Việt Nam Mật Chiến (Phần 13)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Tiền Giang (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Trung tuần tháng 6 năm 1950, Phó Tư lệnh Quân khu Tây Nam kiêm Tư lệnh Binh đoàn 4, Trần Canh [陈赓 Chen Geng, 1903-1961], nhận được điện báo từ Trung ương, ra lệnh cho ông thay mặt Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sang Việt Nam giúp bộ đội Việt Nam tổ chức và thực thi chiến dịch biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

Trong bức điện gửi Trần Canh ngày 18/6/1950, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc viết:

Đồng chí đi Việt Nam, ngoài việc cùng phía Việt Nam bàn bạc giải quyết một số vấn đề cụ thể ra, nhiệm vụ chính của đồng chí là căn cứ vào tình hình các mặt của Việt Nam (kể cả tình hình quân sự, chính trị, kinh tế, địa hình, giao thông) và khả năng viện trợ của chúng ta (đặc biệt chú ý điều kiện chuyên chở vật tư viện trợ) vạch ra một kế hoạch quân sự đại thể khả thi, để căn cứ vào kế hoạch đó mà cung cấp các loại viện trợ, trước sau lần lượt vận chuyển các loại hàng viện trợ, và tiến hành huấn luyện cán bộ, chỉnh đốn biên chế bộ đội, tăng cường binh lực, tổ chức hậu cần, tiến hành tác chiến. Kế hoạch đó phải phù hợp thực tế, và phải được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý. Gần đây Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nêu ra rất nhiều yêu cầu, họ dự định trong năm 1950 tổ chức và trang bị một lực lượng bộ đội gồm 6 sư đoàn, khoảng 100 nghìn binh sĩ. Chúng tôi cảm thấy yêu cầu của họ thiếu kế hoạch chặt chẽ, hầu như không phù hợp thực tế lắm, khó mà thực thi được. Đặc biệt là điều kiện vận chuyển, và điều kiện kinh tế Việt Nam trước mắt, chưa thể tổ chức được một lực lượng quân đội lớn như thế. Hy vọng đồng chí, sau khi tìm hiểu tình hình các mặt của họ, có thể phối hợp cùng Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, đưa ra một kế hoạch khả thi. Đồng thời cũng lập kế hoạch chúng ta viện trợ họ, báo cáo Trung ương ta phê chuẩn và sau đó thực hiện.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, tình hình thiên biến vạn hoá khó lường. Ngày 21/6, La Quý Ba gửi điện báo cáo Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc: Bộ đội Việt Nam ở phía Lào Cai thiếu lương thực, khó có thể thi hành phương án tác chiến đã ấn định, vì thế Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam và Tổng Quân uỷ Việt Nam quyết định tạm thời bỏ chiến dịch Lào Cai, chuyển sang tiến hành chiến dịch Cao Bằng, tranh thủ bắt đầu từ hạ tuần tháng 7. Xét tới tình hình Sư đoàn 308 [bộ đội Việt Nam] chỉnh huấn tại Vân Nam tương đối quen biết Cao Bằng, đã dự định điều Sư đoàn này đi Cao Bằng tác chiến.

Sau khi nhận được bức điện nói trên, ngày 22/6, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi điện cho Trần Canh yêu cầu ông chuẩn bị lên đường thật sớm, sang Việt Nam giúp họ tổ chức chiến dịch. Cùng hôm đó, Mao Trạch Đông gửi điện cho ban lãnh đạo tỉnh Quảng Tây:

“Hiện nay có khoảng 10 nghìn bộ đội Việt Nam đang chỉnh huấn tại Vân Nam, họ chuẩn bị từ ngày 12 đến 15 sẽ hành quân từ Nghiên Sơn, hạ tuần tháng 7 đến Tĩnh Tây [thuộc tỉnh Quảng Tây] và chuẩn bị [về Việt Nam] tác chiến. Đề nghị các đồng chí chỉ thị cho các đơn vị dọc đường giúp đỡ bộ đội Việt Nam, và chọn giúp họ địa điểm tập trung, chuẩn bị sẵn cho họ lương thực dùng trong một tháng. Lực lượng bộ đội Việt Nam ấy, sau khi đến Tĩnh Tây, nếu họ còn thiếu súng đạn và có đề nghị các đồng chí bổ sung, thì các đồng chí phải tận sức giúp họ.

Trần Canh làm việc quyết đoán, ông lập tức xác định danh sách nhóm cán bộ sẽ cùng mình đi Việt Nam công tác. Họ gồm có: Tằng Diên Vĩ, Trưởng ban Tuyên truyền Binh đoàn số 4; Vương Chấn Phu, Phó Trưởng ban Tác chiến Binh đoàn này; Dương Tiến Phó, Trưởng ban Quân giới Binh đoàn; Lưu Sư Tường, Phó Trưởng ban Cơ yếu Binh đoàn; Lương Trung Ngọc, Trưởng ban Tác chiến Quân đoàn 14; Trương Nãi Chiêm, Trưởng ban Hậu cần; Vương Nghiên Tuyền, Phó Sư đoàn trưởng; Đỗ Kiến Hoa, Trung đoàn trưởng pháo binh.

Cùng Trần Canh đi Việt Nam còn có Hoàng Cảnh Văn, 36 tuổi, nguyên Tham mưu trưởng Tung đội Biên khu, và Hoàng Vi, Chính uỷ Trung đoàn. Hai cán bộ này đều là người thông thạo Việt Nam. Năm 1945, sau khi Nhật thua trận đầu hàng, theo thoả thuận giữa Quốc Dân Đảng với Đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ lực Tung đội Đông Giang, do Tư lệnh Tằng Sinh chỉ huy, từng kiên trì kháng chiến trong vùng địch hậu, sẽ rút quân bằng đường biển đến Yên Đài, thuộc tỉnh Sơn Đông. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ thị: Lực lượng vũ trang Nam Lộ Quảng Đông sẽ kiên trì đánh du kích tại vùng biên khu Việt Quế. Tháng 2/1946, do quân đội Quốc Dân Đảng gây sức ép, phần lớn Trung đoàn 1 chủ lực vũ trang Nam Lộ, do Trung đoàn trưởng Hoàng Cảnh Văn chỉ huy, đã rút lui, vượt biên giới vào Việt Nam, đóng quân tiến hành chỉnh huấn –– việc này đã được Cục Phương Nam, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, bàn bạc thống nhất với Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bộ đội Giải phóng quân do Hoàng Cảnh Văn chỉ huy, sau khi vào Việt Nam, từng hiệp trợ bộ đội Việt Nam tác chiến với quân đội Pháp ở Bắc Giang và Bắc Ninh, được phía Việt Nam khen ngợi. Vì thế tháng 10/1946, Hoàng Cảnh Văn được mời làm Cố vấn trường Bộ binh cao cấp của Việt Nam tại Nghệ An. Hoàng Cảnh Văn lấy bí danh là “Trần Quang”, chịu khó học thạo tiếng Việt. Tháng 10 năm 1947, đơn vị bộ đội Giải phóng quân chỉnh huấn tại Việt Nam trở về Trung Quốc, được biên chế vào “Tung đội Biên khu Điền Quế”, Hoàng Cảnh Văn làm Tư lệnh Chi đội 1. Tháng 7/1949, Tung đội này đổi tên là “Tung đội Biên khu Điền Quế Kiềm, Hoàng Cảnh Văn làm Tham mưu trưởng.

Do có một quá trình nhiều lần tiếp xúc với phía Việt Nam như vậy, dĩ nhiên Tham mưu trưởng Hoàng Cảnh Văn được Trần Canh chọn đi Việt Nam công tác. Theo hồi ký của bà Lý Hạ Sương, phu nhân Hoàng Cảnh Văn, khi Trần Canh tổ chức đoàn Cố vấn đi Việt Nam, Hoàng Cảnh Văn từng chủ động đề nghị được tham gia đoàn này.

Các thành viên Đoàn Cố vấn đều tập kết tại Côn Minh. Phó Sư đoàn trưởng Vương Nghiên Tuyền, đang chỉ huy tiễu phỉ ở vùng Điền Tây Nam, và vừa hoàn thành việc tuyển chọn cán bộ cho Đoàn Cố vấn quân sự đi Việt Nam, thì nhận lệnh về ngay Côn Minh. Về tới Đại Lý, anh gặp Điền Đại Bang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 119. Hai người cùng phóng về Côn Minh gặp Trần Canh. Các thành viên trong đoàn đều rất phấn khởi vì lại được xuất trận cùng Trần Tư lệnh. Riêng Lưu Sư Tường, 28 tuổi, vốn dự định tháng 7 này sẽ cưới vợ, thì có chút buồn, vì không biết do phải đi Việt Nam công tác nên ngày cưới của mình sẽ lùi đến bao giờ.

Trần Canh thận trọng và chu đáo chuẩn bị quà sẽ đem đi Việt Nam tặng Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông cho người đi Hồng Công mua một lô máy thu thanh vô tuyến, đồng hồ đeo tay và bút máy. Ông cũng mang quà cho La Quý Ba. Nếu tính cả những tặng phẩm nguồn gốc khác, tổng số quà tặng mang đi Việt Nam chất đầy sọt thồ của hai chục chú lừa. Tính thận trọng của Trần Canh còn thể hiện ở chỗ ngày 28 tháng 6, ông gửi điện cho Cục Tây Nam và cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc báo cáo: “Tôi quyết định ngày 5 tháng 7 rời Côn Minh đi Việt Nam. Thế nhưng tôi đi Việt Nam với danh nghĩa gì, đề nghị cấp trên cho biết.”

Ngày 30 tháng 6, ông nhận được điện trả lời của Trung ương: “Trần Canh đến Việt Nam có thể dùng danh nghĩa đại biểu Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Với danh nghĩa ấy, ông được trao toàn quyền, sau khi vào Việt Nam sẽ là người phụ trách cao nhất do Trung Quốc cử đi, trong trường hợp cần thiết, có thể thay mặt Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra các quyết định cần thiết. Còn La Quý Ba thì là Đại biểu liên lạc, do Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cử sang Việt Nam.

Mao Trạch Đông hoàn toàn tín nhiệm tài năng quân sự của Trần Canh. Chủ tịch Mao đồng ý phía Việt Nam sửa đổi quyết định: tấn công Cao Bằng [mà không tấn công Lào Cai như quyết định cũ]. Trong bức điện ngày 2 tháng 7 gửi Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Mao Trạch Đông viết: “Phương án tác chiến cụ thể đối với Cao Bằng, đợi Trần Canh đi Việt Nam rồi sẽ do các đồng chí bàn bạc quyết định cuối cùng. Sau này tác chiến như thế nào, điều đó sẽ do các đồng chí tự mình căn cứ theo tình hình cụ thể mà quyết định. Nếu chúng tôi có ý kiến thì cũng chỉ để các đồng chí tham khảo, vì các đồng chí nắm tình hình tốt hơn chúng tôi.”

Ngày khởi hành của Trần Canh có chút lùi lại. Sáng ngày 7 tháng 7 năm 1950, một đoàn xe lửa khổ nhỏ[1] lặng lẽ ra khỏi ga xe lửa Côn Minh chạy về phía Nam. Bên trong cửa sổ toa tàu, thấp thoáng bóng một vị khách muốn phóng tầm mắt nhìn xa ra bên ngoài, nhưng khi thấy bên đường có người thì lại vội vã cúi thấp xuống. Vị khách đó là Trần Canh. Sáng hôm ấy, Tư lệnh Trần Canh hôn từ biệt con gái mới sinh hôm mồng 8 tháng 4 vừa rồi. Tính ra còn chục hôm nữa là bé gái tròn một trăm ngày tuổi.

Dưới sự bảo vệ của một đại đội cảnh vệ, tướng Trần Canh dẫn đầu toán cán bộ tuỳ tòng, đáp chuyến xe lửa chạy trên tuyến đường sắt Việt Điền, bắt đầu sứ mệnh bí mật của mình.

Tuyến đường sắt khổ hẹp này do thực dân Pháp làm vào đầu thế kỷ 20 sau khi chúng chiếm cứ Việt Nam, nhằm mở rộng phạm vi thế lực của chúng đến tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tuyến đường chạy ngoằn ngoèo vòng qua các mỏm núi, tàu không thể chạy nhanh, cho nên đi tàu sẽ có dịp thưởng thức cảnh đẹp của sông núi miền Tây Nam Trung Quốc. Nhưng suốt dọc đường, Trần Canh chỉ suy nghĩ về tình hình chiến sự ở Việt Nam, chẳng lòng dạ nào ngắm phong cảnh. Đôi lúc, dòng suy nghĩ của ông lại trôi lên phương Bắc, hướng tới chiến trường Triều Tiên xa xôi. Trần Canh gọi Lưu Sư Tường đến, bố trí 3 nhiệm vụ của công tác cơ yếu trong chuyến đi này: – kịp thời dịch các bức điện báo; – thu được các điện báo “Tài liệu tham khảo” do Tân Hoa Xã phát đi; – thu nhận tin tức phát đi từ Điện đài Trung ương.

Hồi ấy, cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Quân đội Nhân dân Triều Tiên tận dụng hiệu quả của cách đánh bất ngờ, trong màn mưa chọc thủng “vĩ tuyến 38”, nhanh chóng đánh tan tuyến phòng ngự của đối phương. Ngày 28/6/1950, họ chiếm được Hán Thành [tức Seoul ngày nay], sau đó tách chủ lực làm hai nhánh Đông và Tây, ồ ạt tấn công xuống phía Nam. Ngày 30/6, Tổng thống Truman ra lệnh cho quân đội Mỹ tham gia chiến tranh Triều Tiên. Ngày 1/7, đội tiền trạm của sư đoàn 24 Lục quân Mỹ đến Triều Tiên. Ngày mồng 5, một tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn pháo binh Mỹ tiến vào vùng Đảo Sơn, bị bộ đội Triều Tiên nhanh chóng đánh cho thiệt hại nặng. Thế nhưng, quân Mỹ vẫn tiếp tục đổ bộ lên bán đảo này, làm cho cuộc chiến tranh Triều Tiên trở nên phức tạp.

Từ ngày mồng 1 đến ngày 6/7/1950, quân đội Triều Tiên tiến hành chiến dịch Thuỷ Nguyên, cho chủ lực vượt sông Hán Giang. Ngày mồng 4, họ đánh tan quân địch ở Thuỷ Nguyên. Nhằm tiêu diệt cứ điểm Cẩm Giang, An Đông của địch trước khi chủ lực Mỹ kịp triển khai, bộ đội Triều Tiên liên tục tiến lên, thành lập Bộ Tư lệnh Phương diện quân tuyến phía Nam. Ngày mồng 7, họ mở chiến dịch Đại Điền, nhằm buộc chủ lực của quân địch phải quyết chiến một trận với họ, qua đó tiến tới giải phóng toàn bộ đất nước….

Tất cả những chuyện thiên hạ đại sự ấy đều được danh tướng Trần Canh quan tâm. Chuyến đi Việt Nam lần này mở ra một trang mới đầy biến động trong cuộc đời của ông.

Trần Canh sinh ngày 27/2/1903 tại vùng nông thôn huyện Tương Hương, tỉnh Hồ Nam, tên cha mẹ đặt là Trần Thứ Canh. Ông nội là Trần Dực Hoài, xuất thân nghèo khổ, nhờ giỏi võ nghệ mà sớm đi lính, dần dần trở thành sĩ quan, sau giải ngũ về làm ruộng, trở thành phú hộ trong vùng. Cuộc đời của ông nội đã có ảnh hưởng tới cháu trai. Tỉnh Hồ Nam đầu thế kỷ 20 tràn đầy những trào lưu tư tưởng mới. Trần Thứ Canh 6 tuổi được đi học ở một trường tư. Sau khi đã chán ngấy với “Tứ Thư” “Ngũ Kinh”, 12 tuổi, cậu lại được vào học ở Thư viện Đông Sơn, huyện Tương Hương, nơi trước đó 5 năm Mao Trạch Đông từng học và tiếp thu được những tư tưởng mới. Năm 1917, gia đình bắt cậu về nhà lấy cô vợ lớn hơn cậu 2 tuổi. Trần Thứ Canh chống lại quyết định của cha mẹ, bắt chước ông nội ngày xưa, bỏ nhà đi lính, xin vào bộ đội địa phương tỉnh Hồ Nam khi mới 14 tuổi, và đổi tên là Trần Canh. Cậu tham gia cuộc chiến tranh Hộ Pháp[2] do Tôn Trung Sơn lãnh đạo, trải qua nhiều trận chiến. Sau 4 năm trong quân đội, Trần Canh thất vọng vì thấy cuộc chiến tranh thất bại. Anh xuất ngũ về làm nhân viên đường sắt ở Trường Sa và chịu khó tự học, có tiến bộ nhanh về môn tiếng Anh. Sau đó Trần Canh vào học tại Trường Đại học Tự tu, nơi từng được Mao Trạch Đông và nhiều người Cộng sản giảng dạy. Năm 1922, Trần Canh gia nhập Đoàn Thanh niên, rồi chuyển thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sau đó Trần Canh vào học trường Đại học Thượng Hải. Năm 1923, anh thi vào “Đại Bản doanh Lục quân Giảng Võ Học hiệu” của Chính phủ Quốc dân, do Tôn Trung Sơn lãnh đạo tại Quảng Châu. Năm sau, anh trở thành học viên khoá đầu của trường Quân chính Hoàng Phố vừa mới thành lập. Trong thời gian học, anh từng tham gia cuộc chiến đấu dẹp loạn của Quảng Châu Thương đoàn.

Tốt nghiệp trường Hoàng Phố, Trần Canh ở lại trường làm Đại đội trưởng, từng hai lần tham gia cuộc chiến đấu của quân cách mạng Quảng Đông dẹp cuộc nổi loạn của quân phiệt Trần Hồi Minh. Tháng 9/1925, Đông Chinh Quân do Tưởng Giới Thạch làm Tổng chỉ huy, Chu Ân Lai làm Chủ nhiệm Bộ chính trị, tấn công quân phiến loạn ở Huệ Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông. Trần Canh là đại đội trưởng đại đội chủ công. Trong trận đánh hôm 27/10, Tưởng Giới Thạch đích thân ra trận chỉ huy, bị quân địch bao vây, tình hình vô cùng nguy cấp. Trần Canh cõng Tưởng Giới Thạch vượt ra khỏi vòng vây. Sau đó ông lại một mình cầm thư viết tay của Tưởng Giới Thạch, cuốc bộ trăm dặm, tìm thấy Chu Ân Lai, Hà Ứng Khâm, để họ điều bộ đội tới cứu được Tưởng Giới Thạch. Lẽ đương nhiên, Tưởng Giới Thạch không thể quên được sự việc này. Từ đó, Trần Canh được gọi là “Hình mẫu của hợp tác Quốc – Cộng”.

Sau khi Đại cách mạng thất bại, Trần Canh theo Chu Ân Lai đến Nam Xương tham gia cuộc Khởi nghĩa Bát Nhất nổi tiếng [ngày 1/8/1927]. Trong lần tiến quân xuống miền Nam tác chiến, Trần Canh bị thương nặng ở chân, được chuyển đến Thượng Hải điều trị. Sau đó ông trở thành người phụ trách “Đặc Khoa” của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.[3] Năm 1931 Trần Canh vào khu Xô viết Ngạc Dự Hoàn, làm Sư trưởng Sư đoàn 12 Hồng quân, đánh thắng nhiều trận, trở thành chiến tướng nổi tiếng. Năm sau ông bị thương lần nữa rồi được đưa về Thượng Hải điều trị, sau khi lành vết thương, ông bị chính quyền Quốc Dân Đảng bắt giam. Nhờ từng có công cứu Tưởng Giới Thạch và nhờ Tống Khánh Linh [vợ Tôn Trung Sơn, chị vợ Tưởng Giới Thạch] ra sức cứu giúp, nên Trần Canh được trả tự do. Ông trở về khu Xô viết Giang Tây làm Hiệu trưởng Trường Bộ binh số 1 của Hồng quân, sau đó tham gia cuộc Trường chinh.

Thời kỳ đầu cuộc Kháng chiến chống Nhật, Trần Canh là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 386, thuộc Sư đoàn 129 của Bát Lộ Quân do Lưu Bá Thừa làm Sư trưởng. Khi bắt đầu chiến tranh giải phóng, Trần Canh dẫn bộ đội tiến hành một loạt chiến dịch. Tháng 8/1947 ông dẫn 80 nghìn chiến sĩ Binh đoàn Thái Nhạc vượt sông Hoàng Hà, tiến vào phía Tây tỉnh Hà Nam, diệt hơn 40 nghìn quân địch. Từ đó, ông trở thành vị chiến tướng nổi danh, được Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai coi trọng. Binh đoàn Trần Canh là chủ lực quân trong chiến dịch Hoài Hải. Tháng 4/1949, Trần Canh chỉ huy Binh đoàn 4 vượt sông Trường Giang tiến vào Giang Tây. Tháng 10, trong chiến dịch Quảng Đông, ông chỉ huy hơn 220 nghìn binh sĩ thuộc 2 binh đoàn tác chiến hơn một tháng, hoàn toàn giải phóng tỉnh Quảng Đông. Tiếp đó ông lại tham gia chỉ huy chiến dịch Quảng Tây, rồi lại chỉ huy chiến dịch Điền Nam tiến quân vào Vân Nam, bắt sống Thang Nghiêu, Phó Tổng Tư lệnh Lục quân Quốc Dân Đảng, giải phóng toàn tỉnh Vân Nam. Với hơn ba chục năm trong quân ngũ, Trần Canh thực sự từng trải trăm trận đánh. Trong chiến tranh giải phóng, Binh đoàn do ông chỉ huy xuất phát từ Thái Hành Sơn (tỉnh Sơn Tây), cuối cùng hành quân đến Vân Nam, tổng cộng đã tiêu diệt 503 nghìn lính địch (gồm bộ đội chính quy và bộ đội địa phương của Quốc Dân Đảng). Tới đây, Trần Canh đã hoàn thành sứ mệnh chiến đấu chủ yếu trên đại lục Trung Quốc. Trong số 10 tướng lĩnh Giải phóng quân về sau được phong quân hàm Đại tướng, xét về tổng binh lực từng chỉ huy, Trần Canh chỉ xếp sau tướng Túc Dụ [粟裕  Su Yu, 1907-1984].

Lịch sử có duyên nợ với Trần Canh, bao giờ lịch sử cũng đặt lên vai ông những sứ mệnh đầy màu sắc truyền kỳ.

(Còn nữa)

———–

[1] Đường sắt Hải Phòng – Côn Minh là đường khổ hẹp 1 mét, còn đường sắt toàn Trung Quốc đều dùng khổ tiêu chuẩn 1,435 m.

[2] Còn gọi là Phong trào Bảo vệ Pháp luật, do Tôn Trung Sơn phát động nhằm bảo vệ “Trung Hoa Dân quốc Lâm thời Ước pháp”, chống lại sự thống trị độc tài chuyên chế của bọn Quân phiệt Bắc Dương, tiến hành hai lần vào các năm 1917- 1922.

[3] Tên đầy đủ là “Trung ương Đặc vụ khoa” một cơ quan tình báo phản gián thành lập tháng 11/1927, nhằm bảo vệ an toàn của Trung ương Đảng, ban đầu do Cố Thuận Chương làm Trưởng Khoa.