Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tổng thống Ashraf Ghani được cho là đã tháo chạy khỏi Afghanistan khi Taliban ra lệnh tiến quân vào thủ đô Kabul “để ngăn chặn cướp bóc.” Quyền Bộ trưởng Nội vụ nói sẽ có một “cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình” cho một chính phủ chuyển tiếp. Người ta nói người của Taliban đang đàm phán trong dinh tổng thống, với yêu cầu chính phủ Afghanistan phải đầu hàng vô điều kiện. Trong khi đó Mỹ đang gấp rút điều trực thăng đến di tản nhân viên đại sứ quán khỏi Kabul.
Tổng thống Joe Biden vẫn giữ nguyên lập trường, bất chấp những lời chỉ trích quyết định rút quân khỏi Afghanistan của ông, với lý do không muốn cuộc chiến tiếp diễn cho tới đời tổng thống Mỹ thứ 5. Mitch McConnell, lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện, gọi việc rút quân là một “thảm họa lớn, có thể đoán trước và đã có thể ngăn được.” Donald Trump, người đã khởi động tiến trình rút quân, gọi thắng lợi của Taliban là một “mớ hỗn độn bi thảm”.
Số người thiệt mạng trong trận động đất 7,2 độ richter ở Haiti vào hôm qua đã lên hơn 700, và còn có thể tăng thêm. Ngoài ra còn có hàng nghìn người bị thương. Dự báo thời tiết cho thấy cơn bão nhiệt đới Grace cũng đang tiến vào Haiti vào thứ Hai hoặc thứ Ba.
Trong bài phát biểu kỷ niệm 75 năm độc lập khỏi Anh, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông sẽ sớm tiết lộ một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 100 nghìn tỷ rupee (1,35 nghìn tỷ USD), lớn nhất trong lịch sử đất nước. Chính phủ của ông cũng sẽ đầu tư vào công nghệ xanh để giúp Ấn Độ độc lập năng lượng vào năm 2047.
Justin Trudeau cho biết Canada sẽ tổ chức bầu cử sớm vào ngày 20 tháng 9. Thủ tướng Canada rút đi hai năm vòng đời của chính phủ thiểu số của ông với hy vọng cử tri sẽ tưởng thưởng cho cách ông xử lý đại dịch covid-19. Thăm dò cho thấy Đảng Tự do của Trudeau có thể thắng hơn 170 ghế cần thiết để giành đa số ở nghị viện.
Hai nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ tiếp tục tranh cãi xem ai sở hữu quyền sử dụng từ “Cruise” cho xe của mình. Ford đã đệ đơn yêu cầu văn phòng bằng sáng chế của Mỹ hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu “Cruise” và “Super Cruise” của General Motors. Động thái này đến chưa đầy một tháng sau khi GM kiện Ford vi phạm nhãn hiệu của họ với công nghệ lái xe rảnh tay “Blue Cruise”.
Chi nhánh Mỹ của T-Mobile, một công ty viễn thông Đức, cho biết họ đang điều tra các tuyên bố trên một diễn đàn internet rằng ai đó đã xâm nhập vào máy chủ công ty và đang tìm cách bán dữ liệu của hơn 100 triệu khách hàng T-Mobile. Nếu được xác nhận, đây sẽ là vụ rò rỉ thông tin thứ năm của T-Mobile trong vòng chưa đầy ba năm.
TIÊU ĐIỂM
Thủ đô Kabul của Afghanistan rơi vào tay Tabilban
Người dân thủ đô Kabul hôm nay chứng kiến những cảnh tượng gần như không thể tin được chỉ vài ngày trước. Taliban trở lại nắm quyền, sau khi nhanh chóng áp đảo chính phủ do quốc tế hậu thuẫn. Tổng thống Ashraf Ghani đã bỏ chạy sang Tajikistan, trong khi bầu trời thành phố bận rộn với loạt trực thăng Mỹ di tản đại sứ quán. Kabul thất thủ sau khi Taliban đã đánh chiếm mọi thành phố lớn của đất nước. Dù được hậu thuẫn với hàng trăm tỷ đô la từ quốc tế suốt hơn 20 năm qua, chính phủ Afghanistan đã sụp đổ chỉ sau 8 ngày điên cuồng.
Bốn thập niên qua của Afghanistan đưa người dân nước này đi từ hết biến cố này đến biến cố khác. Nhưng nhiều người vẫn sửng sốt. Chiến dịch 20 năm của phương Tây đã thất bại thảm hại. Việc ông Ghani bỏ trốn cùng các đồng minh để lại một thảm họa nhân đạo lớn, với hàng trăm nghìn người được cho đã rời bỏ nhà cửa. Mỹ và các đồng minh rút quân với danh tiếng bị tổn hại, và để lại nhiều người Afghanistan cảm thấy như bị phản bội.
Tai họa chồng tai họa ở Haiti
Hôm nay lực lượng cứu hộ sẽ tiếp tục lụt soát đống đổ nát sau trận động đất 7,2 độ richter ở Haiti vào hôm thứ 7. Hy vọng còn người sống sót là rất nhỏ. Số người chết có thể sẽ tăng hơn so với con số 724 hiện tại.
Chính phủ Haiti đang chật vật giải quyết hậu quả, không chỉ vì họ là quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu. Nước này đã chìm trong bất ổn chính trị kể từ khi tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát hôm 7 tháng 7. Các băng đảng, vốn kiểm soát một số khu vực quan trọng cũng như các con đường đến thủ đô Port-au-Prince, sẽ gây khó cho việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, bao gồm nơi trú ẩn, thực phẩm và nước uống đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chưa hết, Haiti chuẩn bị đón một cơn bão nhiệt đới vào hôm nay hoặc ngày mai. Trận động đất năm 2010 từng khiến 200.000 người thiệt mạng. Năm nay cũng vậy, Haiti thiếu nguồn lực nên sẽ phải dựa vào viện trợ quốc tế.
Con đường phục hồi kinh tế khó khăn của Nhật Bản
Chiến dịch tiêm vắc-xin của Nhật Bản đang chậm trễ hơn các nước giàu khác. Chỉ 41% dân số nước này đã tiêm phòng đầy đủ, thấp nhất trong các nước G7. Cũng không quá ngạc nhiên khi nền kinh tế Nhật cũng đang trì trệ.
Các nhà kinh tế dự đoán khi số liệu GDP Nhật Bản trong quý hai được công bố hôm nay, chúng sẽ chỉ ở trên mức 0%. Thật ra đây là bước cải thiện, từ mức giảm hàng năm 3,9% của quý trước. Nhưng nó chẳng là gì khi so với các nước tiêm vắc-xin nhanh chóng, chẳng hạn như Mỹ.
Triển vọng quý 3 cũng không sáng sủa hơn. Thế vận hội Tokyo không giúp thúc đẩy tiêu dùng, vì người hâm mộ không được dự khán. Nhưng các chuyên gia y tế công tin là việc tổ chức sự kiện đã đi ngược lời kêu gọi người dân ở nhà của chính phủ. Không như nền kinh tế, số ca nhiễm đang tăng nhanh chóng, với con số hàng ngày của tuần trước lên mức cao kỷ lục.
Miền tây nước Mỹ khô hạn
Nước của Hồ Mead, hồ chứa lớn nhất nước Mỹ, đang ở mức thấp nhất kể từ khi được lấp đầy lần đầu vào những năm 1930. Con hồ này nằm giữa sông Colorado ở biên giới Nevada và Arizona, và việc nó nhỏ lại là bằng chứng rõ ràng nhất của hiện tượng siêu hạn hán kéo dài 22 năm qua bao trùm lên khu vực. Một mùa đông dịu hơn – hậu quả của nóng lên toàn cầu – đã thu hẹp lớp băng tuyết vốn cấp nước cho Colorado, dòng sông cung cấp nước và thủy điện cho 40 triệu người ở tây nam nước Mỹ.
Hôm nay, Cục Khai hoang, một cơ quan liên bang, sẽ tuyên bố tình trạng thiếu nước lần đầu tiên ở dòng sông này. Một hệ thống luật và giải quyết tranh chấp chắp vá khiến nguồn nước của nông dân Arizona bị cắt giảm. Song điều đáng lo ngại hơn là điều gì sẽ xảy ra nếu mực nước sông tiếp tục xuống thấp. Các nhà khoa học đang hối thúc giới chức miền tây thừa nhận “Hạn hán Thiên niên kỷ” là dấu hiệu của tương lai khô hạn hơn.