Nhật ký Bắc Kinh (02/11/20): Giới làm truyền hình và chính trường TQ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asia, 11/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc hội nghị toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương vào thứ Năm bằng một thông cáo. Đêm hôm đó, chương trình thời sự của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc “Tân văn Liên bố” thực hiện một nghi thức quen thuộc: biên tập viên đọc toàn bộ nội dung văn kiện, mô tả các quyết định đã được đưa ra bởi hội nghị.

Tài liệu chiếm nửa giờ đồng hồ, bao gồm ý chính của kế hoạch 5 năm tiếp theo và một sáng kiến ​​dài hạn đến năm 2035.

“Tân văn Liên bố”, được phát sóng vào lúc 7 giờ tối hàng ngày, là chương trình tin tức hàng đêm phổ biến nhất ở nước này. Nó đưa tin về các hoạt động của Chủ tịch Tập Cận Bình và giải thích các chính sách của chính phủ. Ngay cả ở Trung Quốc, nơi các phương tiện truyền thông được coi là cơ quan tuyên truyền của đảng, Tân văn Liên Bố vẫn có uy quyền và một vị trí đặc biệt.

Thật kỳ lạ, nữ biên tập viên 43 tuổi nổi tiếng Âu Dương Hạ Đan (Ouyang Xiadan, trong hình) đã không lên sóng kể từ cuối tháng 4. Sự vắng mặt của cô đã thổi bùng tranh cãi đáng kể trên mạng xã hội Trung Quốc.

Âu Dương, người dẫn chương trình “Tân văn Liên bố” kể từ 2011, được biết đến với nụ cười rạng rỡ và tính cách dễ gần. Sau đợt bùng phát coronavirus hồi tháng 1, cô thường xuất hiện trên các chương trình đặc biệt. Không rõ lý do tại sao cô bỗng biến mất khỏi chương trình truyền hình, nhưng nhiều người suy đoán cô bị thẩm vấn về mối quan hệ với một quan chức cấp cao của chính phủ, người đã bị tước bỏ quyền lực vì bị cáo buộc có hành vi sai trái.

Các nhà báo CCTV thường vướng vào các vụ bê bối liên quan đến các quan chức cấp cao của đảng và chính phủ – bất kể những cáo buộc đó có đúng hay không.

Giả Hiểu Hiệp, vợ của Chu Vĩnh Khang – một thành viên cấp cao trong chính quyền của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã bị kết án tham nhũng vào năm 2014 và bị khai trừ khỏi đảng – cũng từng là một phóng viên truyền hình. Bà bị kết tội hối lộ vào năm 2016. Thậm chí còn có tin đồn chưa chứng thực là ông Chu đã cho giết người vợ đầu của ông trong một vụ đâm xe có dàn dựng để ông có thể kết hôn với bà Giả.

Đối với nhiều người, nghĩ đến CCTV là nghĩ đến tòa nhà trụ sở có hình dạng kỳ lạ của đài, vốn được hoàn thành vào năm 2012 tại khu thương mại Guomao ở Bắc Kinh. Dù vậy, studio của mảng tin tức vẫn đặt tại trụ sở cũ ở phía tây Bắc Kinh. Tòa nhà đó nằm ngay đối diện khách sạn Kinh Tây (Jingxi), nơi tổ chức hội nghị trung ương đảng. Đó cũng là khu vực đặt các cơ sở quân sự – Bảo tàng Quân sự Cách mạng Nhân dân Trung Hoa hay bên cạnh là Tòa nhà Bát Nhất, còn được mệnh danh Lầu Năm Góc của Trung Quốc.

Trụ sở cũ của CCTV nằm nép mình ở đó, như thể nó được bảo vệ bởi lực lượng vũ trang. Thật vậy, ở những nước đang phát triển, các nhóm nổi dậy nắm quyền luôn nhắm vào các đài truyền hình trước tiên.

Vì vậy có một điều rõ ràng là CCTV vẫn đang được bao bọc trong bí mật./.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.