Thế giới hôm nay: 12/10/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hơn một phần ba người Mỹ sống ở những địa phương mà các giường hồi sức cấp cứu trong bệnh viện phải hoạt động gần đầy công suất, theo dữ liệu liên bang mới. Một phân tích của Thời báo New York về thông tin địa lý chi tiết của covid-19 trong các bệnh viện, được công bố lần đầu, cho thấy cứ mười người Mỹ thì có một người sống ở những khu vực mà các đơn vị hồi sức cấp cứu đã kín chỗ hoặc có ít hơn 5% số giường khả dụng. Nhiều trong số họ là ở vùng Trung Tây.

Cảnh sát cho biết 5 người đã thiệt mạng hôm thứ Hai vì bạo lực liên quan đến bầu cử ở Ghana. Tổng cộng có hơn 60 vụ bạo lực. Các nhà quan sát độc lập trước đây từng ca ngợi nước này tiến hành các cuộc bầu cử trong hòa bình. Nhưng căng thẳng đã gia tăng vào đầu tuần này khi cả tổng thống đương nhiệm, Nana Akufo-Addo, và đối thủ chính của ông, John Mahama, một cựu nguyên thủ quốc gia, đều tuyên bố dẫn trước.

UAE đã phê duyệt vắc xin covid-19 phát triển bởi Sinopharm, một tập đoàn dược phẩm quốc doanh Trung Quốc, trở thành nước mua vắc-xin đầu tiên làm như vậy. Theo phân tích tạm thời trong một thử nghiệm giai đoạn 3, các quan chức UAE cho biết loại vắc-xin đã đạt hiệu quả 86%. Đây là tin tốt cho Trung Quốc khi nước này kỳ vọng dẫn đầu thế giới về vắc-xin.

Một quan chức Iran cho biết những kẻ tình nghi trong vụ giết Mohsen Fakhrizadeh đã bị bắt. Nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran bị bắn trong đoàn xe được bảo vệ an ninh của ông vào ngày 27 tháng 11. Cố vấn quốc hội Iran thông báo về vụ bắt giữ cũng cho biết các bằng chứng dẫn đến “những kẻ theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái” – tức Israel.

Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, việc giam giữ hàng nghìn người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc đang được “đẩy nhanh” bởi công nghệ. Dữ liệu cảnh sát bị rò rỉ cho thấy người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương bị chọn ngẫu nhiên để bắt giữ bằng một chương trình máy tính nhằm xác định các hành vi như đi ra nước ngoài, mặc quần áo tôn giáo hoặc học Kinh Qur’an.

Chính phủ Úc ban hành luật buộc FacebookGoogle phải trả tiền cho các hãng tin của Úc để đăng tin tức trên Facebook NewsFeed và Google Search. Bộ trưởng tài chính Úc Josh Frydenberg cho biết luật đề xuất này sẽ làm cho ngành truyền thông “bền vững và khả thi”. Facebook nói luật này “hiểu lầm cách hoạt động của internet” và trước đó đã cảnh báo họ có thể đơn giản là chặn tin tức của Úc.

Gol, một hãng hàng không Brazil, vừa trở thành hãng hàng không đầu tiên trên thế giới bay lại Boeing 737 MAX. Dòng máy bay này bị cấm bay sau hai vụ tai nạn chết người, được cho là do hệ thống cân bằng bị lỗi. Boeing đã phải chịu nhiều điều tiếng về nỗ lực ban đầu của hãng để đẩy nhanh phê duyệt cho chuyến bay. Chỉ mới có Mỹ và Brazil chứng nhận lại cho 737 MAX.

TIÊU ĐIỂM

Các nhà khoa học Mỹ họp về vắc-xin Pfizer-BioNtech

Hôm nay, một ủy ban gồm các chuyên gia khoa học độc lập sẽ họp tại Mỹ để xem xét các dữ liệu liên quan đến vắc-xin covid-19 của Pfizer-BioNTech và bỏ phiếu xem có nên Cấp phép Sử dụng Khẩn cấp hay không. Anh, Canada và Bahrain đã cấp phép trong khi FDA Mỹ cũng cho biết nó an toàn và hiệu quả. Điều này làm dấy lên hy vọng ủy ban sẽ ra đề nghị tiếp tục quy trình.

Mặc dù các khuyến nghị của nó không ràng buộc, nhưng FDA thường tuân theo chúng. Cuộc họp được truyền hình trực tuyến và công khai, điều các chuyên gia y tế công kỳ vọng sẽ tạo niềm tin rằng việc phê duyệt vắc xin là một quyết định khoa học chứ không phải chính trị. Hôm qua có tin hai nhân viên y tế ở Anh bị dị ứng vắc-xin; cả hai đều có tiền sử dị ứng nghiêm trọng. Trong năm nay niềm tin vào vắc xin đã suy giảm. Cần phải khôi phục niềm tin để đảm bảo quá trình triển khai được thành công.

Hội nghị thượng đỉnh EU

Vòng thương lượng cuối cùng trị giá 1,8 nghìn tỷ euro (2,2 nghìn tỷ USD) sẽ là trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh giữa các lãnh đạo EU tại Brussels vào cuối ngày hôm nay. Hungary và Ba Lan đã từ chối ký vào cả ngân sách 1 nghìn tỷ euro trong 7 năm của EU, và kế hoạch riêng biệt trị giá 750 tỷ euro được đồng ý hồi mùa hè này để lần đầu tiên phát hành trái phiếu chung trên quy mô lớn. Bế tắc này bắt nguồn từ tranh cãi về các quy định “pháp quyền” gắn liền với ngân sách của EU, theo đó trừng phạt các nước chà đạp lên hệ thống tư pháp của mình.

Các lãnh đạo Hungary và Ba Lan nói kế hoạch đi quá xa. Một bản thảo thỏa hiệp phút cuối sẽ đính kèm một tuyên bố của các lãnh đạo giải thích khi nào và cách thức các quy tắc mới sẽ được thực thi. Khi vấn đề này được sắp xếp xong, các lãnh đạo EU có thể chuyển sang các chủ đề mà họ dự định thảo luận ngay từ đầu. Ví dụ như mục tiêu đầy tham vọng nhằm cắt giảm lượng khí thải xuống còn 55% mức của năm 1990, một điều đang gây tranh cãi. Hết tranh cãi này lại đến tranh cãi khác.

Ban kiểm soát Volkswagen xem xét gia hạn hợp đồng cho CEO

Hôm nay, ban kiểm soát của Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, sẽ họp để thảo luận gia hạn hợp đồng cho Herbert Diess, giám đốc điều hành. Hợp đồng hiện tại của ông Diess có thời hạn đến năm 2023, vì vậy gia hạn bây giờ chính là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào khả năng lãnh đạo của ông. Ông cần được hỗ trợ rõ ràng từ ban để tăng cường sức mạnh của ông trong các cuộc đụng độ với công đoàn.

Họ đang chỉ trích ý định của ông là cắt giảm lực lượng lao động dư thừa của thương hiệu VW — thương hiệu lớn nhất cho đến nay trong số 12 thương hiệu của tập đoàn — và tăng lợi nhuận cho nó. Ông cũng muốn cài đặt các đồng minh làm giám đốc tài chính và giám đốc mua sắm; cả hai vai trò đều là trọng tâm trong nỗ lực tăng hiệu quả VW của ông. Các đại diện của công đoàn, những người chiếm một nửa trong số 20 ghế của ban kiểm soát, đã ra dấu hiệu sẵn sàng thỏa hiệp về hai vị trí này, nhưng không chắc liệu họ có bỏ phiếu gia hạn hợp đồng cho ông Diess hay không.

Argentina có thể nới lỏng quy định về phá thai

Hôm nay, cơ quan lập pháp Argentina thảo luận vấn đề phá thai. Chính phủ của Tổng thống Alberto Fernández tự tin họ có đủ số phiếu để cho phép tất cả phụ nữ tiếp cận hợp pháp với thủ tục phá thai trong 14 tuần đầu của thai kỳ. Hiện tại, phá thai là bất hợp pháp trừ các trường hợp bị hãm hiếp hoặc gây nguy hiểm cho sức khỏe của người mẹ. Nhưng một vụ hồi năm ngoái — trong đó một trẻ 11 tuổi bị cưỡng hiếp đã sinh con sau nhiều tuần cố tình trì hoãn của bệnh viện địa phương — đã gây ra biểu tình rộng rãi.

Nếu biện pháp này được thông qua, Argentina sẽ là quốc gia Mỹ Latinh lớn nhất nới lỏng các hạn chế. Hàng ngàn người dự kiến sẽ tuần hành cả ủng hộ và phản đối. Một chiến thắng cho ông Fernández sẽ hoàn thiện lời hứa bầu cử và làm hài lòng những người ủng hộ ông đồng thời gửi một thông điệp đi khắp lục địa. Nhưng nó sẽ khiến Đức Giáo hoàng Francis vốn sinh ra ở Argentina khó chịu, khi mà ông từng so sánh việc phá thai với thuê “sát thủ”. Song, ngay cả phản đối từ Giáo hoàng dường như cũng không thể ngăn cản nó.

Nhiều người Balkan tin vào thuyết âm mưu covid-19

Theo một nghiên cứu được công bố hôm nay bởi các nước Balkan trong Nhóm Cố vấn Chính sách châu Âu, hơn 77% công dân các quốc gia tây Balkan tin vào một hoặc nhiều thuyết âm mưu covid-19. Chúng bao gồm các khẳng định rằng virus này là một trò lừa bịp, liên quan tới công nghệ 5G hoặc được phát tán để cho phép Bill Gates gắn chip vào cơ thể người cùng vắc xin. Có tới 53,4% số người được hỏi cho biết họ không sẵn sàng tiêm thuốc.

Niềm tin thấp vào chính phủ —cùng với nhiều thập niên các chính trị gia Balkan ra rả với người dân rằng họ đang bị kẻ thù bao vây — giúp giải thích tại sao những niềm tin như vậy lại phổ biến trong khu vực. Nhưng có những ngoại lệ đáng kể. Albania có nhiều người tin vào thuyết âm mưu hơn các nước khác. Và ở một số quốc gia, các nhóm dân tộc thiểu số thường tin vào thuyết âm mưu hơn. Trong số những người Serbia ở Kosovo, 93,7% tin rằng ngành công nghiệp dược phẩm đã tạo ra virus — trong khi 89,6% dự định từ chối vắc-xin.