Tại sao UAE là điểm đến yêu thích của các cựu quan chức?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Why Afghan officials have washed up in the United Arab Emirates”, The Economist, 28/8/2021.

Biên dịch: Phan Nguyên

Trong một số trường hợp, tiền mặt của họ đến trước.

Trong nhiều ngày, thế giới tự hỏi Tổng thống Ashraf Ghani đã đi đâu khi Taliban tiến vào Kabul, thủ đô của Afghanistan. Có một chút bất ngờ khi ông xuất hiện tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào ngày 18 tháng 8. Ông Ghani đã tham gia vào một danh sách dài các cựu lãnh đạo các nước tìm kiếm nơi trú ẩn ở quốc gia vùng Vịnh đầy nắng này. Pervez Musharraf, cựu tổng thống Pakistan, Thaksin Shinawatra, cựu thủ tướng Thái Lan và Juan Carlos, cựu vương của Tây Ban Nha, đều được cho là đã chuyển đến sinh sống ở UAE.

Hầu hết các nhà lãnh đạo này đã rời bỏ đất nước của họ trong một bối cảnh u ám. Ông Musharraf bị kết tội phản quốc vì vi phạm và đình chỉ hiến pháp Pakistan vào năm 2007. Thaksin Shinawatra bị kết tội tham nhũng khi còn làm thủ tướng. Juan Carlos bị cáo buộc có những phi vụ làm ăn mờ ám với Ả Rập Xê-Út. Và ông Ghani đã bị chỉ trích vì vơ vét và tháo chạy vội vàng khỏi Afghanistan, mặc dù ông phủ nhận các báo cáo rằng ông đã rời Kabul với hàng triệu đô la tiền mặt. Trong một video được đăng trên Facebook, ông nói rằng ông đã bỏ trốn chỉ “với một bộ quần áo truyền thống, một cái áo vest và đôi dép mà tôi đang đi.”

Các quan chức Afghanistan khác đã lên kế hoạch trước: họ bị nghi ngờ đã chuyển hàng trăm triệu đô la từ Kabul đến Dubai, trung tâm tài chính của UAE, trong những năm qua. Một cựu phó tổng thống, Ahmad Zia Masood, đã từng bay đến Dubai với 52 triệu đô la tiền mặt, theo các bức điện ngoại giao của Mỹ. (Thu nhập trung bình đầu người hàng năm ở Afghanistan là khoảng 500 đô la.) Một phần trong số tiền này đã được chuyển vào bất động sản. Sher Khan Farnood, cố chủ tịch của Ngân hàng Kabul (và là một tay chơi poker thích đặt cược cao), được cho là sở hữu hàng chục bất động sản tại khu Palm Jumeirah sang trọng ở Dubai – hoặc ít nhất, tên ông này xuất hiện trong các hồ sơ tài sản đó. Ông đã cho các cộng sự của Hamid Karzai, cựu tổng thống Afghanistan, vay tiền để mua các biệt thự ở tiểu vương quốc này. Farnood nói với Washington Post vào năm 2010 rằng, “Những gì tôi đang làm là không đúng đắn, không phải chính xác là những thứ tôi nên làm”.

Cũng quan trọng không kém chính là Dubai, nơi có thái độ thoải mái đối với tiền bẩn. UAE chỉ đạt điểm thấp trong bảng chỉ số về rủi ro rửa tiền do Viện Quản trị Basel tổng hợp. Điều đó đã gây khó khăn cho các chính phủ nước ngoài cố gắng giải quyết tham nhũng, nhưng nó lại biến Dubai trở  thành thiên đường ưa thích của những kẻ rửa tiền, buôn lậu vũ khí và các quan chức mờ ám. Ổn định và an toàn, Dubai thường được hưởng lợi khi nguồn vốn rời khỏi những nơi có nhiều biến động trong khu vực. Các quan chức Afghanistan không phải là những người đầu tiên xuất hiện với những chiếc vali chứa đầy tiền mặt. Những quan chức Đảng Baath từ Iraq đã đổ xô đến đó khi Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003. Những người thân của vị tổng thống Syria với bàn tay đẫm máu, Bashar al-Assad, cũng làm như vậy hồi năm 2012.

Những kẻ đào tẩu và lưu vong chính trị, những người rời đến UAE cho rằng họ có thể sống một cuộc sống an toàn, tách biệt (và thường là sang trọng). “Không có những tay săn ảnh, sẽ không có ai săn lùng bạn,” theo lời một người từng sống ở đây. Quan trọng hơn, quốc gia này thường không hỗ trợ các hoạt động theo đuổi công lý quốc tế. Các trường hợp dẫn độ là rất hiếm, và các vụ truy tố vì vi phạm tài chính ở nước ngoài còn hiếm hơn. UAE có một hiệp ước dẫn độ với Afghanistan, nhưng nó có thể không được tuân thủ nếu Taliban đưa ra yêu cầu. Nam Phi vẫn đang chờ đợi mòn mỏi để UAE giúp bàn giao anh em nhà Gupta, những người bị cáo buộc tham nhũng và được cho là đang sống ở Dubai. Hai nước đã ký một hiệp ước dẫn độ trong năm nay, nhưng Nam Phi vẫn đang phải chờ đợi. (Còn anh em nhà Gupta phủ nhận các hành vi sai trái.)

Đổi lại sự chào đón này, UAE thường gây được một số ảnh hưởng. Một số người lưu vong, chẳng hạn như Muhammad Dahlan, một người Palestine, tìm được một vị trí trong triều đình của Muhammad Bin Zayed, vị thái tử và là người cai trị trên thực tế của UAE. Thái tử Muhammad “giữ những lá bài để có thể áp dụng ở những khu vực địa lý quan trọng”, một cựu quan chức của UAE cho biết. Ông Dahlan, người bị xa lánh bởi cả hai đảng chính của Palestine, giúp UAE thực hiện công việc ngoại giao ở Serbia, Ethiopia và Israel. Những người tị nạn nổi tiếng cũng giúp quảng bá sự hấp dẫn của UAE. Christopher Davidson, một chuyên gia về các quốc gia vùng Vịnh, nói: “Họ đóng vai trò như một tín hiệu cho thấy rằng, UAE là nơi trú ẩn an toàn cho thị trường xám và chợ đen quốc tế. Nơi này cung cấp một cơ hội ẩn náu cho giới tinh hoa mờ ám trên thế giới.”

Đôi khi, UAE dường như chứa chấp những kẻ đào tẩu chính trị và các nhà lãnh đạo lưu vong để đạt được ảnh hưởng, hoặc sự ưu ái của Mỹ, một đồng minh quan trọng. Bộ Ngoại giao nước này cho biết, ông Ghani đã được chấp thuận nhập cảnh vì lý do nhân đạo. Nghe cũng có lý: khi Taliban lên nắm quyền lần trước, họ đã tra tấn, thiến và sát hại một trong những người tiền nhiệm của ông. Sự chào đón nồng nhiệt đối với ông cũng có thể là một phát súng nhắm vào Qatar, một đối thủ của UAE. Hồi những năm 1990, UAE là một trong ba quốc gia duy nhất công nhận chính quyền của Taliban ở Afghanistan (và được hưởng lợi từ dòng tiền buôn bán thuốc phiện). Nhưng gần đây, Taliban và các phần tử Hồi giáo lưu vong khác đã chuyển trụ sở đến Qatar, nước bị UAE cáo buộc ủng hộ chủ nghĩa cực đoan.

Qatar đã được khen ngợi vào năm ngoái khi tổ chức các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban, nhằm chấm dứt xung đột Afghanistan. Nhưng nếu Taliban quay trở lại với những cách thức dã man của họ trước đây, mối liên hệ với Taliban sẽ phản tác dụng. Ngược lại, UAE hiện đang cung cấp nơi nương tựa cho vị tổng thống được bầu cử một cách dân chủ cuối cùng của Afghanistan. Ông Ghani đã mang lại giá trị biểu tượng cho ngôi nhà mới của mình, nếu không muốn nói là không có gì khác ngoài điều đó.