Thế giới hôm nay: 25/08/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Taliban nói người Afghanistan không nên đến sân bay Kabul để được sơ tán bởi các nước phương Tây vì ở đó đang rất hỗn loạn. Phát ngôn viên của nhóm cũng yêu cầu Mỹ không khuyến khích người dân rời đất nước, vì Afghanistan cần “tài năng của họ”. Trong khi đó, xuất hiện thông tin cho thấy giám đốc CIA William Burns đã gặp Abdul Ghani Baradar, thủ lĩnh trên thực tế của Taliban, hôm thứ Hai ở Kabul. Đây là cuộc gặp ngoại giao cấp cao nhất giữa Mỹ và Taliban kể từ khi nhóm này chiếm được thủ đô hồi đầu tháng, có lẽ để thảo luận xem quân đội Mỹ có thể ở lại Afghanistan sau ngày 31/8 hay không. Tổng thống Joe Biden đang chịu áp lực rất lớn, yêu cầu ông kéo dài thời hạn sơ tán.

Enrique Tarrio, thủ lĩnh nhóm cực hữu Proud Boys ở Mỹ, bị kết án hơn 5 tháng tù giam. Ông này bị kết tội vì đốt lá cờ Black Lives Matter giật đổ từ một nhà thờ da đen lâu đời ở Washington, DC vào năm ngoái, và vì tàng trữ các băng đạn sát thương lớn vài ngày trước vụ nổi loạn ở Điện Capitol ngày 6 tháng 1.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hạ cánh muộn đến Hà Nội vì xuất hiện báo cáo về “khả năng sự cố y tế bất thường.” Cách nói này thường để ám chỉ “hội chứng Havana” — một chứng bệnh bí ẩn đang tác động đến các nhà ngoại giao Mỹ mà CIA cho rằng do bị tấn công bởi một quốc gia thù địch. Trong khi đó, bà Harris nói Trung Quốc cố tình cưỡng ép các nước khác thông qua “các yêu sách trái pháp luật” ở Biển Đông.

Hồng Kông tăng cường kiểm duyệt phim theo luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc. Các cơ quan kiểm duyệt sẽ kiểm tra bất kỳ bộ phim nào từ “quá khứ, hiện tại hoặc tương lai” để tìm các nội dung mang tính nổi loạn. Nếu chiếu phim cấm có thể phải ngồi tù ba năm và bị phạt 130.000 đô la. Luật này cần được cơ quan lập pháp Hồng Kông thông qua, một điều quá dễ đoán khi nghị viện không có nhân vật đối lập nào.

Hakainde Hichilema tuyên thệ nhậm chức tổng thống mới của Zambia. Ông thắng ấn tượng trong cuộc bầu cử ngày 12 tháng 8, hơn người đương nhiệm tới khoảng 1 triệu phiếu, dù giới quan sát lo ngại có gian lận chống lại ông. Tại lễ nhậm chức, vị cựu doanh nhân hứa sẽ tập trung “khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô” sau khi Zambia vỡ nợ vào tháng 11 năm ngoái.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Nam Phi tăng lên 34,4% trong ba tháng tính đến cuối tháng 6, từ mức 32,6% của quý trước. Đây là mức cao nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2008. Phụ nữ và người da đen đặc biệt dễ mất việc làm. Dù đại dịch phá hủy nhiều công ăn việc làm, nhưng dấu tích của chế độ apartheid và chính sách lao động không rõ ràng đã gây ra thất nghiệp hàng loạt từ lâu.

TIÊU ĐIỂM

Chân dung Ahmad Masoud, thủ lĩnh chống Taliban của Afghanistan

Ahmad Masoud đã dành nhiều năm tích trữ vũ khí vì ông biết ngày này có thể đến. Masoud dẫn đầu một nhóm phiến quân có vũ trang từ Panjshir, một tỉnh miền núi nhỏ bé, hiện là phần duy nhất của Afghanistan không nằm dưới sự kiểm soát của Taliban. Nhưng các chiến binh thánh chiến đang trên đường tới. Ông nói, nếu họ đến mà không có vũ khí, họ có thể tham gia đàm phán hòa bình. Nhưng nếu họ đến mang theo súng, họ sẽ gặp sự kháng cự. Các báo cáo về giao tranh trong những ngày gần đây cho thấy sự lựa chọn đã được thực hiện.

Masoud có nét giống cha mình, Ahmad Shah Masoud, người được tôn kính ở Afghanistan như một anh hùng cách mạng. Anh cả Masoud là một chỉ huy lực lượng mujahideen người Tajikistan, người đã chiến đấu chống Liên Xô trong những năm 1980 và chống Taliban trong những năm 1990. Năm 2001, ông cảnh báo thế giới rằng Osama bin Laden có thể sử dụng Afghanistan làm căn cứ khủng bố. Sau đó, hai ngày trước vụ tấn công 11/9, ông bị al-Qaeda ném bom, sau đó không lâu thì chết vì vết thương. Con trai của ông sinh năm 1989 ở Afghanistan và được giáo dục ở Iran và Anh, tiếp thu một số tư tưởng phương Tây về tự do cá nhân. Tầm nhìn của Masoud đối với Afghanistan là một quốc gia phi tập trung với quyền tự trị khu vực dành cho các nhóm dân tộc và một “chính phủ bao trùm”.

Việc Taliban chiếm được Kabul sớm hơn dự kiến ​​đã khiến lực lượng của Masoud ở Panjshir bị căng ra. Chỉ cách Kabul 70 km về phía bắc, người ta chỉ có thể tiến vào thung lũng hình bầu dục dài của Panjshir thông qua một hẻm núi dốc. Các thị trấn của nó đang tràn ngập những người tị nạn và những binh lính muốn đáp lại lời kêu gọi vũ trang của Masoud. Khu vực này cũng là nơi ẩn náu của phần còn lại của chính phủ Afghanistan. Khi Tổng thống Ashraf Ghani chạy trốn khỏi Afghanistan, phó tổng thống người Panjshir của ông, Amrullah Saleh, đã về quê và tự xưng là tổng thống tạm quyền.

Seleh và Masoud cùng nhau kiểm soát Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan. Panjshir đang bị bao vây. Taliban được trang bị đầy đủ vũ khí, trong khi Masoud thừa nhận rằng kho vũ khí của chính mình sẽ không tồn tại được lâu. Ông khó có thể nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ Mỹ và các đồng minh trong khi Taliban đang hợp tác với họ để cho phép di tản khỏi Kabul. Một trong những tia hy vọng cuối cùng ở Afghanistan có thể sớm biến mất.

Số phận bế tắc của người Rohingya

Để tránh bị đàn áp ở Myanmar hay sống chui lủi trong các trại tị nạn Bangladesh, ngày càng nhiều người Hồi giáo Rohingya đang tìm cách chạy trốn bằng đường biển. Nhưng một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho thấy làm vậy còn nguy hiểm hơn cho họ. Số người thiệt mạng từ các chuyến đi biển này (xuất phát từ cả hai nước) đã tăng lên gấp 8 lần trong năm 2020 so với 2019, một phần vì đại dịch khiến họ không có lựa chọn đi lại khác. Tình hình này khiến số người tị nạn trên biển của thế giới lên cao nhất kể từ “khủng hoảng thuyền nhân” 2015.

Đã 4 năm trôi qua kể từ khi quân đội Myanmar trục xuất hàng trăm nghìn người Rohingya trong một cuộc diệt chủng. Gần 1 triệu người Rohingya sống trong 34 khu định cư tị nạn ngay bên kia biên giới Bangladesh, với tình hình xấu đi rõ rệt kể từ khi chính phủ Bangladesh và các chính phủ khu vực áp đặt hạn chế chống covid-19. Đại dịch khiến số nhân viên cứu trợ trong các trại giảm 80%, dẫn đến nạn đói nghèo trong khi các băng đảng tội phạm liên tục gieo bạo lực, khiến nhiều người Rohingya chỉ còn cách lênh đênh trên Vịnh Bengal.

Thất nghiệp giảm ở EU, nhưng chưa đủ

Hoạt động kinh doanh và việc làm đang hồi phục mạnh mẽ ở khu vực đồng euro. Dữ liệu khảo sát của hãng nghiên cứu IHS Markit cho thấy tăng trưởng việc làm lên mức cao nhất 21 năm qua vào tháng 7 và tháng 8. Các nhà hoạch định chính sách sẽ coi đây là bằng chứng ủng hộ cho chính sách trong đại dịch của họ. Cho đến nay họ đã tăng cường và mở rộng khả năng tiếp cận các chương trình duy trì việc làm hào phóng hiện có.

Những chương trình này giúp giảm thiểu thất nghiệp trong khủng hoảng. Nhưng tỉ lệ tham gia lao động vẫn giảm và so với trước đại dịch vẫn ít hơn 3,3 triệu việc làm. Ngân hàng Trung ương Châu Âu gần đây đã nhấn mạnh điều này khi giải thích quyết định tiếp tục mua tài sản của họ.

Các biện pháp đặc biệt đang ngày càng ít hào phóng hơn và hầu như bị cắt giảm. Làm vậy sẽ giảm bớt áp lực lên tài chính công. Nhưng nếu nhu cầu lao động không đủ mạnh thì có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp dài hạn, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Sẽ có nhiều tiếng nói yêu cầu tiếp tục hào phóng.

Miền nam Madagascar hạn hán trầm trọng

Phần lớn miền nam Madagascar đang khô cạn. Hồi tuần trước Liên Hợp Quốc đã kêu gọi 155 triệu đô la để cứu những sinh mạng đang bị hạn hán đe dọa. Một số khu vực thậm chí chẳng có giọt mưa nào trong bốn năm qua, trong khi chứng suy dinh dưỡng có chiều hướng gia tăng. Những gia đình túng quẫn, đói khổ đang phải bán con gái chưa đủ tuổi thành niên để mua thức ăn.

Trong bối cảnh sắp đến COP26, hội nghị về biến đổi khí hậu do Liên Hợp Quốc tổ chức, một số quan chức của tổ chức này nói hạn hán khiến người dân Madagascar trở thành nạn nhân của lượng khí thải carbon cao do các nước công nghiệp phát triển thải ra. Nói như vậy cũng đúng. Nhưng vùng này đã bị chính phủ phớt lờ suốt nhiều thập niên qua, dù liên tục bị hạn hán. Họ không có đường nhựa và cũng không có nước sạch. Việc này khiến những cánh đồng màu mỡ dần kém đi vì bão cát. Những người này cần được cứu. Nhưng nếu không có phát triển kinh tế dài hạn họ sẽ còn tiếp tục khốn khổ.