Nụ cười Gagarin: Quyền lực mềm của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Stephen Dowling

Yuri Gagarin đã xoá bỏ hình tượng nghiêm nghị đến mức sắt đá của Liên Bang Xô Viết trong mắt phương Tây.

Ông là một người Nga cuốn hút, dễ tính với gương mặt luôn nở nụ cười. Người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ đã trở thành một công cụ tuyên truyền đầy quyền lực.

Chính nụ cười của ông đã chinh phục trái tim công chúng toàn thế giới.

Nhóm được lựa chọn vào đội du hành khám phá không gian đầu tiên của Liên Xô có 20 người. Trong số họ có Gherman Titov, cho đến nay vẫn là người trẻ tuổi nhất bay vào vũ trụ (ở tuổi 26), và Alexei Leonov, người đầu tiên mạo hiểm rời khỏi tàu vũ trụ để đi bộ ngoài không gian.

Thế nhưng những nhà tiên phong này cũng vẫn chỉ là đi theo bước chân Gagarin.

Phi hành gia sẽ trở thành người đầu tiên bay vào quỹ đạo cần phải là một phi công điềm đạm và tự tin, một người có thể thực thi sứ mệnh chưa từng có mà không bị rối trí.

Quy trình lựa chọn phi hành gia bay vào vũ trụ của Liên Xô dựa vào nhiều tiêu chuẩn hơn là kỹ thuật thuần tuý.

Người ta từng nói rằng nụ cười của Yuri Gagarin có thể làm tan chảy trái tim sắt đá nhất, đến cả những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Liên Xô cũng không phải là ngoại lệ.

Khi Sergei Korolev – tổng công trình sư hàng không vũ trụ của Liên Bang Xô Viết – lần đầu gặp nhóm phi hành gia tiên phong, ông đã gần như chỉ trò chuyện cùng cậu trai Gagarin đầy sức hút trong suốt cuộc gặp. Sau này, ông gọi cậu là “cánh chim đại bàng non” của chương trình chinh phục không gian mà ông phụ trách.

Sứ mệnh lịch sử của Gagarin trên con tàu vũ trụ Phương Đông 1 vào ngày 12/4/1961 diễn ra trong 1 giờ 48 phút – ngắn hơn nhiều so với thời lượng trung bình của một bộ phim chiếu rạp.

Phi công lái chiến đấu cơ Gagarin vốn là cựu công nhân xưởng đúc cao có 1m55 – vóc dáng thấp bé của ông hoá ra lại hoàn hảo cho không gian chật hẹp bên trong khoang tàu Phương Đông – đã bay từ Sân bay Vũ trụ Baikonur (hiện thuộc Kazakhstan), và điều thú vị là khi xuất phát ông đã buông một câu nói mộc mạc không theo nghi thức vào bộ đàm: “Đi thôi!”

Chưa đầy hai giờ sau, tàu vũ trụ của ông quay về, hạ cánh xuống mặt đất gần thành phố Engels ở miền tây nước Nga, và bản thân Gagarin đã tiếp đất vài phút sau đó bằng dù.

Một bà nông dân và đứa cháu gái đã chứng kiến cảnh con tàu nặng nề hạ cánh xuống Trái Đất, và bắt gặp một vị khách lạ trong bộ đồ bay màu bạc cất tiếng chào.

“Tôi nói với họ, đừng sợ, tôi là người Liên Xô giống bà, tôi vừa hạ cánh từ không gian và cần tìm điện thoại để gọi về Moscow!” Gagarin sau đó viết như vậy trong cuốn nhật ký công tác của mình.

Sau đó, chỉ trong vòng vài tuần, gương mặt của nhà du hành vũ trụ sớm nổi như cồn được cả thế giới biết đến.

Yuri Gagarin đã trở thành người đầu tiên chinh phục không gian. Bộ Chính trị ngay lập tức trao cho ông một sứ mệnh khác – chinh phục thế giới.

Các nhà lãnh đạo Liên Xô biết rằng nếu sứ mệnh thành công, người đầu tiên vào không gian sẽ trở thành gương mặt được biết đến trên toàn thế giới. Nhà du hành vũ trụ đầu tiên sẽ trở thành một vũ khí của quyền lực mềm.

Liên Xô giữ bí mật về sứ mệnh của Gagarin cho đến khi ông trở về Trái Đất an toàn – và sau đó phát tin này đi khắp nơi thông qua bản tin của hãng thông tấn nhà nước TASS.

Các tường thuật đã gây chấn động toàn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, quốc gia lúc ấy đang cố gắng đánh bại người Nga để thực hiện chuyến bay có người lái đầu tiên vào vũ trụ.

“Khoảng 4 giờ sáng, tiếng chuông điện thoại liên tục reo lên ở bờ đông Hoa Kỳ vì các phóng viên yêu cầu các quan chức Nasa phản hồi về bản tin của TASS,” Nasa viết trong một báo cáo về sứ mệnh của Gagarin.

“John A ‘Shorty’ Powers (người phụ trách đối ngoại của Nasa thời gian 1959-1963 trong Dự án Mercury) trả lời phóng viên đầu tiên trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, ‘chúng tôi còn đang ngủ’.”

Một tờ báo nổi tiếng của Hoa Kỳ giật tít ngay vào ngày hôm sau: “Liên Xô đưa người vào vũ trụ: Người phát ngôn của Nasa cho biết nước Mỹ còn đang ngủ.”

Lúc đó, Gagarin chỉ là một cái tên, một phi công vô danh trong lực lượng không quân Liên Xô hôm trước, nay được tung hô là nhà thám hiểm không gian đầu tiên.

Vào ngày 14/4, hai ngày sau khi Gagarin trở về Trái Đất, Liên Xô công bố danh tính nhà du hành vũ trụ cho toàn thế giới tại một cuộc ra mắt hoành tráng ở Quảng trường Đỏ, Moscow sau cuộc diễu hành dài 10km xuyên thành phố. Hàng triệu công dân Liên Xô đã tham dự.

“Nhà lãnh đạo Xô Viết Nikita Khrushchev trước đó nói: ‘Sự kiện này không được sắp đặt trước, mà sẽ là tự phát’,” Tom Ellis, giáo sư bộ môn lịch sử Chiến tranh Lạnh tại trường London School of Economics, nói.

Và buổi diễu hành diễn ra tự phát thật, có những đoạn phim tuyệt vời ghi lại cảnh công nhân và sinh viên nhảy múa cùng nhau.

“Người ta cho rằng những buổi lễ ăn mừng sự trở về Trái Đấtcủa Gagarin cùng tàu vũ trụ là những sự kiện tưng bừng nhất, lớn nhất kể từ khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu, hồi 16 năm trước.”

Sức hút và nụ cười dễ mến của Gagarin nhanh chóng đem lại kết quả. Những lời mời dành cho nhà du hành vũ trụ đầu tiên bay đến từ khắp nơi trên thế giới.

“Ông ấy đi đến đâu cũng có đám đông muốn gặp mặt, ngay cả ở Vương quốc Anh, đồng minh kiên định của Hoa Kỳ,” Ellis nói. “Rất khó cho chúng ta thời nay để hiểu được niềm khát khao thời đó. Mọi người ai cũng muốn được một lần nhìn thấy ông ấy.”

Gốc gác bình dân của Gagarin quả là lý tưởng cho công tác tuyên truyền của Liên Xô.

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở ngôi làng nhỏ gần thành phố Smolensk miền tây nước Nga, ngôi làng bị Đức xâm chiếm khi cậu bé Gagarin mới 7 tuổi; gia đình cậu bị đuổi ra khỏi nhà và phải sống trong một túp lều đắp bằng bùn suốt 21 tháng.

Yuri tham gia phá hoại thiết bị của Đức và may mắn sống sót qua cuộc chiến, tuy phải nằm viện vài tháng.

Gagarin là một sinh viên giỏi – đặc biệt là trong ngành kỹ thuật và toán – nhưng không phải là một con mọt sách – cậu cũng giỏi thể thao không kém và vừa học vừa làm trong một xưởng đúc.

Sau này, khi đã tốt nghiệp trở thành phi công quân sự, ông lái máy bay chiến đấu MiG ở vùng cực bắc nước Nga, gần biên giới Phần Lan.

Trong số hàng trăm người nộp đơn, ông là một trong 20 người đầu tiên được chọn vào phi đội du hành vũ trụ đầu tiên của Liên Bang Xô Viết.

Thành tựu của Gagarin được nhớ tới qua những tượng đài, ví dụ như bức tượng này ở Moscow

Chuyến thăm của Gagarin đến Vương quốc Anh, ba tháng sau chuyến bay lịch sử, ban đầu là một sự kiện được thận trọng cân nhắc.

Vương quốc Anh, đồng minh của Hoa Kỳ, hành xử cẩn trọng trong chính trị, đã từ chối tổ chức chuyến thăm theo cấp nhà nước, mặc dù Gagarin được tháp tùng bởi một phái đoàn chính thức.

Giới chức Anh có lẽ phải ngạc nhiên vì sự phấn khích của dân chúng dành cho ông.

Một hiệp hội công nhân xưởng đúc – để tôn vinh nghề nghiệp cũ của Gagarin – mời nhà du hành vũ trụ đến thành phố Manchester, và do nhận lời mời, Gagarin đã nán lại thêm.

“Có một khoảnh khắc khá nổi tiếng khi ông ấy xuất hiện ở Manchester, ông đứng trong chiếc xe mui trần tuy khi đó trời mưa, bởi vì, ông ấy nói, ‘Mọi người đã đến đây để nhìn tôi.'”

Chuyến đi vòng quanh thế giới của Gagarin diễn ra vào thời điểm nhạy cảm của mối quan hệ Đông-Tây.

Nó được thực hiện chỉ vài tháng trước khi Bức tường Berlin được dựng lên. Chuyến bay của ông khởi hành chỉ vài ngày trước vụ xâm nhập bất thành Vịnh Con Lợn của Cuba do Hoa Kỳ hậu thuẫn; Cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba một năm sau đó sẽ đẩy thế giới đến gần với nguy cơ đối đầu hạt nhân hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh căng thẳng như thế, chuyến thăm của Gagarin là một khoảnh khắc kỷ niệm hòa bình hiếm hoi, và có thể là một cách để xoa dịu căng thẳng chính trị đang leo thang.

“Một trong những người làm việc cùng ông ấy nói, ‘Những người đã xin được chữ ký và có một chút thời gian giao lưu với ông ấy sẽ khoe với tất cả bạn bè và gia đình của họ, đồng thời bắt đầu đọc thêm về chương trình không gian,'” Ellis nói.

“Khi đến Anh, ông ấy được xem là một người hùng,” Gurbir Singh, nhà báo chuyên viết về vũ trụ, người từng ra cuốn sách về chuyến ghé thăm Vương quốc Anh của Gagarin, nói. “Ông ấy đã làm một điều mà chưa ai trên thế giới làm được. Không chỉ là về tốc độ và độ cao mà ông đạt được… mà còn là trải nghiệm về một vùng trời mới – không gian vi trọng lực, phi trọng lượng – thứ chưa một ai từng trải qua, và sẽ không có ai khác được trải nghiệm trong vài tháng sau đó.”

Vụ phóng vệ tinh Sputnik 1 vào năm 1957 đã khiến các quốc gia phương Tây hoảng sợ. Họ xem đó là bằng chứng về kho vũ khí tên lửa đạn đạo của Liên Xô.

Nhưng Sputnik đã không hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình, Gurbir nói, khi nó bốc cháy trong bầu khí quyển khoảng ba tháng sau.

“Còn Gagarin là một người, một con người bằng xương bằng thịt, một nhân vật rất thú vị… Ông toát lên vẻ ấm áp, cuốn hút. Và đặc biệt là nụ cười của ông! Tất cả những ai tôi từng hỏi chuyện về ông đều nhớ về nụ cười dễ mến đó.”

Hình tượng của Gagarin không hề lụi tàn theo sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết

Ở Anh, sự yêu mến người dân dành cho Gagarin đã khiến chính quyền ngạc nhiên.

“Ông ấy rõ ràng là đã gặp Thủ tướng MacMillan và Nữ Hoàng tại Điện Buckingham, nhưng cả hai cuộc gặp này đều không được tính đến trước khi ông tới Anh. Chính phủ Anh đã rất bối rối khi một mặt phải công nhận thành tựu công nghệ không gian của Liên Xô. Đó là một thành tựu công nghệ vĩ đại – và đồng thời công nhận sự dũng cảm của cá nhân ông… đó là một cuộc phiêu lưu cực kỳ mạo hiểm.”

Về sau này người ta mới biết rằng Gagarin đã may mắn sống sót khi thực hiện chuyến bay – không phải vì các vấn đề trong không gian, mà vì module đưa ông quanh về Trái Đất đã không thể tách khỏi module bay quanh quỹ đạo đúng cách. Các sợi dây cáp không được cắt đứt đúng yêu cầu và hai khoang lái đã quay dữ dội cho đến khi các sợi dây đồng hoàn toàn đứt ra. Chỉ sau đó, Gagarin mới có thể phóng dù ra khỏi module khoang lái và hạ cánh trở lại Trái Đất an toàn.

“Vì vậy, khi ông ấy đến thăm, tất cả mọi người ở phương Tây đều thừa nhận rằng đây là một thành tựu to lớn của Liên Xô.”

“Các chính trị gia cao cấp của Anh bị đặt vào tình thế vô cùng khó xử. Một mặt họ muốn ghi nhận thành tựu to lớn của Liên Xô, nhưng mặt khác họ lại không muốn làm mất lòng các đồng minh bên kia Đại Tây Dương. Vào thời điểm đó, chương trình không gian của Mỹ đang gặp khó khăn trong việc bắt kịp người Nga.

“Cuối cùng thì cũng có cách thỏa hiệp, đó là lời mời Gagarin đến thăm Vương quốc Anh không phải đến từ chính phủ Anh mà đến từ nhiều cấp khác nhau – bao gồm cả thị trưởng Newcastle.”

Một cuộc triển lãm quảng bá cho Liên Xô, được mở một ngày trước khi Gagarin đến, là một cái cớ nữa nhằm mở đường cho chuyến đi của ông.

Mặc dù vào thời điểm đó Gagarin đã từng ghé thăm thủ đô Praha của Tiệp Khắc khi đó và thủ đô Helsinki của Phần Lan, ông Singh nói, nhưng chuyến thăm thủ đô London là mới là đỉnh cao vì “nơi đó là trung tâm của thế giới tư bản phương Tây”.

Mức hâm mộ của người dân giành cho Gagarin khiến chính quyền Anh kinh ngạc, và các cuộc gặp gỡ của ông với Thủ tướng và Nữ Hoàng đã được vội vàng sắp xếp

Một Gagarin luôn mỉm cười, theo Ellis, là “một gương mặt ưa nhìn hơn đại diện cho thế giới cộng sản. Gagarin là một nhân vật đầy sức cuốn hút. Ông là hiện thân của Liên Xô và hành trình mà họ trải qua. Ông có một tuổi thơ bị tàn phá bởi chiến tranh… ông đi từ hợp tác xã trang trại đến những vì sao chỉ trong 27 năm. Quá trình đó cũng biểu trưng cho thành tựu mà Liên Xô đã đạt được.”

Khi cha mẹ ông dự lễ diễu hành ăn mừng ông ở Quảng trường Đỏ, họ được yêu cầu ăn mặc giản dị, nhằm củng cố thêm lý tưởng “từ con trai người thợ mộc trở thành phi hành gia đầu tiên bay vào không gian” mà giới lãnh đạo Liên Xô muốn thể hiện ra công chúng.

Sự tôn vinh gốc gác bình dân của Gagarin đi xa hơn cả cuộc chiến tranh lạnh giữa phương Đông và phương Tây, Ellis nói.

Thời kỳ đầu thập niên 1960 là giai đoạn có sự thay đổi toàn cầu to lớn, với nhiều vùng thuộc địa cuối cùng cũng giành được độc lập.

Ellis nói rằng những thành công của Gagarin – và những thành tựu to lớn của Liên Xô – là “mô hình phát triển” cho nhiều quốc gia vừa mới ra đời.

“Về cơ bản, Liên Xô đang động viên họ rằng, ‘Hãy nhìn xem, chúng tôi đã trải qua những điều tương tự như các bạn, chúng tôi từng lạc hậu về công nghệ, và giờ chúng tôi đã cố gắng vươn lên phía trước và bay vào vũ trụ chỉ sau một khoảng thời gian ngắn’.”

Một Gagarin luôn tươi cười là gương mặt dễ nhìn của công chúng đại diện cho một thứ gì đó kỳ vĩ hơn – một ngành công nghiệp khổng lồ có thể thiết kế và chế tạo tên lửa đưa con người bay vào không gian.

Chuyến đi của Gagarin bao gồm một điểm dừng tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (về lý thuyết, ông không hề đặt chân lên đất Mỹ vì trực thăng đưa ông đi thẳng từ sân bay đến trụ trở Liên Hiệp Quốc), và cả những quốc gia mới giành được độc lập như Ấn Độ, Sri Lanka và Afghanistan.

Không giống như hầu hết các nhà du hành vũ trụ cùng thời – như Alexei Leonov, người qua đời vào năm 2019 ở tuổi 85 – Gagarin trường tồn với thời gian. Những bức tượng, tranh vẽ về ông, giống như chính nhà du hành vũ trụ trẻ tuổi, không bao giờ già đi.

Sau chuyến đi vòng quanh thế giới, Gagarin trở thành phó giám đốc Trung tâm Đào tạo Phi hành gia mới thành lập.

Sự nổi tiếng đột ngột và áp lực của trọng trách ngoại giao đã khiến cuộc hôn nhân của ông trở nên căng thẳng; có những tin đồn về tình trạng nghiện rượu và ngoại tình, trong đó có cả chuyện Gagarin phải nhảy qua cửa sổ khi bị vợ bắt quả tang đang ăn nằm với một phụ nữ khác.

Gagarin sau đó tập trung vào việc rèn luyện để quay trở lại không gian. Nhà du hành vũ trụ đầu tiên từng là phi công dự bị cho sứ mệnh Soyuz đầu tiên vào tháng 4/1967; sứ mệnh này kết thúc trong bi kịch, giết chết người bạn Vladimir Komarov của Gagarin.

Chính quyền Liên Xô cấm ông bay vào vũ trụ, mặc dù Gagarin đã kiên trì bay đủ giờ trên máy bay phản lực để giữ tư cách huấn luyện viên đủ năng lực.

Gagarin tử nạn trong một trong những chuyến bay huấn luyện đó, vào 3/1968.

Trong một sự cố vẫn còn đầy thuyết âm mưu và gây tranh cãi, chiếc phi cơ huấn luyện MiG-15 của Gagarin đã rớt xuống một khu rừng ngay rìa ngoại ô Moscow. Khi đó ông chỉ mới 34 tuổi.

Kỳ tích của Gagarin khiến cho biển người luôn vẫy chào ông từ khắp nơi trong chuyến đi vòng quanh thế giới

“Khi Gagarin chết, mọi thứ dần trở nên bất lợi cho Liên Xô,” Ellis nói. “Sergei Korolev cũng qua đời. Rồi Hoa Kỳ vươn lên dẫn trước với tên lửa Saturn V, tên lửa đã đưa người Mỹ lên Mặt Trăng. Liên Xô biết họ đang gặp rắc rối.”

Vị thế của Gagarin trong chương trình vũ trụ của Liên Xô dần bị người Mỹ làm cho lu mờ.

“Ông được tôn vinh như một người hùng,” Ellis nói.

“Khi Neil Armstrong tới thăm Liên Xô, ông được đám đông vui mừng vây quanh ngắm nhìn. Nasa cho rằng có thể là do Armstrong trông thân thiện, hơi giống gương mặt Gagarin.”

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Nguồn: BBC Việt ngữ