Thế giới hôm nay: 01/10/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Quốc hội Mỹ đã thông qua một biện pháp khẩn cấp để giúp chính phủ Mỹ mở cửa cho đến tháng 12. Song các nhà lập pháp vẫn chưa nâng “trần nợ”, nếu không nước này sẽ có thể vỡ nợ vào ngày 18 tháng 10. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Joe Manchin của Tây Virginia, người đảng Dân chủ cần để thông qua gói mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, cho biết ông chỉ ủng hộ chi tiêu không quá 1,5 nghìn tỷ đô la – tức thu hẹp đi tới một nửa.

Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết sẽ kháng cáo bản án một năm tù tội vượt quá giới hạn chi tiêu trong chiến dịch tái tranh cử thất bại năm 2012. Dù kết quả ra sao ông cũng sẽ không phải ngồi tù, vì thẩm phán đã cho phép ông thụ án quản thúc tại gia. Hồi tháng Ba ông cũng đã bị kết tội trong một vụ án tham nhũng khác.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới ở Mỹ đã tăng 11.000 người trong tuần trước so với tuần kia, lên 362.000 người – đánh dấu tuần tăng thứ ba liên tiếp. Dù có tốt hơn giai đoạn đỉnh dịch, con số này vẫn cao hơn mức trung bình hàng tuần hồi năm 2019 là 218.000.

Một thẩm phán Anh kết án Wayne Couzens tù chung thân vì tội bắt cóc, hãm hiếp và giết Sarah Everard. Vụ án này đã khiến công chúng phẫn nộ với Cảnh sát Thủ đô London, vì người này làm cảnh sát ở đây vào thời điểm đó. Hôm thứ Tư, tòa nghe rằng Couzens đã lấy cớ bắt giữ để bắt cóc Everard hồi tháng Ba.

Hoạt động sản xuất ở Trung Quốc xuống mức âm trong tháng 9, lần đầu tiên kể từ đầu đại dịch. Chỉ số nhà quản lý mua hàng của nước này cũng giảm xuống 49,6, trùng khớp với nhận định của các nhà phân tích là nó sẽ không thể vượt 50, mức phân biệt giữa tăng trưởng và suy thoái. Tình trạng thiếu điện và các đợt bùng phát covid-19 lẻ tẻ đang đe dọa triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc, bên cạnh cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande. Hãng bất động sản này tiếp tục khất nợ vào thứ Tư.

Ngành bán lẻ Châu Âu trở thành nạn nhân mới nhất của gián đoạn chuỗi cung ứng. Chuỗi cửa hàng thời trang H&M cho biết tăng trưởng doanh số bán hàng đã chậm đi trong tháng 9 vì chậm giao hàng quốc tế khiến họ không thể đáp ứng kịp nhu cầu. Công ty thời trang nhanh trực tuyến Boohoo cũng cảnh báo chi phí vận chuyển và nhân công cao hơn sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận cả năm của hãng. Trong khi đó hãng nước giải khát Diageo kỳ vọng tăng trưởng khi quán bar và nhà hàng mở cửa trở lại.

Con số trong ngày: 40%, là tỷ lệ phụ nữ không biết cổ tử cung chính xác là gì, theo một cuộc khảo sát.

TIÊU ĐIỂM

Trung Quốc kỷ niệm Quốc khánh, mở đầu “Tuần lễ Vàng”

Thứ Sáu này là kỷ niệm Quốc khánh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 1 tháng 10 năm 1949. Sẽ có một buổi lễ thượng cờ tại Quảng trường Thiên An Môn. Đường phố được trang hoàng bằng hoa và lồng đèn đỏ, tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc, và hơn hết là hoạt động bắn pháo hoa.

Ngày Quốc khánh cũng mở đầu “Tuần lễ Vàng,” một kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần. Người ta thường dùng nó để đi du lịch: đợt lễ năm 2020 có khoảng 637 triệu người đến thăm các khu vực khác của đất nước, giúp tạo ra 68,6 tỷ đô la doanh thu du lịch. (Chính phủ khuyến khích cái được truyền thông nhà nước gọi là “du lịch trả thù” nhằm giúp thúc đẩy kinh tế sau các đợt hạn chế coronavirus.) Con số dự kiến của năm nay ​​là khoảng 650 triệu khách du lịch.

Ngoài du lịch, ngành phim ảnh cũng được hưởng lợi. Trong Tuần lễ Vàng 2020 các rạp chiếu phim đã bán được gần 100 triệu vé, thu về 580 triệu đô la. Dịp lễ năm nay ta sẽ thấy “Trận chiến ở Hồ Changjin”, bộ phim về một trận chiến giữa Trung Quốc và Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên, tận dụng tâm lý yêu nước hiện tại của người dân.

Lạm phát ở EU tiếp tục tăng

Lạm phát ở khu vực đồng euro tăng mạnh trong năm nay do giá năng lượng tăng và các nền kinh tế phục hồi sau suy thoái. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục xuất hiện trong chỉ số sơ bộ về giá tiêu dùng tháng 9 công bố vào thứ Sáu. Lạm phát sẽ tăng lên hơn 3%, vì giá xăng dầu cao. Ngay cả lạm phát cốt lõi, vốn không tính giá năng lượng và thực phẩm, cũng sẽ cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu.

Các nhà kinh tế trên thế giới đang cố gắng tìm hiểu xem liệu tình trạng lạm phát toàn cầu hiện nay có kéo dài không. Trước đại dịch vấn đề của khu vực đồng euro là lạm phát dưới mục tiêu, và hầu hết giới quan sát đều dự đoán nó sẽ quay về trạng thái đó. Tăng giá ở châu Âu không ngoạn mục như ở Mỹ (với mức cao nhất trong 13 năm là 5,4% vào tháng 6 và tháng 7), nhất là khi Mỹ tung ra nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn. Song yêu cầu đòi tăng lương ở Đức – nơi lạm phát tháng 9 đạt mức kỷ lục 24 năm là 4,1% – kỳ vọng lạm phát tăng lên mức tiền đại dịch đã khiến những người có quan điểm “diều hâu” tài chính lo lắng.

Expo 2020 khai mạc ở Dubai

Thứ Sáu này Dubai sẽ tổ chức hội chợ triển lãm thế giới, vốn đã trì hoãn một năm vì covid-19. Trước đây những sự kiện này thường mang đến cơ hội trình làng các phát minh ấn tượng. Chẳng hạn Expo lần đầu ở London năm 1851 giúp giới thiệu những động cơ hơi nước mới nhất; Expo Chicago năm 1893 trình làng điện; và Expo New York 70 năm sau trình làng máy tính cũng như các thiết bị điện tử khác.

Nhưng triển lãm của Dubai, kéo dài đến tháng 4 năm 2022, chủ yếu chỉ là một buổi giới thiệu về Dubai. Chính phủ đã chi 7 tỷ đô la cho các dự án xây dựng chào đón sự kiện này. Họ hy vọng thu hút được 25 triệu du khách – trong đó có những người sẽ thành lập doanh nghiệp hoặc mua nhà ở tiểu vương quốc, giúp thúc đẩy nền kinh tế đang chậm lại do đại dịch và giá dầu giảm.

Tiểu vương quốc đã bắt đầu hồi phục hậu đại dịch từ lâu. Giá trị tài sản đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2015. Ngoài ra Dubai cũng kiểm soát được đại dịch dù không đặt ra quá nhiều hạn chế. Doanh nghiệp vẫn được mở, quán bar vẫn chật người nhưng số ca nhiễm thấp. Ngoại trừ các gian hàng hào nhoáng, nhiều du khách có thể thích thú với hình ảnh một cuộc sống bình thường.

 Triển vọng đảo Síp bế tắc

Từ thứ Sáu món pho mát nổi tiếng của đáo Síp, halloumi, sẽ lên kệ các siêu thị châu Âu dưới dạng sản phẩm có bảo hộ chỉ dẫn địa lý (PDO). Điều này có nghĩa chỉ pho mát được làm trên đảo mới có thể được bán trong EU dưới cái tên này. Quyết định cũng sẽ áp dụng cho các nhà sản xuất ở nước cộng hòa ly khai bắc Síp, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng từ năm 1974, nơi loại pho mát này được gọi là hellim.

Không có nhiều triển vọng thống nhất hòn đảo. Đàm phán giữa hai phe Síp thân Hy Lạp và thân Thổ Nhĩ Kỳ đã sụp đổ từ năm 2017, khiến kể từ đó chỉ có đàm phán không chính thức. Nhà lãnh đạo Síp thân Thổ Nhĩ Kỳ, Ersin Tatar, liên tục khẳng định con đường duy nhất là một giải pháp hai nhà nước. Tại cuộc họp ở New York vào tuần này, ông Tatar và Nicos Anastasiades, tổng thống nước Síp còn lại, cũng không tìm thấy điểm chung nào. Nhưng ít nhất họ có cùng một tin vui: phô mát được bảo hộ PDO.