Bên trong cuộc sống của các nhà ngoại giao ở Triều Tiên

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Colum Lynch, “The Life of Diplomats in North Korea”, Foreign Policy, 22/11/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

Các tài liệu nội bộ của Liên Hợp Quốc nêu chi tiết gánh nặng mà các nhà ngoại giao nước ngoài phải đối mặt do các lệnh trừng phạt và một chính phủ kiểm soát chặt đến ngột ngạt ở Bình Nhưỡng.

Ngày 12 tháng 9 năm 2011, đại sứ Nga tại Triều Tiên lúc bấy giờ, Valery Sukhinin, đã kể trước quan khách một cuộc họp của các nhà ngoại giao tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về các thách thức của đời sống ngoại giao ở Bình Nhưỡng trong bối cảnh Triều Tiên bị cấm vận.

Ông phàn nàn việc Đại sứ quán Nga phải vận chuyển những bao tiền mặt từ Moscow và Bắc Kinh để trang trải chi phí và trả lương cho nhân viên, vì các ngân hàng phương Tây không chấp thuận các giao dịch ngân hàng với Triều Tiên. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, bao gồm Toyota và Mitsubishi, do cảnh giác với các lệnh trừng phạt, đã không bán ô tô hoặc phụ tùng để phục vụ đội xe của Đại sứ quán, trong khi Volkswagen từ chối yêu cầu mua một chiếc xe jeep để Lãnh sự quán Nga sử dụng tại một khu vực không có đường nhựa, khẳng định rằng chiếc xe là một mặt hàng xa xỉ bị cấm xuất sang Triều Tiên.

“Bất chấp các lời đề nghị được gửi liên tiếp cho hai vị đại sứ của Đức, Đại sứ quán Nga đã không thể mua được một chiếc xe công vụ cho vị Đại sứ của mình từ Mercedes,” Sukhinin phàn nàn, theo một biên bản nội bộ của Liên Hợp Quốc về cuộc họp. “Cuối cùng, chiếc xe đã được Đại sứ quán Nga tại Bắc Kinh mua và đưa qua biên giới đường bộ tới Bình Nhưỡng”. Ông nói thêm rằng toàn bộ quá trình kéo dài hai năm.

Đối với Sukhinin, sự phẫn nộ như vậy là một phần của hệ thống trừng phạt kinh tế vốn gây ra những hậu quả không chủ đích, đó là trừng phạt những người ít đáng phải chịu trừng phạt nhất, bao gồm các dân thường Triều Tiên và các nhà ngoại giao nước ngoài. Nhưng đối với các đồng nghiệp phương Tây của ông, bao gồm các vị đại sứ của Anh và Đức, các lệnh trừng phạt gây ra ít khó khăn hơn, và phần lớn các đoàn ngoại giao nước ngoài đều có thể tìm ra giải pháp để giảm bớt sự bất tiện mà các lệnh trừng phạt gây ra. Theo các quan chức châu Âu, bất kỳ khó khăn nào mà ngoại giao đoàn gặp phải đều là lỗi của chế độ Triều Tiên, vốn đã đổ tài sản của quốc gia vào chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân bất hợp pháp, cũng như những thứ xa xỉ dành cho giới cầm quyền.

Vài tháng sau chuyến công tác của Sukhinin, đại sứ của Anh tại Triều Tiên khi đó, Karen Wolstenholme, đã đến New York, nơi bà đưa ra những phát biểu ngược lại phát biểu của vị đại sứ Nga. Bà nói với một chuyên gia về các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc rằng mặc dù hầu như không thể nhập khẩu hai chiếc xe mới thông qua ngả Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng có thể dễ dàng thu xếp để những chiếc xe này được đưa từ Thái Lan qua. Việc thực hiện điều đó chỉ cần một vài cú điện thoại.” Nhưng Wolstenholme cũng lưu ý rằng nguồn cung cấp nước và điện thất thường đã buộc các đại sứ quán Anh, Đức và Thụy Điển phải dựa vào máy phát điện. Các nhà ngoại giao Cuba và Mông Cổ thì kém may mắn hơn: Máy phát điện của họ đã hỏng hoàn toàn.

Những cuộc trao đổi này được rút ra từ hàng nghìn trang tài liệu mật nội bộ của hội đồng chuyên gia về Triều Tiên của Liên Hợp Quốc, bao gồm lịch trình công tác và các cuộc phỏng vấn với các nhà ngoại giao, chuyên gia và nhân viên cứu trợ nước ngoài. Chúng phản ánh cuộc chiến đang diễn ra giữa một bên là Nga và Trung Quốc, và một bên là Mỹ và các đồng minh phương Tây, nhằm định hình diễn ngôn quốc tế về những lợi ích và hạn chế của các lệnh trừng phạt, đặc biệt là ở các quốc gia đang phải chịu những khó khăn kinh tế lớn. Tuy nhiên, các tài liệu cũng cung cấp một góc nhìn hiếm hoi về cuộc sống của khoảng 300 nhà ngoại giao nước ngoài đang làm việc tại Triều Tiên, trong đó có hơn 100 người tại Đại sứ quán Nga.

Các nhà ngoại giao phải đối mặt với những khó khăn rất lớn trong việc thu thập ngay cả những thông tin cơ bản nhất về các hoạt động chính trị và hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm lệnh cấm tương tác xã hội trên thực tế với hầu hết các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ Triều Tiên, các hạn chế nghiêm ngặt về việc đi lại tới các địa phương trên cả nước, và một lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với việc tiếp cận các địa điểm hạt nhân. Ngay cả một chuyến đi thông thường đến thăm một dự án viện trợ nhân đạo cũng cần có sự hộ tống của nhân viên chính phủ Triều Tiên, qua đó làm các nhà ngoại giao không thể tiến hành các cuộc thảo luận không bị giám sát với các nhân viên cứu trợ và người dân địa phương.

Triều Tiên đã trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc từ năm 2006, ngay sau khi nước này thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên. Các biện pháp ban đầu được thiết kế để ngăn chặn hoạt động buôn bán công nghệ tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên, nhưng sau đó đã được mở rộng, dẫn đến việc hạn chế buôn bán nhiên liệu và than củi, cấm nhập khẩu hàng hóa xa xỉ, ngay cả khi Triều Tiên đạt được các tiến bộ quân sự ngày càng lớn.

Tranh cãi giữa các cường quốc về tác động của lệnh trừng phạt đối với cuộc sống của người dân Triều Tiên tiếp tục diễn ra tại trụ sở Liên Hợp Quốc, đặc biệt là trong các cuộc thảo luận về các điều kiện nhân đạo ở nước này. Đại dịch COVID-19 đã khiến đời sống của các nhà ngoại giao ở Bình Nhưỡng bị ảnh hưởng nặng nề, và hầu hết các phái đoàn ngoại giao nước ngoài, vốn chỉ được quanh quẩn trong các đại sứ quán của họ, đã quyết định rời Triều Tiên. Nhưng việc đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại đã làm phức tạp thêm những nỗ lực để rời khỏi nước này. Tháng 2 năm nay, các nhà ngoại giao Nga đã phải trải qua một hành trình dài 34 giờ bằng xe lửa và xe buýt đến biên giới, nơi họ phải kết thúc hành trình trên một chiếc xe đẩy bằng tay chạy trên đường ray.

Nhưng các khó khăn về thủ tục giấy tờ mà vị đại sứ Nga ở Bình Nhưỡng phải chịu đựng mười năm trước cũng được chia sẻ bởi những người khác, bao gồm cả các nhà ngoại giao Brazil, Ai Cập và Pakistan. “Đại sứ quán Brazil tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã không thể thực hiện được việc chuyển khoản trực tiếp từ tài khoản của mình ở Banco do Brasil (chi nhánh Miami) sang tài khoản của mình tại một ngân hàng địa phương ở Triều Tiên,” theo một bức thư của Phái đoàn Brazil gửi các chuyên gia trừng phạt của Liên Hợp Quốc. “Việc chuyển tiền phải được thực hiện thông qua một ngân hàng Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ngoài ra, ngân hàng này yêu cầu phải tiết lộ mục đích chung của mỗi lần chuyển tiền trước khi giao dịch được thực hiện với ngân hàng ở Bình Nhưỡng”.

Chính phủ Syria phàn nàn rằng đại sứ quán của họ ở Bình Nhưỡng đang gặp khó khăn trong việc mua các thiết bị văn phòng cơ bản, bao gồm máy tính và máy photocopy. “Rất khó để mua ô tô và phụ tùng ở thị trường trong nước, cũng như tìm phụ tùng thay thế hoặc bảo dưỡng cho những chiếc ô tô đã mua ở nước ngoài”, phái bộ Syria phản đối như vậy trong một bức thư gửi Liên Hợp Quốc. “Không có thực phẩm nào được bày bán trên thị trường Triều Tiên có khả năng đáp ứng nhu cầu của những người không phải là cư dân địa phương.”

Phái bộ Syria cho biết thêm: “Các lệnh trừng phạt khiến việc di chuyển của các nhà ngoại giao trở nên khó khăn: các hãng hàng không quốc tế không có văn phòng và không có dịch vụ chuyến bay, cũng như không có các đại lý du lịch, và chỉ có duy nhất một hãng hàng không. Không thể tìm thấy những mặt hàng xa xỉ như đồ tiêu dùng, nhu yếu phẩm trang trí nội thất gia đình, hoặc các thiết bị điện và điện tử. Nếu có thì giá sẽ đắt đỏ hơn nhiều so với bình thường.”

Những giai thoại này nhấn mạnh những thách thức khi tiến hành hoạt động ngoại giao ở một quốc gia vốn nếm trải cả sự kiểm soát cực đoan của chính phủ đối với mọi khía cạnh đời sống con người lẫn các biện pháp trừng phạt sâu rộng của Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu, những biện pháp làm hạn chế một loạt các hoạt động kinh tế, nhưng không phải đối với tất cả mọi đối tượng.

Các phái đoàn ngoại giao phương Tây tại Bình Nhưỡng, bao gồm cả Anh, Đức và Ý, đã hạ thấp tác động của các lệnh trừng phạt đối với các hoạt động ngoại giao của họ, thay vào đó nêu bật tác động từ những quy định quan liêu quá mức mà chính phủ Triều Tiên áp đặt. Đại sứ khi đó của Đức tại Triều Tiên, Gerhard Thiedemann, đã tổ chức một cuộc họp gồm các chuyên gia trừng phạt của Liên Hợp Quốc vào ngày 9 tháng 12 năm 2011, và vẽ ra một bức tranh khác về cuộc sống của một nhà ngoại giao phương Tây ở Triều Tiên, nơi lệnh cấm hàng xa xỉ cũng không ngăn được giới thượng lưu Triều Tiên mua những chai rượu whisky 18 năm tuổi tại một cửa hàng địa phương.

Các nhà ngoại giao phương Tây có quyền tiếp cận cực kỳ hạn chế với các quan chức Triều Tiên, những người bị cấm giao du với hầu hết người nước ngoài; Thiedemann chỉ được gặp vị vụ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Bộ Ngoại giao. Để đi đến vùng nông thôn nhằm giám sát một dự án viện trợ nhân đạo, nhà ngoại giao Đức cần phải có công văn cho phép chính thức và được hộ tống bởi một nhân viên chính phủ. Yêu cầu đến thăm cơ sở hạt nhân của Triều Tiên tại Yongbyon thường xuyên bị từ chối. “Nếu không có công văn cho phép và nhân viên hộ tống, vị đại sứ thậm chí còn không được phép lái xe đến biên giới với Trung Quốc,” theo lời một biên bản của cuộc họp.

Cuộc sống ở Bình Nhưỡng cũng tạo cơ hội để quan sát ​​mối quan hệ giữa Triều Tiên với các quốc gia bị trừng phạt khác, bao gồm Iran, nước bị nghi ngờ chia sẻ công nghệ hạt nhân và tên lửa với Bình Nhưỡng. Thiedemann lưu ý rằng đại sứ Iran rất tích cực ở Bình Nhưỡng và ông đã nhìn thấy khá nhiều người Iran tại sân bay trong một chuyến thăm gần đây.

Ông cũng chỉ ra rằng đại sứ Iran đã đảm bảo với ông trong một cuộc trò chuyện gần đây dù không được hỏi, rằng Iran chỉ hợp tác với Triều Tiên về “các vấn đề kinh tế và văn hóa, và” chắc chắn không có “vấn đề hạt nhân.”