

Chỉ một nút cổ chai trong thời gian ngắn cũng có nguy cơ gây gián đoạn nghiêm trọng. Và chính phủ Ai Cập cũng phải lo lắng về nguồn thu nhập chính từ nước ngoài của mình. Hồi năm 2015, họ đã chi 8 tỷ đô la cho một dự án mở rộng con kênh nhằm giảm thời gian chờ tàu. Mặc dù doanh thu thời đại dịch chỉ giảm nhẹ trong năm 2020 so với năm trước, một phần do phí vận chuyển được cắt giảm đối với một số tàu nhằm thu hút giao thông, song trừ khi Ever Given được xử lý nhanh chóng, các khoản thu đó cũng sẽ phải giảm.

Anh và EU tranh cãi về vắc-xin AstraZeneca

Các lãnh đạo EU hôm nay sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến để thảo luận về lệnh cấm xuất khẩu vắc-xin covid-19 của AstraZeneca-Đại học Oxford. Mục tiêu giả định chính là Anh, nước đã vướng vào các cuộc tranh cãi với EU xoay quanh nguồn cung vắc-xin trong vài tuần gần đây. Ủy ban châu Âu khẳng định AstraZeneca phải cung cấp vắc-xin cho EU trước các nước khác.

Trước đây, họ muốn “cấm” xuất khẩu các loại vắc-xin sản xuất trên lục địa – ví dụ số được sản xuất tại Halix ở Hà Lan – đến bất kỳ nước nào bên ngoài khối, bao gồm cả Anh. Song không rõ các nhà lãnh đạo của các nước EU có đồng lòng về một động thái quyết liệt như vậy hay không. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã dành vài ngày nói chuyện điện thoại với nhiều người trong số họ nhằm kêu gọi họ phủ quyết bất kỳ đề xuất nào về lệnh cấm xuất khẩu. Điều đó có thể đã thành công. Hôm qua, hai bên đưa ra một tuyên bố chung nói họ muốn “tạo ra một tình huống đôi bên cùng có lợi”.

Bộ trưởng Nội vụ Mỹ đau đầu với vấn đề khoan dầu trên đất công

Chỉ sau hơn một tuần tại nhiệm, Deb Haaland, bộ trưởng nội vụ của Mỹ, đã phải đối mặt với một vấn đề nóng bỏng. Hôm nay, bộ của bà sẽ tổ chức một diễn đàn để thảo luận xem các công ty nhiên liệu hóa thạch có được phép tiếp tục khoan trên đất liên bang hay không. Tổng thống Joe Biden đã ban hành lệnh cấm hợp đồng thuê mới từ tháng 1. Bà Haaland – thành viên nội các người Mỹ bản địa đầu tiên – là một nhà vận động bảo vệ môi trường quyết liệt phản đối fracking và ủng hộ Thỏa thuận Xanh Mới.

Bà từng đấu tranh với các nỗ lực thăm dò dầu trên các khu bảo tồn hoặc đất của tổ tiên người Mỹ bản địa. Tuy nhiên, mới tuần trước bà còn là một nữ dân biểu từ New Mexico. Ngân sách của bang này dựa chủ yếu vào doanh thu của các công ty khai thác các mỏ giàu trữ lượng của liên bang trên đất New Mexico. Do đó họ sẽ mất rất nhiều nếu chương trình bị khép lại. Sự căng thẳng đó được thể hiện rất rõ tại phiên điều trần phê chuẩn bà hồi tháng trước. Khi ấy bà nói lệnh cấm của ông Biden chỉ là tạm thời, mâu thuẫn với lời hứa tranh cử của ông là chấm dứt vĩnh viễn khoan dầu trên đất công.

Các giám đốc công nghệ Mỹ lại điều trần trước Hạ viện

Các giám đốc công nghệ lại một lần nữa ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Hôm nay, các sếp của Facebook, Google và Twitter sẽ điều trần trực tuyến trước hai tiểu ban thành viên của Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện về chủ đề “thông tin sai lệch và thao túng thông tin lan tràn trên các nền tảng trực tuyến”. Sẽ có một số câu hỏi khó được đặt ra, khi mà thông tin sai lệch về bầu cử đã góp phần gây ra cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1.

Phiên họp cũng có thể mang tính xây dựng hơn so với các phiên điều trần trước đây, và có khả năng mở đường cho việc sửa đổi Điều 230 của Đạo luật Khuôn phép Thông tin. Đạo luật 25 năm tuổi này bảo vệ các nền tảng trực tuyến khỏi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung của bên thứ ba, bất kể có bị phản đối đến đâu, chỉ bằng 26 từ. Thành viên từ hai đảng đều đã lên tiếng chỉ trích, trong khi một số dự luật đang được đề xuất ở Washington, DC, để cải cách. Ngay cả Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành của Facebook, cũng có vẻ quan tâm. Trong lời khai trước phiên, ông gợi ý là thay vì được cấp quyền miễn trừ, các nền tảng nên chứng minh khả năng phát hiện và xóa “nội dung bất hợp pháp”.