Thế giới hôm nay: 16/07/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Thủ tướng Đức Angela Merkel hứa “sử dụng tất cả sức mạnh của nhà nước” để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng. Tới nay lũ lụt đã khiến ít nhất 43 người ở Đức và sáu người ở Bỉ thiệt mạng; trong khi hàng chục người khác bị thương hoặc vẫn mất tích. Mưa lớn đổ bộ vào Bỉ, tây bắc Đức và Hà Lan trong những ngày qua, gây ra lũ quét khiến cả người dân và giới chức bị bất ngờ.

Thủ tướng Lebanon Saad Hariri từ chức với lý do bất đồng với tổng thống. Ông Hariri từng lên kế nhiệm sau khi người tiền nhiệm từ chức vì vụ nổ cảng Beirut hồi năm ngoái, và được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới. Song gần như không thể làm vậy trước cuộc bầu cử quốc hội năm sau. Ở một diễn biến khác, đồng bảng Lebanon xuống thấp nhất mọi thời đại, mất 90% giá trị kể từ cuối năm 2019.

Số đơn thất nghiệp ban đầu ở Mỹ giảm 26.000 xuống còn 360.000 đơn trong tuần kết thúc vào 10 tháng 7, mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch tức tháng 3 năm ngoái. Đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm trong những tháng gần đây vì nền kinh tế phục hồi trở lại. Nhiều bang đã cắt giảm các phúc lợi liên bang bổ sung và thậm chí thay thế chúng bằng các biện pháp khuyến khích làm việc nhằm phòng chống tình trạng thiếu lao động.

Facebook cho biết họ đã gỡ khoảng 200 tài khoản của một nhóm tin tặc Iran có tên “Tortoiseshell,” vốn đang nhắm vào các quân nhân và công ty phương Tây. Hãng truyền thông xã hội cho biết tin tặc đã tạo tài khoản giả và liên lạc với các mục tiêu ở Mỹ và châu Âu, rồi mời họ nhấp vào các đường link khiến thiết bị của họ dính mã độc có thể kích hoạt việc theo dõi.

Tòa án Công lý Châu Âu tuyên bố các công ty có thể cấm nhân viên đội khăn trùm đầu hijab trong một số điều kiện nhất định, bao gồm cả trường hợp chủ lao động cần thể hiện “hình ảnh trung lập”. Vụ kiện này được trình lên bởi hai phụ nữ Đức bị đình chỉ công việc vì mang hijab. Giờ đây đến lượt các tòa án Đức xem xét liệu cấm mang hijab có phân biệt đối xử hay không.

Tokyo ghi nhận 1.308 ca nhiễm covid-19 mới trong ngày, cao nhất sáu tháng qua, với chỉ tám ngày còn lại trước khi thế vận hội khai mạc. Các sự kiện sẽ được tổ chức không khán giả vì Tokyo đang trong tình trạng khẩn cấp, lần thứ tư kể từ đầu đại dịch. Đây cũng là ngày thứ hai liên tiếp thành phố ghi nhận trên 1.000 ca mắc mới, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh trên khắp Nhật Bản kể từ cuối tháng 6.

Taliban đề nghị ngừng bắn 3 tháng ở Afghanistan để đổi lấy 7.000 tù nhân và Liên Hợp Quốc gạch tên các thủ lĩnh nhóm này khỏi danh sách đen. Theo Nader Nadery, một nhà đàm phán của chính phủ Afghanistan, xung đột giữa chính phủ và Taliban từng gia tăng sau một vụ phóng thích 5.000 tù nhân tương tự hồi năm ngoái.

TIÊU ĐIỂM

Trung Quốc mở sàn giao dịch carbon

Cuối cùng thị trường carbon rất được mong chờ của Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu giao dịch từ hôm nay. Sàn giao dịch khí thải này — lớn nhất thế giới — được công bố lần đầu vào năm 2017, song bỏ lỡ hạn ra mắt vào ngày 30 tháng 6.

Ban đầu thị trường sẽ bao gồm khoảng 2.225 nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vốn chiếm từ một phần ba cho đến một nửa tổng lượng khí thải của cả nước. Nhưng nó sẽ không giúp ích nhiều cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 của chính phủ Trung Quốc.

Trung Quốc ưu tiên sản xuất hơn là giảm lượng khí thải ngay lập tức. Các công ty được cấp hạn ngạch lớn để tiếp tục thải ra nhiều carbon; trong khi tiền phạt khá thấp. Giá carbon có thể chỉ khoảng một phần mười ở châu Âu. Chính phủ Trung Quốc nói họ muốn nhanh chóng mở rộng sàn giao dịch. Nhưng hiện tại nó sẽ không thể thay đổi vị thế nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới của họ.

Ả Rập Saudi tiếp tục hạn chế hành hương đến Mecca

1,9 tỷ người Hồi giáo trên thế giới phải thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng là viếng thăm thánh địa Mecca một lần trong đời. Điều đó có nghĩa gần 30 triệu người Hồi giáo mỗi năm nên đi hành hương. Nhưng năm nay, khi haj (hành hương về Mecca) bắt đầu vào 18 tháng 7 sẽ chỉ có 60.000 người làm vậy. Đó là vì Ả Rập Saudi tiếp tục cấm người nước ngoài và hạn chế khách đến vì đại dịch covid-19.

Du lịch khắp Trung Đông giảm 80%. Hàng triệu người đã mất việc làm. Nhưng điều đó không làm lu mờ tham vọng của thái tử Saudi Muhammad bin Salman. Gần đây ông đã công bố thành lập một hãng hàng không quốc gia mới, Flynas, trong khi đang chi hàng tỷ đô la cho các khu nghỉ dưỡng dọc theo bờ Biển Đỏ. Ông muốn dùng du lịch và ngành công nghiệp giải trí để đưa vương quốc bước sang trang mới. Ông tin rằng thế giới đóng cửa càng lâu, thì vương quốc càng có nhiều thời gian để bắt kịp.

Phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ công bố kế hoạch cơ sở hạ tầng

Tuần này Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, thông báo đảng của ông đã đồng ý về một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 3,5 nghìn tỷ đô la. Tổng thống Joe Biden hy vọng đề xuất này, khi đặt kèm với một dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng riêng biệt đã thống nhất với phe Cộng hòa trị giá 1,2 nghìn tỷ đô la, sẽ giúp chuyển đổi nền kinh tế Mỹ.

Hai đề xuất sẽ được chuyển thành luật. Nhưng đàm phán rất khó khăn. Để thông qua dự luật lưỡng đảng, ông Biden vừa phải thuyết phục các thượng nghị sĩ cấp tiến, những người nói nó chi quá ít cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, vừa kêu gọi được ít nhất mười đảng viên Cộng hòa. Và để thông qua dự luật lớn hơn của các thượng nghị sĩ Dân chủ, ông còn phải xoa dịu phe trung dung trong đảng mình, những người phản đối đề xuất chi 6 nghìn tỷ đô la. Ông Schumer muốn đạt tiến bộ trước khi Quốc hội nghỉ họp vào tháng 8. Mùa thu này là cơ hội cuối cùng để đạt thỏa thuận trước khi mùa bầu cử giữa kỳ ở Mỹ khai mạc. Bởi vì khi ấy mọi chuyện sẽ trở nên rất phức tạp.

Đang có một làn sóng đầu tư vào fintech

Các công ty công nghệ tài chính từng là một phần tách biệt của cuộc bùng nổ công ty khởi nghiệp. Không còn nữa. Các nhà đầu tư giờ đây đang ném tiền vào lĩnh vực này. Các công ty fintech đã thu hút được con số kỷ lục 34 tỷ đô la vốn đầu tư mạo hiểm chỉ trong 3 tháng của quý 2. Làn sóng này phản ánh nhu cầu cao từ các nhà đầu tư khi xuất hiện các cuộc cách mạng kỹ thuật số trong lĩnh vực tài chính.

Làn sóng đầu tư cũng tập trung vào các công ty khởi nghiệp lớn nhất, khi nhiều hãng đang đạt mức định giá hàng tỷ đô la. Mới tuần trước Wise, một công ty chuyển tiền, đã lên sàn London với mức định giá gần 8,8 tỷ bảng Anh (12,2 tỷ USD). Các nhà đầu tư tổ chức, chẳng hạn như BlackRock, đang tìm cách đầu tư sớm vào các công ty khởi nghiệp có triển vọng trước khi ra công chúng nhằm hưởng lợi khi chúng tăng trưởng —dĩ nhiên là chấp nhận rủi ro. Một số công ty fintech có thể thất bại; còn số khác có thể phải vật lộn để duy trì đổi mới. Mặc dù định giá cao không phải lúc nào cũng hợp lý, nhưng rõ ràng fintech sẽ ngày càng chiếm phần lớn hơn trong ngành ngân hàng và thanh toán.