Việt Nam Mật Chiến (Phần 11)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Tiền Giang (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Chiến tranh Triều Tiên với việc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thu xếp viện trợ Việt Nam

Hạ tuần tháng 6 năm 1950, Phó Tư lệnh Dã Chiến Quân số 3 Túc Dụ [Su Yu] đáp tàu rời Nam Kinh đi Bắc Kinh. Các sĩ quan cấp sư đoàn, trung đoàn trong Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc, do Phó Trưởng đoàn Mai Gia Sinh dẫn đầu, ngồi cùng toa xe lửa riêng của tướng Túc Dụ. Theo lệnh của Quân uỷ Trung ương, hạ tuần tháng 7, Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc phải tập trung ở Nam Ninh. Trừ số cán bộ đã được Dã Chiến Quân số 2 cử đi biên giới Trung-Việt chỉnh huấn cho cán bộ Sư đoàn 308 bộ đội Việt Nam ra, các cán bộ cấp trung đoàn trở lên trong Đoàn cố vấn nói trên đều có cơ hội lên Bắc Kinh để các nhà lãnh đạo Trung ương tiếp kiến và giao nhiệm vụ. Tại Bắc Kinh, họ nghỉ tại Nhà Chiêu đãi của Trung ương Đảng. Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh đã đến đây từ trước.

Sách nói:

Các thành viên Đoàn Cố vấn quân sự đều là những chiến tướng suốt đời xông pha ngoài mặt trận, nhiều người chưa từng đến các đô thành, vì thế họ rất phấn khởi, nghĩ rằng lần này mình nhất định được đến Bắc Kinh gặp mặt lãnh tụ Mao Trạch Đông và nghe ông nói chuyện. Ai ngờ họ được thông báo: Hiện nay tình hình Triều Tiên vô cùng căng thẳng, các vị lãnh đạo Trung ương rất bận, tạm thời hoãn tiếp kiến.

Ngày 25/6/1950, chiến tranh quy mô lớn nổ ra trên bán đảo Triều Tiên. Vì thế buổi tiếp kiến lại bị hoãn lần nữa. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, các thành viên Đoàn Cố vấn đi tham quan một số danh lam thắng cảnh ở Bắc Kinh như Cố Cung, Vườn Di Hoà, Thiên Đàn, v.v…

Cuộc chiến tranh Triều Tiên mới đầu có lợi cho quân đội Bắc Triều Tiên của Kim Nhật Thành. Ngay hôm đầu họ vượt qua vĩ tuyến 38, thẳng tiến xuống phía nam. Ngày 28/6, họ chiếm được Hán Thành [tên cũ thủ đô Nam Triều Tiên, tiếng Anh là Hanseong, về sau đổi tên là Seoul]. Tin chiến thắng này truyền tới Bắc Kinh khiến người Trung Quốc vô cùng phấn khởi. Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc sắp đi Việt Nam cũng nhận được tin mừng: Sáng ngày 27, Chủ tịch Mao, Phó Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, Thủ tướng Chu Ân Lai, Tổng Tư lệnh Chu Đức sẽ tiếp kiến Đoàn.

Hôm ấy, hơn 40 thành viên Đoàn Cố vấn quân sự có mặt tại toà nhà Di Niên Đường trong Trung Nam Hải. Đáng tiếc là do tình hình Triều Tiên rất căng thẳng nên Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai chưa đến gặp Đoàn được.

Mở đầu buổi tiếp kiến, Lưu Thiếu Kỳ phát biểu:

“Nghe nói có đồng chí không muốn đi Việt Nam, phải không? Có lý do gì vậy? Ai có thì cứ nói ra, nếu lý do chính đáng thì có thể xem xét.”

Không ai nói gì cả. Thực ra hầu hết cố vấn đều quyết tâm phục tùng sự bố trí của cấp trên, hôm nay được vào Trung Nam Hải, họ càng tràn đầy cảm giác sứ mệnh chưa từng có. Trước đó, chỉ có cá biệt vài người nêu ý kiến không muốn đi Việt Nam.

Lưu Thiếu Kỳ nói tiếp:

“Không ai nói gì hả, thế thì tôi nói vậy. Lần này các đồng chí đi Việt Nam công tác là một sự kiện lớn. Đi hay không, là vấn đề nguyên tắc, cũng là vấn đề lập trường của người đảng viên cộng sản. Các đồng chí đều là đảng viên, chúng ta nên xem xét vấn đề này như thế nào? Nước ta đã giải phóng, nhưng Đài Loan cùng nhiều hải đảo chưa được giải phóng, trên đại lục hãy còn những kẻ địch giấu mặt và lũ tàn quân Quốc Dân Đảng. Cho nên nhiệm vụ của chúng ta còn rất nặng nề. Mao Chủ tịch nói đây chỉ là bước đầu tiên trên con đường trường chinh vạn dặm. Các đồng chí hiểu câu nói ấy như thế nào? Chúng ta giải phóng được đại lục, Tưởng Giới Thạch có thể cam tâm không? Bè lũ đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ có cam chịu không? Các đồng chí đã thăm Cố Cung phải không? Chẳng phải là Lý Tự Thành chiếm được Bắc Kinh đã vào Cố Cung đấy ư? Kết quả ra sao? Bộ đội của Lý Tự Thành kiêu căng tự mãn, không ngờ tới chuyện tàn quân nhà Minh cấu kết với quân nhà Thanh tiến vào đất Trung Quốc, đánh đuổi quân Lý Tự Thành. Ngày nay phía sau Tưởng Giới Thạch có đế quốc Mỹ hùng mạnh, nếu chúng câu kết với nhau phản công đại lục thì mối nguy ấy không phải là rất rõ ràng đó sao? Đảng viên cộng sản có thể thờ ơ với chuyện ấy được chăng?

Người cộng sản theo chủ nghĩa quốc tế, tức là chủ nghĩa yêu cầu không những phải giải phóng quốc gia và dân tộc mình, mà còn phải giải phóng tất cả các quốc gia và dân tộc trên thế giới, kể cả nhân dân bị áp bức tại các nước đế quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Các đồng chí thử nghĩ xem, nhiệm vụ này to lớn và gian khổ biết chừng nào!

Thắng lợi của chúng ta hiện nay mới chỉ là bắt đầu, chưa phải là đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta không có lý do thoả mãn, kiêu ngạo, không được có tư tưởng hưởng lạc, thả lỏng. Việt Nam chịu sự xâm lược và áp bức của bọn đế quốc chẳng kém gì Trung Quốc, nỗi đau khổ của họ còn nặng hơn chúng ta, như nước sôi lửa bỏng. Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng gần, nhân dân vùng biên giới có quan hệ họ hàng với nhau. Trước các khó khăn của người Việt Nam, chúng ta có thể bàng quan được chăng? Có thể ngồi yên không cứu họ chăng? Nếu Việt Nam lại bị Pháp chiếm đóng thì biên giới của ta có thể an toàn được không? Nếu họ bị Pháp chinh phục thì chúng ta sẽ bị đe doạ trực tiếp. Bởi vậy viện trợ Việt Nam vừa là nghĩa vụ chủ nghĩa quốc tế, cũng là để củng cố thắng lợi của chúng ta.

Trong quá trình cách mạng của Trung Quốc, đã có nhiều người cộng sản các nước khác tham gia cuộc đấu tranh của chúng ta và đổ máu hy sinh, trong đó có các đồng chí Việt Nam, Triều Tiên và nhiều nước khác. Họ đấu tranh vì cái gì thế? Đó là tinh thần chủ nghĩa quốc tế. Ta phải học tập họ, chớ nên chỉ nhìn cái trước mắt, chỉ nhìn thấy cái gia đình nhỏ của mình, chỉ nghĩ tới lợi ích trước mắt. Phải nhìn xa hơn, phải mở rộng tấm lòng, thế mới là khí phách người cộng sản.

Cách mạng Việt Nam sẽ không quá nhanh chóng thắng lợi, vì kẻ địch của họ là bè lũ đế quốc. Theo tôi, họ cần ba năm chuẩn bị. Năm nay cần trang bị vũ khí cho tốt, huấn luyện bộ đội cho giỏi, sang năm có thể đánh những trận quan trọng.”

Tổng Tư lệnh Chu Đức nhẹ nhàng nói:

“Tôi hoàn toàn đồng ý với lời Phó Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ. Đảng viên cộng sản thì phải như thế. Lần này các đồng chí đi Việt Nam, nhiệm vụ rất nặng nề và gian khổ, đồng thời rất vẻ vang. Các đồng chí đi làm việc gì? Không phải là làm ngoại giao, mà là đi giúp người ta đánh giặc, phải ra mặt trận. Giúp không phải là làm thay, không được đẩy người ta ra ngoài, không được dựa ý chí chủ quan mà chỉ huy người ta. Mà phải có chủ kiến, nghĩ ra biện pháp. Lúc thường thì giới thiệu kinh nghiệm của ta, khi ra trận thì giúp họ phân tích tình hình địch, nêu ra ý kiến của mình.

Phải tìm hiểu tình hình thực tế của người ta. Họ cũng có kinh nghiệm của họ, không được coi nhẹ kinh nghiệm của họ. Khi giới thiệu kinh nghiệm của ta cũng phải thích hợp với tình hình thực tế của họ, không được máy móc làm theo kinh nghiệm của ta. Ví dụ về đại thể, họ có tình hình giống như tình hình của ta thời kỳ kháng chiến chống Nhật, phải chăng nên lấy du kích chiến làm chính? Khi điều kiện có lợi thì đánh một số trận vận động chiến? Còn nói về phương thức tác chiến cụ thể, theo tôi thì các kinh nghiệm của ta có thể thích hợp với họ. Muốn đánh thắng, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng bộ đội. Theo tôi, kinh nghiệm xây dựng quân đội ta có thể dùng được cho họ. Đó là phải xây dựng một quân đội nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Phải làm tốt mối quan hệ quân – dân, quan hệ quân đội – chính quyền, quan hệ sĩ quan với binh lính.

Nghe nói Việt Nam còn đang rất gian khổ. Các đồng chí phải chuẩn bị chịu khổ, phải mang theo tác phong gian khổ giản dị, như thế mới nêu gương cho người ta.”

Nói đến đây, Tổng Tư lệnh Chu Đức lấy tay gõ nhẹ lên tờ giấy trên bàn, cầm tờ giấy ấy lên và nói:

“Tôi đã đọc bản danh mục vật dụng các đồng chí được cấp phát mang theo người, trong đó có một số thứ không cần thiết lắm, ví dụ như giầy da……”

Đó là bản kê những vật dụng Đoàn Cố vấn quân sự đề nghị được Trung ương cấp phát cho mỗi người trước khi xuất ngoại, gồm đồng hồ đeo tay, bút máy loại tốt, giày da.

Rõ ràng Tổng Tư lệnh Chu Đức không hài lòng lắm, ông nói:

“Đến Việt Nam các đồng chí sẽ ở nông thôn, ở vùng ruộng lúa, đầm nước, núi rừng gì gì đó, giày da sẽ không có mấy tác dụng đâu, vác giày lên vai thì nặng vai. Nên mang vài đôi giày vải hoặc giày rơm có lẽ tiện dùng hơn. Đồng hồ đeo tay, phải chăng mỗi người đều cần một cái? Theo tôi, chỉ cán bộ lãnh đạo có là được. Lại còn bút máy Parker nữa, nghe nói mỗi chiếc giá mấy trăm nghìn đồng (tiền cũ hồi ấy, 10 nghìn đồng bằng 1 đồng Nhân Dân Tệ). Viết chữ đẹp đâu phải nhờ viết bằng bút nào. Mao Chủ tịch viết chữ rất đẹp mà có dùng bút Parker đâu, chỉ có mấy chiếc bút lông thôi, có lúc cũng dùng bút chì. Theo tôi, bút máy nhãn hiệu Tân Hoa ta mới sản xuất cũng khá lắm, vừa rẻ vừa tốt, có thể phát cho mỗi người một cái. Còn về trang phục, cũng chẳng cần như các cán bộ ngoại giao, yêu cầu dùng vải loại này loại kia. Đội du kích chúng ta đều mặc quần áo dân thường, gần đây thành lập một số đơn vị bộ đội chính quy, nghe nói quân phục chính quy còn chưa cấp phát đủ. Chúng ta có thể may một số trang phục kiểu đồng phục quân đội là được, không cần đòi hỏi đặc biệt……”

Đặng Dật Phàm bất ngờ nhận nhiệm vụ

Sáng hôm ấy (27/6/1950) Đặng Dật Phàm dự định không đi đâu cả, chỉ ở nhà chờ vé tàu đi Nam Kinh nhận công tác tại Tổng cục Chính trị Giải phóng quân. Ai ngờ bỗng dưng có cán bộ mang xe đến đón đi gặp Lưu Thiếu Kỳ, vốn là thủ trưởng cũ của Đặng Dật Phàm. Xe chạy thẳng tới hội trường Di Niên Đường trong Trung Nam Hải. Nhìn vào trong nhà, thấy có Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh. Lưu Thiếu Kỳ ra đón và nói Trung ương quyết định cử Đặng Dật Phàm tham gia lãnh đạo Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc đi Việt Nam công tác, bây giờ cả đoàn đang họp ở đây chờ Chủ tịch tiếp kiến.

Khi biết là quyết định của Trung ương, Đặng Dật Phàm liền nói: “Tôi phục tùng sự phân công của tổ chức!”

Đặng Dật Phàm vào trong hội trường ngồi chờ. Được một lúc thì Chủ tịch Mao Trạch Đông đến. Mọi người đứng cả dậy vỗ tay hoan nghênh. Chủ tịch bắt tay từng người, thậm chí còn hỏi tên tuổi, quê quán và chức vụ của họ.

(còn nữa)