Nhật ký Bắc Kinh (15/03/21): Tập Cận Bình chặn đường Hồ Xuân Hoa?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 03/2021.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hôm 5 tháng 3, ngày khai mạc kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân Đại) kéo dài một tuần, Chủ tịch Tập Cận Bình đã họp với các đại biểu của Khu tự trị Nội Mông miền bắc Trung Quốc. Ông yêu cầu họ nghiêm túc phổ biến “ngôn ngữ và tính cách chung của quốc gia”, đồng thời nhấn mạnh các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc phải nói cả tiếng phổ thông lẫn ngôn ngữ của họ.

Bài nói của ông chẳng khác nào yêu cầu người dân Nội Mông, vốn giáp ranh với Mông Cổ, không được nói tiếng Mông Cổ ở nơi công cộng. Trước đó, vào mùa thu năm ngoái, khu tự trị này đã thay tiếng Mông Cổ trong một số trường tiểu học và trung học cơ sở bằng tiếng Quan Thoại, khiến phụ huynh lên tiếng phản đối.

Thông điệp của ông Tập tại cuộc họp ngày 5 tháng 3 dường như là: Chống cự sẽ bị trừng phạt.

Về hình thức, ông Tập là đại biểu đại diện khu vực Nội Mông tại Nhân Đại. Do đó ông nghiễm nghiên phải dự họp với các đại biểu đến từ khu vực này. Nhìn chung, các tuyên bố của ông phản ánh các chính sách quan trọng của Đảng Cộng sản và không nhất thiết chỉ nhắm vào Nội Mông. Nhưng năm nay, một số bình luận của ông lại rõ ràng nhắm vào khu vực này.

Khi khiển trách các quan chức Nội Mông về tình trạng tham nhũng trong ngành than, ông từng tuyên bố truy quét những người có liên quan – thậm chí truy về cả nhiều thế hệ trước – và trừng phạt triệt để.

“Tôi sẽ buộc [họ] phải trả giá”, ông nói, theo Nhân dân Nhật báo, một cơ quan truyền thông của đảng.

Bộ Chính trị hiện tại, với 25 quan chức cao cấp nhất của Đảng Cộng sản, có một người từng là bí thư Nội Mông: Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa (trong hình).

Giờ đây, có suy đoán ông Tập muốn nhắm vào ông Hồ.

Hồ từng được coi là người sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Khắc Cường, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ hai vào tháng 3 năm 2023. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân ở tỉnh Hồ Bắc vào năm 1963, và thông minh đến nỗi mới 16 tuổi đã thi đậu vào Đại học Bắc Kinh danh tiếng.

Và cũng như ông Lý lẫn cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ông Hồ trưởng thành từ hàng ngũ Đoàn Thanh niên Cộng sản. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm việc ở Khu Tự trị Tây Tạng khoảng 20 năm.

Sau đó ông làm bí thư Nội Mông từ năm 2009 đến 2012. Tôi từng nói chuyện với ông một lần ở Hồi Hột, Nội Mông, vào năm 2011. Tôi vẫn còn nhớ khi tôi trình danh thiếp của mình, ông đã cười đáp: “Tôi cũng từng làm phóng viên báo địa phương ở Tây Tạng.”

Liệu ông có thể đạt được vị trí thủ tướng? Hiện tại, phía trước ông còn khá nhiều trắc trở.

Trong đảng có một phe gọi là “Đoàn phái”, bao gồm nhiều cựu quan chức đoàn thanh niên. Ai cũng biết, kể từ khi ông Tập trở thành lãnh đạo tối cao vào mùa thu 2012, phái này đã bị chỉ trích là “quý tộc” và “tập trung vào giải trí”. Những năm gần đây, các quan chức đoàn đã bị thất sủng mỗi khi đến mùa bổ nhiệm.

Hiện ông Hồ còn gặp khó hơn nữa vì vấn đề tham nhũng ở Nội Mông.

Vào ngày cuối của phiên họp, đại hội đã thông qua một bản sửa đổi luật tổ chức Nhân Đại, từ đó giúp cho việc bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm các phó thủ tướng trở nên linh hoạt hơn.

Nhiều nhà quan sát cho rằng khi ông Tập tìm kiếm nhiệm kỳ lãnh đạo tối cao thứ ba tại đại hội đảng mùa thu năm 2022, ông muốn thăng một trong những phụ tá thân cận của mình lên làm phó thủ tướng – để người này về sau trở thành ứng viên thủ tướng.

Có lẽ ông Tập đang muốn củng cố quyền lực cho đến tận những năm 2030.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.