Nhật ký Bắc Kinh (19/03/21): Vai trò đối ngoại của Dương Khiết Trì và Vương Nghị

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asia, 03/2021.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Cuộc họp cấp cao Mỹ-Trung đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden đã bắt đầu tại Anchorage, Alaska, hôm thứ Sáu theo giờ Bắc Kinh.

Cuộc gặp này bất thường về nhiều mặt, trong đó có việc cả Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị lẫn nhà ngoại giao kỳ cựu và ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì đều tham dự. Cuộc hội đàm này, cách thủ đô Trung Quốc 6.000 km, đánh dấu một sứ mệnh chung hiếm hoi của hai ông.

Ông Dương, người tiền nhiệm của ông Vương, được biết đến trong bộ với tư cách một chuyên gia về Hoa Kỳ. Ông là bạn của gia đình Bush và từng là đại sứ tại Mỹ đầu những năm 2000. Từ năm 2007 đến 2013, ông tiếp tục phụ trách quan hệ với Hoa Kỳ trên cương vị ngoại trưởng dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Có lẽ chính khả năng điều tiết quan hệ với Mỹ đã giúp ông trụ lại sân khấu ngoại giao sau khi trở thành ủy viên quốc vụ dưới thời ông Tập và được bầu vào Bộ Chính trị mùa thu năm 2017. Ông là nhà ngoại giao đầu tiên tham gia Bộ Chính trị kể từ cựu phó thủ tướng Tiền Kỳ Tham, người lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc từ những năm 1980 đến đầu những năm 2000.

Ông Tập có lẽ đã tin tưởng Dương sẽ xây dựng được mối quan hệ hiệu quả với chính quyền Donald Trump. Nhưng ông xem ra không đáp ứng được kỳ vọng của Tập. Tần suất xuất hiện của ông tại các sự kiện ngoại giao đã giảm đi khi cuộc chiến thương mại với chính quyền Trump leo thang vào mùa xuân 2018. Giới chuyên gia nói quan hệ của ông với ông Tập đã xấu đi, đặc biệt khi bản thân ông lại thân cận với cựu chủ tịch Giang Trạch Dân.

Trong khi đó, ông Vương phát triển sự nghiệp với tư cách là một chuyên gia về Nhật Bản, từng làm đại sứ tại Tokyo. Kể từ khi nhậm chức bộ trưởng ngoại giao dưới thời ông Tập, ông đã công du khắp thế giới và xuất hiện trước công chúng còn nhiều hơn cả ông Dương thời còn đương chức bộ trưởng. Rõ ràng là ông Tập tin Vương hơn Dương.

Chỗ ngồi của ông trên bàn đàm phán ở Alaska có thể là một dấu hiệu cho thấy sự nghiệp của ông đang đà phát triển, song ông cũng bị giáng một đòn bất ngờ trong thời gian chuẩn bị cuộc họp.

Hoa Kỳ và Nhật Bản đã chỉ trích Trung Quốc tại cuộc họp hai cộng hai của họ hôm thứ Tư. Việc Tokyo theo Mỹ chống Trung Quốc rõ ràng không tốt với Vương, vì ông có quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã công kích Nhật Bản trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Tư. “Nhật Bản, vì ích kỷ muốn kìm hãm cuộc phục hưng của Trung Quốc, sẵn sàng cúi đầu làm chư hầu chiến lược cho Mỹ, gây mất niềm tin [và] làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc,” ông nói, có lẽ phản ánh sự thất vọng của Vương.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh chỉ cách Đại sứ quán Mỹ có 500m. Mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến tương lai của quan hệ Trung – Mỹ – cũng như số phận của hai nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.